18 tuổi, đi du học hay đi làm việc ở nước ngoài?

Tôi có hai người quen, vì không tiện nêu tên nên tạm gọi là anh A và B; cả hai anh đều có con năm nay 18 tuổi. Và 2 cháu đều vừa trải qua kỳ thi THPT và xét tuyển đại học, đều được 26 điểm, đều trượt nguyện vọng 1 và đỗ nguyện vọng 2.

Sau khi trao đổi kỹ trong gia đình, và tham vấn một số người quen, trong đó có tôi, cả 2 gia đình đều quyết định sẽ cho 2 cháu đi nước ngoài, nhưng theo 2 kịch bản hoàn toàn khác nhau.

Vì đã trượt nguyện vọng 1, không được học ở ngôi trường mơ ước, gia đình anh A quyết định cho con đi du học ở một nước châu Á. Theo anh A, lựa chọn này là phù hợp với kinh tế gia đình (trung bình ở Hà Nội) vì trường của con anh ở một thành phố chỉ cách Hà Nội vài giờ bay, có mức sống tương đương Hà Nội, học phí cũng không quá đắt nên về cơ bản tổng chi phí anh phải chi trả để nuôi con trong 4 năm ăn học cũng không đắt hơn nhiều kế hoạch ban đầu của gia đình mà con lại được học nước ngoài, ở một trường đại học thuộc top 1.000 thế giới (nguyện vọng 1 là một trường đại học tự chủ có mức học phí khoảng vài chục triệu đồng/năm).

Gia đình anh B ở nông thôn, mức kinh tế cũng thuộc nhóm trung bình ở nông thôn. Sau khi biết con mình trượt nguyện vọng 1 cũng là nguyện vọng mơ ước, gia đình động viên cháu quay sang hướng đi làm việc ở nước ngoài, mà mọi người quen gọi là xuất khẩu lao động. Gia đình dự kiến sẽ vay mượn họ hàng để cho cháu đi học tiếng rồi sau đó sẽ đi làm việc ở nước ngoài vào năm sau hoặc năm sau nữa.

Thử tưởng tượng, nếu hai gia đình anh A và anh B kể trên đang ở thời điểm cách đây 20 năm, đầu những năm 2000, liệu họ sẽ có quyết định giống như bây giờ? 

Tôi nghĩ là không. Khi đó, tôi dự đoán đến 90% khả năng, 2 gia đình nhà anh A và anh B sẽ chọn phương án cho 2 cháu đi học đại học theo nguyện vọng 2 và đều trở thành sinh viên ở Việt Nam, có khi còn là bạn học của nhau.

Tại sao vậy?

Bởi cơ hội đi nước ngoài, bao gồm cả đi du học lẫn xuất khẩu lao động, cũng như bối cảnh giáo dục đại học tại thời điểm đó khác xa bây giờ. 

Nếu như từ 1990 trở về trước, chỉ những học sinh, sinh viên học giỏi mới có cơ hội để đi du học thông qua các chương trình học bổng Nhà nước thì từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, đã bắt đầu có nhiều người trẻ có thể đi du học qua kênh tự túc, nhưng phần lớn là ở các nước phương Tây, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh như Anh, Úc, Mỹ nơi có học phí và chi phí rất đắt đỏ. Chỉ những gia đình thực sự khá giả mới đủ khả năng cho con em mình đi du học tự túc. Và đó không phải hoàn cảnh của gia đình nhà anh A. Vì vậy, nếu ở trong bối cảnh những năm 2000, lựa chọn tốt nhất cho gia đình anh chính là việc cho con học đại học theo nguyện vọng 2.

Cũng trong những năm 2000, tương tự như việc du học tự túc, nhiều thanh niên Việt Nam đã có thể đi làm việc ở nước ngoài, nhưng các lựa chọn chưa nhiều và chưa dễ dàng như hiện nay. Bên cạnh đó, giá trị của việc đi học đại học ở thời điểm đó trong mắt xã hội vẫn còn rất cao. Nên dù có trượt nguyện vọng 1 thì các gia đình nông thôn cách đây 20 năm thường sẽ vẫn cố gắng cho con học đại học ở nguyện vọng 2, chứ không phải là chọn con đường xuất khẩu lao động như gia đình anh B hiện nay.  

Câu chuyện của 2 gia đình làm tôi suy nghĩ miên man suốt những ngày qua. Tôi mừng cho gia đình anh A vì cháu nhà anh đã có thể có một lựa chọn ưng ý. Còn với gia đình anh B, tôi muốn thuyết phục gia đình anh đừng cho cháu đi xuất khẩu lao động, hãy ở lại trong nước đi học nguyện vọng 2 cũng tốt.

Là người làm khoa học, tôi tin vào các nghiên cứu thực chứng. Các nghiên cứu thực chứng dựa trên dữ liệu lớn của cả thế giới và Việt Nam đều cho thấy, nhìn chung, đi học đại học vẫn luôn tốt hơn không đi học, trước nhất ở khía cạnh kinh tế (thu nhập người lao động). Nhưng tôi cũng hiểu, nhỡ đâu cháu nhà anh B lại là ngoại lệ (trong khoa học luôn luôn có ngoại lệ – giới nghiên cứu gọi là điểm dị biệt outlier) thì sao. Vả lại với phương án lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài, rõ ràng là trước mắt, anh B sẽ không phải lo lắng về kinh tế cho con anh. Tôi không thể đưa chuyện lâu dài – một thứ lâu dài bất định, đúng với số đông nhưng chưa chắc đúng với từng trường hợp cụ thể – để thuyết phục anh B đổi ý được.

Trong các nghiên cứu kinh điển về kinh tế – xã hội học giáo dục, có 2 quan điểm trái ngược nhau về vai trò của giáo dục đối với những biến đổi về vị trí xã hội của từng cá nhân. Quan điểm thứ nhất – tạm gọi là quan điểm lạc quan khi cho rằng, giáo dục là phương tiện giúp cho giảm thiểu bất bình đẳng bởi nhờ giáo dục, nhiều cá nhân ở vị trí xã hội thấp hơn, có thu nhập kém hơn sẽ có cơ hội thay đổi thân phận, thay đổi cuộc đời của mình để trở thành những người hiểu biết hơn, có vị trí xã hội tốt hơn và giàu có hơn.

Quan điểm ngược lại là quan điểm bi quan khi cho rằng giáo dục sẽ ngày càng làm gia tăng bất bình đẳng, khi người giàu, người có vị trí cao hơn trong xã hội có nhiều điều kiện hơn, được học thêm nhiều hơn, và sẽ lại có cơ hội được học ở những chỗ tốt hơn và nhờ vậy lại càng có vị trí xã hội tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Bất bình đẳng, phân tầng xã hội vì vậy ngày càng nới rộng.

Ứng với trường hợp 2 gia đình người quen kể trên, có vẻ như mỗi trường hợp lại ứng với một quan điểm: lựa chọn của gia đình anh A phù hợp với quan điểm lạc quan, còn lựa chọn của gia đình anh B tương thích với quan điểm bi quan. Là người luôn có suy nghĩ tích cực, tôi mong muốn quan điểm lạc quan đúng với càng nhiều trường hợp càng tốt. Mặc dù vậy, tôi cũng hiểu rằng, quan điểm lạc quan này sẽ chỉ có thể trở thành hiện thực nếu trước hết, nhà nước có những thiết kế chính sách phù hợp; tiếp đó, từng gia đình, từng cá nhân phải có những lựa chọn thông minh và sáng suốt nhất cho bản thân mình.

Đăng lại từ Dân trí

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 1 / 5. Số đánh giá: 2

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh