9 nhóm Guru mà các nhà nghiên cứu trẻ cần biết

Ảnh: New Guru via Behance | CC BY-NC 4.0

Khi bước chân vào nghề, một nhà nghiên cứu trẻ (sinh viên năm 3-4, học viên cao học, nghiên cứu sinh) thường được khuyên là phải biết và đọc trước các bài của các Guru trong ngành của mình. Nhưng không nhiều người biết Guru thực ra cũng có nhiều nhóm, nhiều loại, dẫn đến việc khi tìm hiểu không được hệ thống. Dưới đây tôi liệt kê có 9 nhóm guru theo cách phân loại của Research Coach In Social Sciences:

(1) Guru của ngành ở cấp độ toàn cầu, đã có những trước tác kinh điển, lý thuyết, mô hình, phương pháp kinh điển nhưng đã qua đời, không còn hoạt động chuyên môn nữa.

(2) Guru của ngành ở cấp độ toàn cầu, đã có những trước tác kinh điển, lý thuyết, mô hình, phương pháp kinh điển, nhưng đã nghỉ hưu, không còn nghiên cứu thường xuyên, thi thoảng mới công bố 1-2 bài, viết 1-2 cuốn sách, hoặc lên truyền thông, hội nghị nói dăm ba điều.

(3) Guru của ngành ở cấp độ toàn cầu, đang ở độ chín của sự nghiệp, cũng đã có 1 số nghiên cứu, lý thuyết, mô hình, phương pháp kinh điển; công bố, nghiên cứu như bổ củi, vắt chanh, mỗi lần “suỳ chưởng” là 1 lần thiên hạ được phen mê mẩn vì sức sáng tạo, ý tưởng độc đáo.

(4) – (5) – (6) Lần lượt hơi giống (1) – (2) – (3) nhưng ở cấp độ khu vực (Ví dụ: Châu Á, Đông Nam Á)

(7) – (8) – (9) Lần lượt hơi giống (1) – (2) – (3) nhưng ở Việt Nam

Lưu ý là trong phần lớn trường hợp Guru từ (4) – (9), nhất là nhóm (8) – (9) chưa đến tầm Guru. Chẳng hạn một người thuộc nhóm (9) mới chỉ dừng ở mức công bố đều như vắt chanh, có nhiều bài đỉnh cao trong lĩnh vực chuyên môn hẹp chứ chưa có nghiên cứu, lý thuyết, mô hình, phương pháp kinh điển gì cả. Nhưng vì họ vẫn đứng đầu trong nhóm của họ nên chúng ta vẫn tạm gọi họ là Guru.

Qua quá trình đào tạo và huấn luyện khi làm Research Coach In Social Sciences, tôi thấy phần lớn các học viên biết về các guru rất… lỗ mỗ.

Ví dụ các nghiên cứu viên trong ngành giáo dục phần lớn chỉ biết về Jean Piaget, Vygotsky … đều là Guru nhóm (1). Hỏi đến một vài cá nhân tiêu biểu thuộc nhóm (3) là mù tịt.

Hoặc như ngành marketing, chúng ta nói quá nhiều về P. Kotler mặc dù cụ năm nay cũng đã ngoài 90 tuổi, thuộc nhóm (2). Đệ tử ruột của cụ, đang ở độ chín tuổi 50-60 hỏi đến thì hầu như không biết.

Rồi việc không biết các guru thuộc nhóm (7)-(9) cũng quả là đáng tiếc. Một số người còn không phân biệt được nhóm (8), (9) với một số nhà nghiên cứu người Việt có trình độ cũng kha khá, coi là như nhau. Dẫn đến việc trong giao đãi nghề nghiệp, đôi khi bị thất thố.

Nguyên nhân của việc này thì có nhiều, nhưng tựu chung là vì chúng ta không được học 1 cách bài bản. Chương trình ở bậc đại học, sau đại học không cập nhật sách vở, bài báo mới nhất. Thầy hướng dẫn có thể cũng không cập nhật thường xuyên hoặc biết mà không chỉ cho.

Tất nhiên vẫn có ngoại lệ. Ví dụ như các sinh viên đến từ các chương trình vốn thuộc Chương trình tiên tiến mà Bộ GD&ĐT triển khai trong giai đoạn 2008-2015 là ngoại lệ. Vì trong giai đoạn này, các chương trình này cập nhật rất tốt các chương trình của trường đối tác, nên đến tận bây giờ thì di sản vẫn còn. Tương tự, các chương trình liên kết quốc tế, hoặc sử dụng tài liệu tiếng Anh cũng có xác suất cao hơn thuộc nhóm ngoại lệ. Một nhóm ngoại lệ nữa là do thầy hướng dẫn chỉ cho – cái này hẳn nhiên rồi. Tuy nhiên nhiều khi thầy không chỉ hết hoặc chỉ rồi nhưng trò tiếp nhận không đủ nên không nắm hết vấn đề.

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh