6 thói quen thúc đẩy năng suất viết học thuật

Các học giả ngày nay phải chịu áp lực rất lớn trong việc viết và xuất bản đi kèm với khối lượng lớn các công việc giảng dạy và quản lý khác đang ngăn cản họ tập trung vào việc đó. Bài viết dưới đây tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với 23 học giả trên khắp Vương quốc Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ của nhóm Prolifiko về các thói quen giúp gia tăng năng suất viết lách. Nhóm nghiên cứu đã cố tình chọn một nhóm đa dạng để không đưa ra bất kỳ giả định nào dựa trên tuổi tác, thâm niên hoặc nền tảng nghiên cứu. Kinh nghiệm học thuật của 23 học giả dao động từ sáu tháng đến 27 năm và các lĩnh vực chủ đề bao gồm khoa học xã hội, kinh tế, kinh doanh và nghệ thuật.

Ảnh: Marianna Tomaselli via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Trong khi mọi học giả đều có một hệ thống năng suất viết cho riêng họ, chúng tôi nhận thấy có sáu “thói quen” phổ biến mà các học giả năng suất nhất (và thường ít căng thẳng nhất) có xu hướng sử dụng.

1. Lên kế hoạch “chọn khung giờ” (time-blocking) để viết

Lên lịch – đặt trước thời gian để tập trung viết – là thói quen phổ biến nhất trong các học giả được phỏng vấn. Dường như loại phương pháp time-blocking và độ dài khoảng thời dành cho việc viết có vẻ không quan trọng. 

Điều dường như quan trọng hơn nhiều là hành động lập kế hoạch, vì điều này giúp cá nhân chuẩn bị về mặt tinh thần cho việc viết, do đó làm cho quá trình này dễ dàng hơn và ít căng thẳng hơn.

2. Tự đặt ra những thời hạn giả

Các nhà khoa học biết rằng năng suất của họ sẽ giảm khi họ không có các thời hạn bên ngoài. Điều này đặc biệt là trở ngại đối với công việc viết sách hoặc nghiên cứu trường hợp, những công việc yêu cầu nhà nghiên cứu dành thời gian đáng kể để làm việc một mình. Mặc dù các học giả không phải lúc nào cũng thích áp lực về thời hạn bên ngoài, nhưng họ thừa nhận rằng họ cần sự tập trung tâm trí.

Những học giả năng suất nhất tự đặt ra thời hạn viết lách để giúp họ liên tục tiến về phía trước. Một phương pháp phổ biến là sử dụng các bài thuyết trình hội nghị sắp tới làm cột mốc quan trọng. Một số cố tình sử dụng những dịp này như một động lực bên ngoài vì họ biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước các đồng nghiệp – và điều này khiến họ luôn tập trung.

3. Chủ động tìm kiếm “dòng chảy” (flow) (nhưng không thúc ép bản thân quá mức nếu họ không thể tìm thấy nó)

Các học giả năng suát chủ động sắp xếp cách thức làm việc của họ để đạt được trạng thái “dòng chảy” – một trạng thái giúp cá nhân chìm đắm vào công việc. Tuy nhiên, những người có mối quan hệ dễ dàng nhất (và hiệu quả nhất) với việc viết lách có xu hướng biết khi nào nên ngừng cố gắng tìm kiếm trạng thái dòng chảy này. Họ không thúc ép bản thân khi họ không thể đạt được “khoảng không gian trống” mà họ cần. Thông thường, họ nghỉ ngơi để đi và làm việc khác thay vì căng thẳng và cố hết mức để viết.

4. Tự thiếp lập hệ thống giải trình xung quanh mình

Các học giả năng suất nhất sử dụng một số loại hệ thống trách nhiệm giải trình để giúp họ viết – mặc dù các hệ thống này đều rất khác nhau. Một số hợp tác với các đồng nghiệp (lên lịch trao đổi bản thảo với nhau, thống nhất số lượng từ và thời hạn). Làm việc hợp tác làm cho các học giả cảm thấy ít đơn độc hơn trong quá trình việc; họ cũng nhận thấy việc có các cam kết rằng phải viết cho người khác mang lại cho họ động lực thúc đẩy công việc này.

5. Sử dụng các bước nhỏ và thời hạn ngắn để giải quyết các dự án lớn

Các học giả năng suất đã học được cách cấu trúc quy trình viết của họ để tránh bị quá tải với các dự án viết lớn. Thông thường, họ làm điều này bằng cách sử dụng phương pháp “từng bước nhỏ”, theo đó họ tiếp cận mục tiêu viết lớn dần dần hoặc với thời hạn ngắn. Đôi khi điều này đạt được bằng cách chia nhỏ nhiệm vụ thành nhiều phần nhỏ hơn – ví dụ như bằng cách tiếp cận dự án theo từng chương – hoặc bằng cách từ từ làm quen với các dự án viết lớn bằng cách thực hiện các dự án viết nhỏ trước.

6. Duy trì viết lách để “thoát” khỏi các lối mòn

Các học giả nhận thấy rằng việc bắt đầu các dự án mới là phần khó khăn nhất của quá trình viết, đối với các học giả lâu nằm thì việc này càng nặng nề hơn do “sức nặng của kỳ vọng”. Nhiều người nói rằng họ bị mắc kẹt trong “hố sâu” giữa khoảng thời gian một dự án kết thúc và một dự án khác bắt đầu. Tại thời điểm này, các nhà học thuật năng suất có xu hướng duy trì viết, cố tình thực hiện một loạt các dự án nhỏ để duy trì đà phát triển. Nhiều người khuyên bạn nên sử dụng “viết tự do” – một kỹ thuật viết liên tục không phán xét, tức là viết liên tục mà không nhìn lại và không chỉnh sửa – để thoát ra khỏi lối mòn của họ.

Hệ thống ẩn

Trong khi mọi học giả mà chúng tôi phỏng vấn đã phát triển hệ thống cá nhân của riêng họ để giúp họ viết, chỉ có một học giả nói rõ ràng rằng họ “có một hệ thống” của riêng mình. Những người còn lại không nhận ra rằng (và có lẽ không quan tâm lắm) họ đã phát triển các kỹ thuật này thông qua nhiều năm thử và sai. Nhưng mọi người đều có thể học hỏi từ những hệ thống viết ẩn này; chính những điều này sẽ giúp tất cả học giả luôn tập trung và làm việc hiệu quả, đồng thời trở nên thành công hơn.

Dịch từ LSE Impact of Social Sciences blog

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh