Các tác giả ở các quốc gia có thu nhập thấp hiếm khi xuất bản các bài báo có thể đọc miễn phí, ngay cả khi họ đủ điều kiện để được miễn giảm phí xuất bản.
Một phân tích trên hàng chục nghìn bài báo cho thấy các tác giả đến từ các khu vực thu nhập thấp có ít các bài báo truy cập mở hơn so với các bài báo có trả phí. Các phát hiện cho thấy phí mà các tạp chí thu để xuất bản các bài báo truy cập mở đã đặt ra rào cản đối với các tác giả ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình – điều mà các nhà khoa học trước đây đã nghi ngờ nhưng gặp khó khăn khi chứng minh.
Ngày càng có nhiều các tạp chí học thuật xuất bản dưới dạng truy cập mở, một phần do các yêu cầu từ các quỹ tài trợ. Mặc dù sự thay đổi này đã làm cho các tài liệu học thuật được tiếp cận rộng rãi hơn, nhiều nhà nghiên cứu đã lưu ý rằng phí xử lý bài báo (article-processing charges – APC) – khoản phí thường được yêu cầu để xuất bản nghiên cứu truy cập mở – có thể ngăn cản các tác giả sử dụng lựa chọn xuất bản này.
Emilio Bruna, một nhà sinh thái học và nghiên cứu về Mỹ – Latinh học tại Đại học Florida ở Gainesville, nói: “Một trong những điều trớ trêu lớn của quyền truy cập mở là nó cho phép các tác giả trên khắp thế giới tiếp cận được những tài liệu khoa học mà trước đây bị khóa sau bức tường phí, nhưng nó lại khiến họ không xuất bản được trên cùng các tạp chí ấy.”
Bruna cũng nhận định rằng mặc dù nhiều người trong cộng đồng khoa học đều nhận ra bất cập này, nhưng thật khó để chứng minh nó bằng nghiên cứu thực chứng. Một trong số các vấn đề là việc khó so sánh trực tiếp các tạp chí truy cập mở và không truy cập mở, bởi vì ngay cả những tạp chí của cùng một nhà xuất bản cũng có thể khác nhau về các yếu tố như danh tiếng và tiêu chuẩn chấp nhận.
Dự án thử nghiệm “tạp chí nhân bản” (mirror journal) của nhà xuất bản Hà Lan Elsevier, kéo dài từ năm 2018 đến năm 2020, đã mang đến cho nhóm của Bruna một cơ hội. Theo chương trình này, các tạp chí “hỗn hợp” hiện có (là các tạp chí có cả các bài báo truy cập có trả phí và miễn phí), sẽ có một phiên bản giống hệt (tiêu đề, quy trình biên tập, bình duyệt), chỉ khác ở chỗ phiên bản này sẽ cho truy cập mở hoàn toàn. Những tạp chí như vậy được gọi là tạp chí nhân bản.
Nhóm nghiên cứu của ông đã khảo sát hơn 37.000 bài báo được xuất bản trên 38 cặp tạp chí nhân bản và tạp chí “mẹ”, vốn chủ yếu xuất bản dưới dạng có trả phí. Các nhà nghiên cứu xác định vị trí địa lý của mỗi tác giả thứ nhất của bài báo, sau đó tra cứu danh mục thu nhập của Ngân hàng Thế giới của quốc gia đó và liệu tác giả có đủ điều kiện để được miễn trừ APC toàn bộ hay một phần theo tiêu chuẩn Research4Life – một chương trình hợp tác cung cấp hỗ trợ cho các tác giả từ các quốc gia nhất định; Elsevier và 200 tổ chức khác là thành viên. APC của các tạp chí nhân bản có giá trung vị là 2.600 đô la Mỹ; hầu hết các tạp chí hỗn hợp có APC giống hệt với các tạp chí phản chiếu của chúng.
Sự chia tách hai bán cầu
Nhìn chung, các tạp chí nhân bản (truy cập mở) có nhiều bài báo mà tác giả thứ nhất đến từ Bắc Mỹ, Đông Á và khu vực Thái Bình Dương nhiều hơn so với các bài báo trả phí trong các phiên bản “mẹ” (thu phí độc giả) tương ứng của chúng. Các tạp chí này có ít tác giả chính đến từ các khu vực có thu nhập thấp hơn, đặc biệt là các khu vực ở phía nam toàn cầu, chẳng hạn như Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông, Bắc Phi, và châu Phi cận Sahara. Khoảng 80% các bài báo trên các tạp chí nhân bản có tác giả thứ nhất đến từ các nước thu nhập cao và không có tác giả nào thứ nhất nào từ các nước thu nhập thấp.
Rafael Zenni, một nhà sinh thái học tại Đại học Liên bang Lavras ở Brazil, cho biết: “Những kết quả như thế này càng làm rõ rằng có một rào cản tài chính rất lớn đối với việc xuất bản khi các tạp chí tính phí APC. Đó là điều mà chúng tôi phải đối mặt hàng ngày. Trong các khoản tài trợ cho nghiên cứu của chúng tôi, hiếm khi có nguồn lực nào hỗ trợ cho phí xuất bản.”
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy rằng các tác giả ở các quốc gia đủ điều kiện cho chương trình hỗ trợ phí xuất bản hầu như không bao giờ xuất bản các bài báo truy cập mở. Bruna ngạc nhiên bởi sự kém hiệu quả của những chương trình này.. Bên cạnh đó, mức phí hỗ trợ dù rất lớn thực chất cũng không đáng kể đối với các tác giả đến từ các nước thu nhập thấp – những người thường phải bỏ tiền túi để trả phí APC.
Peter Suber, giám đốc Văn phòng Truyền thông Học thuật Harvard ở Cambridge, Massachusetts, cho biết: “Chúng ta vốn luôn thừa nhận rằng APC là thứ cản trở những tác giả không có nguồn lực. Nhưng phương pháp lượng hóa rào cản kinh tế này là rất mới mẻ và có sức thuyết phục hơn.. Phí APC đã bóp méo nghiên cứu khoa học, nó cản trở các tác giả và tất cả chúng ta nên cố gắng tìm cách vượt qua những rào cản đó.”
Elsevier đã từ chối yêu cầu bình luận của nhóm tin tức Nature về nghiên cứu này.
Dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 4
Chưa có đánh giá.