Vũ khí hóa đạo văn và mối đe dọa tới tự do học thuật

Bài viết đã được đăng tải trên Zing News

Các trường đại học hàng đầu nước Mỹ đang phải trải qua một thời kỳ sóng gió với liên tiếp các cáo buộc về gian lận học thuật lẫn tranh cãi chính trị. Trong bối cảnh chiến tranh Hamas – Isreal đang diễn ra, nhiều nhóm sinh viên đã lên tiếng về tình trạng bài Do Thái gia tăng trong khuôn viên trường đại học, với nhiều cuộc biểu tình ác ý nhắm tới sinh viên Isreal. Trước tình trạng này, 3 hiệu trưởng các trường gồm Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania và Viện Công nghệ Massachusetts đã được triệu tập lên Hạ viện Mỹ vào ngày 5 tháng 12 vừa rồi để đối chất về chính sách đối phó với các hành vi thù ghét của các trường. Phiên điều trần kéo dài 5 tiếng chỉ làm bùng nổ thêm chỉ trích của dư luận tới những người đứng đầu 3 trường đại học Ivy League, khi cả 3 đều không đưa ra được lập trường rõ ràng trước các cáo buộc dung túng cho các hành vi bài Do Thái của sinh viên. Bốn ngày sau phiên điều trần, hiệu trưởng trường Đại học Pennsylvania, bà Elizabeth Magill đã từ chức vì áp lực dư luận. Mặc dù cũng chịu sự chỉ trích tương đương, Claudine Gay – nữ hiệu trưởng da màu đầu tiên của Đại học Harvard – vẫn nhận được sự ủng hộ của Hội đồng quản trị Tập đoàn Harvard. Tuy vậy, những cáo buộc đạo văn liên tiếp nổ ra sau đó buộc bà Gay phải tuyên bố từ chức vào ngày 2 tháng 1 vừa rồi.

Cáo buộc đạo văn của Claudine Gay

Vào ngày 10 tháng 12, nhà hoạt động đảng bảo thủ Christopher Rufo và Christopher Brunet, biên tập viên trang American Conservative, đã đăng tải một bài viết trên Substack cáo buộc rằng Gay đã mắc lỗi đạo văn một số nội dung trong luận án tiến sĩ năm 1997 của bà ấy. Vào ngày 11 tháng 12, Washington Free Beacon đưa tin đã tìm thấy 29 lỗi đạo văn trong luận án của Gay và ba bài báo khác của bà. Vào ngày 12 tháng 12, tờ New York Post đã xuất bản một câu chuyện kể về hai nội dung bổ sung bị cáo buộc đạo văn ở một trong những bài báo đó. Sau đó, vào ngày 19 tháng 12 và ngày 1 tháng 1, Free Beacon đã công bố hai đơn khiếu nại ẩn danh gửi tới Harvard, nêu chi tiết 47 nội dung mà Gay đã đạo văn.

Tổng cộng, có 50 phần nội dung của Gay bị tố đạo văn, trải dài trong 8 công trình của bà: một bài luận năm 1993 đăng trên tạp chí Origins, luận án tiến sĩ năm 1997, một bài báo nghiên cứu năm 2001 và năm bài báo bà đã xuất bản khi còn là giáo sư tại Stanford và Harvard (trong tổng số 11 bài báo bà công bố trong suốt sự nghiệp của mình).

Cụ thể, ở một số nội dung, Gay đã lấy nguyên văn từ ngữ, câu cú từ tài liệu khác nhưng không đặt văn bản đó trong dấu ngoặc kép, dù có trích dẫn văn bản gốc. 

Ví dụ, các câu được bôi vàng trong Hình 1 là sao chép y nguyên từ công trình “Race, Sociopolitical Participation, and Black Empowerment” của tác giả Lawrence Bobo và Franklin D. Gilliam, Jr. Mặc dù đã có trích dẫn trong câu (Bobo and Gilliam (1990)), Gay vẫn bị cáo buộc là mắc lỗi đạo văn do sao chép lại y nguyên một nội dung lớn từ văn bản gốc. 

Hình 1: Một đoạn mắc cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ của Gay. Nguồn: The Washington Post

Lỗi thứ hai mà Gay mắc phải là không trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng luận điểm, ý tưởng từ tài liệu khác. Mặc dù đã diễn giải lại và có sửa đổi câu từ để tránh việc sao chép y hệt, những người tố cáo Gay vẫn nhận ra sự tương đồng lớn về ngữ nghĩa so với tài liệu mà bà trích dẫn.  Ví dụ, như được chỉ ra ở Hình 2, một lập luận mà Gay đưa ra trong bài báo “A Room for One’s Own” được công bố trên tạp chí Urrban Affairs Review dường như được lấy từ một bài báo được công bố vào năm 2011 của tác giả Anne R. Williamson. Tuy vậy Gay đã không trích dẫn bài báo này trong công trình của mình

Hình 2: Một đoạn mắc cáo buộc đạo văn trong luận án tiến sĩ của Gay. Nguồn: The Washington Post

Sau khi từ chức hiệu trưởng Harvard, trong bài op-ed đăng trên New York Times, Gay thừa nhận mình mắc lỗi nhưng gọi đó là vô ý và khẳng định là bà đã làm việc nghiêm túc để đưa ra những kết quả khoa học có ý nghĩa

“Vũ khí hóa” đạo văn

Tỷ phú Bill Ackman, một cựu sinh viên Harvard, là một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất trong chiến dịch lật đổ Gay. Một ngày sau khi Gay từ chức, trang tin Business Insider đã đăng tải một bài báo chỉ ra các lỗi đạo văn trong luận án của vợ Aackman, Neri Oxman. Oxman vốn được biết tới là một “học giả nổi tiếng”, từng là giáo sư chính thức tại MIT cho đến năm 2021 và là một kiến trúc sư nổi tiếng.

Theo Business Insider, luận án năm 2010 của Oxman có ít nhất 15 đoạn văn được sao chép từ nguồn khác mà không để trong dấu ngoặc kép và không trích nguồn. Ví dụ, Hình 3 cho thấy Oxman đã sao chép y nguyên 3 câu từ trang bài về “Weaving” trên Wikipedia. 

Hình 3: Một đoạn mắc cáo buộc đạo văn trong luận án của Oxman. Nguồn: Business Insider

Tương tự với trường hợp của Gay, các lỗi Oxman gặp phải có thể quy là trích dẫn không đầy đủ, và đều nằm ở những phần nội dung không ảnh hưởng tới các kết quả quan trọng nhất của nghiên cứu.

Về phía Ackman, dù lên tiếng công nhận vợ mình đã mắc lỗi một cách vô ý, ông có vẻ tức giận và tuyên bố sẽ bắt đầu kiểm tra đạo văn các công bố của tất cả các giảng viên hiện tại của MIT và hội đồng quản trị của trường đại học. Thậm chí, ông còn đe dọa sẽ kiểm tra đạo văn cả các nhà báo làm việc tại Business Insider – trang tin đã tố cáo các lỗi đạo văn của vợ ông.

Hình 4: Một dòng tweet của Bill Ackman trên trang X (trước đây là Twitter) về việc kiểm tra đạo văn các nhà báo tại Business Insider.

Một số học giả lo ngại rằng các sự kiện này đang trở thành một cuộc “chiến tranh đạo văn”, khi đạo văn được đem ra làm vũ khí cho tấn công ác ý nhằm mục đích chính trị.  Jonathan Bailey, một nhà báo và cố vấn về vấn đề đạo văn, cho rằng rõ rằng vi phạm đạo văn của Claudine Gay được coi là trầm trọng chỉ bởi vì vị thế và các tranh cãi chính trị xoay quanh bà, chứ không phải vì lo ngại về sự toàn vẹn hay nghiêm túc học thuật. 

Mối đe dọa tới tự do học thuật

Có sự bất đồng lớn trong giới học giả về thế nào là đạo văn. Ngay trong trường hợp của Gay, tác giả gốc của những tài liệu mà Gay đã sử dụng nhưng ghi nguồn không xác đáng cũng có thái độ khác nhau về các cáo buộc. Emily G. Owens, giáo sư tại Đại học California cho rằng việc trùng lặp các cụm từ ngắn gọn, định nghĩa kỹ thuật hoặc biệt ngữ như vậy không được coi là ăn cắp ý tưởng. Trong khi đó, nhà khoa học Carol M. Swain lại vô cùng bất bình khi biến Gay đã sao chép một vài nội dung từ công trình của mình, cho rằng đã là một vi phạm khó chấp nhận. 

Các trường đại học Mỹ thường có các hướng dẫn của riêng mình về đạo đức học thuật, trong đó có trình bày định nghĩa đạo văn, hướng dẫn ghi nguồn đúng cách, và hướng dẫn tránh mắc lỗi đạo văn. Quy cách và quy trình xử lý đạo văn giữa các trường còn đa dạng hơn nữa, và thường không được quy định chi tiết.

Bertram Gallant, giám đốc Văn phòng Liêm chính Học thuật tại Đại học California ở San Diego, nói rằng có 4 cách tiếp cận chính trước các tố cáo vi phạm đạo văn, với điểm chung là trải qua một hội đồng đánh giá. Tuy vậy, quy trình này chủ yếu chỉ áp dụng với sinh viên. Các tố cáo đạo văn ở giảng viên là hiếm gặp, hoặc ít khi được các trường thông báo công khai, trừ khi là một trường hợp đặc biệt như Claudine Gay.

Việc có các quy định rõ ràng và cẩn thận hơn về xử lý cáo buộc và vi phạm đạo văn là vô cùng cần thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học, không chỉ để đảm bảo tính toàn vẹn của khoa học mà còn để bảo vệ chính các cán bộ của nhà trường trước nguy cơ bị tấn công và kết tội vô lý.

Jonathan Chait, học giả và nhà báo tại tạp chí New York, chỉ ra một thiếu sót trong định nghĩa đạo văn hiện tại của các trường đó là quy việc sao chép và trích dẫn ở mọi cấp độ vào nhãn dán này. Từ cẩu thả vô ý cho tới gian dối cố ý đều được coi là phạm chung một tội, và chính kẽ hở này khiến cho đạo văn dễ dàng trở thành công cụ ác ý cho các mục đích phi học thuật. Chưa kể, thế nào là “cố ý” là một vấn đề nan giải và khó có thước đo nào xác đáng cho nó. Như Blum, giáo sư nhân học tại Đại học Notre Dame đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn với The Chronicle, “Sự khác biệt giữa đạo văn chủ ý và viết lách không cẩn thận là một trong những tranh cãi lớn nhất trong thế giới đạo văn”. 

Nhưng vì càng mơ hồ, việc xử lý và xem xét những cáo buộc này càng phải cẩn trọng và nghiêm túc. Những vụ việc mà thời gian từ khi có cáo buộc cho đến khi phải chịu “hình phạt” như Claudine Gay chỉ diễn ra chóng vánh trong vài ngày là những thứ đe dọa lớn nhất tới tự do học thuật: khi các công trình khoa học bị nằm dưới con mắt soi xét và bới móc từ những lỗi nhỏ nhất, và khi các phát hiện sai sót được sử dụng cho mục đích phá hủy thay vì mang tính xây dựng. Điều này đặc biệt càng đáng buồn khi xảy ra ở một trường đại học, nơi mà hơn bất cứ đâu, cần phải ủng hộ và nuôi dưỡng các phản biện, đón nhận các quan điểm đa dạng thậm chí là trái chiều, thay vì là nơi tuyên án và lựa chọn phe phái.

Nguồn tham khảo

Andrew Lawrence. ((January 06, 2024). Harvard’s Claudine Gay was ousted for ‘plagiarism’. How serious was it really? The Guardian.

Beth McMurtrie.  (January 03, 2024). A Brief Guide to How Colleges Adjudicate Plagiarism Cases. The Chronicle of Higher Education.

Christopher f. Rufo & Christopher Brunet. (December 11, 2023). Is Claudine Gay a Plagiarist? Christopherrufo.com

Christopher Sprigman. (January 07, 2024). Neri Oxman and Claudine Gay Cases Show We Need New Rules on Plagiarism. Intelligencer.

Ian Bogost. (January 04, 2024). The Plagiarism War Has Begun. The Atlantic.

Katherine Long, Jack Newsham, & Narimes Parakul. (January 06, 2024). Academic celebrity Neri Oxman plagiarized from Wikipedia, scholars, a textbook, and other sources without any attribution. Business Insider. 

Lloyd Lee & Madeline Berg. (January 05, 2024). How plagiarism by Claudine Gay, Harvard’s former president, compares to that of Neri Oxman, an academic and Bill Ackman’s wife. Business Insider. 

Jonathan Bailey. (January 08, 2024). The Weaponization of Plagiarism. Plagiarism Today.

Sophia Nguyen. (January 04, 2024). The plagiarism allegations against ex-Harvard president Claudine Gay, explained. The Washington Post. 

Stephanie M. Lee. (January 09, 2024). ‘You Hand Them a Knife’: After Claudine Gay’s Ouster, Historians Worry About Weaponization of Plagiarism. The Chronicle of Higher Education.

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 3

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh