Một nghiên cứu mới về xu hướng dịch chuyển của sinh viên sau đại dịch cho thấy rằng nhóm sinh viên Đông Nam Á có ý định đi du học đang ngày càng quan tâm đến các quốc gia trong châu Á và khu vực của họ. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nằm trong số 5 điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Báo cáo “Các xu hướng chính trong khu vực Đông Nam Á 2024” (Key Trends in Southeast Asia 2024) được công bố gần đây bởi công ty tư vấn giáo dục quốc tế Acumen dự đoán rằng sự cạnh tranh để thu hút sinh viên Đông Nam Á trong khu vực sẽ gia tăng, với sự “tham gia tích cực hơn” để thu hút sinh viên nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, với các chiến lược tập trung vào tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp. Báo cáo này cung cấp một “cái nhìn toàn cảnh” về sự phát triển trong khu vực, đặc biệt tập trung vào xu hướng sinh viên ở Malaysia, Việt Nam và Indonesia.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cho đến nay là quốc gia có nguồn sinh viên du học lớn nhất, cùng với Indonesia, Malaysia và Philippines cũng là những thị trường du học sinh lớn. Báo cáo cho biết, vào năm 2022, hơn 350.000 sinh viên từ Đông Nam Á đang du học, khiến khu vực này trở thành khu vực có lượng sinh viên sang nước ngoài lớn thứ ba toàn cầu sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhìn chung, các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học, sự phát triển của các trường quốc tế trong khu vực và xu hướng giáo dục xuyên quốc gia là những yếu tố chính đằng sau sự gia tăng nhu cầu về giáo dục quốc tế, nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến các quốc gia châu Á ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của sinh viên trong khu vực là các chương trình vừa học vừa làm hấp dẫn và hứa hẹn về cơ hội việc làm dồi dào.
Các yếu tố thúc đẩy
Báo cáo nhận xét rằng nhu cầu theo đuổi giáo dục đại học của giới trẻ ở phần lớn khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tăng, trong khi tầng lớp trung lưu vốn đang tăng trưởng có đủ nguồn tài chính để theo đuổi giáo dục đại học quốc tế, bao gồm các chương trình giáo dục ở các cơ sở ngoại quốc.
Haike Manning, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á tại Acumen cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế lành mạnh khoảng 5% đến 6% ở các quốc gia như Indonesia và Việt Nam đã làm tăng quy mô thu nhập khả dụng (disposable income) của tầng lớp trung lưu. Manning nhận định rằng điều này được phản ánh qua sự phát triển của các trường tư thục và trường quốc tế, với chi phí khá đắt đỏ, và ngày càng có nhiều người sẵn sàng đầu tư vào giáo dục ngay từ khi con cái họ con nhỏ với mục tiêu làm bệ phóng cho con đường học đại học.
Báo cáo của Acumen cũng lưu ý rằng một số hệ thống giáo dục địa phương ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với những hạn chế cả về năng lực và chất lượng, mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho các nhà cung cấp giáo dục quốc tế. Ví dụ, từ năm 2021 đến năm 2022, các trường đại học Việt Nam có chỉ tiêu tuyển sinh là 550.000 suất, trong khi số lượng thí sinh ghi danh là 795.000 – tức là không có chỗ cho gần 250.000 suất.
Một yếu tố thúc đẩy quan trọng khác là khả năng có việc làm trong tương lai. Việc sinh viên đến từ Việt Nam hoặc Philippines ngày càng quan tâm tới giáo dục đại học quốc tế, theo Manning, có thể xuất phát từ nhu cầu liên quan đến việc làm. Ông cũng nhận xét thêm rằng các gia đình đang có xu hướng “tìm kiếm lợi tức từ khoản đầu tư vào giáo dục bằng cách mau chóng tìm kiếm việc làm [cho con cái] khi chương trình học gần kết thúc”. Chẳng hạn, số lượng sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc gia tăng phần lớn là do nhận thấy khả năng có việc làm cao.
Manning cũng nói thêm rằng, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc đang thực hiện các chiến lược kết nối trực tiếp các cơ hội học tập với việc làm để giải quyết tình trạng thiếu hụt thị trường lao động khi dân số của họ già đi, từ đó giúp sinh viên có thể thấy được con đường tìm việc làm rõ ràng. Bên cạnh đó, Manning lưu ý rằng đây cũng có thể là kết quả của việc tìm kiếm con đường định cư, mặc dù xét điều này thường không đúng với nhóm sinh viên đến từ Indonesia. Lựa chọn du học của phụ huynh và sinh viên Indonesia có vẻ như liên quan nhiều hơn đến việc tiếp cận nền giáo dục chất lượng và nhận được bằng cấp có giá trị hoặc giúp họ có việc làm.
Theo Manning, Việt Nam là quốc gia có hệ thống giáo dục khá chất lượng xét theo mức thu nhập và GDP bình quân đầu người, nhưng năng lực điều chỉnh chương trình học tập để thích ứng nhanh chóng với nhu cầu của thị trường của các cơ sở giáo dục tại đây còn chưa tốt. Do vậy, các gia đình có xu hướng tìm đến nền giáo dục quốc tế “để thu hẹp khoảng cách đó”. Nhiều người cũng nhìn thấy cơ hội ngày càng tăng ở Việt Nam, được thúc đẩy bởi chiến lược “Trung Quốc cộng một” mà khối công nghiệp của nhiều quốc gia đang bắt đầu áp dụng để giảm thiểu rủi ro trong tiến trình tách khỏi Trung Quốc, chẳng hạn các hạn chế thương mại và công nghệ mà Mỹ và châu Âu đang đặt ra với Trung Quốc. Manning nói thêm rằng Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam và các công ty của họ, cung cấp nguồn việc làm tiềm năng trong tương lai.
Giáo dục xuyên quốc gia
Trong khi các điểm đến là các quốc gia nói tiếng Anh truyền thống vẫn phổ biến, dữ liệu của Acumen cho thấy các điểm đến thuộc châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia đang ngày càng phổ biến. Trong khi đó, có sự gia tăng đáng chú ý trong việc thực hiện các chiến lược cung cấp dịch vụ học tập chất lượng cao nội địa của các nước châu Á, được thúc đẩy bởi các chi nhánh quốc tế [của các cơ sở giáo dục từ các quốc gia nói tiếng Anh] (international branch campus), sự mở rộng của giáo dục xuyên quốc gia hoặc các chương trình học tổ chức tại châu Á mà được các tổ chức nước ngoài cấp bằng. Tất cả những lựa chọn này mang lại giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí hơn so với việc học tập ở các nước nói tiếng Anh.
Báo cáo ghi nhận rằng, mô hình đại học nước ngoài mở chương trình nằm trong các cơ sở trong nước (campus within a campus) đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện ở Indonesia với 3 chi nhánh của các trường ở Úc và một chi nhánh là hợp tác giữa Đại học Lancaster và Đại học Deakin vừa được mở ra ở quốc gia này.
Sự phát triển của các chương trình cấp bằng quốc tế của các trường đại học đến từ các quốc gia như Vương quốc Anh và Úc tại các trường chi nhánh đặt tại các nước châu Á, cũng như các chương trình bằng kép – tức các chương trình hợp tác giữa một cơ sở nội địa và cơ sở nước ngoài – đồng nghĩa với việc số lượng sinh viên ở lại khu vực Đông Nam Á gia tăng.
Báo cáo cho biết: “Hai trong số 10 thị trường giáo dục xuyên quốc gia hàng đầu của Vương quốc Anh trên toàn cầu đều ở Đông Nam Á, trong đó,g Việt Nam là thị trường giáo dục xuyên quốc gia phát triển nhanh nhất của Vương quốc Anh trên toàn cầu trong những năm gần đây và hiện là thị trường giáo dục xuyên quốc gia lớn thứ ba của Vương quốc Anh trong khu vực”. Trong năm 2021, có hơn 53.000 sinh viên đang theo học các chương trình xuyên quốc gia của Úc được tổ chức tại Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Sự tăng trưởng của các trường quốc tế
Sự phát triển của các trường quốc tế trong khu vực là một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu lớn về giáo dục quốc tế và khả năng chi trả cho nó.
Năm 2022, có 1.905 trường quốc tế ở Đông Nam Á, tăng gần 25% so với năm 2017, phục vụ gần 600.000 người học trên toàn khu vực. Các cơ sở này cung cấp một chương trình giảng dạy quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc chương trình giảng dạy kép cùng với chương trình học của địa phương.
Tính đến năm 2021, đã có hơn 100 trường quốc tế trên khắp Việt Nam, thu hút cả người học trong nước và quốc tế. Số lượng người học đã tăng 56% trong 5 năm, tính đến tháng 7 năm 2023.
Vào tháng 10 năm 2023, chính phủ Indonesia báo cáo có hơn 900 ‘Trường hợp tác chung’ (Joint cooperative schools) đã đăng ký, được gọi là SPK, với một chương trình giảng dạy kép, chủ yếu tuyển sinh học sinh địa phương Indonesia.
Theo ISC Research, trong 5 năm từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 7 năm 2023, số lượng trường quốc tế ở Singapore đã tăng 34% và số lượng sinh viên ghi danh tăng 19%, chủ yếu là con cái các gia đình người nước ngoài đến định cư ở đây, bao gồm từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Nhiều người trong số những sinh viên này tận dụng các lựa chọn học tập quốc tế của Singapore như một bước đệm để theo đuổi giáo dục đại học tại các quốc gia nói tiếng Anh như Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Xu hướng thay đổi ở Malaysia
Malaysia vẫn là thị trường quan trọng thứ ba đối với sinh viên đại học ra nước ngoài trong khu vực sau Việt Nam và Indonesia và là nguồn cung cấp sinh viên quốc tế quan trọng cho Úc, New Zealand và Vương quốc Anh trong nhiều năm.
Manning cho biết điểm đến yêu thích của người học Malaysia vẫn luôn là Vương quốc Anh và Úc, tuy nhiên, số lượng sinh viên Malaysia ra nước ngoài du học vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Sinh viên Malaysia theo học đại học tại Mỹ giảm đáng kể từ năm 2018 đến năm 2022. Việc phục hồi những con số này hiện đang bị cản trở bởi đồng đô la Mỹ tăng mạnh so với đồng Ringgit của Malaysia.
Báo cáo cho biết: “Thị trường Malaysia vẫn chủ yếu là thị trường đại học dành cho sinh viên nước ngoài, mặc dù chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ sinh viên Malaysia thực hiện nghiên cứu sau đại học ở nước ngoài”.
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên Malaysia theo học sau đại học tại Vương quốc Anh tăng từ 12% lên 19% trong 5 năm từ 2017 đến 2022.
Báo cáo cũng cho biết: “Sự phổ biến rộng rãi của các bằng đại học quốc tế chất lượng ở Malaysia (thông qua các cơ sở chi nhánh và các hình thức giáo dục xuyên quốc gia khác) có thể đang kích thích xu hướng du học sau đại học ở nước ngoài”. Tại Malaysia, ngày càng có sự công nhận về tầm quan trọng của nghiên cứu sau đại học đối với việc làm.
Malaysia vốn tự nó là một trung tâm giáo dục quốc tế lâu đời trong khu vực, thu hút số lượng lớn sinh viên quốc tế từ Trung Quốc, đặc biệt là theo học các lựa chọn xuyên quốc gia. Kenny Choo, giám đốc cấp cao về trải nghiệm khách hàng tại Acumen Malaysia, cho biết quốc gia này hiện cũng đang nhận được sự quan tâm lớn từ sinh viên Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lược dịch từ Southeast Asian students eye study destinations within Asia | University World News
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 4.7 / 5. Số đánh giá: 3
Chưa có đánh giá.