Tái định nghĩa “Bình thường” trong học thuật

Những gì được coi là “bình thường” có thể khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, và những gì là bình thường trong nhiều thế kỷ trước có thể không được coi là bình thường ngày nay. Trong giới học thuật, việc xác định lại đâu là “bình thường” không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà nó còn có ý nghĩa thực tiễn đóng góp cho sự đột phá của khoa học. 

Ảnh: Dalí Tribute via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Khoa học mà chúng ta luôn biết vốn đã không “bình thường”

Đã có lúc khoa học được nhìn nhận với sự nghi ngờ, giống như một loại phép thuật bao quanh bởi sự thần bí. Mặt khác, cách đây nhiều thế kỷ, người ta cho rằng phụ nữ không phù hợp để làm các công việc y khoa. Không chỉ thế, trong bốn thế kỷ cuối cùng của thời Trung Cổ, các nữ y sĩ bị săn lùng như phù thủy, bị đàn áp một cách tàn bạo.

Theo quan điểm ngày nay, một số nỗi sợ hãi trên nghe có vẻ buồn cười, nhưng việc khoa học bị nhìn nhận một cách đầy lo ngại vẫn còn hiện hữu. Nhiều người cho rằng nghiên cứu khoa học không có sự kiểm soát cần thiết có thể vô tình dẫn đến những mối lo ngại về xã hội, đạo đức và liêm chính. Ví dụ, Pháp đã cấm nghiên cứu về nhân bản con người, coi đây là “tội ác chống lại loài người”. Một số người khác cho rằng khoa học phát triển các loại vũ khí và thúc đẩy xung đột. Hơn nữa, các nghi vấn cũng được đặt ra về tác động tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo (AI): liệu cuối cùng robot và công nghệ AI sẽ nắm quyền kiểm soát thế giới? Điều này có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người hay sự biến đổi sâu sắc về cách chúng ta tồn tại?

Sự nghi ngờ và e ngại dai dẳng xung quanh khoa học nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với giới học thuật phải chuyển đổi và tiến bộ. Điều quan trọng đối với giới học thuật là làm sáng tỏ các khái niệm khoa học, trao quyền cho các nhà nghiên cứu, hoan nghênh vô số quan điểm và định hình lại các tiêu chuẩn thông thường. Đây không chỉ là việc kết hợp nhiều quan điểm hơn; nó nhằm mục đích mở đường cho một tương lai nơi mọi người đều hiểu khoa học, đặc biệt khi nhiều vấn đề toàn cầu ngày nay đòi hỏi các giải pháp liên ngành.

“Xuất bản hoặc lụi tàn” – Vấn đề to lớn bị làm ngơ

Áp lực xuất bản là một thách thức lâu dài và ghê gớm mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt trong quá trình không ngừng theo đuổi thành công và sự công nhận trong học thuật. Trong giới học thuật, giá trị của sự tiến bộ và thăng tiến nghề nghiệp thường xoay quanh khả năng tạo ra và phổ biến các kết quả nghiên cứu của mình. Việc buộc phải liên tục xuất bản này có thể gây căng thẳng và lo lắng cho cộng đồng nghiên cứu, định hình cách các học giả định hướng hành trình khoa học của họ. Điều này không chỉ có thể gây gánh nặng cho các nhà nghiên cứu mà còn có tác động đến tính trung thực của nghiên cứu, sự đa dạng trong tư duy và sức khỏe tinh thần của nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu chính là tìm ra những lãnh thổ chưa được khám phá để theo đuổi kiến thức. Mặc dù cảm giác vô định ở chừng mực nào đó là một phần không thể thiếu trong quá trình làm khoa học, nhưng nỗi sợ hãi có thể làm trầm trọng thêm cảm giác này và đưa nhà khoa học vào trạng thái “tê liệt”. Các nhà nghiên cứu thường phải vật lộn với nỗi sợ hãi dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như nỗi sợ thất bại, sợ không đóng góp một cách ý nghĩa vào lĩnh vực, sợ người ý tưởng của mình bị người khác công bố trước, hoặc sợ không đáp ứng được kỳ vọng của đồng nghiệp và các tổ chức. Những nỗi sợ hãi này có thể dẫn đến sự nghi ngờ bản thân và ức chế các khía cạnh sáng tạo và khám phá của nghiên cứu khoa học.

Việc theo đuổi sự thật trong khoa học đòi hỏi tư duy cởi mở, phương pháp luận nghiêm ngặt và cam kết công bố những gì dữ liệu và bằng chứng thực sự thể hiện. Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi kể trên có thể cản trở những nguyên tắc quan trọng này. Dưới sức nặng của những nỗi sợ này, các nhà nghiên cứu có thể trở nên sợ rủi ro, tránh các nghiên cứu có thể mang lại kết quả xấu. Chủ nghĩa bảo thủ gây ra những mối lo này đã cản trở sự đổi mới và ngăn cản việc thách thức những gì đã biết trong khoa học. Nó cũng dẫn đến thành kiến xuất bản, trong đó chỉ những nghiên cứu có kết quả đẹp mới được chia sẻ, làm sai lệch kiến thức khoa học tổng thể.

Những nỗi sợ hãi này luôn chồng chất đối với các nhà nghiên cứu từ các nhóm ít đại diện, áp lực mà họ phải chịu luôn cao hơn.

Định nghĩa lại “Bình thường” trong Học thuật

Sự “bình thường” trong giới học thuật truyền thống thường thiếu đi sự phong phú và năng động cần thiết cho diễn ngôn trí tuệ và đổi mới mạnh mẽ. Trong lịch sử, các tổ chức học thuật được biết đến bởi tính đồng nhất, hẹn chế bởi một vài tiếng nói, sắc tộc nhất định. Phụ nữ, người da màu, người khuyết tật và các nhóm thiểu số khác đã phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc gia nhập và thăng tiến ở giới hàn lâm. Sự phân biệt này đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong bối cảnh học thuật cho đến nay.

Trong giới học thuật, sự chênh lệch liên quan đến giới tính thể hiện rõ không chỉ ở các phương diện như tài trợ, nhiệm kỳ, thăng tiến nghề nghiệp mà còn ở sự công nhận mà phụ nữ nhận được khi cộng tác với các nhà nghiên cứu nam. Ngược lại, nam giới có xu hướng nhận được sự ghi nhận như nhau cho cả nỗ lực hợp tác và nghiên cứu cá nhân.

Đa dạng, Công bằng, Hòa nhập và Khả năng tiếp cận không chỉ là những từ khóa sáo rỗng, chúng là những nguyên tắc nền tảng làm nền tảng cho một xã hội công bằng và bình đẳng. Chúng không chỉ nhằm mục đích đạt được tiêu chí nào đó mà có ý nghĩa thúc đẩy một môi trường nơi sự đa dạng trong suy nghĩ và quan điểm được cổ vũ. Trên thực tế, chính sự đa dạng trong tư tưởng mới thực sự thúc đẩy sự tiến bộ và đổi mới trong bất kỳ lĩnh vực nào.

Mặc dù chặng được đạt được mục tiêu ấy còn xa nhưng rõ ràng là giới học thuật đã thực hiện những bước đầu tiên. Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi rõ rệt trong bối cảnh học thuật theo hướng đa dạng và toàn diện hơn. Sự chuyển đổi này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, bao gồm những thay đổi về luật pháp và quy định, nỗ lực không mệt mỏi của các nhà hoạt động, cũng như sự thừa nhận ngày càng tăng trong giới học thuật về cải cách. Những biện pháp này đã buộc các tổ chức học thuật phải tích cực theo đuổi sự đa dạng và hòa nhập, dẫn đến các hoạt động tuyển sinh và tuyển dụng công bằng hơn.

Chánh niệm và Cá nhân hóa – Công thức bí mật

Làm thế nào các bên liên quan khác nhau trong giới học thuật có thể giúp nhà khoa học vượt qua nỗi sợ hãi và thúc đẩy một môi trường đa dạng, công bằng và hòa nhập hơn? Câu trả nằm ở việc khuyến khích chánh niệm trong nghiên cứu và cho phép các thường lệ mang tính cá nhân hơn, nơi mỗi nhà nghiên cứu có quyền đi theo con đường riêng của mình.

Chánh niệm

Chánh niệm ở đây là khuyến khích các nhà nghiên cứu tìm ra mục đích của họ. Liệu chúng ta có thể mơ về một thế giới nơi “áp lực xuất bản” được thay thế bằng “niềm đam mê và mục đích khám phá” không? Những thay đổi nào cần thiết trong hệ thống và quy trình của chúng ta sẽ cho phép điều này xảy ra? Có lẽ hệ thống thăng tiến theo thành tích nên thay đổi? Làm thế nào để vinh danh sự khám phá và tác động của công trình thay vì dựa trên số lượng xuất bản?

Hạnh phúc toàn diện bao gồm sự khỏe mạnh của tâm trí, cơ thể và tâm hồn của một người. Trong môi trường học thuật, các nhà nghiên cứu có được cung cấp những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của họ không? Họ có thể duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, đảm bảo an ninh tài chính, nuôi dưỡng các mối quan hệ có ý nghĩa giữa các cá nhân, bày tỏ quan điểm của mình mà không lo ngại về hậu quả, đảm bảo nguồn tài trợ cho các dự án theo đam mê của họ và dễ dàng chia sẻ những khám phá của họ với thế giới không?

Nhiều bước có thể được thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này và trao quyền cho các nhà nghiên cứu. Chúng ta có chú ý đến số giờ làm việc và khả năng thực hiện đa nhiệm một cách hiệu quả của các nhà nghiên cứu không? Nếu động lực chính của họ là niềm đam mê nghiên cứu, liệu họ có phải dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động không liên quan đến nghiên cứu không?

Nếu niềm đam mê của họ là phổ biến những phát hiện của mình tới nhiều đối tượng hơn, liệu hệ thống trả phí truy cập hiện tại có cản trở mục tiêu này không?

Các chính sách của tổ chức có hỗ trợ một môi trường làm việc tối ưu không? Theo báo cáo sức khỏe tâm thần của CACTUS, người ta thấy rằng 48% những người tham gia khảo sát nói rằng tổ chức của họ không có chính sách nghiêm ngặt chống lại hành vi bắt nạt và quấy rối phân biệt đối xử.

Liệu những thay đổi này có thúc đẩy phúc lợi tổng thể của các nhà nghiên cứu, từ đó thúc đẩy một môi trường tích cực hơn giúp giảm bớt căng thẳng và khuyến khích chánh niệm trong nỗ lực nghiên cứu của họ không? Điều này có thể giải quyết được các vấn đề liêm chính phổ biến trong giới học thuật ngày nay không? Suy cho cùng, một nhà nghiên cứu thiếu chánh niệm có thể gặp khó khăn trong việc duy trì các nguyên tắc của sự thật trong quá trình theo đuổi khoa học.

Cá nhân hóa

Làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng một “thông lệ cá nhân hóa” nhằm tôn vinh sự độc đáo của các nhà nghiên cứu và trao quyền cho họ truyền đạt những khám phá của mình một cách sáng tạo? Tại sao không thúc đẩy cuộc đối thoại giữa độc giả và tác giả bằng cách tích hợp các phần bình luận trên nền tảng xuất bản, thúc đẩy không gian cộng đồng được kiểm duyệt nơi độc giả thảo luận về các bài viết một cách tự do? Cách tiếp cận này thúc đẩy trách nhiệm giải trình, sự tham gia của cộng đồng ngoài khoa học và tiềm năng hợp tác có ý nghĩa cho các dự án tương lai. Các nhà nghiên cứu không nên có quyền tự do kết nối đích thực với đối tượng mục tiêu của họ sao? Suy cho cùng, nếu mục đích của họ là thúc đẩy khoa học và chia sẻ kiến thức với thế giới thì cuộc đối thoại này có thể biến điều đó thành hiện thực. Với việc các tạp chí ngày càng nhấn mạnh đến sự tương tác giữa tác giả và độc giả, đây là một con đường đầy hứa hẹn để khơi dậy các cuộc thảo luận.

Có phải chỉ là giấc mơ khi hình dung các tạp chí là nền tảng dựa trên video hoặc kho lưu trữ các cuộc phỏng vấn bằng âm thanh và podcast? Liệu cách tiếp cận mang tính biến đổi này không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận mà còn giải quyết những thách thức mà những người không nói tiếng Anh bản xứ phải đối mặt? Các nhà nghiên cứu có thể tạo nội dung bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và dùng phụ đề bằng các ngôn ngữ khác. Cách tiếp cận như vậy có thể thúc đẩy sự tham gia và đáp ứng các phong cách học tập đa dạng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra những thách thức, từ chi phí đến chất lượng nội dung và khả năng tìm kiếm. Để giải quyết những trở ngại này, cần thận trọng khi khám phá một định dạng tạp chí kết hợp nội dung đa phương tiện tồn tại song hành với các văn bản truyền thống, mang đến ưu điểm từ cả hai phương thức.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta suy nghĩ lại cách những người bình duyệt và tác giả tương tác, cho họ quyền tự do lựa chọn giữa các bài đánh giá bằng văn bản, cuộc gọi âm thanh hoặc cuộc họp Zoom? Chỉ cần mục tiêu chính là nâng cao chất lượng của bài báo, bất kỳ phương pháp nào góp phần đạt được mục tiêu này đều nên được áp dụng. Ghi chú cuộc họp có thể đóng vai trò là báo cáo bình duyệt, cung cấp cho người biên tập tạp chí một điểm tham khảo có giá trị. Mặc dù có thể có những rào cản về công cụ và thời gian, cũng như mối lo ngại tiềm ẩn về sự thiên vị trong phương pháp này, nhưng nó có tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể cho những ai nhận thấy nhận xét của người bình duyệt khó hiểu hoặc muốn tìm kiếm sự minh bạch hơn trong quá trình bình duyệt.

Tại sao mỗi nhà nghiên cứu không thể bắt tay vào cuộc hành trình độc đáo của riêng mình? Tại sao phải tuân theo cách tiếp cận một-cho-tất-cả?

Dịch từ The Scholarly Kitchen

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh