Tổ chức đứng sau Kế hoạch S (Plan S), một sáng kiến truy cập mở mang tính cách mạng, đã công bố kế hoạch lớn tiếp theo trong việc cải cách ngành xuất bản học thuật, và lần này có thể táo bạo hơn gấp nhiều lần kế hoạch trước đó. Kế hoạch này hướng đến việc đưa tất cả các phiên bản của bài báo và báo cáo bình duyệt được công bố công khai một cách mặc định trong khi không yêu cầu tác giả phải trả phí, đồng thời cho phép cho tác giả, thay vì nhà xuất bản, quyết định khi nào và nơi nào để xuất bản công trình của mình.
cOAlition S, một liên minh gồm các tổ chức tài trợ có tầm ảnh hưởng trong giới khoa học, đã gây ra sự đảo lộn trong giới xuất bản học thuật suốt 5 năm qua bằng cách tạo áp lực để nhiều tạp chí chuyển sang mô hình xuất bản mở. cOAlition S ban đầu chỉ bao gồm một số cơ quan tài trợ công lập ở châu Âu, nhưng sau đó ngày càng nhiều các tổ chức tài trợ khổng lồ như tổ chức Wellcome và Quỹ Bill & Melinda Gates đã tham gia vào liên minh này. Phong trào xuất bản truy cập mở, với mục đích đưa tất cả các công trình nghiên cứu trở nên miễn phí trên các nền tảng trực tuyến, đã phát triển một cách chậm rãi trong suốt những năm 2000 và 2010. Tuy nhiên kể từ sự xuất hiện của liên minh các quỹ tài trợ cOAlition S, quá trình đã được tăng tốc một cách đáng kể.
Với kế hoạch mới được công bố vào cuối tháng 10/2023, tổ chức này sẽ tạo ra một biến đổi rộng lớn trong việc phổ biến mạnh mẽ hơn kết quả nghiên cứu đến cộng đồng.
Kế hoạch mới được mô tả là một hệ thống giao tiếp nghiên cứu mở “dựa trên cộng đồng” và “do học giả dẫn dắt”, trong đó các nhà xuất bản không còn là “người giữ cửa” có quyền từ chối hay chấp nhận các công trình, cũng như ấn định ngày công bố một công trình. Thay vào đó, tác giả sẽ quyết định khi nào và nơi nào để xuất bản các bản tóm tắt ban đầu về các kết quả của họ, cả trước và sau quá trình bình duyệt. Trong khi đó, các nhà xuất bản sẽ ở vị trí đơn vị cung cấp dịch vụ, được trả tiền để tiến hành các quy trình như biên tập, định dạng và xử lý các bản thảo.
Sự khởi đầu của hàng loạt biến chuyển
Vào tháng 9 năm 2018, cOAlition S đã tuyên bố Kế hoạch S, với yêu cầu tất cả nhà nghiên cứu được họ tài trợ sẽ phải xuất bản công trình của mình trên các tạp chí truy cập mở hoặc đăng tải bản sao của bản thảo hoàn thiện lên các nền tảng trực tuyến miễn phí. Liên minh cho rằng kiến thức được tạo ra bằng cách sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hoặc quỹ từ thiện phải được cung cấp cho công chúng một cách miễn phí và tức thì. Yêu cầu này sau đó đã được nới lỏng để cho phép nhà khoa học công bố trên các tạp chí “hỗn hợp”, chứa cả các bài báo nghiên cứu truy cập mở và trả phí.
Các nhà xuất bản đã đua nhau đưa ra các dịch vụ truy cập mở vào đầu năm 2021 khi quy định mới này bắt đầu có hiệu lực. Nhiều tạp chí đã quyết định cung cấp quyền truy cập mở “vàng”, nghĩa là các bài báo có thể được truy cập một cách miễn phí trên nền tảng trực tuyến của nhà xuất bản, đổi lại tác giả phải trả một khoản phí gọi là phí xử lý bài báo (Article-processing Charge – APC). Một số tạp chí hỗn hợp đã đưa ra “các thỏa thuận chuyển đổi”, trong đó các cơ sở đại học hoặc các thư viện sẽ trả một khoản tiền cố định để cho phép các nhà nghiên cứu từ cơ sở đó công bố truy cập mở và bản thân họ có thể truy cập các bài báo trả phí của nhà xuất bản. Một số nhà xuất bản khác lại ủng hộ quyền truy cập mở “xanh”, trong đó tác giả có thể tự do đăng tải phiên bản được bình duyệt của bài báo lên các nền tảng khác mà công chúng có thể truy cập một cách miễn phí.
Năm năm kể từ khi công bố Kế hoạch S, các nhà quan sát cho rằng nó đã tăng tốc thành công quá trình áp dụng truy cập mở, kể cả khi các nhà xuất bản chỉ miễn cưỡng đưa ra các mô hình mới để tuân thủ yêu cầu của Kế hoạch S. Đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy nỗ lực đoàn kết có thể thay đổi hệ thống vốn đã cố hữu trong giới học thuật.
Dư địa phát triển
Với lượng lớn nghiên cứu vẫn còn nằm sau các bức tường trả phí, các nhà lãnh đạo của cOAlition S biết rằng họ còn rất nhiều việc phải làm. Trong báo cáo thường niên năm ngoái, liên minh ước tính thông qua dữ liệu từ Dimensions, một cơ sở dữ liệu lớn về các bài báo đã xuất bản, rằng 3,6%, tức 168.000 bài báo đã xuất bản vào năm 2022 được tài trợ bởi các thành viên của liên minh. Trong số đó, 79% là truy cập mở, 38% được xuất bản trên các tạp chí truy cập mở vàng và 25% trên các tạp chí hỗn hợp; 14% dưới dạng giấy truy cập mở xanh.
Số liệu trên cho thấy phạm vi tiếp cận của Kế hoạch S vẫn còn hạn chế khi nhiều khu vực lớn chưa có đại diện tham gia vào liên minh. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của cOAlition S cho rằng rằng tác động của Kế hoạch S vượt ra ngoài phạm vi các thành viên của liên minh và lan rộng ra toàn cầu. Họ chỉ ra các đơn vị tài trợ ở Mỹ, Canada có những chính sách tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của Kế hoạch S.
Trong khi không thể phủ nhận rằng Kế hoạch S đã tạo được dấu ấn quan trọng cho phong trào truy cập mở, liên minh đã gây ra hậu quả không lường trước được: sự xuất hiện của APC. Việc này khiến cho chỉ những nhà nghiên cứu có đủ kinh phí để chi trả APC, hoặc những người ở các cơ sở có thỏa thuận chuyển đổi, mới có thể xuất bản truy cập mở. Các ý kiến quan ngại cho rằng APC đang gây ra những tác động tiêu cực cho giới học thuật toàn cầu và Kế hoạch S đang đồng lõa với sự phát triển nhanh chóng của chúng.
Các nhà lãnh đạo của cOAlition S thừa nhận những mối quan ngại này, đồng thời khẳng định rằng việc xuất bản truy cập mở nên là một mô hình công bằng, hơn là một đặc quyền của một nhóm nhỏ. Robert Kiley, quản lý chiến lược tại cOAlition S, cho biết: “Về phần chúng tôi, sẽ là một thất bại lớn nếu chúng tôi chỉ thay thế một mô hình mà mọi người không thể truy cập nghiên cứu bằng một mô hình khác mà mọi người không thể xuất bản vì thiếu kinh phí”.
Liên minh đã tuyên bố vào tháng 1 rằng các thành viên của họ phần lớn sẽ không còn hỗ trợ tài chính cho các thỏa thuận chuyển đổi kể từ sau năm 2024, một phần vì rủi ro rằng mô hình này, và các tạp chí hỗn hợp, sẽ trở thành vĩnh viễn, cho phép các nhà xuất bản duy trì bức tường trả phí mà liên minh đang chống lại Nhưng chính sách này có thể có ít tác động vì các trường đại học và thư viện vẫn có thể tham gia vào các thỏa thuận này dù không được tài trợ. Vào tháng 9, cOAlition S đã thông báo rằng họ đã xem xét các mô hình xuất bản thay thế không dựa vào APC. Một mô hình khả thi là truy cập mở kim cương, trong đó các tạp chí được vận hành với sự hỗ trợ tài chính từ các cơ quan tài trợ hay một cơ sở tư nhân, không tính phí tác giả hoặc độc giả.
Lời kêu gọi của liên minh về phí tác giả bằng 0 cho xuất bản mở “dường như là sự thừa nhận rằng phiên bản đầu tiên của Kế hoạch S đang đi theo hướng không mong muốn: tầm nhìn về truy cập mở của Kế hoạch đã sinh ra một mô hình kinh doanh có tính bất bình đẳng cao”, Richard Sever, người đứng đầu nhóm phát triển mô hình truy cập kim cương cho biết.
Một hệ thống mới
cOAlition S vẫn đang cố gắng để có thể thực hành đúng với các nguyên tắc sáng lập của mình, và tổ chức cần nhiều sự chỉnh sửa để hướng đến các mục tiêu ban đầu đã đặt ra. “DNA của chúng tôi, sứ mệnh của chúng tôi vẫn không thay đổi. Chúng tôi muốn tất cả nghiên cứu đều có quyền truy cập mở, để bất kỳ ai trên thế giới đều có thể đọc và sử dụng nó,” Kiley nói.
Thay đổi mà họ đề xuất được nêu trong kế hoạch mới đã vượt xa phạm vi trước đó, vốn chỉ tập trung vào các bài viết truy cập mở. Kế hoạch hướng đến giải quyết một số vấn đề thường được thảo luận trong hệ thống xuất bản nghiên cứu hiện tại: chi phí đăng ký tạp chí và APC; sự chậm trễ lâu dài giữa việc gửi một bài báo và xuất bản giữa quá trình bình duyệt; không xuất bản các báo cáo bình duyệt và lặp lại một cách lãng phí việc bình duyệt cho cùng một bài báo trên các tạp chí khác nhau; và áp lực buộc các học giả phải xuất bản trên các tạp chí có uy tín, có tính chọn lọc cao vì vị thế của tạp chí thường được dùng làm thước đo cho tác động của nghiên cứu.
Giải pháp của liên minh, được nêu trong tài liệu có tên “Hướng tới xuất bản có trách nhiệm”, là chuyển đổi sang các hệ thống thay thế trong đó các thành viên của cộng đồng học thuật kiểm soát việc xuất bản tác phẩm của họ. Tài liệu đề xuất một mô hình mẫu được gọi là “Xuất bản, Bình duyệt, Quản lý”: các tác giả đăng bản thảo của họ một cách công khai trên các nền tảng chuyên dụng và gửi bài viết của họ để bình duyệt; các học giả quản lý quá trình bình duyệt miễn phí; và các báo cáo bình duyệt, các sửa đổi và quyết định biên tập được xuất bản công khai. Chi phí sẽ được chi trả bởi sự kết hợp của nhiều tổ chức, bao gồm thư viện, nhà tài trợ, chính phủ và trường đại học. Các bài báo được bình duyệt sau đó sẽ được các nhà xuất bản hoặc tạp chí tuyển chọn dựa trên chất lượng hoặc chủ đề của chúng. Do đó, các nhà xuất bản và tạp chí vẫn có vai trò trong mô hình mới này nhưng sẽ không đưa ra quyết định về thời điểm xuất bản. Kiley nói rằng việc xuất bản mở các báo cáo đánh giá ngang hàng là một phần quan trọng của kế hoạch. Điều này sẽ cho phép người đọc đánh giá giá trị nội tại của một tác phẩm thay vì sử dụng tên tạp chí làm đại diện.
Mô hình này phản ánh các yếu tố của thực tiễn hiện tại, chẳng hạn như mô hình được sử dụng bởi các nền tảng xuất bản Peer Community In và Open Research Europe, và tạp chí eLife. Nhưng những nỗ lực của eLife để áp dụng loại mô hình này đã gặp phải một số phản đối, và Kiley và Rooryck nhận thức rõ rằng đề xuất của họ có thể gây xôn xao dư luận. Kiley nói: “Tôi sẽ ngạc nhiên hơn nếu kế hoạch này được mọi người hoan nghênh.” Các đơn vị tài trợ hiện tại đang bắt buộc nhà khoa học xuất bản truy cập mở theo Kế hoạch S. Trên cơ sở đó, kế hoạch mới kém hiệu quả hơn nhiều khi nó chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, thảo luận hơn là những yêu cầu khắt khe của các nhà tài trợ trong phiên bản đầu tiên. Đây tuy không hẳn là điều xấu nhưng khiến tác động tức thời của kế hoạch trở nên ít triệt để hơn. Ngoài ra, một trở ngại khác được chỉ ra rằng các cuộc thảo luận về hệ thống xuất bản học thuật vẫn gặp nhiều giới hạn. Đại đa số các nhà khoa học về cơ bản quá bận rộn với những gì họ đang cố gắng làm, đó là tồn tại trong tình trạng kinh phí eo hẹp, chủ nghĩa xuất bản hoặc chết, nhiệm vụ giảng dạy, và thậm chí không hề biết về những chính sách này.
Stephen Curry, giám đốc chiến lược tại Viện nghiên cứu ở London, cho biết: “Tôi có thể tưởng tượng rằng sẽ có rất nhiều cuộc vận động hành lang thương mại chỉ ra những lý do khiến dự án này chắc chắn sẽ thất bại”. Khi được yêu cầu bình luận về đề xuất này, người phát ngôn của Elsevier nhấn mạnh giá trị của Elsevier trong việc hỗ trợ bình duyệt, đào tạo biên tập viên và cải thiện chất lượng bản thảo. Người phát ngôn của Wiley nói rằng đề xuất này là “một góc nhìn thú vị” và Wiley cũng cảm thấy rằng các nhà nghiên cứu có thể chọn những địa điểm thích hợp nhất để xuất bản công trình của họ. Họ nói: “Các nhà xuất bản có vai trò quan trọng trong việc cải thiện hơn nữa hệ sinh thái nghiên cứu toàn cầu”, đồng thời cho biết thêm rằng họ “rất muốn tham gia vào bất kỳ đề xuất nào nhằm tìm cách giải quyết các lộ trình dẫn đến xuất bản có trách nhiệm”.
Dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.