Dựa trên một thập kỷ dữ liệu về các ấn phẩm học thuật, Dan Brockington, Paolo Crosetto, Pablo Gómez Barreiro và Mark Hanson lập luận rằng một ngành công nghiệp xuất bản học thuật dựa trên số lượng đặt ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với việc đánh giá và tính hữu ích của các ấn phẩm nghiên cứu.
Một câu hỏi đặt ra cho giới học thuật: Nếu các nhà xuất bản nhận được ít lợi nhuận hơn thì liệu có nhiều bài báo được xuất bản như hiện hay không?
Chúng ta đều biết về áp lực phải xuất bản của giới học thuật. Không gì tự hào hơn với một nhà nghiên cứu khi có một CV “khủng” với hàng loạt công trình lớn nhỏ. Khi về hưu, nhà khoa học luôn mong muốn được tuyên dương vì hàng trăm bài báo mà họ đã viết. Các nhà sử học sẽ đếm số lượng sách mà họ đã chắp bút viết. Và nếu bạn là một nhà nghiên cứu trẻ chưa từng có xuất bản nào? Các bạn biết rồi đấy: Xuất bản hoặc … (Publish or …)
Tình trạng diễn ra hàng thập kỷ này đã dẫn giới học thuật đến vô vàn rắc rối khác nhau. Hiện tại có nhiều bản thảo bài báo khoa học đến mức không thể tìm được người bình duyệt ngay lập tức. Chưa đề cập đến việc đọc những tác phẩm này, có lẽ những “điểm sáng” của chúng đã được chỉ ra cách đây vài năm rồi. Khi so sánh về số lượng các bài báo được chỉ mục và sự gia tăng của số lượng tiến sĩ được ghi nhận, có thể thấy ngành xuất bản học thuật đang gặp phải tình trạng căng thẳng một cách rõ ràng (Hình 1).
Khi xem xét kỹ lưỡng hơn nguyên nhân của vấn đề, liệu rằng chúng có thực sự đến từ bản thân các nhà nghiên cứu? Nếu như vấn đề nằm ở các nhà xuất bản thì sao? Và, nếu điều đó là chính xác thì hành vi của họ hay cụ thể là các mô hình kinh doanh đang thúc đẩy sự tăng trưởng số lượng các bài báo như thế nào?
Trong một bản thảo gần đây về những căng thẳng này, nhóm nghiên cứu đã lập luận về việc cần thêm những cơ chế quản trị kỹ lưỡng đến hành vi của các tạp chí học thuật. Dựa trên một phân tích của nhóm tác giả qua hàng triệu bài báo trong kho dữ liệu của Scimago, và qua kết quả tra cứu các trang web, nhóm nghiên cứu đưa ra năm xu hướng sau:
- Sự gia tăng của các bài báo đến từ nhiều nhà xuất bản khác nhau, trong đó bao gồm cả những bên xuất bản tạp chí theo hình thức trả phí và những bên tính phí xử lý các bài báo đối với các bài truy cập mở hạng vàng (Hình 2A).
- Thời gian xét duyệt của một số nhà xuất bản (từ khi nộp bài đến khi xuất bản bài báo) đã được rút gọn và trở nên đồng nhất. Trong khi đáng ra phải có sự khác biệt về thời gian xử lý khi nhu cầu cho từng bài báo là khác nhau.
- Số lượng các bài báo cũng có thể gia tăng thông qua việc giảm tỷ lệ từ chối từ phía các nhà xuất bản. Tuy nhiên, không có xu hướng rõ ràng về tỷ lệ bác bỏ này trong toàn ngành được tìm thấy. Mô hình của các tác giả cho thấy, yếu tố dự báo tốt nhất về tỷ lệ bác bỏ chính là các nhà xuất bản.
- Các Số đặc biệt là động lực chính cho sự phát triển của một số (không phải là tất cả) nhà xuất bản truy cập mở hạng vàng. Chúng thường đi kèm với tỷ lệ từ chối thấp hơn và có thời gian xét duyệt đồng nhất hơn.
- Bằng việc so sánh các thước đo khác nhau về hệ số ảnh hưởng, có thể thấy các nhà xuất bản đều đang trải qua tình trạng “lạm phát” trong toàn ngành thời gian gần đây. Đây là một ví dụ điển hình về định luật Goodhart đang diễn ra (Hình 2B).
Vậy chúng ta học được điều gì từ các kết quả này? Thứ nhất, các nhà xuất bản đang phải trả lời được câu hỏi “Làm thế nào để duy trì tính độc lập của ban biên tập trong môi trường xuất bản hiện nay?”. Câu hỏi này được đặt ra vì một số chỉ số của các nhà xuất bản khác nhau đang có xu hướng tương tự nhau.
Thứ hai, chúng ta cần có các cách diễn đạt mới để bàn luận và đánh giá về hành vi của các nhà xuất bản. Hiện nay, chúng ta dường như bị mắc kẹt với những phân loại thường được nhắc đến như tạp chí “săn mồi” và “hợp pháp”, và có lẽ chúng ta cần phân tích cụ tỉ hơn. Lấy ví dụ về các bài viết gán nhãn MDPI của các tác giả trên Twitter. Theo các phân tích của họ, MDPI là một trong các tạp chí có tốc độ xuất bản nhanh nhất, nhiều ấn bản đặc biệt nhất, thời gian xét duyệt ngắn nhất, tỷ lệ từ chối giảm và mức tự trích dẫn trung bình của nội bộ tạp chí cao nhất (Hình 3). Đồng thời, MDPI còn là thành viên của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (Committee of Publication Ethics – COPE), tổ chức thúc đẩy “liêm chính trong nghiên cứu và xuất bản“. Các nhà xuất bản khác, cũng là thành viên COPE, đang thực hiện những điều tương tự như MDPI, chỉ là với quy mô nhỏ hơn. Thậm chí, ngay cả những nhà xuất bản được coi là “hợp pháp” cũng đang tham gia vào các hoạt động chưa từng được biết đến trước đây trong ngành xuất bản. Vậy nên bản thân các cụm từ “hợp pháp” hay “săn mồi” sẽ là không đủ để nắm bắt những hiện tượng mà chúng ta quan sát được diễn ra trong thực tiễn hiện nay.
Một vấn đề khác của các thuật ngữ như “săn mồi” hay “hợp pháp” là chúng vô tình hợp thức hóa những hành vi tạo ra lợi nhuận từ sức lao động không công của các học giả và các nhà nghiên cứu. Lợi nhuận của Elsevier từ lâu khiến nhiều người đặt dấu hỏi và thậm chí từng dẫn đến tình trạng căng thẳng với Đại học California. Tương tự, việc Nature tận dụng thương hiệu của mình trong mô hình xuất bản dựa trên phí xuất bản bài báo (APC) cũng đã phải đối mặt với sự chế giễu từ phía cộng đồng. Liệu những mô hình kinh doanh của các nhà xuất bản này có nên được coi là “hợp pháp”? Kế hoạch S (Plan S) đã bước đầu đòi hỏi sự minh bạch về các dịch vụ mà các nhà xuất bản đang cung cấp, tuy nhiên họ đã dừng ở đó và không tiếp tục truy cứu về lợi nhuận từ những dịch vụ này.
Để có thể hiểu rõ hơn về sự thay đổi của ngành xuất bản trong giới học thuật, những dữ liệu mà chúng ta đã khai thác sẽ cần được dễ dàng tiếp cận và sử dụng hơn. Chỉ những dữ liệu về con số xuất bản như hiện nay về cơ bản là không đủ minh bạch.
Một sự minh bạch chắc chắn hơn sẽ giúp việc đưa ra những chính sách trở nên tốt hơn, cũng như quản trị được những nhu cầu của ngành xuất bản học thuật. Các nhà xuất bản cũng cần có sự kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn khi họ có thể bị ép buộc phải thực hiện việc này bởi các tổ chức tài trợ. Một cách có thể đem đến hiệu quả rõ ràng là hạn chế số lượng các ấn phẩm đặc biệt, vốn là một trong số những yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng đáng kể của số lượng bài báo gần đây. Các nhà tài trợ và các tổ chức tuyển dụng cũng cần khuyến khích các nhà nghiên cứu tránh tham gia vào văn hóa “xuất bản hoặc diệt vong” (“publish or perish”).
Những quan sát hiện nay của chúng ta đối với một phần trong sự gia tăng số lượng các bài báo cũng là một điều rất đáng hoan nghênh. Chúng phản ánh một nền khoa học toàn diện hơn, nơi các nhà nghiên cứu năng suất không chỉ thuộc ở các nước phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tìm cách để giúp ngành nghiên cứu trở nên cởi mở hơn mà vẫn duy trì được chất lượng của các tác phẩm một cách nghiêm ngặt. Cuối cùng, “khoa học” xứng đáng với tên của chính nó một phần vì quá trình nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng của các nhà nghiên cứu đặt vào công trình của chính họ. Quá nhiều kết quả trên các nguồn được chỉ mục nhưng lại nhận quá ít sự kiểm tra và kiểm duyệt, đặc biệt khi quá trình bình duyệt diễn ra ngày càng nhanh trong khi tỷ lệ từ chối giảm.
Tình trạng mất cân bằng và những người hưởng lợi thực sự từ việc xuất bản khoa học đặt ra một thách thức lớn cho giới học thuật: Liệu chúng ra có thể tái định hình lại ngành xuất bản khoa học để chúng không bị ảnh hưởng bởi động cơ của lợi nhuận hay không? Điều này sẽ có thể khả thi nếu các tổ chức và các bên tài trợ nhận được ít lợi nhuận từ ngành công nghiệp xuất bản này. Đó sẽ là một viễn cảnh có thể thực sự thay đổi ngành xuất bản học thuật hiện nay.
Dịch từ LSE
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.