Sự thật là nhiều sinh viên khi bước vào đại học còn thiếu các kỹ năng, thói quen và hành vi cần thiết để thành công trong môi trường học tập này. Những kỹ năng cơ bản như tuân thủ thời hạn, tập trung, tôn trọng trong lớp học hay những kỹ năng phức tạp hơn như cách ghi chú bài đọc để ghi nhớ nội dung và quản lý thời gian hiệu quả đều cần được trau dồi.
Việc thiếu hụt các kỹ năng này không đồng nghĩa với việc sinh viên thiếu khả năng sáng tạo, tư duy phản biện hay các kỹ năng đọc viết, giải quyết vấn đề ở mức độ cao. Nó cũng không khẳng định rằng họ không thể tiếp thu chương trình học tập đòi hỏi sự rèn luyện trí tuệ của bậc đại học. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này thực sự gây cản trở lớn cho việc học tập và thành công của sinh viên. Nhiều sinh viên thông minh, sáng tạo đang gặp khó khăn trong các khóa học, khi họ không thể tiếp thu đầy đủ kiến thức do thiếu hụt các kỹ năng “làm sinh viên” hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của những kỹ năng này đối với thành công của bản thân.
Những người trong chúng ta đã sở hữu những thói quen và kỹ năng này chắc chắn đã từng được người lớn trực tiếp hướng dẫn vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Nhiều sinh viên đại học cũng sẽ được hưởng lợi từ sự hướng dẫn rõ ràng như vậy. Do đó, thông qua bài viết này, tác giả khuyến khích tất cả các giảng viên bắt đầu cung cấp hướng dẫn cụ thể về cách trở thành một sinh viên thành công đại học đích thực.
Những gì tác giả đề xuất là điều hết sức hợp lý và không khó thực hiện. Tuy nhiên, vai trò mới mà tác giả ủng hộ lại khác biệt đáng kể so với vai trò mà nhiều giảng viên mong muốn: vai trò của một chuyên gia về kiến thức, người dẫn dắt học viên xuyên suốt nội dung khóa học, kích thích thảo luận sâu sắc trong lớp và truyền cảm hứng cho thành tích học tập. Tất nhiên, đó là những kỹ năng sư phạm thiết yếu đối với giảng viên. Nhưng chúng sẽ không có nhiều tác dụng nếu sinh viên đến lớp mà không đọc bài, lướt điện thoại trong khi bạn bè phát biểu, hoặc sử dụng thời gian học để hoàn thành bài tập ở một môn học khác.
Vào mùa xuân năm 2020, đại dịch toàn cầu buộc tất cả giảng viên phải linh hoạt hơn trong công tác giảng dạy. Đối với những giảng viên vốn dĩ luôn áp dụng phương pháp 5K: Không linh hoạt, Không khoan nhượng, Không vắng mặt, Không thi lại, Không gia hạn bài – thì đây là lời khuyên cần được áp dụng từ lâu. Ý tưởng đối xử với sinh viên như những con người, những người có năng khiếu và tài năng khác nhau, phản ứng khác nhau với người khác, nên là trọng tâm trong việc giảng dạy của chúng ta.
Có thể chúng ta đã quá linh hoạt trong học kỳ mùa xuân và mùa thu năm 2020, khiến việc học tập của sinh viên bị ảnh hưởng. Điều đó có thể thông cảm được. Đó là khoảng thời gian khó khăn cho tất cả mọi người, và hầu hết chúng ta đều không có tiền lệ để tham khảo. Nhưng hiện tại, đã là mùa xuân năm 2024, bốn năm dài đằng đẵng đã trôi qua, và sinh viên của chúng ta cần học nhiều hơn và học tốt hơn. Để đạt được điều đó, họ cần được rèn luyện các kỹ năng “làm sinh viên”.
Thay vì điều chỉnh chương trình giảng dạy, thời hạn nộp bài, chính sách nghỉ học và mục tiêu học tập – tức là linh hoạt hơn nữa – chúng ta cần đảm nhận một vai trò mà nhiều người hy vọng chỉ dành cho giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông: hướng dẫn, khuyến khích và giúp sinh viên chịu trách nhiệm phát triển và rèn luyện các kỹ năng, thói quen giúp họ học tập hiệu quả.
Lúc này, độc giả có thể đang nghĩ: Các trường trung học cần giải quyết vấn đề này tốt hơn. Hoặc bạn có thể hy vọng những hậu quả của đại dịch cuối cùng sẽ tự khắc biến mất (mặc dù đó là điều mà nhiều giảng viên mong đợi sẽ xảy ra vào năm học 2023-2024, nhưng điều đó đã không xảy ra). Đối với các chuyên gia hỗ trợ sinh viên trong trường đại học, những người tận tâm giảng dạy các kỹ năng này, đội ngũ nhân viên của họ sẽ không thể thành công nếu không có sự hợp tác của giảng viên.
Các giảng viên, những người có khả năng thuyết phục bằng ngôn từ và có quyền đưa ra các hình thức thưởng và phạt trong lớp học, hoàn toàn có thể giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng học tập hiệu quả. Hãy thử giới thiệu và củng cố những hành vi và thói quen mà một sinh viên đại học nên có sau đây:
- Đi học thường xuyên: Giải thích tầm quan trọng của việc đi học đối với kết quả học tập và điểm chuyên cần. Điểm danh và nhắc nhở sinh viên vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Nếu sinh viên có thể học mọi thứ cần thiết mà không đến lớp, tại sao họ lại phải đến trường?
- Tỉnh táo và tập trung trong lớp: Nêu rõ kỳ vọng của giảng viên về hành vi trong lớp: Cất điện thoại đi, bỏ tai nghe ra và chủ động tham gia thảo luận tự nguyện hoặc khi được gọi. Cho sinh viên biết khi họ lơ là; khen ngợi họ khi họ có đóng góp tích cực.
- Dành thời gian để làm bài tập về nhà: Cho sinh viên biết họ cần dành bao nhiêu thời gian mỗi tuần để hoàn thành bài tập cho môn học hoặc ôn thi. Nếu họ gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian, hãy giới thiệu cho họ các công cụ trực tuyến (Google Calendar, To-do List, Pomodoro…) và khuyến khích họ tự tối ưu nó với thói quen của bản thân.
- Nộp bài đúng hạn: Xác định hình phạt cho việc nộp bài trễ và giải thích logic đằng sau chúng. Ví dụ: Không tham gia làm bài tập nhóm sẽ bị trừ nhiều điểm hơn so với không làm bài tập cá nhân. Sinh viên nên được cảnh cáo để họ rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm trong khi vẫn có thể khắc phục. Cho sinh viên đang trong trường hợp khẩn cấp biết phải làm gì nếu họ không thể hoàn thành bài tập, chẳng hạn như gửi email cho bạn ngay lập tức và không đợi đến khi thời hạn đã qua.
- Tránh xa những yếu tố gây nhiễu: Nhắc nhở sinh viên rằng trì hoãn và mất tập trung là những vấn đề phổ biến, và để thành công, họ phải học cách quản lý những thách thức đó. Chia sẻ một số chiến lược mà bạn đã biết, chẳng hạn như học tập trong thư viện hoặc không gian yên tĩnh, sử dụng Đồng hồ Pomodoro và xóa các ứng dụng gây mất tập trung hoặc cất điện thoại ngoài tầm với. Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với những thứ gây mất tập trung; các giảng hãy đồng cảm nhưng không giảm bớt kỳ vọng ở sinh viên.
- Chăm sóc sức khỏe: Sinh viên cần nhiều hơn sự cảm thông và khuyến khích đối với các vấn đề sức khỏe. Họ cần được hiểu rằng việc chăm sóc bản thân – cả về thể chất và tinh thần – là điều cần thiết để thành công ở đại học. Nhắc nhở sinh viên về các nguồn lực trong trường và sẵn sàng giới thiệu khi họ yêu cầu sự giúp đỡ của.
- Tìm kiếm sự trợ giúp: Giải thích cách thức mà sinh viên có thể nhận được sự giúp đỡ trong và ngoài lớp học. Họ có thể đến văn phòng của giảng viên tại trường, liên hệ với giảng viên qua các kênh chính thống, tham gia các nhóm học tập hoặc tham khảo các tài nguyên trực tuyến.
Ngoài ra còn nhiều điều khác nữa. Mục tiêu của giảng viên là làm rõ kỳ vọng của bản thân ở sinh viên, lặp lại thường xuyên trong lớp và giải thích giá trị của chúng. Khen ngợi sinh viên khi họ thành công và nhắc nhở nhẹ nhàng khi họ lơ là.
Chắc chắn, việc hướng dẫn rõ ràng, khuyến khích, khen thưởng và nhắc nhở về những hành vi này sẽ không giải quyết được mọi vấn đề. Đối với một số sinh viên, các yếu tố tình huống, bao gồm cả những khó khăn về sức khỏe tâm thần, quá lớn và họ cần nhiều sự giúp đỡ hơn những gì giảng viên hoặc chuyên gia hỗ trợ sinh viên có thể cung cấp. Những sinh viên như vậy sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu của mình, nhưng giảng viên có thể giúp đỡ bằng cách nêu rõ những gì cần thiết, dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Sinh viên có thể cảm thấy bối rối vì chưa thể thích ứng ngay lập tức với môi trường đòi hỏi sự chủ động và tự giác. Tuy nhiên, nếu giảng viên hướng dẫn cách để thực sự trở thành một sinh viên; họ sẽ có động lực, hình thành thói quen, và học tập tốt hơn.
Dịch từ Chronicle
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.