Con đường học thuật không hề dễ đi, đặc biệt đối với những người mới chập chững vào nghề. Liệu có hướng đi nào cho các “tay mơ” có thể áp dụng để tận dụng tối đa tiềm năng của mình, góp phần cải thiện sự đa dạng tri thức và thúc đẩy sự phát triển của khoa học?
Dưới đây là đoạn trích từ “Amateur Hour: Improving knowledge diversity in psychological and behavioral science by harnessing contributions from amateurs” của Erik Mohlhenrich và nhà đồng sáng lập SoS giáo sư Dario Krpan. Trong bài báo này, các tác giả phác thảo một lý thuyết về cách các nhà nghiên cứu mới vào nghề có thể đóng góp tốt nhất cho khoa học tâm lý và hành vi (PBS). Mặc dù tập trung vào PBS và các nhà nghiên cứu trẻ, bài viết này có thể áp dụng cho tất cả các nhà nghiên cứu ở mọi lĩnh vực. Theo đó, các nhà nghiên cứu nên tận dụng các chủ đề hoặc hình thức nghiên cứu thường bị bỏ qua do các động lực và hạn chế của hệ thống học thuật (“điểm mù”).
Những vùng đất chờ khai khác
Tác giả đề xuất rằng các nhà tâm lý mới vào nghề có thể nâng cao đa dạng kiến thức trong lĩnh vực tâm lý học đại chúng hiệu quả nhất bằng cách tập trung vào những“điểm mù” – những nỗ lực bị bỏ qua trong giới hàn lâm (ví dụ, do không được khuyến khích hoặc do các ràng buộc khác) nhưng có tiềm năng lớn dẫn đến những hiểu biết và khám phá mới (Bảng 1). Chẳng hạn, phong trào “học thuật chậm” nhấn mạnh việc các học giả đối mặt với cường độ công việc ngày càng tăng và áp lực xuất bản ngày càng lớn (Harland, 2016; Hartman & Darab, 2012). Nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng bài báo trung bình tại thời điểm tuyển dụng cho các vị trí giảng viên khoa học đã tăng đều đặn trong những năm gần đây (Pennycook & Thompson, 2018; Reinero, 2019; Van Dijk, Manor, & Carey, 2014); những xu hướng này có thể dẫn đến việc các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ, tránh xa các dự án đòi hỏi sự cống hiến trong một khoảng thời gian dài. Điều này cho thấy các dự án nghiên cứu dài hạn thường bị bỏ qua trong giới học thuật và những nhà nghiên cứu nghiệp dư có thể đóng góp giá trị bằng cách tập trung nỗ lực vào đó (Bảng 1). Điều này có thể bao gồm việc dành nhiều thập kỷ để xây dựng các lý thuyết tâm lý phong phú và đa tầng, nghiên cứu chi tiết hơn về các hiện tượng tâm lý, v.v. Mặc dù không thuộc PBS, Gregor Mendel là một ví dụ về một nhà nghiên cứu nghiệp dư đã đạt được một đột phá đòi hỏi thời gian đáng kể; các thí nghiệm của ông trên cây đậu mất bảy năm để hoàn thành và gần 40 năm để được công nhận là một bước đột phá khoa học (Henig, 2000; Weiling, 1991).
Bảng 1: Những điểm mù không được khuyến khích trong học thuật và có thể được thực hiện bởi nhà nghiên cứu mới vào nghề để làm phong phú tri thức về tâm lý học và khoa học hành vi. | |
Điểm mù | Mô tả |
Những dự án dài hạn | Dự án (vd,. phát triển lý thuyết, theo đuổi nghiên cứu) đòi hỏi sự cống hiến trong thời gian dài với kết quả không chắc chắn |
Các nghiên cứu quan sát cơ bả | Làm các nghiên cứu quan sát cơ bản nhằm xác định các hiện tượng mới hoặc đánh giá tính tổng quát của các hiện tượng đã biết. |
Đưa ra giả thuyết | Khám phá và suy nghĩ về các ý tưởng mới, ngay cả khi chưa có phương pháp luận và các yếu tố thực tiễn khác để kiểm chứng những ý tưởng đó trong thực tế hiện tại. |
Các dự án liên ngành | Các dự án kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau của tâm lý học (và có thể cả các ngành khác). |
Các dự án không định hướng | Các dự án không có mục tiêu, kế hoạch và kết quả được xác định hay kỳ vọng trước. Thay vào đó, các dự án này phát triển theo hướng mà người thực hiện cảm thấy có hứng thú hoặc theo các ý tưởng mới. |
Các lĩnh vực nghiên cứu hiếm gặp | Các lĩnh vực nghiên cứu mà nhà tâm lý học bỏ qua hoặc ít chú ý đến. |
Do tâm lý học hàn lâm thường ưu tiên nghiên cứu thực nghiệm, đôi khi đến mức bỏ qua việc cơ bản như quan sát, những nhà nghiên cứu trẻ có thể đóng góp bằng cách thực hiện các nghiên cứu quan sát nhằm xác định hiện tượng mới hoặc đánh giá tính phổ biến của hiện tượng đã biết (Bảng 1). Đặc biệt, những nhà nghiên cứu nghiệp dư có thể tiếp cận các quần thể không thuộc WEIRD (Western, Educated, Industrialized, Rich, and Democratic), các nhóm tiểu văn hoá độc đáo, các bộ dữ liệu không phổ biến, hoặc môi trường đặc thù có thể cung cấp những quan sát mới mẻ. Những quan sát này có thể định hướng cho ý tưởng lý thuyết và nghiên cứu độc lập của chính họ, hoặc có thể gợi ra những khoảng trống nghiên cứu và ý tưởng mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các lý thuyết tâm lý mới mẻ và toàn diện hơn.
Một hoạt động khoa học khác mà những người mới có thể tập trung vào là suy đoán (Bảng 1), hoạt động đóng vai trò quan trọng trong nhiều khám phá khoa học. Trong một số trường hợp. các học giả buộc phải suy đoán về những hiện tượng chưa thể nghiên cứu thực nghiệm do hạn chế về phương pháp luận, và những giả thuyết này sau đó định hướng cho nghiên cứu khi phương pháp luận được cập nhật. Trong các trường hợp khác, suy đoán không bị ràng buộc vượt ra ngoài bằng chứng khoa học sẵn có đã dẫn đến những hiểu biết mới, truyền cảm hứng cho nghiên cứu và khám phá mới. Tuy nhiên, các chuẩn mực khoa học hiện đại và trọng tâm chung vào nghiên cứu thực nghiệm đã khiến các nhà khoa học chuyên nghiệp không muốn thảo luận hay công bố một số suy đoán táo bạo của họ). Miễn nhiễm với những chuẩn mực này, nhà khoa học trẻ có thể thu thập, tổ chức và công bố những suy đoán của riêng họ hoặc cùng với cộng sự là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Với chủ đề dễ tiếp cận của tâm lý học, những người không chuyên cũng hoàn toàn có khả năng đưa ra những hiểu biết có giá trị.
Các nhà nghiên cứu đang gặp nhiều khó khăn khi theo đuổi nghiên cứu liên ngành (Bảng 1). Cấu trúc ngành học hiện hành, cùng với các rào cản xã hội và áp lực về thành tích, đã tạo ra một môi trường không mấy thuận lợi cho sự phát triển của nghiên cứu liên ngành. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu nghiệp dư có thể không quá áp lực vì những điều này (ví dụ, họ có thể không theo đuổi tài trợ) hoặc không quan tâm đến chúng, do đó có thể tự do theo đuổi các dự án liên ngành theo cách mà các học giả khác không thể.
Các dự án “thiếu định hướng” (Bảng 1), nghĩa là các dự án không có kết quả được lên kế hoạch trước hoặc các mục tiêu được xác định sẵn, mà phát sinh từ hoạt động thú vị vốn không nhất thiết phải hướng đến mục tiêu thường ít được khuyến khích trong nghiên cứu học thuật. Các dự án như vậy có thể chỉ đơn giản là thu thập các quan sát và suy nghĩ về hành vi của con người hoặc các quá trình tinh thần vì hứng thú, nhưng những quan sát và ý tưởng này theo thời gian có thể tự nhiên phát triển thành các lý thuyết, dự án nghiên cứu và những nỗ lực khác có thể làm phong phú thêm kiến thức về tâm lý học. Các dự án “thiếu định hướng” có thể gặp phải vấn đề “bế tắc ngay từ đầu” do các nhà nghiên cứu học thuật sẽ khó có thể lý giải việc dành nhiều thời gian và nguồn lực cho các dự án không có trọng tâm rõ ràng hoặc chưa có sức thuyết phục ngay trong giai đoạn đầu. Mặt khác, những người nghiệp dư sẽ không phải đối mặt với những hạn chế này và có thể “chơi” với các ý tưởng và quan sát khác nhau để khám phá những điều chúng có thể dẫn đến.
Một hướng khác dành dân nghiệp dư đó là tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu hiếm gặp (Bảng 1) bị bỏ qua vì một lý do nào đó. Khác với các chủ đề “nóng hổi” thu hút nhiều sự chú ý và trích dẫn, thúc đẩy sự nghiệp cho nhà nghiên cứu, những lĩnh vực nghiên cứu ít được khai thác đôi khi lại ẩn chứa tiềm năng to lớn. Những lĩnh vực này có thể bao gồm những chủ đề cấm kỵ hoặc ít được quan tâm bởi các nhà tâm lý học học thuật, ví dụ như hành vi tôn giáo. Cũng có một số chủ đề vốn dĩ khó nghiên cứu vì chúng đòi hỏi kiến thức chuyên môn đáng kể (ví dụ: hiệu suất thể thao, kỹ năng săn bắn hoặc sinh tồn, thực hành thiền sâu) mà một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không có khả năng có được. Sự hợp tác với các nhà nghiên cứu nghiệp dư có kiến thức hoặc khả năng đặc biệt có thể mang lại những hiểu biết độc đáo trong các lĩnh vực này.
Thảo luận thêm điểm mù
Nhìn chung, thảo luận này nhấn mạnh một lĩnh vực chung trong “không gian nghiên cứu” có thể đặc biệt hứa hẹn: nghiên cứu dài hạn, không có mục tiêu cụ thể, mang tính suy đoán, và liên ngành về các chủ đề hiếm gặp hoặc cấm kỵ. Một lần nữa, mặc dù không thuộc lĩnh vực PBS, chúng ta có thể đưa Charles Darwin làm tấm gương. Dù Darwin cuối cùng đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, vào thời điểm khởi hành trên tàu HMS Beagle năm 1831, ông vẫn rất là một tay nghiệp dư, một chàng trai 22 tuổi không có bằng cấp cao hay bất kỳ công trình nào và phải tự trả chi phí cho chuyến đi.
Công trình của Darwin về thuyết tiến hóa là một ví dụ điển hình, với một chuyến hành trình kéo dài 5 năm trên tàu Beagle để khám phá và 23 năm sau khi trở về, công trình vĩ đại “Nguồn gốc của muôn loài” mới được xuất bạn. Darvin cũng không đặt ra mục tiêu cụ thể vì ông không kỳ vọng ngay từ đầu rằng sẽ phát triển một lý thuyết tiến hóa. Công trình của ông rất liên ngành, dựa vào nhiều lĩnh vực trong khoa học sinh học cùng với địa chất học và kinh tế học), là sự kết hợp của một lượng lớn quan sát cơ bản, và không hẳn là nghiên cứu thực nghiệm (dù ông cũng có những đóng góp đó), mà chủ yếu mang tính lý thuyết (và đôi khi mang tính suy đoán hơn). Lý thuyết của Darwin thậm chí còn là điều cấm kỵ vì nó chống lại những ý tưởng thần học phổ biến của thời đó và gây ra nhiều tranh cãi (và vẫn còn đến bây giờ). Chúng tôi kỳ vọng rằng một ngày nào đó có thể sẽ xuất hiện một Charles Darwin của lĩnh vực tâm lý, người sẽ theo một con đường tương tự và hy vọng rằng bài báo này cung cấp một gợi ý nhỏ theo hướng đúng đắn.
Lược dịch từ: Seeds of Science
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 2 / 5. Số đánh giá: 4
Chưa có đánh giá.