Trong một bài báo xuất bản năm 2024 trên tờ The New York Times có tựa đề “Khi internet của Trung Quốc biến mất, chúng ta mất đi một phần ký ức tập thể của mình”, tác giả Li Yuan coi internet như một kho lưu trữ của phần lớn bộ nhớ tích luỹ gần đây của chúng ta. Điều đó cho thấy, kiến thức chung của Trung Quốc khá khác biệt so với kiến thức của hầu hết người dùng Google, mặc dù cả hai phía đều chịu ảnh hưởng từ các tấm lọc và những thuật toán đề xuất.
Mặc dù người dân Trung Quốc rất ý thức được rằng internet của họ là “khác biệt”, nhưng một chi tiết đáng lo ngại hơn là một phần lớn của nó dường như đang biến mất. Yuan trích dẫn một blogger, He Jiayan, tóm gọn lại: “Chúng tôi từng tin rằng internet có trí nhớ, nhưng lại không nhận ra rằng đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn.
Nhà triết học công nghệ Bernard Stiegler đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về hiện tượng trí nhớ được lưu trữ bên ngoài và mối quan hệ của nó với công nghệ số. Theo Stiegler, vấn đề không chỉ nằm ở sự tương tác giữa trí nhớ và công nghệ, hay ảnh hưởng của công cụ đối với cuộc sống chúng ta, dù điều này rất quan trọng. Ông quan tâm sâu sắc hơn đến cách các công cụ công nghệ được sử dụng và kiểm soát bởi những bởi các cá nhân và tổ chức quyền lực như Amazon, Google và Facebook, hoặc các quốc gia như Nga và Trung Quốc.
Stiegler cho rằng mối quan hệ giữa con người và công nghệ còn sâu sắc hơn thế. Ông nhìn nhận công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là cách chúng ta tái định nghĩa và mở rộng bản thân vượt khỏi giới hạn sinh học.
Công nghệ và ngoại hóa trí nhớ
Internet là ví dụ điển hình cho thấy công nghệ cho phép chúng ta lưu trữ ký ức cá nhân bên ngoài bản thân. Thực tế này đã tồn tại từ lâu trước thời đại số, thông qua các nghi lễ, công cụ, âm nhạc và nghệ thuật. Khi được lưu giữ bên ngoài, ký ức cá nhân trở thành tài sản chung, mang khía cạnh xã hội, được truyền qua các thế hệ thông qua cái mà chúng ta gọi là “văn hóa”.
Lưu trữ trí nhớ bên ngoài không phải là vấn đề cốt lõi, nhưng nó đặt ra thách thức về sự cân bằng giữa công nghệ và xã hội theo quan điểm của Stiegler. Khi công nghệ thay đổi đột phá như trong trường hợp số hóa, sẽ xuất hiện giai đoạn khó thích nghi, đòi hỏi sự đồng lòng của cộng đồng để tìm ra ý nghĩa mới và ổn định tình hình.
Stiegler tập trung vào khái niệm tự động hóa để giải thích vấn đề. Thực tế, tự động hóa không phải là điều gì tiêu cực – mọi xã hội, cá nhân và thậm chí sinh vật sống đều dựa trên các quy trình tự động. Có thể nói, tự động hóa là cơ sở của sự sống. Vấn đề thực sự nằm ở cách thức tự động hóa kỹ thuật số làm tắc nghẽn các chức năng chủ ý của tâm trí. Điều này cũng áp dụng cho môi trường sư phạm, vốn đang trong giai đoạn điều chỉnh khó khăn và tự động hóa quá mức do sự xuất hiện của kỹ thuật số, đặc biệt là sự ra đời gần đây của ChatGPT. Giống như xã hội cần sự chung sức, môi trường học thuật cần những quan điểm phản đối việc vô tình chuyển đổi kiến thức chung thành dữ liệu. Mặc dù nhiều người ca ngợi trí tuệ nhân tạo (AI) là cuộc cách mạng trong nghiên cứu, nhưng các nhà nghiên cứu như Emily Bender đã chỉ ra rằng AI không hề thông minh.
Các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT chủ yếu dựa vào việc xác định các mẫu dữ liệu để tạo ra văn bản, mà không thực sự hiểu ý nghĩa của từ ngữ. Mặc dù vậy, chúng vẫn được cho là có trí thông minh. Thực chất, các mô hình này được huấn luyện bằng dữ liệu từ con người, nên chúng chỉ đơn giản phản chiếu lại những gì chúng đã học được, thay vì tạo ra kiến thức mới. Điều này khác biệt hoàn toàn với quá trình khám phá và sáng tạo của con người. Khi sinh viên hoặc nhà nghiên cứu sử dụng ChatGPT, họ sẽ quen với việc nhận được kết quả nhanh chóng mà không trải qua quá trình tư duy và tìm kiếm ý tưởng độc lập.
Ba giai đoạn của việc mất dần khả năng tự chủ
Stiegler cho rằng sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ đang dẫn đến một tình trạng mất dần khả năng tự chủ của con người. Ông chia quá trình này thành ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên, bắt nguồn từ thời kỳ cách mạng công nghiệp, là sự chuyển giao kiến thức từ người lao động sang máy móc. Điều này dẫn đến mất đi kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm truyền thống.
Giai đoạn thứ hai xuất hiện với sự phát triển của sản xuất hàng loạt, khi nhu cầu tiêu dùng trở thành trung tâm. Con người dần mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân và phụ thuộc vào tiêu dùng để đảm bảo cuộc sống.
Giai đoạn cuối cùng là hiện tại, với sự phát triển của công nghệ số và nền kinh tế tài chính, chúng ta đang mất đi khả năng tư duy độc lập và phụ thuộc vào thiết bị công nghệ để lưu trữ thông tin. Điều này dẫn đến tình trạng mất dần kiến thức nền tảng.
Điều chắc chắn là, chúng ta thậm chí chưa bắt đầu hiểu được những ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của việc phụ thuộc quá mức vào các cơ sở hạ tầng nhận thức, mà qua đó trí nhớ tập thể và quá trình sản xuất tri thức của chúng ta bị lu mờ bởi các quá trình tối ưu hóa lặp đi lặp lại và hiệu suất dự đoán.
Vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi Stiegler mô tả quá trình ngoại hóa và tự động hóa trí nhớ của chúng ta như một sự sang chấn hay một cú sốc công nghệ. Tất nhiên, sang chấn là một phần tự nhiên của cuộc sống, nhưng nó cần được chăm sóc để không trở thành bệnh lý.
Tuy nhiên, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng một môi trường quan tâm và chia sẻ, bao gồm cả trong nghiên cứu và giáo dục, khi mọi người đều hướng tới việc mở rộng bản thân ra thế giới kỹ thuật số trong tương lai? Thật khó trách họ. Trong một thế giới đầy rắc rối và thiếu những giá trị chung giúp vượt qua cảm giác vô định, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tìm đến sự giải trí đơn giản như xem phim và nghỉ ngơi.
Giải pháp thông diễn học (Reparative hermeneutics)
Nhận diện và không né tránh những cảm xúc và tình huống khó chịu do cuộc sống số hóa hiện đại gây ra là những gì nhà lý luận Eve Kosofsky Sedgwick gọi là giải pháp thông diễn học (Reparative hermeneutics). Phương pháp này thay thế cách nhìn nghi ngờ và tiêu cực bằng một cách tiếp cận xây dựng, hướng đến việc tạo ra cộng đồng chăm sóc. Đây không phải là giải pháp cuối cùng mà là một quá trình đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trước ảnh hưởng của công nghệ và truyền thông đại chúng, đồng thời bảo vệ trí nhớ tập thể, bằng cách chống lại quá trình đồng nhất hóa truyền thông đại chúng và sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ.
Hơn nữa, đây là lời kêu gọi chống lại sự ồn ào của internet: tiếng ồn mà đang che phủ những gì đang thực sự diễn ra với ký ức tập thể của chúng ta, mà dường như là còn tệ hơn nhiều so với sự biến mất của internet ở Trung Quốc.
Lược dịch từ: University World News
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.