Các trợ lý biên tập của tạp chí đôi khi phải làm xáo trộn quá trình xuất bản vì những lợi ích khoa học lớn hơn.
Tuyên bố về xung đột trong lợi ích (Conflicts of interest – COI), dù chúng thuộc về tài chính hay lĩnh vực khác, đều là một phần bắt buộc trong các tranh luận khoa học. Suy cho cùng, ngay cả những nhà khoa học trung thực và thiện chí cũng có thể vô tình đưa ra những lập luận thiên vị. Mỉa mai thay, những xung đột lợi ích nội tại âm ỉ (Insidious intrinsic Conflicts of interest – iCOI) có thể vừa nguy hiểm và phổ biến, nhưng lại không được đề cập đến trong giới học thuật. Những học giả không được xuất bản bài báo và không giành được khoản tài trợ có thể mất phòng thí nghiệm; bị giao cho các công việc không đúng chuyên môn; bị giảm lương, và tệ nhất có thể bị sa thải. Tình huống này tạo ra một xung đột thường trực cho hầu hết các tác giả không có xung đột lợi ích nào để khai báo. , Upton Sinclair nổi tiếng từng châm biếm: “Thật khó để khiến mọi người hiểu điều gì đó khi tiền lương của họ phụ thuộc vào việc không hiểu nó.”
Trong bài báo mang tính bước ngoặt về mô hình hóa các tác động của p-hacking, các tác giả từ Đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) và Đại học California, Berkeley (University of California, Berkeley) đã chỉ ra rằng việc trình bày một cách tinh vi về số bậc tự do đã khiến ngưỡng p-value 0,05 trở nên vô nghĩa, vì nó dẫn đến 61% khả năng mắc lỗi loại I. Điều này đã khiến khai thác và đào bới dữ liệu trở thành những thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực cho thực hành phổ biến của việc nhìn vào dữ liệu từ nhiều góc độ khác nhau, trong khi đây là điều cần thiết cho khoa học. Vấn đề là, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng họ chỉ kiểm định một giả thuyết, trong khi khi thực tế nhiều giả thuyết đã vô tình được kiểm định. Việc sử dụng các phép kiểm định thống kê không bao gồm kiểm định nhiều giả thuyết đã đánh giá quá cao về mức độ ý nghĩa. Đây là một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tái lập (reproducibility crisis), và nhóm tác giả đã đưa ra một danh sách các biện pháp khắc phục tiềm năng trong bài báo của mình. Họ đưa ra sáu khuyến nghị cho tác giả và bốn cho người bình duyệt. Tất cả các khuyến nghị đều tập trung vào việc tăng cường tính chặt chẽ của nghiên cứu, ngoại trừ một khuyến nghị nói rằng, “Người đánh giá nên khoan dung hơn với những thiếu sót trong báo cáo kết quả.” Có thể thật lạ lùng khi một bài báo tập trung vào tăng cường độ chính xác lại khuyến khích sự khoan dung đối với những thiếu sót. Lý do là nếu các tiêu chuẩn công bố khoa học quá cao, thì áp lực của xung đột lợi ích nội tại sẽ thúc đẩy những kết quả biến dạng, phóng đại, và đôi khi là dối trá hoàn toàn. Điều này càng làm cho chủ nghĩa “xuất bản hoặc lụi tàn” tồn tại lâu hơn, và không ai muốn tồn tại trong môi trường học thuật như vậy cả.
Bình duyệt (peer review) là một trong những đặc điểm thiêng liêng của khoa học hiện đại, phân biệt các công bố khoa học với phần còn lại. Tính hợp lệ của một công bố không dựa trên thẩm quyền của tác giả mà thay vào đó, các đồng nghiệp có trình độ sẽ xác định tính hợp lệ của chúng dựa trên dữ liệu. Thông thường, những người bình duyệt (reviewers) là ẩn danh, vì vậy họ cảm thấy thoải mái khi đưa ra đánh giá thẳng thắn mà không phải lo về hậu quả. Quá trình này giúp khắc phục tính thiên vị xác nhận (confirmation bias) mà con người dường như không thể thoát khỏi, dù cho họ đã cố gắng hết sức. Điều này không có nghĩa là người bình duyệt không có những thiên vị riêng, nhưng họ có thể quan sát dữ liệu từ một góc độ khác so với tác giả. Do đó, điều được coi là thiên vị xác nhận đối với người bình duyệt có thể được coi như là thiên vị phản đối (disconfirmation bias) đối với các công bố của tác giả. Theo hướng này, tư duy tích lũy của tập thể sẽ có một cuộc đối thoại nội bộ cân bằng hơn.
Trong hệ thống pháp lý Hoa Kỳ, các Công tố viên cấp Quận (District Attorneys) là bên cuối cùng sẽ quyết định ai bị truy tố (và ai không bị truy tố) cùng các hình phạt nào sẽ được đề xuất. Chính vì lý do này mà Thẩm phán Tòa án Tối cao (Supreme Court Justice ) Robert Jackson đã tuyên bố, “Công tố viên cấp Quận có nhiều quyền kiểm soát đối với sinh mạng, tự do và danh dự của con người hơn bất kỳ ai khác ở Mỹ.” Tương tự, trong hệ thống bình duyệt khoa học, các trợ lý biên tập của tạp chí sẽ quyết định bài báo nào được đánh giá, ai đánh giá chúng, và cách giải quyết đối thoại giữa các tác giả và người bình duyệt trong quá trình chỉnh sửa bài báo. Do đó, các biên tập viên có quyền kiểm soát to lớn đối với quá trình xuất bản. Tuy nhiên, một số trợ lý biên tập có thể đang gây hại cho lĩnh vực này bằng cách nhầm lẫn giữa việc nhầm lẫn giữa việc không can thiệp với tính khách quan vô tư.
Bình duyệt là điều cần thiết để đảm bảo rằng các công bố của tác giả tuân thủ tiêu chuẩn dựa trên quan sát, diễn giải và lý luận. Tuy nhiên, người bình duyệt không bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn này. Đôi khi, người bình duyệt có thể không thích các phát hiện trong một bài báo vì nhiều lý do khác ngoài những cơ sở dựa trên quan sát và diễn giải. Tệ hơn nữa, người bình duyệt có thể thiên vị bởi lý do chính trị hoặc cá nhân mà không liên quan đến khoa học. Bất kỳ bài báo nào cũng có thể bị từ chối bằng cách sử dụng những bình luận sáo rỗng nhằm loại bỏ tranh luận, dẫn đến việc “giết chết bản thảo.” (manuscriptocide). Trong những trường hợp như vậy, tác giả có thể trở nên bất lực.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, các tác giả có thể kháng cáo lên trợ lý biên tập để xác định tính hợp lệ của những nhận xét từ người bình duyệt. Tuy nhiên, ít nhất theo kinh nghiệm và quan điểm của tôi, các trợ lý biên tập đã trở nên quá ngần ngại để can thiệp. Thay vào đó, các trợ lý biên tập thường đóng vai trò như một thẩm phán thủ tục, tạo điều kiện đối thoại giữa các tác giả và người bình duyệt, vốn ưu tiên việc xoa dịu ý kiến của bình duyệt viên để bản thảo được chấp thuận đăng. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu sự đồng thuận hoàn toàn cho việc xuất bản và cho phép một bình duyệt viên đơn lẻ có thể “bỏ treo” hội đồng, dẫn đến bài báo bị từ chối. Nếu tiêu chuẩn xuất bản quá cao, và nếu chúng ta cho phép sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của sự liêm chính, thì dù có chủ ý hay không, xung đột lợi ích nội tại và nhu cầu duy trì năng suất học thuật sẽ trở thành một động cơ khổng lồ thúc đẩy p-hacking và các bước đi sai lầm khác.
Trong một số trường hợp, trợ lý biên tập có thể mời thêm một người bình duyệt khác tham gia đánh giá bài báo, nhưng đây chỉ là một đánh giá bổ sung cho bản thảo của tác giả, thay vì tham gia đánh giá lý lẽ không đồng tình của người bình duyệt. Thay vào đó, các trợ lý biên tập có thể và nên xem xét các đánh giá của người bình duyệt. Suy cho cùng, các biên tập viên là những chuyên gia được tuyển chọn kỹ càng trong lĩnh vực tương ứng và đủ trình độ để đánh giá bài báo và nhận xét của người bình duyệt. Nếu đa số bình duyệt viên ủng hộ việc xuất bản, việc bác bỏ ý kiến của một người đánh giá đơn lẻ có quan điểm trái ngược hoàn toàn không phải là một hành động tùy tiện của một phó tổng biên tập .
Mặc dù việc bác bỏ nhận xét của một bình duyệt viên có nguy cơ thay thế hành vì thiên vị này bằng hành vi thiên vị khác và có thể khuyến khích sự ưu ái không phù hợp (inappropriate favoritism), thiên vị nội tại (intrinsic bias), và quan hệ thân quen (cronyism), nhưng vẫn có những giải pháp khác. Biên tập viên có thể tạo điều kiện cho cuộc tranh luận giữa những người bình duyệt, sử dụng người bình duyệt này để đánh giá lý lẽ của người bình duyệt khác. Bằng cách này, thay vì là một quản trị viên thụ động chỉ tuyển chọn bình duyệt viên và đóng vai trọng tài trong các buổi tranh luận, họ sẽ trở thành một nhà khoa học chủ động tham gia vào quá trình này. Ít nhất theo quan điểm của tôi, đó là vai trò của họ.
Thật vô nghĩa khi các phó tổng biên tập không can thiệp vào quá trình bình duyệt vì lý do tránh xung đột, thiếu thời gian để tham gia khi cần thiết, hoặc có quan niệm sai lầm rằng họ chỉ đóng vai trò trong thủ tục và không mang tính khoa học. Tất nhiên, các biên tập viên liên cũng dễ lâm vào xung đột lợi ích nội tại (iCOI), do đó họ cần phải có trình độ và kinh nghiệm đủ cao để chống lại các hành vi dựa trên nỗi sợ bị trả thù từ những người bình duyệt có ý kiến bị bác bỏ hoặc các tác giả bị từ chối. Các phó tổng biên tập cần sẵn sàng “nhảy vào cuộc chiến” và vật lộn khi cần thiết.
Dịch từ: The Scientist
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 3 / 5. Số đánh giá: 2
Chưa có đánh giá.