Khi tuyển tình nguyện viên cho nghiên cứu trực tuyến, làm thế nào để các nhà nghiên cứu xử lý những người tham gia giả mạo danh
Những người tham gia mạo danh (Imposter participants) là những người giả mạo danh tính hoặc “thêm mắm dặm muối” vào những trải nghiệm của họ để có thể tham gia vào nghiên cứu trực tuyến. Điều này dần trở thành mối quan tâm thường trực đối với các nhà nghiên cứu. Những nghiên cứu định tính sử dụng các phương pháp bao gồm phỏng vấn sâu để hiểu hơn về quan điểm và trải nghiệm của mọi người. Những người tham gia mạo danh có thể che giấu danh tính thật thông qua tên, địa chỉ email, số điện thoại giả và sử dụng cả proxy địa chỉ IP để ẩn địa điểm máy tính của họ. Một đầu vào điển hình là các bài đăng trên mạng xã hội: Nhà nghiên cứu định tính tìm người để phỏng vấn bằng cách đăng bài trên loạt nhóm trực tuyến công khai mà nhóm đối tượng nghiên cứu đang tham gia.
Kể từ đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu dần coi việc tìm kiếm người tham gia nghiên cứu trực tuyến là một cách tiện lợi để tăng khả năng tiếp cận đến khách thể. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí di chuyển, việc thực hiện những buổi phỏng vấn trực tuyến được xem là an toàn để thực hiện cho cả nhà nghiên cứu và người tham gia nghiên cứu hơn là phỏng vấn trực tiếp. Mạng xã hội cũng có thể giúp nghiên cứu tiếp cận những người ở khoảng cách địa lý xa hơn, hay những người bị ẩn khỏi xã hội do kì thị xã hội.
Là một nhà nghiên cứu, bạn có thể cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó nói dối trắng trợn về danh tính của họ và dường như không quan tâm đến việc họ đang làm “bẩn” lượng dữ liệu mà bạn đã dày công thu thập. Bởi vì nghiên cứu định tính thường tập trung vào trải nghiệm của người tham gia, sự dối trá đó có thể khiến việc nhận định liệu một người có thuộc nhóm đối tượng nghiên cứu không trở nên khó khăn. Trong một vài trường hợp, các nhà nghiên cứu phải tạm dừng hay loại bỏ một phần phân tích của họ, lãng phí thời gian và công quỹ quý báu rót vào nghiên cứu của họ.
Xác minh danh tính không hề dễ dàng, theo như Emma Waite, một cộng sự nghiên cứu tại University of the West England Bristol, từng gặp phải những người tham gia mạo danh khi cô thực hiện nghiên cứu. Trong một nghiên cứu về trải nghiệm của người trẻ có sự khác biệt ngoại hình (như vết bỏng, hở hàm ếch hoặc cụt chi), các nhà nghiên cứu đã đề nghị thù lao là một phiếu mua sắm. Ngay cả khi có cuộc gọi sàng lọc qua video, một số người tham gia trông như không có sự khác biệt ngoại hình và ở độ tuổi khoảng 30 vẫn nói rằng họ đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và chỉ mới 17 tuổi.
Nhưng liệu rằng những người tham gia mạo danh này có thực sự là những kẻ xấu, quyết tâm phá hoại nghiên cứu của chúng ta không? Các nhà nghiên cứu từng làm việc với những người có thể là người tham gia nghiên cứu mạo danh đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở sau, hay những cuộc gọi có vẻ đã được thực hiện từ các trung tâm điện thoại tập trung, cho thấy những hoàn cảnh cá nhân phức tạp của những người tham gia mạo danh.
Mặc dù có nhiều yếu tố quyết định đến mức thù lao mà nhà nghiên cứu đưa ra, ví dụ như độ dài của nghiên cứu, nhưng chúng thường bị giới hạn bởi các chính sách từ những tổ chức tài trợ lớn như Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health). Các nhà tài trợ quy định khoản thù lao không được lớn một cách vô lý, để những người tham gia đủ điều kiện không bị ép buộc hay tác động không đúng mực để tham gia nghiên cứu.
Vì vậy, nếu một ai đó quyết định rằng những nỗ lực cho trò lừa dối có tính toán là xứng đáng để đổi lấy khoản thù lao nhỏ của nghiên cứu, có thể họ cũng cần sự thấu cảm và thấu hiểu của ta.
Nhưng chúng ta cũng cần xem xét vấn đề này trong bối cảnh toàn cầu. Một báo cáo năm 2023 của Liên hợp quốc về những người bị ép phải thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến tại Đông Nam Á cho thấy, sự bất bình đẳng, nghèo đói, thiếu cơ hội việc làm ổn và biến đổi khí hậu đều góp phần dẫn đến những hành vi vi phạm nhân quyền này. Đây là vấn đề vừa phức tạp mà cũng vừa đau lòng, còn các nhà nghiên cứu bị giới hạn về những điều họ có thể làm để hỗ trợ những người đó. Nhưng vẫn cần nhớ rằng, khi tuyển dụng qua nền tảng số, hoạt động nghiên cứu của ta cũng vô tình bước vào một không gian trực tuyến còn nhiều điều ta chưa biết và tiềm ẩn đầy rủi ro. Jacob Sims, một chuyên gia thỉnh giảng về tội phạm xuyên quốc gia tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ (U.S. Institute of Peace), nói rằng mặc dù ông chưa gặp phải các vụ lừa đảo nghiên cứu cụ thể trong công việc của mình về lừa đảo cưỡng bức, nhưng có khả năng các vụ lừa đảo nghiên cứu có thể xuất phát từ các địa điểm quy mô công nghiệp.
Mặt khác, những người tham gia mạo danh cũng có thể bị thúc đẩy bởi niềm tin trong hệ tư tưởng của họ, Mari Greenfield, một nghiên cứu viên tại Kings College London, đã thực hiện nghiên cứu về trải nghiệm của các bậc cha mẹ LGBTQ+ trong đại dịch Covid-19, năm 2020. Greenfield phát hiện ra rằng một số người tham gia không có ý định điền khảo sát, thay vào đó, họ tập trung vào việc chỉ trích những câu hỏi liên quan đến xác định bản dạng giới ở cuối khảo sát và để lại những bình luận xúc phạm. Dữ liệu đã bị loại bỏ.
Caro Cruys và LB Klein, những nhà nghiên cứu tại Trường Công tác xã hội Sandra Rosenbaum, Đại học University of Wisconsin-Madison (University of Wisconsin-Madison) đã gặp phải cả những kẻ phá đám và kẻ mạo danh khi tiến hành một nghiên cứu phỏng vấn những người sống sót sau bạo lực tình dục và bạo lực trong mối quan hệ LGBTQ+. Trong một chuỗi bài đăng trên Twitter (hiện là X), Klein nhấn mạnh sự khó chịu khi bị đặt vào tình thế khó khăn là tra hỏi tính chính đáng của người tham gia, đặc biệt là khi họ thuộc nhóm thiểu số, ít được lắng nghe. Klein đã viết: “Những người đồng tính và đặc biệt là người chuyển giới thường không nhận được gì khi chia sẻ câu chuyện của họ” và “Tôi không muốn những người có ý định tham gia nghĩ rằng tôi không tin tưởng họ”.
Vì xác minh danh tính là một quá trình khó khăn, Cruys và Klein đang phát triển một giao thức tham gia mạo danh (imposter participant protocol) để giúp những người khác giải quyết vấn đề này. Họ đề xuất rằng tác động của những người tham gia mạo danh có thể được giảm thiểu bằng cách kết nối với các nhóm cố vấn có kinh nghiệm và thành viên của nhóm quan tâm với tư cách đồng nghiên cứu, cũng như xây dựng mối quan hệ với các nhóm cộng đồng.
Các tập dữ liệu chứa các câu chuyện mạo danh có thể không phải là thứ quá tồi tệ. Anna Dowrick, một nhà y xã hội học tại Đại học Oxford (University of Oxford), cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng các bộ dữ liệu như vậy không nhất thiết phải bị loại bỏ hoàn toàn. Các nhà khoa học định lượng thường phải quản lý các tập dữ liệu số lớn, phức tạp, nhưng có các quy trình để xử lý các dữ liệu không hoàn hảo này và duy trì tính toàn vẹn của nghiên cứu. Tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu định tính có thể dọn dẹp các tập dữ liệu một cách cẩn thận, miễn là mục đích của nghiên cứu được duy trì.
Hoặc, thay vào đó, tại sao không tìm giá trị trong các trường hợp mạo danh? Những người tham gia mạo danh lấy thông tin từ đâu đó — những câu chuyện giả dối có lẽ không chỉ được lấy từ trí tưởng tượng, đặc biệt là với sự ra đời của các chatbot AI. Câu chuyện của họ vẫn có thể nói về các chủ đề hoặc lý thuyết rộng hơn, và những dữ liệu gây nhiễu này có thể mang lại sự tương phản thú vị, cũng như có thể thúc đẩy thảo luận trong các buổi phỏng vấn nhóm.
Bài viết không tranh luận rằng những người tham gia mạo danh nên bị bỏ qua hay chấp nhận. Vấn đề thực sự là các nhà nghiên cứu thường không biết ai đang ở sau màn hình, và việc xây dựng một nền văn hóa nghiên cứu thiếu thân thiện không thể bảo vệ nó khỏi xu hướng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng đáng lo ngại hơn. Thay vào đó, vì sự thiếu chắc chắn và các câu hỏi về đạo đức và luân lý vẫn chưa được giải đáp này, các nhà nghiên cứu cần phải nhận thức rõ hơn về hệ sinh thái trực tuyến mà họ đang tham gia khi đăng về nghiên cứu của mình. Chúng ta cần sớm xây dựng các biện pháp bảo vệ hoạt động tuyển tình nguyện viên và phỏng vấn trực tuyến của mình — cũng như tính đến những tác động rộng hơn.
Lược dịch từ Undark
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 1 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.