Sự phát triển của bài báo khoa học thành định dạng phổ biến hiện nay

Ảnh: Abstract Collages (For Textile Design) via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Với phong cách viết vừa mang tính cá nhân vừa đời thường, không có phần tóm tắt, không một tài liệu tham khảo, bài báo xuất bản năm 1982 của Richard Feynman: “Mô phỏng vật lý bằng máy tính – Simulating physics with computers” mang dáng vẻ của một nghiên cứu chất lượng thấp. Ngày nay, một bản thảo như vậy sẽ không vượt qua vòng kiểm định chất lượng đầu tiên của các tạp chí khoa học danh tiếng vì trông không giống bài báo khoa học uy tín (thực ra, đây chỉ là bản ghi lại bài nói chuyện của Feynman). Khi nghĩ về di sản của bài báo của Feynman (được coi là khai sinh ra lĩnh vực tính toán lượng tử), người ta đặt câu hỏi tại sao và bằng cách nào định dạng bài báo khoa học như hiện nay lại trở thành tiêu chuẩn, trong khi đây không phải yếu tố then chốt để truyền tải ý tưởng và khám phá mới.

Lịch sử của bài báo khoa học hiện đại bắt nguồn từ thế kỷ 17, khi những tạp chí đầu tiên ra đời như Tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society và Tạp chí Journal des Sçavans. Hai tạp chí này đại diện cho hai hệ hình khoa học bổ sung lẫn nhau: thực nghiệm và lý thuyết. Tạp chí Philosophical Transactions chú trọng đến quan sát thực tế từ nhiều nguồn khác nhau (bao gồm bác sĩ, nhà thám hiểm và các học giả), trong khi Tạp chí Journal des Sçavans tập trung nghiên cứu lý thuyết và toán học. Đến thế kỷ 18 và 19, sự khác biệt giữa hai cách tiếp cận dần thu hẹp khi số lượng tạp chí ngày càng tăng và khoa học trở nên chuyên nghiệp hóa. Bài báo khoa học bắt đầu thay đổi đáp ứng nhu cầu của người đọc chuyên ngành, đòi hỏi phong cách viết trang trọng hơn, sử dụng thuật ngữ chuyên môn nhiều hơn, thêm các bảng biểu, hình minh họa, cũng như tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, tất cả các yếu tố của một bài báo hiện đại mới xuất hiện (tiêu đề, tóm tắt, các phần chuẩn: thường là giới thiệu, phương pháp, kết quả và thảo luận, các mục minh họa, và các tài liệu tham khảo).

Dù có những tiến bộ khoa học vượt bậc trong thế kỷ 20 và sự xuất hiện của các mô hình mới như khoa học tính toán và khoa học dữ liệu, cấu trúc mô-đun này của bài báo khoa học hầu như không thay đổi. Điều này càng đáng ngạc nhiên hơn khi công nghệ xuất bản đã chuyển từ in ấn sang kỹ thuật số, đồng thời cách thức tìm kiếm thông tin đã thay đổi từ danh mục thư viện truyền thống sang công cụ tìm kiếm web. Như vậy có thể thấy, loại hình khoa học hay phương tiện truyền tải không quyết định định dạng của bài báo khoa học, mà là một yếu tố hoàn toàn khác. Theo Alan Gross và các đồng nghiệp nhận định trong một nghiên cứu về sự phát triển của bài báo khoa học: “Từ tiêu đề ở đầu đến phần tài liệu tham khảo ở cuối, bài báo khoa học hiện đại được thiết kế nhằm truyền tải tuyên bố một cách hiệu quả đến đối tượng mục tiêu,”. Từ đó, đến giữa thế kỷ 20, bài báo khoa học đã đạt đến định dạng tối ưu về mặt hiệu quả truyền đạt thông tin.

Việc không theo kịp với kiến thức đương thời đã trở thành một vấn đề từ cuối thế kỷ 19. Nhà thiên văn học và chuyên gia khoa học thông tin Arthur Jack Meadows từng nhận xét rằng “khi khối lượng và mức độ chuyên môn hóa của tri thức khoa học ngày càng tăng, nhu cầu tìm kiếm thông tin hiệu quả cũng trở nên cấp thiết hơn.” Giải pháp cho nó chính là phần tóm tắt (abstracts). Ít nhà khoa học nào có đủ thời gian để đọc toàn bộ bài báo từ đầu đến cuối. Thay vào đó, họ “lướt qua, chọn lọc những phần cụ thể của bài để nhanh chóng nắm bắt thông tin quan trọng.” Bài báo khoa học hiện đại, dù là dạng trực tuyến hay in ấn, đã trở thành một “hệ thống tìm kiếm tối ưu,” cho phép dễ dàng điều hướng giữa các thành phần của bài viết.

Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy định dạng tối ưu cho việc truy xuất thông tin (information-retrieval-optimized) là sự chuẩn hóa biên tập (nhằm xử lý khối lượng bản thảo ngày càng gia tăng) và quy trình phản biện (để đảm bảo tính chặt chẽ và độ tin cậy khoa học). Trớ trêu thay, chính định dạng của bài báo khoa học vừa dễ nhận diện vừa dễ sao chép, đang bị các “lò sản xuất bài báo” lợi dụng để tạo ra những bài giả mạo hoặc kém chất lượng, làm ô nhiễm kho tàng tài liệu khoa học.

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, Gross và các đồng nghiệp đã suy ngẫm liệu xuất bản điện tử (electronic publishing) có làm thay đổi định dạng của bài báo khoa học hay không. Họ dự đoán đúng rằng định dạng này sẽ không thay đổi nhiều. Thật vậy,  bố cục mô-đun này đã được nâng cấp nhờ khả năng liên kết các phần khác nhau và bổ sung các nguồn thông tin phụ trợ. Đầu những năm 2000 chứng kiến sự gia tăng các kỳ vọng và suy đoán về “bài báo của tương lai,” nhưng 20 năm sau, bài báo khoa học vẫn hầu như giữ nguyên và có lẽ sẽ tiếp tục như vậy, chừng nào các nhà khoa học vẫn cần tìm kiếm những thông tin cụ thể từ đó.

Dịch từ Nature

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh