Bình duyệt, hay phản biện ngang hàng (peer review), là quy trình được xây dựng để ngăn chặn gian lận trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, chính quy trình này đôi khi cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng chú ý.
Ví dụ điển hình là vào năm 2023, tạp chí Annals of Operations Research buộc phải thu hồi toàn bộ một số đặc biệt vì quy trình bình duyệt trong đó bị can thiệp nghiêm trọng. Sự việc này làm dấy lên nhiều lo ngại về hiệu quả thật sự của hệ thống bình duyệt trong bối cảnh khoa học hiện đại. Nó cho thấy, ngay cả một cơ chế được lập ra để phát hiện sai sót trước khi công bố cũng có thể thất bại, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch và độ tin cậy của nghiên cứu.
Vậy quy trình bình duyệt đang được triển khai ra sao? Những sai sót bắt nguồn từ đâu? Và có thể làm gì để cải thiện?

Quy trình bình duyệt: Từ truyền thống đến hiện đại
Quy trình bình duyệt như ngày nay xuất hiện từ giữa thế kỷ 20, sau Thế chiến thứ hai, khi nhu cầu nghiên cứu tăng mạnh. Trước đó, trong thế kỷ 18 và 19, việc thẩm định bài viết chủ yếu do biên tập viên các hội học thuật và nhà xuất bản đảm nhận.
Hiện nay, phần lớn các bài nghiên cứu được gửi đến các tạp chí sẽ được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập – những người được mời dựa trên chuyên môn phù hợp với nội dung bản thảo. Họ có nhiệm vụ kiểm tra độ phù hợp với mục tiêu tạp chí, đánh giá phương pháp nghiên cứu, xem xét tài liệu tham khảo, xác định tính mới và giá trị đóng góp của kết quả, đồng thời chỉ ra điểm thiếu sót và đề xuất chỉnh sửa.
Hình thức bình duyệt phổ biến nhất là phản biện ẩn kép (double-blind peer review), trong đó danh tính của cả tác giả và người phản biện đều được ẩn danh. Một số lĩnh vực, như khoa học xã hội và nhân văn, thường dùng phản biện kép ẩn: hai chuyên gia độc lập phản biện và gửi phản hồi cho biên tập viên, sau đó tác giả sẽ chỉnh sửa và hồi đáp trước khi được chấp thuận xuất bản.
Ngoài ra, một số nhà xuất bản và tạp chí đã và đang áp dụng mô hình phản biện mở – nơi danh tính của phản biện được công khai và phản biện có thể diễn ra cả trước và sau khi công bố. Mô hình này được cho là để thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Những thách thức của hệ thống hiện tại
Sự cố với Annals of Operations Research không phải là cá biệt. Trong năm 2024, Springer Nature đã thu hồi tới 2.923 bài báo do liên quan đến các vấn đề về liêm chính học thuật. Trước đó, Journal of Electronic Imaging cũng rút gần 80 bài vì nghi ngờ gian lận trong phản biện.
Một trong những nguyên nhân chính là áp lực xuất bản ngày càng lớn lên các học giả, khiến họ ít có thời gian đảm nhận vai trò phản biện. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải, khi một số chuyên gia được mời phản biện liên tục vì họ từng đánh giá bài rất tốt – nhưng lại không thể nhận thêm do hạn chế thời gian và công việc cá nhân.
Bên cạnh đó, còn tồn tại nguy cơ thao túng quy trình bình duyệt. Một số tác giả được yêu cầu đề xuất người phản biện, rồi tự tạo tài khoản email giả và tự viết đánh giá tích cực cho chính mình. Trí tuệ nhân tạo thậm chí còn đang khiến những hành vi này trở nên tinh vi hơn.
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của các tạp chí “săn mồi” – hoạt động thiếu minh bạch, thu phí công bố mà không thực hiện phản biện nghiêm túc, dẫn đến sự lan truyền của các nghiên cứu kém chất lượng.
Trong một bài đăng trên Retraction Watch, nhà nghiên cứu Richard Phelps đã lên tiếng chỉ trích các biên tập viên vì bỏ qua bước đánh giá tài liệu tham khảo, làm ngơ trước những bài viết có phần tổng quan tài liệu yếu kém hoặc cố tình phớt lờ các nghiên cứu trước đây.
Hướng tới một quy trình bình duyệt tốt hơn
Để cải thiện hệ thống hiện tại, các biên tập viên có thể thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng chất lượng phản biện và đội ngũ chuyên gia tham gia.
Ví dụ, họ có thể thường xuyên rà soát và cập nhật danh sách phản biện viên, mở rộng nguồn bằng cách mời những tác giả từng xuất bản bài trong lĩnh vực liên quan. Đồng thời, cần đưa ra hướng dẫn rõ ràng và thống nhất để người phản biện biết tiêu chí nào cần đánh giá và phải lý giải vì sao họ đưa ra nhận định đó.
Một phương pháp tiếp cận được khuyến khích là phản biện theo hướng “dựa trên điểm mạnh” – tức là nêu bật cả ưu điểm lẫn hạn chế của bài viết, giúp các đánh giá mang tính xây dựng nhiều hơn, thay vì chỉ tập trung soi lỗi.
Ngoài ra, việc gửi nhận xét của phản biện cùng với một bản tóm tắt tổng quan từ biên tập viên – trong đó nhấn mạnh các vấn đề chính đã được nêu – cũng được xem là hữu ích đối với tác giả. Cách làm này giúp tác giả dễ dàng nắm bắt trọng tâm của nội dung phản biện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chỉnh bài báo.
Dịch từ The Conversation
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.