Một trong những tổ chức tài trợ nghiên cứu lớn nhất của Đức hy vọng rằng giải pháp “bình duyệt phân tán” có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt người phản biện.
Quỹ Volkswagen tại Hannover, tổ chức tài trợ nghiên cứu lớn nhất của Đức, đang thử nghiệm quy trình “bình duyệt phân tán” (distributed peer review) như một phần của chương trình “Open Up”. Đây là chương trình xử lý các đề xuất tài trợ lên tới 400.000 euro cho các nhóm gồm hai đến ba nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nhân văn và văn hóa. Với bình duyệt phân tán, tất cả ứng viên tham gia vào chương trình này đều có thể trở thành người phản biện cho đề cương của các nhà nghiên cứu khác, họ được yêu cầu xem xét đề xuất của các nhà nghiên cứu khác như một điều kiện để đề cương của chính họ được bình duyệt. Vào tháng 6, quỹ đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát mà trong đó các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lạc quan về bình duyệt phân tán, mặc dù khối lượng công việc của họ tăng thêm khi làm trọng tài miễn phí cho các đề xuất tài trợ của nhau.
Khoảng 85% các nhà nghiên cứu nộp đơn xin tài trợ đã đồng ý với “bình duyệt phân tán”, 77% mong đợi tổ chức sẽ tìm được những người phản biện phù hợp cho đơn đăng ký của họ – những người có kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để cung cấp phản hồi hữu ích. Khoảng 74% số đáp viên cho biết họ tin tưởng quy trình này đủ công bằng để kinh phí có thể đến với những nghiên cứu tốt nhất, và 70% nghĩ rằng điều này giúp xác định các đề cương tài trợ mạo hiểm hơn so với những đề xuất được lựa chọn theo quy trình bình duyệt hiện tại, được thực hiện bởi các thành viên hội đồng do quỹ chỉ định.
Sáng kiến này xuất hiện vào thời điểm mà việc tìm kiếm người tình nguyện thực hiện phản biện đang ngày càng trở nên khó khăn. Thực tế là chỉ một nhóm nhỏ những nhà nghiên cứu bị quá tải bởi số lượng yêu cầu phản biện khổng lồ, trong khi có rất nhiều ứng viên phù hợp cho công việc này lại không được liên hệ, khiến cho vấn đề này càng tồi tệ hơn. Những người ủng hộ bình duyệt phân tán cho rằng quy trình này có thể đơn giản hóa việc tìm ra những người phản biện phù hợp, đặc biệt là bởi động lực để công trình của chính họ được xem xét.
Kiểm tra quy trình bình duyệt phân tán
Đài quan sát Nam Âu (The European Southern Observatory – ESO) tại Garching, Đức, đã tiến hành một thử nghiệm tương tự, được công bố vào năm 2020, sử dụng bình duyệt phân tán để đánh giá các đề xuất nghiên cứu sử dụng kính thiên văn của mình. Thử nghiệm không tìm thấy sự khác biệt về tần suất chấp nhận đề xuất nghiên cứu giữa quy trình bình duyệt phân tán và quy trình bình duyệt thông thường với một nhóm hội đồng được chỉ định.
Vì vậy, ESO đã chính thức triển khai quy trình bình duyệt phân tán. Tereza Jerabkova, một nhà thiên văn học tại Văn phòng Chương trình Quan sát (Observing Programmes Office) của ESO ở Garching cho biết họ hài lòng với kết quả này: “Động lực chính để thực hiện bình duyệt phân tán là số lượng đơn đăng ký mà chúng tôi nhận được mỗi kỳ. Bình duyệt phân tán không phải là một thứ xa xỉ, mà là một điều cần thiết”.
Hanna Denecke, trưởng nhóm tìm kiếm các nghiên cứu cần tài trợ của Quỹ Volkswagen, chia sẻ rằng việc tiết kiệm thời gian của quy trình này là vô cùng quan trọng. Denecke cho biết quỹ nhận được tới 300 đề xuất tài trợ trong chương trình Open Up mỗi năm, khoảng 100 đề xuất trong số đó thường được chọn vào vòng chung khảo. Nhân viên của quỹ sẽ phân phối các đơn đăng ký này cho một hội đồng gồm tám chuyên gia do quỹ chỉ định để xem xét, và mỗi năm có khoảng 10–12 đề xuất nhận được tài trợ. Denecke chia sẻ: “Đây là khối lượng công việc lớn đối với chúng tôi cũng như với những người phản biện”.
Đối với các khoản tài trợ Open Up năm nay – cổng đăng ký đã đóng vào cuối tháng 8 – quỹ đã quyết định thử nghiệm xem liệu bình duyệt phân tán có giúp quy trình này trở nên hiệu quả hơn hay không. Denecke cho biết, khoảng 80 trong số 140 đơn đăng ký đã được phản biện thêm bởi hội đồng. 140 đề xuất đó cũng đang trải qua quá trình bình duyệt phân tán, trong đó mỗi đồng tác giả của một đề xuất sẽ làm người phản biện cho bốn hoặc năm đơn xin tài trợ khác.
Denecke cho biết, vì mỗi đề xuất được mười nhà nghiên cứu đánh giá thông qua bình duyệt phân tán, có thể dễ dàng phát hiện ra những người có thể đang cố gắng “gian lận” hệ thống này bằng cách cố tình đưa ra phản hồi tiêu cực. Bà thừa nhận rằng đây là một trường hợp có khả năng xảy ra, vì các ứng viên đang cùng nộp đơn xin cho một số lượng tài trợ hạn chế.
Sau khi quá trình bình duyệt kết thúc, quỹ sẽ hỏi các nhà nghiên cứu về thời gian cần thiết để đánh giá năm đề xuất. Các ứng viên cho thấy những dấu hiệu chấp nhận và lạc quan ban đầu đầy hứa hẹn đối với quy trình này. Denecke cho rằng các nhà nghiên cứu hài lòng với ý tưởng bình duyệt phân tán, một phần vì họ sẽ nhận được phản hồi bằng văn bản về đề xuất của mình – điều mà họ không nhận được từ quy trình dựa trên hội đồng. Bà cho biết cũng có thể các nhà nghiên cứu đang bày tỏ sự lạc quan vì quỹ có kế hoạch trao gấp đôi số lượng tài trợ trong năm nay như một phần của thử nghiệm.
Rủi ro cạnh tranh
Andrew Preston, sống tại London và là người đồng sáng lập Publons – một trang web cho phép các nhà nghiên cứu ghi nhận công trạng khi tiến hành phản biện – đồng ý rằng bình duyệt phân tán có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu người phản biện cho các nghiên cứu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quá trình này sẽ khiến các nhà nghiên cứu tiếp xúc với ý tưởng của nhau, từ đó có thể thúc đẩy một số người khởi động những dự án không do họ tự mình nghĩ ra, mà không ghi nhận công trạng của nhà nghiên cứu với ý tưởng ban đầu. Quy trình bình duyệt phân tán cũng sẽ làm tăng số giờ mà các nhà nghiên cứu cùng nhau dành ra để tiến hành phản biện.
Denecke cho biết nhóm của bà đang có kế hoạch phỏng vấn các ứng viên xin tài trợ để hiểu được cảm giác của họ về những vấn đề này. Đối với khối lượng công việc, bà cho rằng gánh nặng phản biện phải do ai đó gánh vác. “Đa số, gánh nặng này do những người phản biện làm việc trong các hội đồng chịu trách nhiệm, với một lượng lớn các đề cương nghiên cứu. Ví dụ, trong trường hợp của chúng tôi, những người phản biện được bổ nhiệm vào hội đồng đã đánh giá khoảng 20 đề xuất. Và ngày càng khó tìm được người phản biện cho các hội đồng này”.
Một hạn chế khác của quy trình bình duyệt phân tán nằm ở độ dài của các đề cương nghiên cứu được đưa vào phản biện. Các đề xuất này thường khá ngắn, khoảng bốn hoặc năm trang. Denecke cho biết: “Bình duyệt phân tán có thể không phải là lựa chọn tốt cho các chương trình tài trợ lớn hơn, với mức tài trợ cao và các đề xuất dài hơn”.
Khi xem xét thành công của thử nghiệm và liệu quỹ có triển khai bình duyệt phân tán cho các chương trình tài trợ khác hay không, Denecke cho biết họ sẽ xem xét phản hồi từ những ứng viên xin tài trợ về tính khả thi, tính thực tế và tính minh bạch của quy trình. Bà cũng rất mong đợi vào mức độ mà các ý tưởng và dự án đa dạng hơn được chấp thuận. “Sẽ rất thú vị để xem liệu quy trình có thể nhận ra được những loại dự án này hay không”.
Dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.