Khoa học xã hội không thể tiếp tục bỏ qua những hành động xã hội của AI.

Máy móc thông minh và trí tuệ nhân tạo ngày càng được tích hợp sâu rộng vào nhiều bối cảnh xã hội. Đồng thời, chính những công nghệ này cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường xã hội và văn hóa của những người đã tạo ra chúng. Điều này nhấn mạnh rằng các nhà khoa học xã hội cần nhận thức rõ và chủ động tìm hiểu về các đặc tính xã hội của những công nghệ mới này.

Ảnh: Element AI via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Vào lúc 2:32 chiều ngày 6 tháng 5 năm 2010, Chỉ số bình quân Công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrial Average) lao dốc gần 1.000 điểm, tạm thời thổi bay 1.000 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán, gây ra sự kiện “sập sàn chớp nhoáng” đầu tiên trong lịch sử tài chính. Vào sáng sớm Chủ nhật, ngày 17 tháng 9 năm 2023, 20 phương tiện đang di chuyển qua khu vực West Campus ở Austin, Texas, bất ngờ dừng lại cùng lúc, dẫn đến một vụ tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Trong sáu tuần trước cuộc tổng tuyển cử năm 2024 tại Anh, mười người dùng trên X đã đăng những bài viết thu hút tổng cộng 150 triệu lượt xem.

Điểm chung giữa những sự kiện này là chúng đều liên quan đến máy móc thông minh – thuật toán, bot hoặc robot. Những thuật toán giao dịch tần suất cao (high-frequency trading – HFT) đã phản ứng ngay lập tức với lệnh bán giả có giá trị khổng lồ, gây ra sự kiện sập sàn chớp nhoáng. Những chiếc xe tự lái không thể giao tiếp và phối hợp để tránh nhau, dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Còn các tài khoản X đăng tải các tweet gây tranh cãi và thù ghét trên mạng ở Anh thực chất là các con bot.

Những câu chuyện trên nhắc nhở chúng ta rằng máy móc thông minh đã len lỏi vào cuộc sống hàng ngày, âm thầm định hình thực tại xã hội của chúng ta, đôi khi theo những cách không mong muốn. Gần đây, ngày càng có nhiều cảnh báo về sự trỗi dậy bất ngờ của siêu trí tuệ, được cho là sẽ đặt dấu chấm hết cho nhân loại. Phần lớn nỗi sợ này hình dung AI như một thực thể toàn năng và toàn trị – một vị thần trong thế giới công nghệ. Nhưng thực tế là, AI không phải một thực thể duy nhất, mà là tập hợp đa dạng, nhiều chiều, và sự thật là hiện tại vẫn chưa thực sự thông minh đến mức ấy.

Một nghiên cứu gần đây đã đề xuất một ý tưởng táo bạo: các nhà khoa học xã hội nên tiếp cận máy móc thông minh như những tác nhân xã hội, ngang hàng với con người (phiên bản mở có sẵn tại đây). Chúng ta, với tư cách là các nhà khoa học xã hội, có thể điều chỉnh và áp dụng lại các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu thực nghiệm của khoa học xã hội để nghiên cứu xã hội ngày nay – nơi con người và máy móc cùng tồn tại. Thay vì tưởng tượng những kịch bản tận thế xa vời, chúng ta cần tập trung vào việc hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội thực tế mà ta đang đối mặt.

Các lý thuyết đã được thiết lập trong tâm lý học xã hội và xã hội học, như Thiên kiến nhóm ngoài (Outgroup bias), Thiên vị quyền uy (Authority bias), và hiện tượng nhân cách hóa (Personification), vốn mô tả mối quan hệ giữa hai cá nhân hoặc hai nhóm, có thể được điều chỉnh để mô hình hóa mối quan hệ giữa con người và bot, hoặc giữa một nhóm người và một nhóm bot. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy khi ở trong nhóm, thay vì tương tác như cá nhân, con người dễ cảm thấy hiệu ứng đối đầu với nhóm robot, có xu hướng cạnh tranh hoặc bắt nạt robot nhiều hơn so với trong tương tác của họ và con người khác.

Tương tự, các nhà khoa học xã hội có thể điều chỉnh và mở rộng các phương pháp từ khoa học mạng (network science) và nghiên cứu hệ thống phức hợp (complex system) để khám phá động lực trong tương tác nhóm và các mô hình hành vi xuất hiện trong các mạng lưới, cộng đồng gồm cả con người và bot hoặc robot. Một số nghiên cứu đã được thực hiện với mục tiêu này, như điều tra về tần suất và hậu quả của những tương tác không được thiết lập giữa các bot chỉnh sửa trên Wikipedia, hay nghiên cứu tác động của bot đến việc lan truyền thông tin chính trị sai lệch và nội dung gây kích động trên mạng xã hội.

Văn hóa nên được xem xét khi thiết kế xe tự lái, bot trợ lý cá nhân, cũng như nhiều ứng dụng khác của công nghệ này. Cảm nhận và đánh giá của con người về máy móc phụ thuộc vào tuổi, môi trường sống, tính cách và cả quốc tịch của họ. Máy móc cũng có văn hóa riêng: cách máy móc đưa ra quyết định và hành vi của chúng phản ánh văn hóa của người thiết kế, và chúng luôn hoạt động trong một bối cảnh văn hóa cụ thể. Các nhà khoa học xã hội cần đứng lên cũng như đảm nhận vai trò dẫn dắt các cuộc thảo luận về văn hóa trong thiết kế AI.

Với sự kết nối xã hội ngày càng tăng và sự phát triển nhanh chóng của AI, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và máy móc thông minh gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, cách tiếp cận thực chứng sẽ là yếu tố quan trọng để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho con người. Những vấn đề xã hội như khủng hoảng tài chính, thiếu an toàn giao thông, sai lệch trong thông tin chính trị,… sẽ được giảm thiểu khi có sự góp sức của các nhà khoa học xã hội

Dịch từ LSE 

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm