Việc xác định các “vùng xám” của đạo đức có thể là một thách thức lớn đối với mọi nhà nghiên cứu. Điều này đặc biệt đúng khi ta đang thực hiện những nghiên cứu liên quan đến đại dịch, nơi các hướng dẫn đạo đức và quy trình an toàn cho các thử nghiệm và thí nghiệm đang được hoàn thiện cùng lúc với sự tiến triển của kiến thức về dịch bệnh.
Stefan Eriksson, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Nghiên cứu và Đạo đức Sinh học tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, cho biết: Hội đồng đánh giá có thể phát hiện các lỗi đạo đức khi xem xét đề cương nghiên cứu, tuy nhiên khi nghiên cứu được tiến hành, các nhà nghiên cứu sẽ tự thân bảo đảm yếu tố đạo đức trong nghiên cứu của mình. Eriksson nói: “Vấn đề là những hội đồng này chỉ xem xét những gì các nhà nghiên cứu hứa sẽ làm.”
Việc thiếu các hướng dẫn rõ ràng trong các chính sách của tạp chí cũng làm cho mọi thứ trở nên rất khó khăn. Một nghiên cứu gần đây do Eriksson dẫn đầu khi xem xét các chính sách rút bài báo của 32 tạp chí và nhà xuất bản khoa học cho thấy: hầu hết các tạp chí và NXB không có chính sách rõ ràng về cách xử lý những nghiên cứu vi phạm đạo đức. Chỉ có một nhà xuất bản cung cấp hướng dẫn rõ ràng về những gì cấu thành một nghiên cứu vi phạm đạo đức. Eriksson nói rằng một cam kết rõ ràng hơn từ các nhà xuất bản trong việc rút lại nghiên cứu vi phạm đạo đức một cách nghiêm trọng có thể giúp ngăn chặn các nhà nghiên cứu tiến hành các nghiên cứu gây nhiều nghi vấn.
Eriksson gợi ý rằng cho đến khi các hướng dẫn được chấp nhận rộng rãi hơn được hình thành, các nhà nghiên cứu cần có các biện pháp kiểm tra riêng nhằm không để vi phạm đạo đức xảy ra. Dưới đây là bốn điều ta cần chú ý khi xem xét các vấn đề đạo đức.
Thường xuyên kiểm tra những người tham gia nghiên cứu
Eriksson nói: “Bạn phải đảm bảo rằng mọi người hiểu tại sao họ lại tham gia vào nghiên cứu và họ có thể từ chối tiếp tục tham gia bất kỳ lúc nào.” Điều quan trọng là phải coi sự đồng thuận trao đổi thông tin là một quá trình liên tục, chứ không phải là một “điều kiện pháp lý mà bạn chỉ cần đánh dấu vào các ô trống xác nhận là xong”.
Giao tiếp kém với những người tham gia có thể dẫn đến những nhầm lẫn, đặc biệt là khi liên quan đến quyền của họ. Ví dụ, những bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc có thể xem tờ chấp thuận tham gia nghiên cứu như là một một hợp đồng ràng buộc pháp lý ngăn họ bỏ ngang nghiên cứu, ngay cả khi họ có thể gặp các tác dụng phụ có hại hoặc không nhận được lợi ích nào từ việc điều trị.
Eriksson nói: “Việc tránh những kiểu hiểu lầm này là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu. Bạn phải đảm bảo rằng sự những người tham gia sẽ hiểu hơn về nghiên cứu đồng thời với sự tiến triển của quá trình nghiên cứu.”
Đặt mình vào vị trí của người tham gia
Mặc dù rất dễ bị cuốn vào việc thiết kế nghiên cứu và thu thập dữ liệu, các nhà nghiên cứu cũng nên nhìn mọi thứ từ góc độ của người tham gia.
Hannah Farrimond, nhà xã hội học y tế tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, cho biết một trong những cách hiệu quả nhất để làm điều này là tham gia vào nghiên cứu của người khác. Cô nói: “Việc này có thể cho bạn một cơ hội để biết được thực tế sẽ như thế nào khi ai đó hỏi bạn nhiều câu hỏi khó hoặc những áp lực nào sẽ xuất hiện.”
Điều quan trọng là phải xem xét hoàn cảnh, môi trường sống và nền tảng văn hóa của những người tham gia khi thiết kế các dự án nghiên cứu đảm bảo về mặt đạo đức. Ví dụ, khi phỏng vấn các nhóm dễ bị tổn thương để khảo sát định tính, chẳng hạn như người khuyết tật hoặc những người sống trong các cộng đồng có thu nhập thấp, các nhà nghiên cứu nên có một quy trình được xác định rõ ràng để xử lý thông tin nhạy cảm do những người tham gia tiết lộ, đặc biệt khi nó nằm ngoài chủ đề nghiên cứu.
Biết nên nói chuyện với ai khi nảy sinh những thách thức về đạo đức
Các vấn đề đạo đức không phải lúc nào cũng rõ ràng, vì vậy, bạn nên xác định những người có thể đưa ra lời khuyên về cách xác định các vùng xám, ví dụ như ủy ban đạo đức địa phương hoặc với người đã làm việc lâu năm hơn trong cùng ngành với mình.
Farrimond nói: “Điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu trẻ là phải có một hội đồng tư vấn riêng mà họ có thể tìm đến khi có vấn đề về đạo đức sắp xảy ra.” Cô tiếp: “Một cách dễ dàng để ngăn điều gì đó khủng khiếp xảy ra là nói với mọi người về những gì bạn đang làm.”
Bạn cũng nên xây dựng một mạng lưới các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm để xử lý các khó khăn bất ngờ một cách an toàn. Ví dụ, nếu một người tham gia vào một nghiên cứu y tế đề cập rằng họ đang bị bạo lực gia đình, các nhà nghiên cứu có thể giới thiệu họ đến một chuyên gia tư vấn cụ thể thay vì chỉ cung cấp cho họ một danh sách số điện thoại, điều này có thể gây ra tình huống nguy hiểm cho người tham gia.
Farrimond nói: “Tốt nhất là bạn nên có một đội xung quanh mình.”
Đừng chỉ ghi nhớ các hướng dẫn đạo đức – hãy áp dụng chúng vào thực tế
Các nhà nghiên cứu trẻ nên tìm kiếm cơ hội để áp dụng các hướng dẫn đạo đức hơn là chỉ ghi nhớ chúng.
Farrimond cho biết: Với các hướng dẫn và chính sách về đạo đức được thiết kế để có thể tiếp cận sâu rộng và có thể áp dụng rộng rãi, các hạn chế có thể chỉ trở nên rõ ràng khi chúng được đưa vào thực hiện.
“Có những nguyên tắc đạo đức mà bạn có thể xem qua và hiểu nó, nhưng chúng không cho bạn biết phải làm gì ở thực địa,” cô nói. “Đạo đức nghiên cứu cần nhiều thực hành.”
Điều này đặc biệt quan trọng trong các tình huống chẳng hạn như đại dịch, nơi các hướng dẫn đạo đức và quy trình an toàn không ngừng phát triển để đáp ứng với lượng bằng chứng ngày càng tăng liên quan đến căn bệnh này.
Nhiều cơ quan và tổ chức nghiên cứu, chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới, đã cung cấp các hướng dẫn nghiên cứu cập nhật liên tục kể từ những ngày đầu bùng phát COVID-19, từ các tiêu chuẩn mới về thử nghiệm vắc xin cho đến lời khuyên sử dụng công nghệ theo dõi để truy tìm lịch sử tiếp xúc.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.