Ngày 27/5/2020, báo Tuổi trẻ đưa tin ở Bình Định có 3 học sinh, buổi trưa sau giờ tan học đi tắm mương và không may chết đuối thương tâm. Đây không phải là sự việc đáng tiếc hiếm hoi. Nếu các bạn lên Google gõ một số từ khóa như “sau giờ học + học sinh + chết đuối/tai nạn…” thì có thể tìm ra hàng chục trường hợp tương tự tại Bình Định trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Cho đến khoảng những năm 2000, việc trường phổ thông ở Việt Nam chỉ dạy được 1 buổi/ngày cho học sinh (sáng hoặc chiều) vẫn là rất phổ biến. Sau giờ học, nếu không phải học thêm, hoặc gia đình không có điều kiện quản lý, học sinh sẽ khá tự do, nhiều cháu sẽ rủ nhau đi chơi và thi thoảng chúng ta lại được nghe tường thuật về 1 sự kiện đáng tiếc như kể ở trên.
Nhận thấy bất cập của vấn đề này, từ những năm 1990 Bộ GD&ĐT đã có chủ trương khuyến khích và hỗ trợ các trường phổ thông trong cả nước tổ chức dạy 2 buổi/ngày (học sinh học từ sáng đến chiều, trong nhiều trường hợp sẽ là ăn bán trú tại trường luôn). Điều này được xem là 1 giải pháp có nhiều lợi ích:
- Thứ nhất, việc này hạn chế được việc học sinh rủ nhau đi chơi tự phát, dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra
- Thứ hai, việc này hạn chế được việc học thêm, dạy thêm vô tội vạ trước đó, do thầy/cô giáo tổ chức ở nhà riêng/địa điểm ngoài nhà trường.
- Thứ ba, việc này cũng tạo tiền đề cho việc nhà trường có thể phát triển các chương trình giáo dục tổng thể, chuyên biệt, cá nhân hóa, theo dạng câu lạc bộ, chương trình ngoài giờ … chứ không đơn thuần là dạy văn hóa hay các môn cơ bản như trước.
- Thứ tư, việc này cũng “giải phóng” phụ huynh, để phụ huynh yên tâm đi làm 8h/ngày, không phải lo đón con, trông con như trước nữa.
Cho đến hiện nay, chỉ tiêu số lượng học sinh đi học 2 buổi/ngày hoặc số lượng lớp học đi học 2 buổi/ngày đã trở thành những chỉ số được theo dõi, thống kê hàng năm, bên cạnh nhiều chỉ tiêu khác của ngành GD&ĐT (xem thêm thông tư số 39/2011/TT-BGDĐT và quyết định số 4998/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT).
Thực hiện chủ trương này, một loạt các khung pháp lý, từ cấp Bộ đến địa phương đã được ban hành nhằm đảm bảo việc triển khai dạy 2 buổi/ngày này một cách hiệu quả, chất lượng, minh bạch, tránh lạm dụng, biến tướng.
Đối sánh với thế giới thì hoc 2 buổi/ngày cũng là xu hướng chung được nhiều nước trên thế giới cố gắng áp dụng từ hàng chục năm trở lại đây. Trong tiếng Anh, thuật ngữ để chỉ việc tổ chức lớp học theo mô hình 2 buổi/ngày được gọi là “one shift school” hoặc “single shift school” – hàm ý học 1 lớp từ sáng đến chiều; để phân biệt với mô hình cũ là “double shift school” (sáng 1 lớp, chiều 1 lớp khác nhau) (ví dụ: xem mô hình tại Liên Xô cũ và báo cáo của OECD).
So với mô hình 1 buổi/ngày (hay double shift school) thì rõ ràng mô hình 2 buổi/ngày (hay one/single shift school) cần nhiều chuẩn bị về điều kiện, cơ sở vật chất, nguồn lực hơn. Cụ thể, để duy trì được mô hình 2 buổi/ngày, thì từng trường học phải đảm bảo được một số điều kiện sau đây:
- Một là, tỷ lệ lớp phòng học/ lớp học phải đảm bảo tối thiểu 1/1, nghĩa là mỗi lớp học phải có tối thiểu 1 phòng học để dùng cả ngày.
- Hai là, phải đủ số giáo viên để có thể dạy được cả ngày (ví dụ ở bậc tiểu học không thể nào 1 cô có thể dạy cả lớp từ sáng đến chiều được)
- Ba là, khung chương trình phải đủ để lấp đầy lịch cả ngày.
- Bốn là, nguồn lực tài chính để chi trả cho các chi phí phát sinh.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, dù rất cố gắng nhưng tỷ lệ lớp học hoặc học sinh phổ thông được học 2 buổi/ngày vẫn tương đối thấp, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn. Để có thể triển khai được mô hình 2 buổi/ngày thì điều kiện số 1 kể trên (phòng học/lớp học tối thiểu 1) là tiên quyết. Tại một số nơi, khi mà điều kiện số 1 này thỏa mãn nhưng 3 điều kiện còn lại chưa thỏa mãn thì mô hình xã hội hóa, cho phép các trung tâm, đơn vị tư nhân trong giáo dục tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo theo nhu cầu của gia đình học sinh là giải pháp được lựa chọn. Theo đó, Nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy chương trình chính khóa khoảng 1.5 buổi, khoảng 0.5 buổi còn lại (tương đương 2-3 tiết) sẽ do trung tâm, đơn vị tư nhân đảm nhiệm. Nội dung giảng dạy ở 2-3 tiết này thường sẽ là toán tăng cường, tiếng Anh tăng cường, STEM, các môn năng khiếu …. Tất nhiên, về nguyên tắc, đây là phần nội dung tự nguyện và học sinh có quyền không học nội dung này, nếu không muốn. Mặc dù không có số liệu chính xác, nhưng có thể nói mô hình 2 buổi/ngày theo phương thức xã hội hóa này mới là phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, rất ít trường/địa phương hoàn toàn tự triển khai được mô hình 2 buổi/ngày với lực lượng giáo viên và chương trình của chính Nhà trường.
Mấy ngày hôm nay, trên mạng xã hội và truyền thông, câu chuyện về mô hình 2 buổi/tuần này bỗng nhiên trở nên nóng hơn bao giờ hết. Căn nguyên xuất phát từ một số bài viết của Facebooker – KOL nổi tiếng trong ngành giáo dục tên là Thái Hạo (ví dụ “Giáo dục đang vỡ trận”, hay “Nhà trường đang bị biến thành trại giáo dưỡng?”). Trong các bài viết này, anh Thái Hạo đã chỉ trích mô hình 2 buổi/ngày theo phương thức xã hội hóa này, với một số nội dung chính, xin được tóm tắt như sau:
- (i) “Nhà trường cấu kết với những ‘trung tâm’ bên ngoài để bày ra đủ thứ ‘môn học’ trên trời dưới đất” có chất lượng không được kiểm soát.
- (ii) Học sinh và phụ huynh không có quyền lựa chọn, mà bắt buộc phải đăng ký học thông qua “’Đăng ký tự nguyện’, nhưng nếu ai không hoặc chưa kịp đăng ký thì liền bị gọi điện, nhắn tin, thúc dục, dọa nạt, mời” lên trường ‘làm việc’”.
- (iii) Ai vẫn nhất quyết không đăng ký cho con học thì học sinh “sẽ phải ra khỏi lớp, lang thang nơi gốc cây, ghế đá sân trường trong giữa buổi học (vì nhà trường thường xếp những tiết học “tăng cường” này xen lẫn với các tiết học trong buổi chính khóa).”
(Trong “ “ là chữ của anh Thái Hạo)
Các bài viết của anh Thái Hạo, theo thuật ngữ mạng xã hội, có thể nói đã “go viral” với lượng comment, like, share rất lớn, kéo theo nhiều bài viết, bài báo phản ánh về “vấn nạn” kể trên. Phần lớn mọi người đều đồng tình với quan điểm của anh Thái Hạo về việc cần phải “quét sạch những thứ rác rưởi này ra khỏi môi trường giáo dục” (chữ của anh Thái Hạo trong “ “).
Về phần mình, tôi cho rằng nếu (i) – (iii) kể trên là đúng hoàn toàn 100% thì tôi cũng kịch liệt phản đối. Việc ép buộc học sinh đi học những chương trình có chất lượng kém chắc chắn là một việc cần phải chấm dứt ngay và luôn. Tuy vậy, tôi e rằng thực tế chưa chắc lúc nào cũng như vậy, bởi vì:
- (a) Tất cả các chương trình muốn triển khai ở các trường đều phải được Sở GD&ĐT thẩm định và phê duyệt.
- (b) Không phải trường nào cũng ép buộc học sinh phải đăng ký.
- (c) Không phải trường nào cũng xếp lịch các tiết học tăng cường xen lẫn với các tiết học chính khóa.
- Tôi không biết khi viết những bài trên, anh Thái Hạo đã có khảo sát đầy đủ chưa, liệu có phải 100% các trường đều đang triển khai theo (i) – (iii) như anh nói, hay có bao nhiêu % các trường vẫn đảm bảo (a) – (c) kể trên?
Nếu (a) – (c) được đảm bảo thì có lý do gì để phản đối? Hoặc vẫn có 1 tỷ lệ nhất định các trường thực hiện tốt (a) – (c) thì phải chăng anh Thái Hạo đang vơ đũa cả nắm? Ở góc độ phụ huynh, rõ ràng sẽ có 1 lượng phụ huynh nhất định thích các chương trình này vì tiện ích không phải đón đưa nhiều, chi phí cạnh tranh hơn học thêm bên ngoài và chất lượng có Sở GD&ĐT thẩm định.
Nếu những chương trình này bị cấm hoàn toàn, sẽ có 1 nhóm học sinh thay vì “lang thang nơi gốc cây, ghế đá sân trường trong giữa buổi học” như lời anh Thái Hạo, sẽ chuyển thành “lang thang” ngoài đường và rất có thể có nguy cơ gặp phải những tại nạn đáng tiếc như tôi viết đầu bài. Khi đó, liệu anh Thái Hạo có chịu được trách nhiệm được không?
Một người bạn tôi, người vốn là giáo viên phổ thông ở 1 trường công; nay đã bỏ việc và làm cho trung tâm dạy thêm theo mô hình trên để có thời gian tự do hơn, thu nhập tốt hơn. Và qua lời anh Thái Hạo, bỗng chốc, bạn tôi đã trở thành một “thứ rác rưởi” trong “môi trường giáo dục”?
Hai câu hỏi trên tôi hỏi trước tiên anh Thái Hạo? Và tôi cũng để hỏi tất cả các bạn ủng hộ anh.
Chúng ta ai cũng mong muốn con cái mình được thụ hưởng 1 nền giáo dục tốt và tử tế. Nhưng cách thức vận hành 1 nền giáo dục tốt và tử tế đó như thế nào thì cũng rất đa dạng. Tốt và tử tế theo cách tiếp cận của người này, đôi khi lại là tệ và bất lương theo góc nhìn của người khác.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.