Giải thưởng Nobel có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của nhà khoa học

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đã phát hiện ra rằng các nhà khoa học lớn tuổi có hiệu suất nghiên cứu kém hơn sau khi giành các giải thưởng lớn như Nobel và Giải “Thiên tài” (Genius Grant/MacArthur Fellowship).

Việc giành một Giải Nobel có thể là một sự kiện thay đổi cuộc đời. Những người chiến thắng được đưa lên sân khấu trước cả thế giới, và đối với nhiều nhà khoa học, sự công nhận này đại diện cho đỉnh cao của sự nghiệp của họ.

Nhưng tác động của việc giành một giải thưởng lớn như vậy đối với nền khoa học là gì? John Ioannidis, một nhà dịch tễ học tại Đại học Stanford, muốn tìm hiểu về điều này. Những giải thưởng như Giải Nobel là “một công cụ danh tiếng quan trọng”, ông nói, nhưng ông cũng đặt câu hỏi rằng “liệu chúng có thực sự giúp các nhà khoa học trở nên năng suất và có tầm ảnh hưởng hơn không?”

Vào tháng Tám, một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Ioannidis dẫn đầu đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Royal Society Open Science. Nghiên cứu này cố gắng định lượng xem các giải thưởng lớn có thúc đẩy khoa học phát triển hay không. Sử dụng các mô hình xuất bản và trích dẫn dành cho các nhà khoa học đã giành Giải Nobel hoặc MacArthur Fellowship – còn được gọi là giải thiên tài – nhóm nghiên cứu đã phân tích cách tuổi tác và các giai đoạn trong sự nghiệp ảnh hưởng tới mức độ năng suất thời kỳ hậu giải thưởng. Nhìn chung, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng, sau khi dành một trong hai giải thưởng lớn này, các học giả có mức độ ảnh hưởng tương đương hoặc thậm chí suy giảm trong lĩnh vực của họ.

TS. Joannidis nhận định rằng “Những giải thưởng này dường như chẳng có vẻ gì là góp phần nâng cao hiệu suất của các nhà khoa học. Thực tế, nó dường như có ảnh hưởng theo chiều ngược lại”. Nghiên cứu trên góp phần làm sáng tỏ cách cách các giải thưởng định hình quá trình làm khoa học, mặc dù các học giả khác nhau sẽ có quan điểm khác nhau về những yếu tố nào là quan trọng nhất.

Kể từ năm 1901, Quỹ Nobel đã trao giải thưởng cho các thành tựu đột phá trong lĩnh vực vật lý, y học và hóa học (ngoài giải thưởng cho hòa bình, văn học, và từ năm 1969 có thêm nghiên cứu kinh tế). Quỹ Thiên tài được thành lập vào năm 1981, và khác với Giải Nobel, được trao thưởng như một sự đầu tư vào tiềm năng của một cá nhân.

Hình minh hoạ: Nobel Prize Medal on display via flickr | CC BY-NC-ND 2.0 DEED

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Ioannidis đã tìm hiểu về những người chiến thắng của cả hai giải thưởng để kiểm chứng vấn đề tuổi tác ảnh hưởng thế nào đến năng suất làm khoa học. Trung bình, những người chiến thắng Giải Nobel thường lớn tuổi hơn và đã tiến xa hơn trong sự nghiệp của họ so với những người đoạt giải thưởng Thiên tài.

Đối với nghiên cứu này, nhóm đã chọn mẫu gồm 72 người chiến thắng Giải Nobel và 119 học giả được cấp quỹ Thiên tài từ thế kỷ này. Từ đó đối chiếu số lượng xuất bản và lượng trích dẫn của mỗi người ba năm trước so với sau khi được trao thưởng. Theo TS. Ioannidis, xem xét số lượng bài báo xuất bản giúp cung cấp thông tin về số lượng công trình mới mà một học giả đang thực hiện, trong khi lượng trích dẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của công trình đó trong lĩnh vực.

Kết quả cho thấy rằng sau khi đoạt giải Nobel, các học giả công bố số lượng tương đương trước khi đoạt giải, nhưng những công bố sau đó lại ít được trích dẫn hơn so với những nghiên cứu được công bố trước khi nhận giải. Ngược lại, các học giả nhận được giải thưởng “Thiên tài” đã xuất bản nhiều hơn một chút, nhưng số lượng trích dẫn của họ vẫn giữ ở mức tương tự. Tỷ lệ trích dẫn mỗi bài báo đối với cả người chiến thắng Giải Nobel và những học giả quỹ “Thiên tài” đều giảm sau khi họ giành giải.

Khi phân tích xu hướng trực tiếp về tuổi tác, nhóm đã tìm thấy rằng những người chiến thắng một trong hai giải thưởng và có tuổi từ 42 trở lên đã có sự sụt giảm trong số lượng trích dẫn và số lượng xuất bản sau khi giành giải. Người chiến thắng dưới 41 tuổi xuất bản nhiều hơn và được trích dẫn nhiều hơn. Về điều này, các nhà nghiên cứu nhận xét rằng tuổi tác thực sự có vai trò lớn tới năng suất làm việc của những người đoạt giải.

Tuy nhiên, Harriet Zuckerman, một nhà xã hội học tại Đại học Columbia, người đã dành cả cuộc đời để theo dõi cuộc sống và công việc của các người chiến thắng Giải Nobel, cho rằng cái khó nằm ở việc đánh giá hiệu suất làm việc chỉ qua các con số  đơn giản. Sự khó khăn tăng lên khi phải đánh giá khái quát trên các lĩnh vực khoa học khác nhau, với các tiêu chuẩn khác nhau cho việc xuất bản hoặc trích dẫn nghiên cứu. Ví dụ, ở một số lĩnh vực, các nhà khoa học lão làng có thể không đề tên trong danh sách tác giả để nhường lại cơ hội cho các nhà khoa học mới vào nghề.

Mặc dù TS. Zuckerman không gán các con số này là năng suất, bà cũng đã nghiên cứu cách các mô hình xuất bản và trích dẫn của người chiến thắng Giải Nobel thay đổi theo tuổi tác, giai đoạn sự nghiệp và các yếu tố khác. Cô nhận thấy rằng việc trải nghiệm sự nổi tiếng là yếu tố gây ra sự thay đổi lớn nhất, thứ mà các học giả Nobel phải đối mặt, còn các học giả quỹ “Thiên tài” thì không.

“Các nhà khoa học được đối xử như người nổi tiếng, như thể mọi ý kiến của họ đều có ý nghĩa to lớn đến mọi thứ, bởi cả những người thuộc lĩnh vực của họ và những người không thuộc thế giới khoa học… Điều này rất là phiền.”

Andrea Ghez, một nhà vật lý thiên văn tại Đại học California, Los Angeles, đã đồng tình rằng sự khác biệt giữa việc trở thành một người đoạt giải thưởng “Thiên tài” (điều mà bà đã đạt được vào năm 2008 khi bà 43 tuổi) và một người chiến thắng Giải Nobel vật lý (điều mà bà đã đạt được năm 2020 khi bà 55 tuổi) là rất lớn. Cụ thể, “Việc giành Giải Nobel đi kèm với một phần trách nhiệm cực kỳ to lớn, đặc biệt là khi được biết đến như một nhà lãnh đạo trên thế giới”. Đối với TS. Ghez, điều này bao gồm cả việc trở thành một biểu tượng tích cực cho phụ nữ cũng như việc bảo vệ tầm quan trọng của khoa học – hai tác động không được nhìn thấy trong số lượng bài báo hay số lượng trích dẫn.

Một lý do khác khiến các người chiến thắng Giải Nobel có sự sụt giảm trong năng suất là họ cảm thấy đã đạt đỉnh ở một lĩnh vực nghiên cứu và muốn thử một cái gì đó mới. Dashun Wang, nhà nghiên cứu đang công tác tại Đại học Northwestern (không tham gia vào nghiên cứu này) gọi giai đoạn này là “phạt đền (pivot penalty)” – khi nhà khoa học thay đổi hướng nghiên cứu.

TS. Wang cho biết điều này dẫn đến một sự sụt giảm tạm thời trong tỷ lệ xuất bản, nhưng sau khoảng ba năm, tỷ lệ này sẽ tăng trở lại. Ông cho rằng nên xem điều này là tích cực. “Điều đó có nghĩa là những người này muốn tiếp tục thúc đẩy ranh giới”, ông nói thêm.

TS. Ghez bình luận rằng, đoạt Giải Nobel sẽ mang lại sự tự tin và uy tín để theo đuổi các ý tưởng lớn hơn, tham vọng hơn. “Những bài báo mang tính đột phá thường không được đo bằng số lượng trích dẫn”, bà nói.

TS. Ioannidis thừa nhận hạn chế của việc đo lường mức độ năng suất bằng số lượng bài báo và lượt trích dẫn, vì chúng chỉ cho thấy một phần của câu chuyện. 

Nhưng cho đến khi có dữ liệu để định lượng những lợi ích đó, TS. Ioannidis vẫn nhận thấy nỗ lực đánh giá tác động của các giải thưởng này và thúc đẩy cộng đồng suy nghĩ sâu sắc hơn về cách đạt được những kết quả mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng hơn là có giá trị. TS. Ioannidis tuyên bố, “Khoa học là điều tốt nhất có thể xảy ra với con người”. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, làm thế nào để tận dụng lợi ích của nó một cách tốt nhất cũng lại là một câu hỏi khoa học.

Lược dịch từ The New York Times

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh