Ai là người nên trả cho xuất bản truy cập mở? Các giải pháp thay thế cho phí xuất bản đang dần hiện ra

Phí xuất bản do các nhà xuất bản đánh vào tác giả đã trở thành một phần không thể thiếu – và đôi khi là đáng ghét của cuộc cách mạng truy cập mở. Những lựa chọn đang được thử nghiệm khác cũng sẽ được đề cập trong bài viết này.

Ảnh: Money via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Vào tháng Tư, toàn bộ ban biên tập của hai tạp chí hình ảnh thần kinh đã nộp đơn xin thôi việc. 42 nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản đối khoản phí xuất bản mà họ cho là quá cao đối với các tác giả xuất bản trên các tạp chí được điều hành bởi gã khổng lồ trong ngành xuất bản tới từ Hà Lan Elsevier. Mức phí xuất bản cho tạp chí NeuroImage là 3.450USD, và với một tạp chí khác là NeuroImage: Reports, con số đã gấp đôi lên thành 1.800USD. 

Chi phí xuất bản đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc cách mạng của ngành xuất bản học thuật, được biết với cái tên truy cập mở – hệ thống đăng các bài báo khoa học miễn phí cho tất cả mọi người sau khi chúng đã được xuất bản. Rất nhiều tạp chí như NeuroImage đã thu phí xuất bản đối với các tác giả để chi trả cho các loại phí xuất bản, ví dụ như quản lý, biên tập và sắp chữ. Đổi lại, khi những bài báo này được xuất bản, tất cả mọi người sẽ có quyền truy cập chúng ngay lập tức. Mức phí có thể dao động từ khoảng 1.000USD cho tới hơn 10.000USD đối với một bài báo. Trong một số trường hợp, người tác giả không trực tiếp chi trả khoản phí này, nếu như cơ quan học thuật của họ đã làm hợp đồng với nhà xuất bản để hỗ trợ hoàn chi phí xuất bản tài liệu truy cập mở, hoặc nếu các nhà tài trợ của họ đài thọ toàn bộ chi phí. 

Khi các nhà xuất bản lần đầu giới thiệu khái niệm phí xử lý bài báo APC, phần đông kỳ vọng đây sẽ là một khoản phí nhỏ, và là một phương án tạm thời để khích lệ các nhà xuất bản chuyển sang truy cập mở. “Đó thật sự là một ý tưởng đầy triển vọng lúc đầu”, ông Johan Rooryck – giám đốc điều hành của cOAlition S (Liên minh S), một nhóm tài trợ nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ chuyển dịch sang xuất bản học thuật truy cập mở chia sẻ. Liên minh đã sáng lập ra Kế hoạch S (Plan S), một thỏa thuận khởi nguồn tại châu Âu vào năm 2018, theo đó các nhà tài trợ nghiên cứu bắt buộc phải cung cấp truy cập mở toàn bộ cho những bài báo mà họ hỗ trợ. 

Hiện tại, sau khi Kế hoạch S đã đi vào thực tiễn được 5 năm, cú chuyển dịch hướng về truy cập mở đang dần tăng tốc khi mà ngày càng có nhiều tổ chức tài trợ ủng hộ phong trào này, dù cho họ không trực tiếp tham gia vào Kế hoạch S. Song song với sự chuyển dịch này là những lo ngại về chi phí xuất bản. Vào ngày 31/10, cOAlition S đã đưa ra một bản đề xuất về một bức tranh xuất bản học thuật mà không hề mất bất kỳ khoản phí tác giả nào.

Giới phê bình đã bày tỏ sự không hài lòng về phí APC này, một số cho rằng các tạp chí đưa ra một con số cắt cổ, vượt quá khả năng chi trả của họ; trong khi số khác chỉ ra các nhà xuất bản chưa thật sự minh bạch về những gì mà phí xuất bản sẽ chi trả. “Có lẽ đây không phải là cách đúng đắn để tài trợ cho việc xuất bản học thuật”, ông Raym Crow – đối tác quản lý tại Chain Bridge Group, một công ty tham vấn chuyên môn về truy cập mở tại Flint Hill, Virginia cho hay.  

Một chỉ trích khác được đưa ra là phí xuất bản sẽ làm kéo dài sự bất bình đẳng toàn cầu. Nhiều nhà xuất bản cung cấp chính sách miễn trừ phí xuất bản, đặc biệt là với các tác giả tới từ các nước có thu nhập thấp và trung bình; nhưng một số nhà phê bình cho rằng hệ thống này gây ra sự mất công bằng vì những hướng dẫn về điều kiện hợp lệ không rõ ràng, và trong nhiều trường hợp, gánh nặng lại nằm trên vai của các tác giả trong việc tìm kiếm những hướng dẫn đó.

Một vài nhà xuất bản học thuật lớn cho biết phí xử lý bài báo tồn tại để chi trả cho các loại phí liên quan tới xuất bản, bao gồm lựa tuyển, thẩm định và xử lý bản thảo, tất cả đều làm tăng thêm giá trị cho hoạt động truyền thông học thuật. 

Một người phát ngôn của Taylor & Francis, một nhà xuất bản học thuật quốc tế có trụ sở tại Abingdon, Anh Quốc, nói rằng họ (T&F) có cách tiếp cận minh bạch để tính toán phí xuất bản và “chúng hỗ trợ các mô hình truy cập mở bền vững, phản ánh giá trị dịch vụ của chúng tôi, và đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, linh hoạt và có thể mở rộng”. 

Một người phát ngôn của Springer Nature cho hay: “Phí xuất bản của Nature và các tạp chí nghiên cứu của Nature phản ánh thời gian, sự đầu tư cũng như giá trị của việc sản xuất và xuất bản những tạp chí này”. Họ bổ sung thêm rằng “Những tạp chí này đều đã được lựa tuyển kĩ càng, điều đó có nghĩa là các nhân viên đã dành không ít thời gian để đánh giá các bài báo mà cuối cùng không được chấp thuận xuất bản”. (Đội ngũ tin tức của Nature độc lập về mặt biên tập với nhà xuất bản của họ, Springer Nature).

Nhưng trong bối cảnh truy cập mở đang thay đổi, nhiều mô hình thanh toán và xuất bản khác nhau đang nổi lên bên cạnh các chi phí xuất bản tiêu chuẩn, bao gồm từ các mô hình được thiết kế riêng cho các cộng đồng nghiên cứu nhỏ, đến việc xem xét lại cơ sở hạ tầng nghiên cứu mà cả tác giả xuất bản lẫn người đọc đều không phải trả phí.

Sự chuyển dịch trong thanh toán

Một giải pháp thay thế là một mô hình vẫn giữ mức phí xuất bản, nhưng người trả không phải là tác giả của bài báo. Thay vào đó, các viện, nhà tài trợ hay chính phủ sẽ trực tiếp thanh toán khoản phí cho nhà xuất bản. Đó là ý tưởng đằng sau Open Research Europe, một nền tảng xuất bản truy cập mở miễn phí cho nhà nghiên cứu, được tài trợ bởi chương trình Horizon Europe và các chương trình khác bởi Liên minh Châu Âu. 

Một ví dụ khác là SCOAP, một mối quan hệ đối tác giữa hơn 3.000 thư viện, các tổ chức tài trợ và viện nghiên cứu, được quản lý bởi CERN, Viện nghiên cứu vật lý hạt của châu Âu có trụ sở gần Geneva, Thụy Sĩ. Các nhà xuất bản có hợp đồng trực tiếp với CERN, và các tổ chức tham gia sẽ đóng góp một khoản lẽ ra là phí đăng ký vào một quỹ trung tâm để chi trả phí xuất bản cho các tạp chí tham gia. 

Có lẽ mô hình cấp tiến và công bằng nhất trong số tất cả mô hình xuất bản là mô hình truy cập mở kim cương, mà mọi người có thể đọc hay xuất bản các bài báo không mất phí. Đó chính là điều mà hội đồng các bộ trưởng chính phủ và cOAlition S đang thúc đẩy trên toàn khối. Việc các nhà nghiên cứu, tổ chức tài trợ và viện nghiên cứu có ủng hộ kế hoạch này hay không vẫn còn là một ẩn số. 

Theo ông Rooryck, mô hình này đã thành công tại một số khu vực trên thế giới. Ông rất nhiệt tình với các chương trình ở khu vực Mỹ Latinh, bao gồm SciELO (Thư viện khoa học điện tử trực tuyến), được bắt đầu vào năm 1997 và đài thọ chi phí bởi nhà nước cũng như các tổ chức đầu tư của chính phủ, chẳng hạn như Quỹ Nghiên cứu Sao Paulo tại Brazil.

Rob Johnson, người sáng lập công ty tham vấn Research Consulting tại Nottingham, Anh Quốc cho rằng SciELO tạo dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống truy cập mở kim cương và nó đang vô cùng thành công trong việc đó. Những tạp chí độc lập nằm trong SciELO đều có nguồn vốn tài trợ của riêng họ, bao gồm các trường đại học và cơ quan quốc gia.

Ông Johnson cho biết: “Hiện nay, hệ thống truy cập mở kim cương dựa trên một mô hình phi tập trung hóa bao gồm nhiều tạp chí nhỏ trong cộng đồng học thuật. Đây vừa là điểm mạnh và cũng là điểm yếu. Câu hỏi sắp tới là liệu truy cập mở kim cương có thật sự nhận đủ khoản hỗ trợ tài chính cần thiết để cho phép nó mở rộng quy mô và đưa ra một giải pháp thay thế thực sự cho các mô hình xuất bản thương mại hay không”. 

Nhà xuất bản truy cập mở phi lợi nhuận PLOS tại San Francisco, California đang thử nghiệm một số cách thức xuất bản không tính phí. “Điều mà chúng tôi đang nỗ lực thực hiện là tránh xa chúng một cách có chủ đích và thử nghiệm một vài mô hình khác nhau để hỗ trợ một số tạp chí trong danh mục đầu tư của chúng tôi”, chia sẻ tới từ Roheena Anand – giám đốc điều hành phát triển xuất bản toàn cầu của PLOS tại Cambridge, Vương quốc Anh.

Một trong số đó là xuất bản hành động cộng đồng (Community action publishing – CAP). “Mô hình này hướng tới việc chỉ ra rằng chúng ta không cần thu phí xuất bản quá đắt đỏ để duy trì một tạp chí được lựa tuyển cẩn thận. Nó hoàn toàn dựa trên nguyên tắc của hành động tập thể”, ông John Edwards, một chuyên gia xuất bản dành cho các tổ chức và nhà tài trợ của PLOS tại London cho hay.

Mô hình CAP đặt ra các mức phí thường niên dành cho các tổ chức dựa trên hoạt động xuất bản của tất cả tác giả có tên trong một bài báo – không chỉ là các tác giả liên hệ – và đem đến cho các cơ quan học thuật của họ cơ hội xuất bản không giới hạn trên ba tạp chí của PLOS. Loại thỏa thuận này chỉ hỗ trợ số nhỏ các tác giả của PLOS; số đông vẫn phải trả cho phí xuất bản. PLOS Sustainability and Transformation, ra mắt vào năm 2022, hoàn toàn được tài trợ thông qua mô hình CAP, bao gồm một điều khoản dành cho các tác giả đến từ những tổ chức không tham gia phải trả một khoản phí đóng góp. 

Một mô hình PLOS khác đang trong giai đoạn thử nghiệm được gọi là công bằng toàn cầu. Trong kế hoạch đó, các tổ chức sẽ trả một khoản phí cố định và các nhà nghiên cứu của họ có thể xuất bản trên một số tạp chí PLOS cụ thể, với một mức phí thường niên sẽ giảm dần tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng tổ chức đăng ký tham gia.

Một số tổ chức đang chuyển dịch sang các mô hình xuất bản khác. Vào tháng Sáu, Hiệp hội Vi sinh vật học Hoa Kỳ (ASM) đã công bố chuyển sang Đăng ký xuất bản mở (Subcribe to Open publishing) cho tất cả sáu tạp chí trả phí của mình. Mỗi năm, một phần nội dung của tạp chí sẽ trở thành nội dung truy cập mở nếu lượt đăng ký trả phí của nó đạt được mục tiêu tối thiểu.

Theo Johnson, cách tiếp cận này có thể khả thi trong một số lĩnh vực nghiên cứu đã được thiết lập bền vững hoặc có một cộng đồng gắn bó. Ông lấy ví dụ về SCOAP trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý năng lượng cao và cho rằng “Có một cộng đồng được xác định khá rõ ràng và đó hoàn toàn là một cộng đồng được tài trợ đầy đủ”. 

Các lựa chọn xanh

Một số tạp chí vẫn duy trì thu phí đối với các bài báo của họ và ủng hộ mô hình gọi là truy cập mở xanh, cho phép các tác giả chia sẻ ngay lập tức các bản thảo đã trải qua quy trình phản biện đồng nghiệp. Đây là mô hình được sử dụng bởi tạp chí Science, được tài trợ một phần từ phí thành viên với nhà xuất bản của họ, Hiệp hội vì sự Tiến bộ Khoa học Hoa Kỳ.

Vào tháng Chín, Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS) đã tuyên bố một phiên bản khác theo mô hình truy cập mở xanh này. Hiệp hội cung cấp mô hình này tới các tác giả cần tuân thủ chính sách để chia sẻ các bài báo đã qua bình duyệt của họ ngay lập tức, nhưng họ lại không được các tổ chức hay nhà tài trợ ký kết thỏa thuận với ACS chi trả phí xuất bản. Phí tính cho tác giả bao gồm các chi phí mà ACS cho rằng có liên quan đến bản thảo từ khi nó được nộp, cho tới quyết định biên tập cuối cùng. Những khoản phí phát triển bài báo (article development charges – ADCs) này, bao gồm sắp xếp bình duyệt, chiếm hơn 50% tổng phí xuất bản, theo như chia sẻ của Sarah Tegen, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc xuất bản của ACS ở Washington D.C.

Tuy nhiên, mô hình này gây ra không ít tranh cãi. Trong một tuyên bố vào ngày 9/10, Hội đồng Thủ thư Đại học Úc đã bày tỏ “các mối lo ngại nghiêm trọng”, một trong số đó là ACS đang thu phí các nhà nghiên cứu gấp đôi: tác giả phải trả phí cho ADC và người đăng ký, rồi sau đó trả tiền để truy cập các bài báo khoa học. 

Trong bài phản hồi, ACS nói rằng: “Không có lý do gì mà ACS Publications lại thu phí cùng một dịch vụ hai lần cả”.

Những tranh cãi về phí xuất bản chỉ là một phần của cuộc thảo luận rộng hơn về việc dịch chuyển xuất bản khoa học theo hướng mở hơn. Nhưng các nhà xuất bản cho rằng yêu cầu cải tổ này đang bỏ qua những dịch vụ quan trọng mà họ cung cấp. 

Caroline Sutton, giám đốc điều hành của STM, một tổ chức thành viên của ngành xuất bản học thuật có trụ sở tại The Hague, Hà Lan cho rằng: “Hiện đang có một sự hiểu lầm phổ biến về cơ sở hạ tầng rộng lớn và phức tạp mà các nhà xuất bản duy trì. Cơ sở hạ tầng này giữ một vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo độ tin cậy cũng như khả năng lưu trữ và khám phá thích hợp của nghiên cứu”.

Dịch từ Nature

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh