Ba thập kỷ theo đuổi “đại học đẳng cấp quốc tế” của 9 quốc gia

2023 đánh dấu cột mốc 2 thập kỷ từ khi bảng xếp hạng đại học quốc tế đầu tiên – Thượng Hải ARWU – ra đời, các nhà nghiên cứu cùng nhìn lại tham vọng xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế (ĐH ĐCQT) thông qua các khoản tài trợ Sáng kiến Học thuật Xuất sắc (Academic Excellence Initiatives, AEI) ở 9 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả được tập hợp trong cuốn sách mới xuất bản mang tựa đề “Academic Star Wars: Excellence Initiatives in Global Perspective” có thể được tải về miễn phí từ trang chủ của NXB Đại học MIT. Cần lưu ý rằng, AEI không phải những sáng kiến quy mô lớn đầu tiên của các chính phủ nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu, bồi dưỡng nhân tài cao cấp, xây dựng năng lực quản lý, và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của nền khoa học  trong nước. Thế nhưng, ba điều cốt lõi khiến AEI trở nên khác biệt là:

1) AEI đa phần được thúc đẩy bởi sự ra đời của các BXH đại học quốc tế thống trị bởi các trường hàng đầu của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. 

2) Đối tượng nhận được các ưu đãi đặc biệt về nguồn lực này là các trường ĐH thay vì các viện nghiên cứu, kể cả ở các quốc gia vốn hoạt động nghiên cứu mạnh ở các cơ sở ngoài ĐH như Nga, Pháp, Đức. 

3) AEI thể hiện sự chuyển dịch sang phương thức cấp tài trợ dựa trên hiệu quả hoạt động (performance-based funding). Do đó, các AEI mang tính cạnh tranh cao, khi chỉ lựa chọn một số ít trường hoặc nhóm nghiên cứu để nhận tài trợ, chủ yếu với mục đích tập trung nguồn lực tài chính vào một số ít tinh hoa có khả năng bứt phá nhanh trong cuộc đua quốc tế. 

Thiết nghĩ đây là một cuốn sách cần thiết để nhìn lại chặng đường đầu tư vào AEI. Kể cả với những ai đã theo dõi các sáng kiến này từ ngày đầu qua các công bố của Marginson, Salmi, hay Altbach, thì vẫn rất khó để có một cái nhìn khái quát và so sánh về các trường hợp này. Mỗi chương sách tương đương với case study của một quốc gia/vùng lãnh thổ, bắt đầu bối cảnh tại sao AEI được lên ý tưởng hình hài; sau đó tóm tắt cách thức tuyển chọn, cơ chế phân bổ ngân sách, mô hình quản trị và giám sát; cuối cùng là kết quả và tác động của AEI lên các trường và lên toàn hệ thống.

1. Bối cảnh 

Làn sóng AEI đầu tiên từ thập niên 90, bắt đầu với Project 211 (1995) của Trung Quốc đại lục hay Brain Korea 21 (1999) của Hàn Quốc thuần túy nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức. Trong lúc đó, hệ thống đại học của Nhật Bản, Đức, Pháp đã có khởi đầu tương đối tốt với danh tiếng nhất định trong khu vực về chất lượng giảng dạy và R&D. Làn sóng AEI thứ hai chỉ thật sự bắt đầu khi các cường quốc này cảm nhận được sự “tụt hậu” khi nhìn vào kết quả xếp hạng quốc tế. “Cú sốc Thượng Hải” năm 2003 thách thức niềm tin của các nền khoa học lâu đời này, giờ đây đã không thể ngồi im rung đùi mà phải hành động ngay. Làn sóng thứ ba đến từ các nước như Malaysia, Đài Loan, Liên Bang Nga, Đan Mạch bắt đầu khi mô hình ĐH ĐCQT trở thành một trào lưu. Đến đây, có thể dễ nhận ra rằng các trường hợp nghiên cứu trong cuốn sách này đều tập trung ở châu Âu và Đông Á, phản ánh thực tế rằng hiện tượng ĐH ĐCQT ít có sức hút ở những vùng khác trên thế giới. 

Việc tăng hạng hay lọt vào tốp đầu của các BXH quốc tế (dù là ngầm hiểu hay nói “thẳng toẹt” như Liên Bang Nga, Malaysia, Pháp) đều là một “đầu ra” quan trọng – một thước đo của đẳng cấp quốc tế. Bộ Giáo dục Nga thâm chí còn mổ xẻ cách tính điểm của các BXH để thiết kế KPI phù hợp qua đó đánh giá các trường tham gia. Một số BXH được coi trọng hơn phần còn lại, ví dụ hội đồng xét duyệt của Pháp chỉ tin vào BXH Leiden và Thượng Hải ARWU. Thứ hạng ở Pháp được coi trọng tới mức các trường grandes écoles ngần ngại tham gia vào các dự án sáp nhập (merger) hoặc liên minh (alliance) vì e ngại cả cụm sẽ bị kéo tụt xuống. Bộ giáo dục Pháp cũng dành nhiều công sức vận động hành lang để 2 bảng này “chịu” xếp hạng cả liên minh đại học dựa theo thay đổi về mặt quản trị này thay vì xếp các trường thành viên. 

2. Cơ chế tuyển chọn và phân bổ nguồn lực

Có sự khác biệt giữa các quốc gia trong việc thiết kế và triển khai AEI. Một số AEI có quy mô lớn và đã chi hàng tỷ đô la, một số thì khiêm tốn hơn nhiều. Có một số điểm đáng chú ý như sau. 

Thứ nhất, rất tốn kém để tài trợ cho tất cả các trường nên AEI đều có tính cạnh tranh cao trong một phạm vi hạn chế. Có lẽ chỉ có trường hợp của Hàn Quốc là mời tất cả các ĐH trong nước tham gia. Các trường phải nộp đơn xin tài trợ mà không đảm bảo sẽ thành công. Nguồn tài trợ cạnh tranh này kích thích hiệu quả hoạt động của các trường và là một phương tiện mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những chuyển đổi mà nhà nước mong muốn.

Thứ hai, việc trao quyền ra quyết định cho các hội đồng chuyên gia độc lập là một cách tiếp cận phổ biến của AEI. Ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia còn lại đều mời chuyên gia quốc tế vào hội đồng giám khảo để đảm bảo tính độc lập, khách quan và không có xung đột lợi ích. Ở Đức và Pháp, các giáo sư người nước ngoài chiếm đa số ghế trong hội đồng. Nhìn chung, các AEI có một quá trình tuyển chọn công bằng và minh bạch. 

Thứ ba, các chính phủ cũng mạnh dạn thử nghiệm với nhiều ý tưởng mới. Ở Đức, AEI phản ánh mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ liên bang và chính quyền tiểu bang (länder). Tương tự, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được kêu gọi tích cực tham gia đồng tài trợ bình đẳng với chính phủ trung ương, vì những lợi ích mà các trường có thể mang lại cho nền kinh tế địa phương. 

Cuối cùng, các chế tài giám sát đa dạng được đưa vào thực tiễn, như thành lập các tổ chuyên trách, đánh giá kết quả hoạt động giữa kỳ và cuối kỳ qua các hình thức: báo cáo tự đánh giá, thuyết trình và phản biện, tham quan thực địa… Điều này khiến các trường ĐH liên tục phải nỗ lực để không bị đào thải do thành tích hoạt động không được như kỳ vọng. 

3. Tác động

Do các AEI luôn nằm lồng ghép trong nhiều cải cách chung về giáo dục và nhiều AEI mới chỉ được giới thiệu vài năm, nên việc tách rời tác động của AEI là không dễ dàng. Chính các tác giả của cuốn sách này cũng “ước” có nhiều dữ liệu vi mô để đánh giá tác động của AEI lên xã hội một cách cụ thể hơn. Một điều dễ thấy là nhờ cơ chế cạnh tranh và KPI rõ ràng, AEI có những tác động lan tỏa lên toàn hệ thống giáo dục ĐH chứ không chỉ lên các trường được hưởng lợi. 

Đầu tiên, do năng suất khoa học thường là một trong những KPI chính, những kết quả về mặt công bố thường dễ đong đếm nhất và cũng là mặt thành công dễ thấy. Việc tăng số công bố quốc tế ở các ĐH được lựa chọn nhận AEI có thể dễ quan sát từ tất cả các quốc gia. Ở nhiều nơi, các thuật ngữ như “công bố quốc tế”, “cơ sở dữ liệu Scopus”, “ISI”, “Q1” đã nhanh chóng trở thành một phần quen thuộc trong từ vựng của các giảng viên, nghiên cứu viên, và các nhà quản lý. Các chính sách đi liền với AEI cũng thay đổi thói quen khoa học của các nền học thuật lâu đời. Ví dụ, Bộ Giáo dục Pháp yêu cầu các nhà nghiên cứu để affiliation là tên trường ĐH thay vì tên lab như truyền thống, nhằm tăng điểm nghiên cứu cho các ĐH Pháp trên các BXH. Như vậy, ở tầm hệ thống, AEI góp phần hình thành, thúc đẩy, hoặc tái định hình văn hóa nghiên cứu. 

Tiếp theo, chỉ có các ĐH ở Trung Quốc chứng kiến thăng hạng lớn đáng kể trên các BXH quốc tế, từ không có trường nào trong tốp 200 của ARWU năm 2004, đến 7 trường trong tốp 100 năm 2021. Đan Mạch hiện có hai trường trong tốp 100 (từ một trường vào năm 2004), một kết quả có thể nói là ấn tượng đối với một quốc gia dưới 6 triệu dân. Pháp vẫn giữ nguyên số lượng trường trong tốp, trong khi Đức và Nhật Bản lần lượt mất 3 và 2 trường. Nga ổn định, chỉ có một trường, trong khi cả Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan đều không lọt vào tốp 100 nhưng thứ hạng đều ổn định. Như vậy, so với các mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra ban đầu, các AEI đều không thể giúp các quốc gia bứt phá trong xếp hạng và phá vỡ thế thống trị của các ĐH Anh-Mỹ. Các thành quả hạn chế ở Đài Loan và Nhật Bản được giải thích là do nguồn tiền từ AEI không nhiều và các chính sách không nhất quán theo thời gian, đối ngược với các quốc gia còn lại nơi mà các chính sách có tính liên tục bất chấp những thay đổi của chính phủ. Thành công của Trung Quốc một phần do chi tiêu cho AEI nhiều gấp đôi tổng các nước còn lại và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và các nhà trường trong 3 thập kỷ liên tục. 

Cần lưu ý rằng, AEI chỉ là một nguồn lực bổ sung thêm cho cơ chế tài trợ thường xuyên cố định cho các ĐH, nên tùy quốc gia mà nguồn kinh phí từ AEI chỉ chiếm một phần trong ngân sách hàng năm của các trường, từ khiêm tốn ở 0.5% (Đan Mạch) đến 15% (Đài Loan). Chỉ có một trường hợp cá biệt lên tới 45% như ĐH Bắc Kinh. Tuy nhiên, đi kèm còn có các lợi ích khác là kết quả gián tiếp của việc được các trường được dán nhãn “ưu tú”. Với uy tín quốc nội và quốc tế tăng cao, các trường này tăng cường thu hút tài trợ từ bên thứ ba ví dụ các khu vực tư nhân. Họ cũng tận dụng vị thế mới để hợp tác với các nhóm nghiên cứu trên thế giới, thu hút học giả quốc tế đến làm việc, đưa các “hải quy” tu nghiệp ở nước ngoài trở về, và chèo kéo sinh viên xuất sắc. Không chỉ đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa, mà tác động có lẽ là quan trọng nhất của AEI là giúp các trường này xây dựng được đội ngũ giảng viên và sinh viên hàng đầu đủ đến một “critical mass” – khi mà những khối óc tinh hoa này có sức hút không thể cưỡng lại được với các thế hệ tinh hoa sau đó, và tiếp tục củng cố vị thế hàng đầu của nhà trường.   

Về mặt quản trị, quá trình tuyển chọn cạnh tranh của AEI cũng góp phần nuôi dưỡng một thế hệ lãnh đạo ĐH mới. AEI là động lực khiến các lãnh đạo phát triển tầm nhìn mang tính chuyển đổi táo bạo và đặt ra các ưu tiên để trường mình trở nên khác biệt so với phần còn lại. Các trường cũng cần phải nâng cao năng lực giải trình dưới sự “giám sát” ngày càng tăng của chính phủ và xã hội. Ở nhiều quốc gia, kết quả tài trợ nhận được sự quan tâm chưa từng có từ công chúng. Ví dụ ở Đức, vào khung giờ vàng trên chương trình thời sự (tagesschau), công chúng được chứng kiến cảnh các hiệu trưởng ĐH lao lên sân khấu giơ tay lên trời và nhảy lên sung sướng trong tiếng vỗ tay như sấm của giảng viên và nhân viên nhà trường. AEI đã biến các quyết định tài trợ thành các sự kiện truyền thông rầm rộ như thể giành chức vô địch bóng đá, vượt ngoài khuôn khổ của tháp ngà khoa học. 

Vì những lợi ích nói trên mà sự cạnh tranh gay gắt để lọt được vào nhóm “xuất sắc” đã tạo nên kẻ thắng người thua, và người thua thì không bằng mặt cũng không bằng lòng. Thêm nữa, vì đặc thù lựa chọn KPI nặng về các chỉ số đo đếm được mà ở tất cả các nước, AEI bị chỉ trích do các trường khối xã hội và nhân văn, ở tỉnh nhỏ, hoặc các trường khối tư thục chịu nhiều thiệt thòi. Ngược lại, các đại học tinh hoa liên kết với nhau thành các “ivy league” một mình một cõi như nhóm 10 trường Udice ở Pháp, C9 ở Trung Quốc, 13 trường G30 ở Nhật, Hiệp hội các Đại học Toàn cầu (GUA) ở Nga. Có thể nói, hiệu ứng Matthew của AEI làm gia tăng sự phân tầng giữa các nhóm trường và gia tăng khoảng cách giữa các vùng miền địa lý trong cùng một quốc gia. 

Bao nhiêu và bao lâu là đủ? 

Hiểu rằng thành La Mã không thể xây trong một ngày, nhiều nhà nghiên cứu cũng quan ngại về tính bền vững của các sáng kiến xuất sắc này. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và thu hút nhân tài rất tốn kém. Một khi chính phủ dừng bơm tiền, liệu các dự án có thể tiếp tục vận hành trơn tru? Thêm nữa, việc xây dựng ĐH ĐCQT dưới dạng quy hoạch theo chu kỳ thường là 5 năm, các trường cũng quen với cách tiếp cận tài trợ dự án, gắn liền với việc đặt ra những chỉ số đầu ra cần đạt được trong ngắn hạn. Những mô hình gắn kết với nhau lỏng lẻo như các liên minh ĐH Paris-Saclay và ĐH tổng hợp Paris Sciences et Lettres của Pháp – mặc dù đạt được các kết quả xếp hạng tốt nhờ vào cú đẩy mạnh từ chính phủ Pháp – nhưng để xem các liên minh này có đích thực chuyển mình thành một khối thống nhất vận hành trơn tru đường dài hay không thì cần thêm thời gian để trả lời.

Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy rằng, để trở thành một trường ĐH ĐCQT, việc đảm bảo quyền tự chủ là tối quan trọng. Tự chủ không chỉ có nghĩa là không bị chính phủ can thiệp quá nhiều mà còn là đảm bảo đủ nguồn lực để các trường có thể thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu. Ở nhiều trường hợp điển hình như Pháp, Nga, Đài Loan, Nhật, Đức, thông qua AEI, các chính phủ khuyến khích việc cải tổ cách thức vận hành, chuyển đổi tư cách pháp nhân, đồng thời tái cơ cấu, sáp nhập hoặc tạo thành liên minh để xây dựng các tổ chức mạnh hơn và hiệu quả hơn để nhận tài trợ. Logic đằng sau là qua các cải tổ này, nguồn lực sẽ được tập trung, và phạm vi ngành học được mở rộng, cũng qua đó tạo điều kiện cho các nghiên cứu liên ngành. Nhưng nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều cho rằng các tác động lên quản trị ĐH của các AEI vẫn bị hạn chế trong bối cảnh thiếu tự chủ do sự kiểm soát từ trên xuống. 

Ám ảnh về xếp hạng và nỗ lực để bắt kịp với các ĐH tốp đầu của Anh-Mỹ cũng phần nào khiến các trường tham gia vào các AEI thiếu đi sức sáng tạo, tò mò, và bản sắc. Tại Trung Quốc, mỗi trường ĐH trong dự án Double First Class (Hạng Nhất Kép) phải chọn một (vài) đối trọng phương Tây tương tự với mình, ví dụ ĐH Thanh Hoa coi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là hình mẫu để so sánh. 

Nhìn về trường hợp Việt Nam

Cách đây 20 năm, các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đã bàn bạc, kiến nghị về các hướng đi cho việc xây dựng một hoặc vài cơ sở ĐH ĐCQT. Cho đến nay, giấc mơ này vẫn còn đang dang dở. Nghiên cứu chính sách về sự xuất hiện của các ĐH ĐCQT ở nhiều nơi trên thế giới đã nhấn mạnh tính thiết yếu của các nhóm yếu tố: tập trung nhân tài, nguồn lực dồi dào, và quản trị thuận lợi, sự cam kết của chính phủ, tầm nhìn rõ ràng của lãnh đạo trường… 

Trong bối cảnh các nan đề về liêm chính học thuật ở Việt Nam, phải nhấn mạnh rằng các hiện tượng này không phải hiếm ở các nước đi trước. Việc chạy theo các chỉ số SCI, SSCI, Impact Factor đong đếm được đã tạo ra nhiều hệ lụy như các hoạt động mua bán bài báo khoa học, sự giả mạo/thao túng dữ liệu, xuất bản trên các tạp chí săn mồi, tham gia các hội thảo dởm rác. Điều này cũng tạo ra lợi thế cho các ĐH định hướng nghiên cứu và thiên về khối khoa học kỹ thuật. Nhóm tác giả của cuốn sách nhận định đây là các hệ lụy không thể tránh khỏi, điều quan trọng là cần có chế tài xử lý kịp thời. Hàn Quốc là một ví dụ mà các hành vi sai trái nhanh chóng bị phạt, nên chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không trở nên phổ biến.

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn từ các bảng xếp hạng thế giới và khuôn mẫu thành công của các ĐH Anh-Mỹ, các nhà nước thực hiện AEI được đề cập đến trong cuốn sách này cũng đón nhận, dù ít hay nhiều, các chỉ trích từ cộng đồng khoa học, và dần thay đổi các tiêu chí nặng về xếp hạng và nghiên cứu thành các tiêu chí phù hợp hơn với tình hình địa phương. Ví dụ ở Đài Loan, sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích của các đại học tư thục, chính phủ đã đưa thêm hai hạng mục: xuất sắc trong giảng dạy và xuất sắc trong hợp tác với doanh nghiệp, để phù hợp với sứ mệnh của từng nhóm ĐH trong một hệ thống phân tầng. Không dừng lại ở đó, do theo đuổi chủ nghĩa quân bình, Thái Anh Văn sau khi đắc cử đã chuyển trọng tâm các AEI sang trách nhiệm xã hội của các ĐH. 

Malaysia có lẽ là một trường hợp gần gũi hơn với Việt Nam. Năm 2008, ĐH Sains Malaysia nhận ra rằng gần như không thể chơi ván game xếp hạng một cách sòng phẳng với các nền khoa học tiên tiến lâu đời khác. Sau khi tự đánh giá tài nguyên và nhân lực của mình, ĐH này xác lập hướng đi mới với mục tiêu trở thành một cơ sở nghiên cứu và thực hành hàng đầu về các vấn đề bền vững. Cần phải nói rằng ở thời điểm cuối thập niên 2010, đây là một tầm nhìn xa mang tính đột phá. Mãi đến 7 năm sau, Liên Hợp Quốc mới thống nhất các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Do đó, trong các đại học nộp đơn cho sáng kiến Chương trình Tăng tốc Phát triển Xuất sắc (APEX), ĐH Sains Malaysia là hồ sơ duy nhất được lựa chọn để nhận khoản tài trợ này. Không từ bỏ sau thất bại, ĐH Malaya lâu đời nhất đã tự đề xuất với Bộ Giáo dục một sáng kiến Nghiên cứu Tác động Cao (HIR) được thiết kế chính xác để trường này có thể nhanh chóng thăng hạng trên các BXH toàn cầu. Dù với cách tiếp cận nào: từ trên xuống như APEX hay từ dưới lên như HIR, thì Malaysia cũng tập trung nguồn lực vào 2 dự án hoa tiêu, trong bối cảnh ngân sách cho giáo dục còn hạn chế và nền giáo dục sau độc lập còn đang phát triển. 

Trong số các hàng xóm Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia là hai nước đang tiếp bước đẩy mạnh các chương trình đặc biệt do chính phủ tài trợ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của các trường ĐH. Chính phủ Thái Lan hợp tác với nhóm tư vấn của Times Higher Education để triển khai khảo sát quốc gia về giáo dục vì sự phát triển bền vững. Chính phủ Indonesia cũng coi trọng vấn đề tài trợ cho các dự án ĐH ĐCQT trong các chương trình nghị sự, còn các ĐH hàng đầu của xứ sở vạn đảo này cũng tự đặt ra mục tiêu lọt tốp các BXH trong các kế hoạch chiến lược.

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Số đánh giá: 12

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh