Các nhà khoa học Việt Nam trong danh sách những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới

Vào năm 2019, lần đầu tiên nhóm tác giả bao gồm các nhà khoa học John P.A. Ioannidis, Jeroen Baas, Richard Klavans và Kevin W. Boyark đã thực hiện đánh giá ảnh hưởng của các nhà khoa học trên thế giới dựa trên các thông tin được thu thập từ cơ sở dữ liệu (CSDL) Scopus, một trong những CSDL khoa học lớn nhất thế giới. Hàng năm, dữ liệu này được công bố trên tạp chí Plos Biology (IF 9.593, h-index 293) thuộc nhà xuất bản PLOS (Public Library of Science). Nhóm tác giả đã thực hiện tính toán các tiêu chí bao gồm: số lượt trích dẫn, chỉ số Hirsch h-index, chỉ số Schreiber hm-index, số lượt trích dẫn của các bài báo mà nhà khoa học là tác giả duy nhất, tác giả đứng tên đầu tiên, vàđứng tên cuối cùng. Dựa vào các tiêu chí đó, Ioannidis và cộng sự tính toán một chỉ số tổng hợp (c-score) của một triệu nhà khoa học của 176 chuyên ngành thuộc 22 nhóm ngành nghiên cứu khoa học trong vòng 23 năm, từ 1996 đến 2017. Chỉ số tổng hợp c-scoretập trungđánh giá tác động của các nghiên cứu hơn là năng suất (số lượng công bố) của các nhà khoa học trong khoảng thời gian dài của sự nghiệp,. Ngoài ra nhóm tác giả cũng thực hiện phân loại số lượt tự trích dẫn trong từng năm của các nhà khoa học, cũng như cung cấp một bảng đánh giá ảnh hưởng của các nhà khoa học theo từng năm riêng biệt (Ioannidis et al., 2019).

Kể từ năm đầu tiên được công bố, các nhà khoa học Việt Nam đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong nước (sau đây viết tắt là CSGDĐH) đã có mặt nhóm 100,000 và nhóm 10,000 nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới. Con số này tăng dần theo từng năm và theo công bố mới nhất của các tác giả, trong năm 2023, có tổng cộng 47 nhà khoa học Việt Nam đến từ các CSGDĐH góp mặt trong nhóm 100,000  trong đó có 11 nhà khoa học lọt vào nhóm 10,000.

Cụ thể, trong năm 2019, có 10 nhà khoa học Việt Nam đang công tác tại các CSGDĐH xuất hiện trong danh sách 100,000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất. Trong đó, Đại học quốc gia Hà Nội là đơn vị có nhiều nhà khoa học nhất cả nước với 03 nhà khoa học xuất hiện trong danh sách, tiếp theo đó là Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Phenikaa với 02 nhà khoa học. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đại học Y Hà Nội và Trường Đại Học Khoa học và Công nghệ Hà Nội mỗi đơn vị có 01 nhà khoa học xuất hiện trong nhóm 100.

Đến năm 2020, danh sách 100,000 ghi nhận 20 nhà khoa học đến từ các CSGDĐH Việt Nam trong đó có Trường Đại học Duy Tân dẫn đầu danh sách với 05 nhà khoa, tiếp theo là Trường Đại học Tôn Đức Thắng với 04 nhà khoa học, mỗi Đại học Quốc gia có 02 nhà khoa học trong danh sách. Ngoài ra, danh sách 10,000 còn ghi nhận sự góp mặt của 01 nhà khoa học đến từ Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2021, số lượng các nhà khoa học Việt Nam góp mặt trong nhóm 100,000 đã tăng lên 27 người với 08 nhà khoa học đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng, theo sau là Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh với 03 nhà khoa học mỗi trường. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, cụ thể là lĩnh vực kinh tế xuất hiện trong danh sách 100,000. Năm 2021 cũng ghi nhận 05 nhà khoa học Việt Nam nằm trong nhóm 10,000 nhà khoa học xuất sắc nhất năm.

Trong năm 2022, có 33 nhà khoa học Việt Nam đến từ các CSGDĐH xuất hiện trong danh sách này. Dẫn đầu vẫn là Trường Đại học Tôn Đức Thắng với 07 nhà khoa học, tiếp theo đó là Đại học Quốc gia Hà Nội với 05 nhà khoa học. 02 nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là những nhà khoa học duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong nhóm  10,000.

Trong năm nay, với bảng cập nhật mới nhất vào tháng Mười, đã có 47 nhà khoa học Việt Nam đến từ các CSGDĐH xuất hiện trong danh sách các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới. Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn là đơn vị dẫn đầu cả nước với 06 nhà khoa học, tiếp theo đó là Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Duy Tân với 05 nhà khoa học xuất hiện trong danh sách. Ở vị trí tiếp theo là Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh với 04 nhà khoa học. Xem xét danh sách 100,000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới từ năm 2019 đến nay có thể thấy, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển khoa học của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam và các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học tại các sơ sở giáo dục đại học (Trinh et al., 2020). Các nhà khoa học đến từ các lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật vẫn chiếm ưu thế trong từng năm, tuy nhiên kể từ 2020 đến nay, các nhà khoa học xã hội và nhân văn, cụ thể là trong nhóm ngành kinh tế đã có sự phát triển mạnh.

Tài liệu tham khảo

Ioannidis, J. P. A., Baas, J., Klavans, R., & Boyack, K. W. (2019). A standardized citation metrics author database annotated for scientific field. PLOS Biology, 17(8), e3000384.

Trinh, T., Tran, T., Le, H., Nguyen, T., & Pham, H. (2020). Factors impacting international‐indexed publishing among Vietnamese educational researchers. Learned Publishing, 33(4), 419–429.

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh