Các trường đại học kêu gọi thiết lập kế hoạch ứng phó với sự suy giảm của nghiên cứu sinh Trung Quốc

Theo một báo cáo về rủi ro của việc tiếp nhận du học sinh học bổng người Trung Quốc thì các trường đại học ở Hà Lan phải chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống địa chính trị trong tương lai, bao gồm cả việc ngừng hoàn toàn hoạt động nghiên cứu với phía Trung Quốc, tương tự như việc châu Âu cắt đứt quan hệ với Nga sau khi nước này xâm chiếm Ukraine.

Viện Clingendael, một tổ chức gồm các chuyên gia cố vấn về những vấn đề quốc tế ở thành phố Hague, đã công bố một bài báo cáo do chính phủ ủy thác về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc tiếp nhận sinh viên do Hội đồng Học bổng Trung Quốc (China Scholarship Council – CSC) ở Hà Lan tài trợ. Báo cáo đề cập rằng các nhà nghiên cứu, các cán bộ trường đại học, các chính trị gia và cơ quan tình báo ở Hà Lan lo ngại rằng các nghiên cứu sinh tiến sĩ theo diện CSC“ có thể tạo điều kiện cho việc chuyển giao kiến thức ngoài ý muốn và-hoặc có thể liên quan đến các hoạt động can thiệp của nước ngoài”.

Bài báo cũng bổ sung rằng: “Họ cũng lo lắng về khả năng các cơ sở học thuật Hà Lan bị phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ phía Trung Quốc thông qua CSC bởi điều này có thể khiến họ dễ bị ảnh hưởng trước áp lực chính trị và những diễn biến địa chính trị liên quan đến Trung Quốc”.

Nghiên cứu này được Bộ Giáo dục ủy quyền vào năm ngoái với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hà Lan trong bối cảnh các trường đại học riêng lẻ ở Đức, Thụy Điển và Đan Mạch được báo cáo rằng đã ngừng hợp tác với sinh viên CSC. Tháng 7 năm ngoái, Đại học Friedrich Alexander ở Erlangen-Nuremberg của Đức cũng đã đình chỉ hợp tác vô thời hạn đối với sinh viên CSC với lý do cấp thiết rằng cần phải “bảo vệ chống lại gián điệp khoa học và công nghiệp”.

Theo bài báo, nhiều tổ chức của Hà Lan gần đây đã tạm dừng hoặc ngừng tham gia CSC – chương trình học bổng của chính phủ Trung Quốc do Bộ Giáo dục ở Bắc Kinh quản lý – do những rủi ro liên quan. Các tổ chức ấy bao gồm Khoa Khoa học, Khoa Nha khoa và Khoa Y của Đại học Tự do Amsterdam (VU); Khoa Nha khoa và Khoa Y của Đại học Amsterdam; Trường Khoa học Xã hội và Hành vi Erasmus (ESSB) và Trường Kinh tế Erasmus (ESE); các khoa của Đại học Kỹ thuật Delft và Đại học Utrecht; và một số viện nghiên cứu quốc gia khác.

Báo cáo thường niên năm 2022 của Cơ quan An ninh và Tình báo Tổng hợp Hà Lan cho biết Trung Quốc “là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh tri thức Hà Lan” trong khi Cơ quan An ninh và Tình báo Quân đội lại viết trong báo cáo năm 2023 rằng Trung Quốc “quan tâm đến việc tiếp thu kiến thức cao cấp của Hà Lan”, dù là thông qua hoạt động do thám hay hợp tác (về mặt học thuật).

Sự phụ thuộc

Hà Lan là quốc gia chủ nhà lớn thứ tư trên toàn thế giới về số lượng sinh viên và nhà nghiên cứu được bảo trợ bởi CSC. Số liệu này không bao gồm các nghiên cứu sinh của một trường đại học Trung Quốc thực hiện một phần nghiên cứu của họ với khoản trợ cấp của CSC tại một cơ sở giáo dục của Hà Lan.

Theo báo cáo Clingendael, có khoảng 2.197 nghiên cứu sinh CSC ở Hà Lan vào năm 2023. Gần một nửa trong số họ nghiên cứu trong các lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược đối với cả Trung Quốc và Hà Lan.

Bất chấp những con số thống kê này, báo cáo kết luận rằng mức độ phụ thuộc của các cơ sở học thuật Hà Lan vào nghiên cứu sinh CSC trong các lĩnh vực nghiên cứu chiến lược là “hạn chế”.

Ingrid d’Hooghe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Clingendael và đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng mặc dù số lượng nghiên cứu sinh CSC [ở Hà Lan] cao hơn một chút so với dự kiến nhưng sự phụ thuộc vẫn còn hạn chế, bởi vì thường sẽ có một số lượng rất lớn các nghiên cứu sinh nói chung nếu số lượng nghiên cứu sinh CSC cũng lớn.

Sinh viên CSC được phép theo học tại tất cả 13 trường đại học và 5 cơ sở nghiên cứu lớn của Hà Lan, tuy nhiên khảo sát cho thấy chỉ có 11 trường hợp ở cấp khoa hoặc cấp chuyên ngành là tỉ lệ nghiên cứu sinh CSC trên 15%. Theo như trong báo cáo thì một số khoa và chuyên ngành có tỷ lệ nghiên cứu sinh CSC trên 20% và điều đó cho thấy một “nguy cơ bị phụ thuộc vào số lượng nghiên cứu sinh CSC”.

Theo tiến sĩ d’Hooghe trả lời trên University World News, “Chúng tôi có thể nhận thấy rằng hoàn toàn có nguy cơ cao [của sự phụ thuộc]”, để từ đó mà các trường đại học có thể xem xét phát triển sự đa dạng hóa cho trường.

Bên cạnh đó, bà thể hiện sự đồng tình rằng tỷ lệ 15% hoặc 20% là có chút thất thường. “Tuy nhiên, không có phương pháp nào khác để xác định khi nào việc phụ thuộc sẽ trở thành vấn đề. Chúng ta có thể bắt đầu xem xét kĩ lưỡng vấn đề hơn với tỉ lệ phần trăm như hiện tại”.

Trong phần kết luận, báo cáo nêu rõ: “Các khoa hoặc chuyên ngành có tỷ lệ nghiên cứu sinh CSC trên 15% đều nhận thức được mối nguy phụ thuộc và sự cần thiết trong việc giảm thiểu số lượng sinh viên CSC; một số đơn vị đã bắt đầu hướng tới những nguồn tài trợ mới đa dạng hơn”,

Lợi ích của hợp tác phát triển

Nhìn chung, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng những nghiên cứu sinh của CSC đều là những đồng nghiệp đáng kính và thường xuyên đóng góp công sức đáng kể cho kho tàng khoa học, đặc biệt đối với các lĩnh vực còn khan hiếm nhân tài hoặc những chủ đề nghiên cứu khó tìm được nguồn tài trợ. Hơn nữa, việc này đôi lúc cũng tạo điều kiện cho sự hợp tác rộng rãi hơn với phía Trung Quốc.

Nhiều cá nhân sau đó cũng được nắm giữ các vị trí quan trọng tại các đại học hàng đầu ở Trung Quốc. Theo báo cáo, “việc tiếp cận và kết nối với các tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc có thể coi là quan trọng trong công tác duy trì vị thế nắm giữ tri thức của phía Hà Lan, đặc biệt là trong những lĩnh vực khoa học mà phía Trung Quốc đang dẫn đầu hoặc cung cấp “vườn thực nghiệm” cho các dự án nghiên cứu.”

Đối với nhiều tổ chức, việc bổ nhiệm các nghiên cứu sinh CSC sẽ mang lại lợi ích về mặt tài chính bởi những nghiên cứu sinh ấy sẽ được chính CSC trợ cấp. Do đó mà các tổ chức có thể mở rộng phạm vi năng lực nghiên cứu của mình một cách dễ dàng hơn, nhưng điều này cũng có thể làm tăng sự phụ thuộc tài chính vào nguồn tài trợ nghiên cứu này. 

Nguy cơ khả năng chuyển giao thông tin “không mong muốn”, tiếp cận công nghệ kép dân sự-quân sự và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng được xem xét trong báo cáo. Tuy nhiên, vì các nghiên cứu sinh CSC thường thực hiện nghiên cứu ở mức độ thấp hơn nên báo cáo cho rằng họ không đặc biệt liên quan đến vấn đề trong trường hợp này. “Có lẽ một nghi vấn nên được đặt ra đối với phía nghiên cứu sinh sau tiến sĩ hoặc các nhà nghiên cứu ở trình độ cao hơn”, theo tiến sĩ d’Hooghe. 

Theo báo cáo, các đại học ở Hà Lan đã nhận thức rõ hơn về rủi ro an ninh học thuật so với những năm vừa rồi. Trên thực tế, một vài trường đại học đã báo cáo rằng họ từ chối một số đơn đăng kí của nghiên cứu sinh của Trung Quốc. Điều này một phần có lẽ do lý lịch chưa đầy đủ, có dấu hiệu bất ổn hoặc có mối liên hệ với các trường quân sự hoặc viện nghiên cứu quân sự. Cũng có thể là do chủ đề nghiên cứu quá “táo bạo” hoặc không phù hợp khi để cho sinh viên từ một vài quốc gia nhất định tiếp tục nghiên cứu sâu.

Tuy nhiên tiến sĩ d’Hooghe thừa nhận rằng xét về mặt bảo mật nghiên cứu thì vấn đề này không hẳn là điều hiển nhiên, dễ thấy. Bà cho biết trong nhiều trường hợp, các tổ chức của Trung Quốc sẽ gỡ bỏ thông tin trên mạng có chứa thông tin về “những cá nhân có mối liên hệ nhất định với các viện nghiên cứu quân sự, vì vậy mà họ cũng tinh vi hơn trong việc che giấu lý lịch” của những học viên này.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng phía Trung Quốc cũng có sự cân nhắc kĩ lưỡng hơn về các đại học hay chương trình mà họ sẽ tiến cử nghiên cứu sinh đến. Khi đề cập tới các kế hoạch 5 năm của Trung Quốc và các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ, bà d’Hooghe cho rằng “Họ rất rõ ràng trong việc gửi sinh viên đến các đại học hay khoa chuyên ngành mà họ còn thiếu sót về kiến thức đào tạo.”

“Do đó, họ [có xu hướng] nhắm tới những lĩnh vực [nghiên cứu] này và ít cân nhắc đến [hợp tác nghiên cứu quốc tế] nếu chỉ vì mục đích hợp tác đơn thuần.”

Bà cũng cảnh báo nếu Hà Lan hoặc EU cho rằng những nghiên cứu sinh CSC là một vấn đề cần chú trọng thì “phía Trung Quốc sẽ gửi những sinh viên này đi học thông qua những chương trình khác, hoặc nhắm tới những người đã hoạt động sẵn trong quốc gia đó. Hay cũng có thể là hợp tác với các cá nhân từ đa dạng quốc tịch hơn…Và họ sẽ càng trở nên sắc sảo hơn trong việc đảm bảo rằng họ nhận được những gì mong muốn.”

Ứng phó với những biến đổi trong tương lai

Theo tiến sĩ d’Hooghe, báo cáo nhấn mạnh các trường đại học tại Hà Lan cần được thúc đẩy lên kế hoạch trong trường hợp mối quan hệ hợp tác nghiên với Trung Quốc phải chấm dứt đột ngột và lập hai kịch bản ứng phó nếu tình huống đó xảy đến đột ngột. “Họ nên sẵn sàng cho khả năng họ sẽ không thể làm việc với các nghiên cứu sinh Trung Quốc trong tương lai nếu hiện nay vẫn còn tồn tại sự phụ thuộc [vào các nhà nghiên cứu Trung Quốc].

Theo một trong những kịch bản của báo cáo, tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài Loan đã vượt quá tầm kiểm soát và trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu, dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong trường hợp này, EU có thể chọn ngừng hợp tác khoa học với Trung Quốc, bao gồm cả với CSC, giống như cách họ đã nhanh chóng ngừng hợp tác với các tổ chức nghiên cứu của Nga  sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. 

Tuy nhiên, tiến sĩ  d’Hooghe khuyến cáo “việc chấm dứt mọi hợp tác với Nga là chuyện khác vì không có nhiều nghiên cứu hợp tác cấp cao được thực hiện với các trường đại học và nghiên cứu của Nga. Nó còn quá ít để so sánh với các hợp tác cùng phía Trung Quốc.”

Một kịch bản khác là sự leo thang trong cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc,  bao gồm cả việc Mỹ gây áp lực buộc các nước châu Âu phải làm tương tự, cũng như thực hiện chính sách “giảm thiểu rủi ro”  của EU đối với Trung Quốc

Theo báo cáo, căng thẳng giữa EU và Trung Quốc đã gia tăng những năm gần đây do nhưng bất đồng về thực tiễn thương mại, ép buộc kinh tế, hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu thô quan trọng, chiến tranh giữa Nga và Ukraine và các điều kiện nhân quyền ở Trung Quốc. 

Do căng thẳng chính trị và thương mại ngày càng gia tăng, kịch bản nhấn mạnh một viễn cảnh mối quan hệ EU-Trung Quốc xấu đi đáng kể, đặc biệt là mối quan hệ giữa Hà Lan và Trung Quốc. Quan hệ đối tác nghiên cứu và công nghệ giữa Trung Quốc và EU có thể chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía EU, vốn các đánh giá về khả năng bị tổn hại của châu Âu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến đều đã nêu ra nguyên nhân đến từ việc tiếp xúc quá nhiều vớ Trung Quốc. Mối quan hệ hai bên có thể trở nên tồi tệ hơn do sự tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt đối với Trung Quốc và khả năng xuất hiện các báo cáo về sự can thiệp của Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Những diễn biến trong kịch bản này có thể khiến chính phủ châu Âu ngừng hợp tác với các chương trình học bổng của Trung Quốc, bao gồm cả CSC, và/hoặc có thể khiến Trung Quốc ngừng hợp tác học bổng CSC với các quốc gia châu Âu được chọn vì bất bình với báo cáo tiêu cực.”

Bước tiến của các trường đại học

Tiến sĩ d’Hooghe cũng cho biết phần lớn các trường đại học Hà Lan hiện đang tiến hành nhiều nỗ lực để tăng cường an ninh nghiên cứu. Họ dường như đi trước các quốc gia EU khác về vấn đề này và khuyến khích các đại học phải thật chủ động và thực hiện thẩm định định kì. 

Một số trường đại học tiên tiến hơn trong việc triển khai các biện pháp an ninh nghiên cứu, chẳng hạn như Đại học Kỹ thuật Delft, đã hành động ngay khi vấn đề được đặt ra thông qua việc xuất bản số lượng lớn các ấn phẩm chung với quân đội Trung Quốc khi so sánh với các trường đại học khác trên thế giới. Trong khi một số trường đại học Hà Lan tụt lại phía sau vì nhiều lý do, phần lớn lại vượt trội so với các trường ở các quốc gia EU khác.

Tiến sĩ d’Hooghe không nhận thấy điều này quá nhiều ở những nơi khác trong châu Âu, tuy nhiên, bà cũng nhận xét rằng chính phủ Vương quốc Anh cũng đã đầu tư rất nhiều vào an ninh nghiên cứu và các nguyên tắc phụ thuộc của các đại học.

Dịch từ University World News

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh