Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới – Phần 1

GS. TS Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ).

Chuỗi bài Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới được đăng lại từ một bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Giáo sư. Dưới đây là Phần 1 của chuỗi 6 bài viết.

Cho mình và cho đời

“Em xin lỗi em không thể tham gia Giải thưởng này. Vì các bệnh nhân còn cần đến em hơn!”

Những câu nói của cậu TS. BS. trẻ đến giờ tôi chưa từng gặp ngoài đời, luôn ám ảnh, đôi lúc dằn vặt tôi trong những năm tháng được tham gia làm công tác thanh niên. Đến dịp Tết vừa rồi, nhà báo Lê Thái Hà, sau khi lên bài vở chia sẻ chân dung xong, vậy mà cuối cùng, bạn đó cũng vẫn xin phép không đăng!

Năm 2021, khi chấm hồ sơ Giải thưởng KH-CN QCV của một bạn đang làm NCS về lâm sàng tại một nước phát triển, tôi đã thấy tiềm năng của bạn rất lớn. Nỗ lực vươn lên trong chuyên môn, cùng với tinh thần thanh niên, với các hoạt động mạng lưới, rất xứng đáng là một nhà khoa học trẻ tiêu biểu. Tuy nhiên năm đó có rất nhiều hồ sơ tốt hơn, và lĩnh vực của bạn cần thêm chút thời gian để chín! Sau hội đồng, tôi đã chủ động gọi điện để động viên bạn đừng buồn, hãy tiếp tục nỗ lực và chắc chắn con đường phía trước rộng mở, nhất là một người tâm huyết như bạn: “Anh rất nể phục và tin tưởng em. Anh tin em sẽ thành công!”

Năm 2022, tôi nhắn bạn apply tiếp. Bạn vui mừng chia sẻ, em đã tốt nghiệp và về nước, đang xin công tác ở một bệnh viện lớn. Em xin phép chưa apply để mình còn chín hơn chút và ổn định công tác. Sang năm là năm cuối em còn đủ tuổi, sẽ apply sau. Tôi động viên là mình đã đọc các công bố mới của bạn và rất tốt rồi. “Hãy apply sớm nhé! Giải thưởng không phải là đích đến, nhưng là cột mốc cần thiết, để biết mình đi đúng đường, và đặt dấu chân cho các thế hệ sau tiếp bước! Sự khao khát và nỗ lực vươn lên của em, đã chính là phần thưởng cuộc sống tặng em rồi.”

Năm 2023, tôi lại nhắn bạn apply. Bạn nói: “Em cứ đọc tin nhắn của anh mãi… rằng đó sẽ là nguồn cảm hứng cho hàng triệu bạn trẻ khác”. Cuối cùng bạn nộp hồ sơ!

Không lâu, chàng TS BS trẻ chia sẻ, lãnh đạo đơn vị không giới thiệu em. Tôi động viên bạn: “Không sao em ạ! TW Hội Thầy thuốc trẻ sẽ giới thiệu em vì anh đã có quá trình theo dõi và hiểu rõ về em”. Tuy vậy, vài tuần sau bạn vẫn rút hồ sơ! “… em muốn dành tâm huyết vào việc điều trị cho các bệnh nhân”.

Những nhà chuyên môn, là những hạt nhân có chất lượng lớn. Làm thế nào để họ lan toả những năng lượng tích cực của họ với mọi người, tạo thành những giá trị rộng lớn của xã hội. Biến cái Riêng thành cái Chung! Chính là chất xúc tác cho xã hội phát triển!

Lúc đó, tôi giận anh lãnh đạo đơn vị đó lắm, dù chưa bao giờ được gặp anh. Nhưng có lẽ, anh có cái lý của anh với góc nhìn của một người lãnh đạo từng trải. Có thể anh cũng đặt nhiều kỳ vọng hơn vào bạn TS trẻ này: “Để cho một hạt giống tốt, trong môi trường tập trung, tích lũy đủ chất, sẽ vươn thành một cây cao”! Những ống kính như các nòng súng lăm le, cùng các ngón bấm phím vô hồn, có thể tiêu diệt tất cả những mầm xanh còn đang chớm nhú.

Dù vậy, trong lòng tôi vẫn luôn băn khoăn. Có lẽ, chúng ta còn phải làm nhiều việc hơn, để các vòng tròn “nỗ lực cá nhân”, “ghi nhận xã hội” và “thụ hưởng xã hội” hội tụ nhiều nhất có thể!

Đăng lại từ Bài viết trên Facebook cá nhân của GS. TS Trần Xuân Bách

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 1 / 5. Số đánh giá: 210

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh