GS. TS Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ).
Chuỗi bài Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới được đăng lại từ một bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Giáo sư. Dưới đây là Phần 3 của chuỗi 6 bài viết.
Tương đối và tuyệt đối
“Hiện thực chỉ là một ảo ảnh, dù nó rất kiên định”
Albert Einstein
Tất cả mọi hiện tượng đều mang tính tương đối, khiến cho góc nhìn của chúng ta chi phối cách chúng ta tiếp nhận thực tại!
Lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã chứng kiến rất nhiều phát kiến mà không thể thực hiện được để cứu người bệnh ngay tại một thời điểm do những quy định về pháp lý, bằng chứng y sinh, hay các yếu tố văn hóa, và tâm lý xã hội. Khi đó người Thầy thuốc phải chấp nhận sự bất lực không thể cứu chữa người bệnh của mình và phải rất nhiều năm sau đó, khi hội tụ đầy đủ các căn cứ pháp lý, y sinh và xã hội, liệu pháp điều trị đó mới được áp dụng rộng rãi. Ví dụ như việc ghép tủy xương trong điều trị bệnh ung thư máu cần đến gần 20 năm (1950 đến khoảng 1970).
McNamee (2017) tổng quan các thuốc được FDA phê duyệt giai đoạn 2010-2014 thấy rằng một nửa các thuốc này cần đến hơn 35 năm từ khi được khám phá đến khi được phê duyệt. Ngay cả khi các áp lực rất lớn từ giới khoa học, cộng đồng và các cơ quan chi trả bảo hiểm thì FDA vẫn thực hiện quy trình từ khi đệ đơn đến khi được phê duyệt cho các loại thuốc trung bình là 12 năm, và ước tính chi phí để đưa một loại thuốc mới từ ý tưởng đến thị trường mất đến hơn 1 tỷ đô la.
Khoa học có tính tự đào thải sâu sắc, dựa trên sự quan sát, thực nghiệm, biện chứng và trên cơ sở sự tiến bộ về khoa học và công nghệ tại từng giai đoạn phát triển. Sự sàng lọc chặt chẽ và thận trọng kéo dài này đảm bảo các phát kiến không chỉ dựa trên việc thực hành đúng các quy định về nghiên cứu mà còn cần đem lại các giá trị xã hội và đạo đức nhân sinh ở phạm vi rộng lớn hơn, hướng đến phụng sự con người và phát triển!
Nhà văn người Pháp nổi tiếng Jules Verne, tác giả của “Hai Vạn Dặm Dưới Đáy Biển” và “80 Ngày Vòng Quanh Thế Giới”, nói rằng “Khoa học, chàng trai của tôi, được tạo thành từ những sai lầm, nhưng đó là những sai lầm hữu ích vì chúng dẫn dắt từng chút một đến sự thật”.
Các khuôn mẫu và cấu trúc trong thế giới học thuật cho phép gạn lọc các tinh túy của nhân loại, đồng thời, vẫn gợi mở các không gian để các nhà khoa học tự do tư duy khai phóng và theo đuổi các khám phá dẫn dắt quá trình phát triển của nhân loại. Theo đuổi các hướng tư duy tự do này, xác suất sai lầm rất lớn, nhưng nếu thành công có thể đem đến các phát hiện mang tính đột phá!
Tuyệt đối – Sự thật – Điều lý tưởng: là những thứ loài người khao khát hướng đến, bằng nhiều phương tiện, trong đó có Khoa học! Nhưng không bao giờ chạm được đến nó một cách TUYỆT ĐỐI! Do đó, bất cứ ai nếu muốn tấn công và vu cáo một nhà khoa học, thực sự vô cùng dễ dàng, bởi lẽ bất cứ yếu tố nào đưa ra và nhìn nhận bằng lăng kính hữu hạn của họ, đều có thể “dậy sóng” với dư luận xã hội. Nên nhớ rằng, tất cả những hệ thống được coi là hoàn hảo và tinh vi nhất, đều dựa trên vô hạn lần sửa chữa!
Đăng lại từ Bài viết trên Facebook cá nhân của GS. TS Trần Xuân Bách
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.