Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới – Phần 4

GS. TS Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ).

Chuỗi bài Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới được đăng lại từ một bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Giáo sư. Dưới đây là Phần 4 của chuỗi 6 bài viết.

Công nhận và phủ nhận

Năm 2023, cả thế giới trầm trồ thán phục và chúc mừng Dr. Katalin Karikó, giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học Pennsylvania cùng cộng sự là giáo sư Drew Weissman với giải Nobel Y học cho những đóng góp vào sự phát triển của vắc-xin COVID-19; đem lại cho Đại học Pennsylvania 1,2 tỷ đô la. Khi GS Katalin đến Việt Nam để nhận giải thưởng, chúng ta một lần nữa được gặp gỡ và thêm ngưỡng mộ tinh thần dấn thân cho khoa học của bà. Nhưng đằng sau những hào quang đó, câu chuyện về con đường khoa học của bà để lại thật nhiều suy ngẫm, bài học cho việc phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong bối cảnh ngày nay.

Giữa những lời chúc tụng và ghi nhận của lãnh đạo Đại học Pennsylvania với Katalin, tờ Nhật báo Pennsylvania đã cho chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn mà bà phải trải qua trong môi trường nghiên cứu đầy gai góc. Bà đã phải đối mặt với sự coi thường và o ép của lãnh đạo; bị cắt tài trợ, ngăn không cho sử dụng phòng thí nghiệm, giáng chức, và gặp sự kỳ thị cùng phân biệt đối xử từ các đồng nghiệp, đến nỗi họ đề nghị bà không nói tiếng mẹ đẻ với các đồng nghiệp người Hungary.

Các nhà khoa học, giống như những ngòi bút được mài giũa đến sắc nhọn để tạo nên những đường nét tinh xảo trong bức tranh của xã hội! Nhưng càng sắc nhọn thì càng dễ gãy! Họa sĩ tài hoa biết cách phối tạo và hòa quyện tất cả các chất liệu của cuộc sống, trong bức tranh của đời mình!

Albert Einstein từng nói “Những tâm hồn vĩ đại luôn va phải sự chống đối mãnh liệt từ những trí óc tầm thường!”

Ai đã từng làm việc ở các môi trường học thuật phát triển chắc chắn không xa lạ gì với những cảm giác của Katalin. Những nhà khoa học đơn lẻ, yếu ớt, chìm nghỉm trong những chỉ số đánh giá bề mặt về kết quả làm việc như số bài báo, số trích dẫn và tài trợ.

“Khi các giá trị là phổ quát, chúng ta phải tuân theo cả hai quy luật, để cân bằng giữa Đạo và Đời”. Chỉ cần bạn không duy trì được hoạt động khoa học trong thời gian ngắn, không được ghi nhận bằng các sản phẩm của quá trình nghiên cứu, trong đó có công bố, gần như, rất ít người muốn đồng hành với bạn! Đó là nỗi sợ hãi ám ảnh, vì điều đó có nghĩa, mọi nỗ lực của bạn từ trước đến giờ, sẽ tan biến!

Nhưng may thay, người phụ nữ bé nhỏ đó đã có ý chí và tình yêu với khoa học đủ lớn để những khó khăn trong công việc và cuộc sống không hạ gục được bà. “Bà ấy làm việc cực kỳ chăm chỉ, gần như điên rồ,” David Langer, người đồng nghiệp đã giúp Katalin tìm một công việc mới, nói. “Và bà ấy là một thiên tài, vì vậy cuối cùng bà ấy sẽ giải quyết được vấn đề này, dù có tôi hay ai khác”.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và công trình của Katalin có giá trị đột phá với toàn nhân loại. Nhưng chỉ 7 năm trước đó, Katalin mới quay trở lại được phòng thí nghiệm của bà sau khi cất công nhiều tháng đi tìm lại các đồ đạc đã bị sếp đóng kiện và tống đi đến thất lạc. Họ đã nhiều lần tìm cách “đuổi” bà ra khỏi phòng thí nghiệm.

“Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy ý tưởng và công trình của Katalin đã đi trước hiểu biết hiện tại 20 năm,” giáo sư Robert Sobol tại Đại học Temple nói. Nhưng tại thời điểm đó, bài báo của bà chỉ được đăng trên tạp chí nhỏ.

Ở bên kia nửa vòng trái đất, có mấy anh cu tí tranh luận ảo có lẽ cả đời chưa biết đến môi trường học thuật lớn là gì, đang gào lên là phải công bố ở các tạp chí… vĩ đại! Thế nó mới xứng với tầm vóc… ảo của mình!

Đăng lại từ Bài viết trên Facebook cá nhân của GS. TS Trần Xuân Bách

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh