Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới – Phần 5

GS. TS Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ).

Chuỗi bài Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới được đăng lại từ một bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Giáo sư. Dưới đây là Phần 5 của chuỗi 6 bài viết.

Vụ tấn công lịch sử trong giới khoa học

“Một lời nói dối có thể đi được nửa vòng trái đất trước khi sự thật kịp xỏ giày”

Mark Twain

Gần 30 năm trước, cả thế giới rúng động với vụ tấn công vào David Baltimore, một nhà sinh học nổi tiếng người Mỹ, được trao giải Nobel Y học năm 1975 khi mới 37 tuổi. Cùng với Howard Temin và Renato Dulbecco, ông đã khám phá về sự tương tác giữa các virus gây khối u và vật liệu di truyền của tế bào. Những đóng góp của ông cho sinh học phân tử rất đáng kể, đặc biệt là phát hiện enzyme phiên mã ngược, một enzyme chuyển RNA thành DNA, có liên quan đến việc hiểu về các retrovirus như HIV. Năm 1990, ở tuổi 52, ông trở thành hiệu trưởng của Đại học Rockefeller, một trong những trung tâm giảng dạy và nghiên cứu nổi tiếng thế giới.

Năm 1986, GS Baltimore đồng tác giả một bài báo trên tạp chí Cell với Thereza Imanishi-Kari, báo cáo về di truyền hệ miễn dịch. Margot O’Toole, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ được Imanishi-Kari thuê làm việc trong phòng thí nghiệm của nhóm, vì quá thất vọng và bối rối khi mãi không tái lập được kết quả nghiên cứu, đã cho rằng các nghiên cứu viên chính ngụy tạo, và cô đứng lên tố cáo dữ liệu trong bài báo bị làm giả. Những cáo buộc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của truyền thông và dẫn đến các cuộc điều tra quốc gia hết sức căng thẳng.

Vai trò của truyên thông và Nhóm Hiệp sỹ

GS. Baltimore lúc đó đang ở đỉnh cao của sự nghiệp khoa học như một tượng đài ở nước Mỹ. Ông không trực tiếp làm việc trong lab của GS. Imanishi, mà có tham gia là đồng tác giả do họ nối tiếp các hướng nghiên cứu và phát hiện trước đó của ông. Bởi ông đã là một tượng đài, nhóm truyền thông đã góp phần lôi ông vào và đẩy vụ việc lên cao trào. Đặc biệt là các nhà báo khoa học như Nicholas Wade của The New York Times và William Broad, đã đẩy vụ việc lên mức kịch tính. Họ miêu tả vụ việc như một cuộc chiến đấu giữa những người hùng bảo vệ sự thật nhỏ bé như O’Toole, và những kẻ “khổng lồ” che đậy gian lận khoa học như Baltimore. Nhóm “hiệp sĩ” tự xưng là những người bảo vệ liêm chính khoa học, đã sử dụng mọi phương tiện truyền thông để tạo áp lực công khai và kêu gọi điều tra sâu rộng hơn. Một số người trong nhóm này có thể còn có động cơ cá nhân và tăng cường danh tiếng của mình trong lĩnh vực báo chí khoa học.

Bức ảnh O’Toole trong bài báo được đặt tiêu đề đầy xúc cảm “Người hùng vạch trần gian lận khoa học phải trả giá đắt!” Tuy nhiên, trong cuốn sách “The Baltimore Case: A Trial of Politics, Science, and Character”, Stephen Lock đã chỉ ra những đau khổ của O’Toole là do giới truyền thông bịa ra: dự án hết nên O’Toole mất việc và không chủ động tìm việc mới như GS. Imanishi khuyên, cô mất nhà và phải ở nhờ nhà mẹ đẻ. Sau khi hết hợp đồng, không có việc làm, cô mới nảy ra ý định tố cáo sau khi nói chuyện với các thanh viên của ủy ban của Dingell, người được mô tả là hung hăng. Cuối cùng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên, cơ quan mật vụ đã mắc lỗi khi xác thực loại mực được sử dụng trong máy in. Lỗi của Imanishi được kết luận là cẩu thả. Baltimore trắng án và thắng trong phiên điều trần của nghị sĩ Dingell.

Mười năm chín muồi nhất của cuộc đời chủ nhân Nobel Y học – GS Baltimore đã lãng phí vì các “hiệp sỹ”

Baltimore đã phải đối mặt với các phiên điều trần tại Quốc hội và sự chỉ trích công khai mạnh mẽ. Ông kiên định bảo vệ sự trong sạch của mình và đồng nghiệp, nhưng phải từ chức chủ tịch Đại học Rockefeller năm 1991 để tập trung vào việc minh oan. Mãi đến năm 1996, các cáo buộc chống lại Baltimore và Imanishi-Kari mới được bác bỏ sau một cuộc đánh giá kỹ lưỡng. Hội đồng xem xét kết luận rằng không có đủ bằng chứng về hành vi sai trái, và các cáo buộc ban đầu được cho là có sai sót. Baltimore sau đó được phục chức và trở lại vị trí cao trong học thuật, trở thành chủ tịch Viện Công nghệ California (Caltech) từ năm 1997 đến 2006.

Vụ tấn công vào David Baltimore cho thấy sự phức tạp và tàn nhẫn các cuộc tấn công trong khoa học, nơi những nhà khoa học không chỉ phải đấu tranh với thách thức nghiên cứu mà còn phải đối mặt với áp lực và sự chỉ trích từ công luận và các thế lực từ các nhóm lợi ích. Những tổn thất xã hội là không thể đo đếm được, khi suốt những năm tháng chín muồi nhất của một người lãnh đạo, một nhà sinh học đạt giải Nobel với các đột phá khoa học, GS. Baltimore lại phải dành thời gian cho hành trình tự bảo vệ mình.

Chân dung “hiệp sỹ”

TS. Margot O’Toole sau đó không thể phát triển sự nghiệp trong môi trường Đại học. Danh tiếng cả sự nghiệp của cô với tư cách là một nhà khoa học không có gì ngoài việc cô tố cáo GS. Baltimore và GS. Imanishi Kari, những “cây đại thụ” đã cứu nguy và cho cô 1 công việc post-doc khi vị trí post-doc trước 5 năm kéo dài đã kết thúc.

Trong môi trường học thuật, giai đoạn post-doc là một trong những giai đoạn khắc nghiệt và mong manh nhất đối với những người mới bước vào thế giới học thuật. Ba năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, nếu bạn không thể đủ “hấp dẫn” để có được cơ hội vào ngạch nghiên cứu hoặc GS chính thức ở một trường đại học, cơ hội và thời gian của bạn sẽ dần giảm đi theo hàm số mũ. Lương của post-doc chỉ nhỉnh hơn nghiên cứu sinh một chút, cơ hội đứng độc lập trong đề xuất dự án thấp, nhưng bạn phải thực sự “tiềm năng”. Bạn cần thể hiện đầy đủ kỹ năng thành thục và có “bí kíp” nào đó về chiều sâu, cùng với khát vọng và tầm nhìn, đồng thời phải có mạng lưới đủ lớn về chiều rộng. Nhờ đó, nếu một trường đại học nào “ưng” bạn, họ sẽ có niềm tin rằng những dự định của bạn sẽ khả thi và có thể thành công sau 5 năm tiếp theo ở bậc trợ lý giáo sư. Và cứ thế, bạn có thể tiếp tục đi tiếp trong học thuật, trung bình sau mỗi 5 năm. Trên thực tế, tỷ lệ tiếp tục thành công trong thế giới học thuật sau giai đoạn post-doc, tùy từng ngành, chỉ khoảng 10-30%.

“Người hùng tí hon” O’Toole lúc đó vừa ngoài 30, có được “cơ hội vàng” làm tiếp vị trí postdoc với lab của GS Imanishi (40 tuổi) ở học viện MIT hàng đầu thế giới sau khi đang chới với, và tiếp tục những ý tưởng từ những khám phá của GS Imanishi và GS. Baltimore (chủ nhân giải thưởng Nobel, chủ tịch Đại học Rockefeller), có thể coi là sung mãn và tầm ảnh hưởng rộng lớn ở tuổi 50 của ông.

Thực tế là, O’Toole đã rất sung sướng khi bắt đầu tiến hành thí nghiệm chuyển tế bào với các kỹ thuật mà GS. Imanishi-Kari đã phát triển và cho kết quả rất đáng chú ý. Cô đã quá sớm mừng rỡ và hi vọng: “Tôi chắc chắn rằng mình đã phát hiện ra điều gì đó lớn lao. Tôi như đang trên mây. Tôi nghĩ đây là điều khoa học quan trọng nhất mà tôi từng làm,” O’Toole nói. Cô dự định sẽ công bố ba bài báo kết quả từ công việc của mình tại MIT. “Đó là một việc rất lớn trong cuộc đời tôi,” cô nói bây giờ. “Tôi đã có thể trở thành một nhà khoa học, điều mà vào thời điểm đó là rất bấp bênh. Tôi thực sự rất phấn khích và vui mừng về toàn bộ sự việc.” Nhưng kinh phí nghiên cứu của dự án này cũng dần cạn kiệt, có nghĩa là nếu O’Toole không kịp “tạo ra điều gì cho cô”, đến ngày hết hạn dự án, cô cũng sẽ lại “tay gậy tay bị” lên đường.

Điều đó, tạo áp lực kinh khủng lên O’Toole, và cô bị ám ảnh đến khiếp sợ với việc cô không thể thực hiện lại được kết quả nghiên cứu. GS. Imanishi thì thất vọng vì khả năng làm việc của nghiên cứu viên trẻ mà bà đã tuyển, người đang nuôi 1 con nhỏ và đang gặp nhiều vấn đề cá nhân khi cố gắng có thêm em bé, cộng thêm các nhu cầu từ gia đình, và thường xuyên nghỉ làm để trông con. GS Imanishi đã khuyên O’Toole bắt đầu tìm ngay một vị trí mới vì hợp đồng này chỉ được trong 1 năm.

Các mâu thuẫn và áp lực cứ đè nén 2 người phụ nữ đến cao độ. Người đã quá mệt mỏi vì sự khắc nghiệt của thế giới học thuật đến 6 năm sau TS mà chưa tìm được bước đi tiếp. Người thì đã hi sinh cuộc sống cá nhân để theo đuổi những phát kiến mới quan trọng với nhân loại và bắt buộc phải có kết quả để tiếp tục xin tài trợ nuôi sống lab. Lúc đó, GS. Imanishi đã ly thân với chồng được 4 năm, đang làm thủ tục ly hôn và đang nuôi con gái khi đó mới 10 tuổi. Bà biết tất cả về những khó khăn mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt. “Phải làm việc rất muộn. Phải làm việc vào thứ bảy và chủ nhật mà không có bất kỳ sự xao lãng nào, chứ đừng nói đến việc bị phân tâm”. Dù vậy, ở môi trường hàng đầu thế giới như MIT, bà vẫn bị đánh giá là có số công bố ít hơn so với kỳ vọng.

GS Imanishi hoài nghi rằng O’Toole không có đủ kiên trì và tận tâm để tồn tại trong nghề nghiệp. O’Toole nói rằng Imanishi Kari đã liên tục mắng mỏ cô ấy: “Em sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì. Em sẽ không bao giờ kiếm được việc làm. Em sẽ chỉ là một trong những người phụ nữ ở nhà chồng nuôi”.

Thế giới khoa học bản chất cực kỳ khắc nghiệt hơn bất cứ thứ gì mà cộng đồng có thể thấy được! Bởi vì những gì mà thế giới học thuật đòi hỏi ở bạn không phải những đặc điểm và cuộc sống của người bình thường! Bạn phải là siêu nhân! Các môi trường học thuật hàng đầu thế giới, không muốn đọc các thư giới thiệu chỉ nói bạn là người tốt! Họ muốn đọc “Bạn là người số 1”, nhưng do những Người-Số-1 khác viết! Nếu bạn là người số 2 hay do những người “ẩn danh” giới thiệu, “nguyên tắc 30 giây” nêu trên lại áp dụng ở đây!

O’Toole đã đứng trước ranh giới bờ vực của combo-búa-tạ: Khủng hoảng sự nghiệp – Công việc – và Cuộc sống! Điều mà GS. Imanishi đã từng trải qua, chỉ khác là, giống như GS Katalin Kariko, bà đã biết chuyển hóa và thích ứng, cùng nghị lực và đam mê để theo đuổi sứ mệnh của cuộc đời mình.

Hãyy tìm hiểu tất cả quá trình học tập, kinh nghiệm, cũng như từng giai đoạn trưởng thành về xã hội để hiểu về tư tưởng và quand diểm của một nhà khoa học!

Bài báo trên The New Yorker năm 1996 mô tả TS. O’Toole ở tuổi 40 có khuôn mặt Ailen cởi mở và phong thái khiến một điều tra viên của Quốc hội phải nói: “Lần đầu tiên bạn gặp cô ấy, cô ấy toát ra vẻ chính trực và đáng tin cậy”.

Lần đầu tiên tôi gặp cô ấy vào một ngày cách đây vài năm ở Cambridge, khi tôi đón cô ấy đi ăn trưa. Cô ấy là một người kể chuyện hấp dẫn, và câu chuyện của cô về vụ Baltimore đã khiến tôi say mê hàng giờ liền. O’Toole lớn lên trong một gia đình Công giáo ở Dublin và học hai năm tại trường dòng. Cha cô là kỹ sư và cũng là một nhà viết kịch. Những tình tiết O’Toole kể về các vở kịch mà cha cô đã viết với các nội dung đấu tranh và châm biếm như “lên tiếng ở nơi làm việc không hòa đồng”, hay vở “Man Alive” châm biếm tính tự mãn quan liêu của lãnh đạo, “như một điềm báo kỳ lạ” của những tình tiết chính trong vụ Cô đứng lên tố cáo GS. Baltimore – tượng đài thời bấy giờ. Vở kịch “Man Alive” có nhân vật trung tâm là một kỹ sư thẳng thắn tên là Tim O’Malley, người bất đồng chính kiến bị đánh giá là một kẻ gây rối bất tài, nhưng anh ta không chịu bỏ cuộc: “chỉ cần tôi ở lại, tôi sẽ là cái gai sau lưng họ, và mỗi khi họ ngồi lên người khác họ sẽ nghĩ đến tôi”.

“Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối…”. Nhưng trong tình huống này, Nghệ thuật là sự giải thoát cho TS. O’Toole. Nguồn cảm hứng đó, có thể, đã góp phần quan trọng thôi thúc O’Toole đứng lên “đốt đền”, để rồi được mọi người biết đến là “Hiệp sĩ” trong giới khoa học – cái giới chưa từng ghi nhận Cô. Được tán dương với Giải thưởng Nhân văn của năm từ Hiệp hội Đạo đức Boston và Giải thưởng Đạo đức của Viện Hóa học Hoa Kỳ, dẫu vậy, vẫn không giúp Cô đi tiếp được trong các môi trường Đại học.

John Dingell lúc bấy giờ là Nghị sĩ của Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm và điều tra vụ kiện GS Baltimore và GS. Imanishi cùng với các trợ lý là Stockton và Chafin. Họ đã nhờ cơ quan mật vụ điều tra và phát hiện ra một số sai sót “một số ghi chú về các thí nghiệm đã bị ghi sai ngày và không theo trình tự, đồng thời các ngày khác đã bị thay đổi”. Họ đã truy vấn liên tục Imanishi và truy tố bà, mặc dù những sai sót đó có xảy ra nhưng bà không bịa ra các kết quả. “Tôi đã làm những thí nghiệm này rất nhiều lần, nếu muốn ngụy tạo, tôi đã có thể làm tốt hơn thế nhiều”. GS. Baltimore cũng có lời xin lỗi chính thức vì để xảy ra sai sót này.

John Dingell, mất năm 2019, sau gần 60 năm làm nghị sĩ. Bố ông cũng là nghị sĩ bang Michigan. Ông được coi là “con hổ” của Quốc hội Mỹ, người mà sau này đã chủ trì những đạo luật y tế quan trọng của nước Mỹ như Medicare và Affordable Healthcare của Tổng thống Obama. Thế nhưng trong lịch sử, từ gần 40 năm trước, kể cả những tầm vóc như vậy, khi theo đuổi 1 vấn đề khoa học, ông cũng có thể đã không đủ độ tinh để soi xét. Dingell mất chức chủ tịch ủy ban vào năm 1994. Trợ lý của ông, Stockton và Chafin ngay sau đó bỏ ra ngoài kinh doanh tự do.

GS. Baltimore đã viết thư đến cộng đồng khoa học cảnh báo rằng “Vụ việc của ông là một hiện tượng, cảnh báo cộng đồng khoa học phải cảnh giác trước những mối đe doạ tương tự, bởi vì các nhà khoa học chúng ta rất mong manh, dễ bị tấn công, phá hoại và ít được bảo vệ”. Dingell cứ khăng khăng tập trung vào việc thực tế là bài báo có sai sót. Nhưng ông không hiểu rõ, thiếu sót và hạn chế của nghiên cứu có những mức độ ý nghĩa khác nhau, và phải được nhìn nhận thận trọng, và một đặc tính của nghiên cứu khoa học là sử dụng dữ liệu theo các cách khác nhau (để tìm kiếm các phát hiện mới).

Không có khái niệm “hàng tuyển”, hàng chất lượng, ranh giới 2 nhóm bài báo xịn và dởm trong khoa học. Chỉ có khái niệm các mức độ ý nghĩa khác nhau, được người sử dụng bằng chứng và cộng đồng khoa học ngành hẹp đánh giá và áp dụng trong từng bối cảnh. Trừ những lỗi cố ý vi phạm đạo đức và quy trình nghiên cứu hay ngụy tạo số liệu, hạn chế của nghiên cứu không phải là sự vi phạm đạo đức của nghiên cứu viên.

Mặc dù bài báo trên Cell năm 1986 bị rút lại năm 1991, đó có thể là một việc cần làm khi có các sai sót, nhưng GS. Baltimore cùng các tác giả không hề bị gắn với tội danh nào, và thậm chí GS Baltimore trắng án và trở thành Chủ tịch Caltech – Viện công nghệ số 1 thế giới trong suốt 10 năm sau đó.

Nếu không có các hiệp sỹ khoa học, có lẽ GS Baltimore đã giúp nhân loại tìm ra thuốc chữa HIV/AIDS.

Đăng lại từ Bài viết trên Facebook cá nhân của GS. TS Trần Xuân Bách

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh