GS. TS Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư và Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 và 39. Năm 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ).
Chuỗi bài Các vụ tấn công lịch sử vào nhà khoa học trên thế giới được đăng lại từ một bài viết trên trang mạng xã hội cá nhân của Giáo sư. Dưới đây là Phần cuối cùng của chuỗi 6 bài viết.
Chuyển hoá
Mấy tuần trước, giới học thuật Việt Nam vô cùng thương tiếc với sự ra đi của một PGS trẻ. Nguồn sống, năng lượng làm việc, và khuôn mặt rất thiện của em sẽ vẫn luôn là biểu tượng lan tỏa của tinh thần vươn lên, học tập và sống đẹp của thanh niên Việt Nam.
Dường như, mỗi một con người tài hoa ở cõi ta bà này, giống như một vì tinh tú, do mắc lỗi ở trên trời, nên họ bị giáng xuống hạ giới. Họ sẽ bị cơ đày, sẽ bị thử thách, và đến khi họ hoàn thành một sứ mệnh, tạo dựng một dấu ấn, để lại một giá trị cho xã hội phát triển xong, họ sẽ sớm rời bỏ chúng ta, để quay về trời!
Những năm đại dịch COVID-19 vừa qua, khi rửa tay đã trở thành một bài hát nổi tiếng của Việt Nam. Chúng ta lại nhớ đến Bác sỹ người Hungary – Ignaz Semmelweis (1818-1865), làm việc ở Bệnh viện đa khoa Vienna những năm 1840, người được mệnh danh là “cứu tinh những bà mẹ”. Ông là một bác sỹ tài hoa với năng lực tư duy liên ngành hình thành từ rất sớm, thông qua việc học Y, Luật và Ngôn ngữ.
Từ quan sát thấy tỷ lệ tử vong do sốt sản khoa ở phòng sản phụ mà sinh viên y khoa thực hành cao hơn so với phòng sản phụ do hộ sinh thực hành. Ông tìm ra nguyên nhân là do sinh viên y khoa thường xuyên chuyển từ việc khám nghiệm tử thi sang chăm sóc bệnh nhân mà không rửa tay. Sau đó, Semmelweis đã yêu cầu nhân viên của mình rửa tay bằng dung dịch clorua trước khi chăm sóc bệnh nhân. Mặc dù, ông đã chứng minh giả thuyết của mình bằng nghiên cứu thống kê và công bố vào năm 1861, Semmelweis vẫn bị cộng đồng y tế phản đối và từ chối tin rằng giải pháp cho vấn đề tử vong của các bà mẹ lại chỉ có thể đơn giản như thế!
Các bô lão đại sư ngành Y khắp châu Âu bấy giờ cảm thấy bị xúc phạm vì không phát hiện ra được “điều đơn giản” ấy, trong khi Semmelweis chưa đưa ra được căn cứ khoa học trong hiểu biết tại thời điểm đó. Sự hẹp hòi và đố kỵ của những bô lão tự cho mình quyền lực canh giữ “ngôi đền khoa học” đã gây ra tội ác tinh vi mà phải đến khi có đủ ánh sáng của thời gian, nhân loại mới thấy hết được!
Semmelweis bị tẩy chay, dồn ép chỗ bị mất chức, bị đuổi việc, để rồi suy sụp và qua đời ít năm sau đó tại bệnh viện tâm thần. Phải đến gần 20 năm sau, quy tắc rửa tay của Semmelweis mới được chấp nhận rộng rãi khi Louis Pasteur đưa ra lý thuyết về “mầm bệnh” và phương pháp tiệt khuẩn Pasteur được sử dụng tới ngày nay. Ngày nay, bác sĩ Semmelweis vẫn được nhắc đến như là một bi kịch của những định kiến lâu đời và sự thủ cựu của một số lão làng, và là một nạn nhân lịch sử của sự thao túng và quấy rối trong giới khoa học
Khoa học chưa bao giờ là một trò chơi, cũng không thể chỉ là một lựa chọn! Đối với những con người lao động khoa học thực sự và liên tục, đó là sứ mệnh của họ nhằm tìm kiếm tri thức và dẫn dắt xã hội phát triển! Điều mà đôi khi họ phải dũng cảm trả giá!
Cuộc đời của tất cả những nhà khoa học… chưa bao giờ hạnh phúc!
Đó là những giây phút tự quằn quại trong những hỗn mang của sự phủ nhận và tự phủ nhận.
Người tu học hiểu rõ những ranh giới của được-mất, vinh-nhục, của những giá trị bên trong họ và những phù du bên ngoài! Họ hiếu-sinh và kiến tạo, gieo vào đất những mầm sống để nở thành cây đời xanh tươi. Để rồi họ được….tự giải thoát!
Những người tu…hú bị bùng nhùng trong cõi vô minh, không lối thoát, không biết con đường giác ngộ. Họ giải thích cho chữ Khổ của họ bằng những hỗn mang trong ảo giác của họ nhìn thấy, và hằn học tìm cách xóa bỏ những hỗn mang đó. Càng hằn học, họ càng đắm chìm trong ngộ nhận! Họ muốn vơi đi nỗi khổ của mình bằng cách…chia cho người khác! Nhưng không bao giờ muốn người khác… “ngồi chỗ mát” cùng mình, ngang hàng mình, mặc cái áo giống mình, hay giống mình ở bất cứ cái “vốn” ít ỏi nào mà họ có!
Những người này không khó để nhận ra trong giới học thuật. Hầu hết, mọi câu chuyện với họ đều xoay quanh chữ Danh – Lợi. Ít khi ta thấy họ chia sẻ về những bài học truyền cảm hứng, những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, những tinh thần dấn thân, những khát vọng vươn lên, vươn xa, sự hi sinh và ý chí kỳ diệu – những điều thực sự có ý nghĩa mà chúng ta có thể làm theo được, thực hành được. Ít khi chúng ta thấy họ nâng người khác lên, mà đa phần là phản biện, dưới cái mác nhà bình luận, và trách nhiệm chỉ ra những “thói xấu” của xã hội. Họ giải thích cho tất cả những hiện trạng là do những thiếu thốn bên ngoài. Trong các phát biểu, chữ đầu tiên họ nói thường là “Phải có cái này, phải làm cái kia,…để họ cống hiến hơn”. Nghe họ phát biểu xong, chúng ta chỉ thấy tủi thân, tủi phận, chờ đợi mà không thấy nghị lực vượt lên hoàn cảnh!
Những câu chuyện lịch sử trên đây, cho thấy rằng không có một xã hội nào có thể có các môi trường hoàn hảo cho nhà khoa học. Những chính sách của nhà nước chúng ta trong nhiều năm, cùng với tinh thần lao động, của nhiều thế hệ cán bộ khoa học kỹ thuật từ trong lịch sử bom đạn đến hôm nay, cho thấy sự ưu tiên và trọng dụng các nhà khoa học, và những hi sinh đóng góp của họ – những người luôn coi khó khăn là vốn sống và lan tỏa niềm tin tưởng tích cực!
Con đường phát triển là một hành trình! Nếu các bạn không muốn chứng kiến những điều không thể đau lòng hơn, như: 1) những nhân cách lớn chọn con đường ra đi hoặc ẩn mình, 2) những nhà khoa học “hàng đầu” của hiện tại, đang dần phải “đầu hàng” bởi các bóng ma quá khứ, bị moi móc các sai sót, bị hạ bệ, bị bôi nhọ, bị tấn công, 3) các SV hoài nghi về GV và nhà trường của họ, lên box LCKH để hỏi về đạo đức nghiên cứu để “yên tâm” và được các “thầy ẩn danh” tư vấn, 4) các bệnh nhân từ chối khám BS bị “bóc phốt” “đưa lên LCKH”, 5) các nguồn lực nhà nước bị nhóm lợi ích thao túng và phân bổ vòng quanh trong 1 nhóm người…
Đăng lại từ Bài viết trên Facebook cá nhân của GS. TS Trần Xuân Bách
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.