Cách đọc hiểu một bài báo nghiên cứu: Hướng dẫn cho những người không phải nhà khoa học

Việc sai lệch thông tin khoa học, từ vắc-xin đến biến đổi khí hậu, có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Tuy nhiên, các bài báo khoa học – phương thức truyền tải kiến thức chính trong giới học thuật, có hình thức khác so với các bài viết trên báo đài hay blog, và đòi hỏi người đọc phải có kỹ năng và độ kiên nhẫn cao. 

Dưới đây là hướng dẫn giúp những người mới tiếp cận lĩnh vực này, hiểu cách đọc một bài báo nghiên cứu. Các bước và gợi ý này hữu ích cho bất kỳ ai quan tâm đến cách trình bày các phát hiện khoa học, đồng thời gợi ý những điểm quan trọng mà các nhà khoa học cần cân nhắc trong khi viết.

Ảnh: Floating via Behance | CC BY-NC 4.0

Trước khi bắt đầu, đây là một vài lưu ý nho nhỏ:

Đọc một bài báo nghiên cứu là quá trình hoàn toàn khác biệt so với đọc bài viết về khoa học trên blog hay báo chí. Không chỉ thứ tự đọc các phần sẽ khác so với thứ tự trình bày, mà bạn còn phải ghi chú, đọc nhiều lần và có thể phải tìm kiếm thêm các bài báo khác để hiểu rõ chi tiết. Bạn cần kiên nhẫn vì ban đầu, việc đọc một bài báo có thể mất nhiều thời gian hơn dự tính, nhưng quá trình sẽ thuận lợi hơn khi bạn đã có kinh nghiệm.

Hầu hết các bài báo nghiên cứu gốc (primary research articles) được chia thành các phần: Tóm tắt (abstract), Giới thiệu (introduction), Phương pháp (methods), Kết quả (results) và Kết luận/Giải thích/Thảo luận (conclusion/discussion/interpretation). Thứ tự có thể thay đổi tùy theo tạp chí xuất bản. Một số tạp chí có các tệp đính kèm (gọi là Thông tin bổ sung trực tuyến – Supplementary Online Information) chứa chi tiết quan trọng của nghiên cứu nhưng được đăng tải trực tuyến thay vì trong bài báo, đừng bỏ qua những tệp này.

Trước khi đọc, cần chú ý tên tác giả và cơ quan của họ. Một số cơ quan (ví dụ Đại học Texas) được đánh giá cao, trong khi một số tổ chức khác (Ví dụ Discovery Institute) dù có vẻ hợp pháp nhưng thực tế lại theo đuổi mục đích riêng.

Cũng cần lưu ý tạp chí xuất bản bài báo. Các tạp chí uy tín thường được lập chỉ mục (index) bởi các cơ sở dữ liệu như PubMed, Web of Science. Và hãy cảnh giác với các tạp chí đáng ngờ.

Khi đọc, hãy ghi lại tất cả các thuật ngữ chuyên ngành mà bạn chưa hiểu, rồi tra nghĩa các thuật ngữ này vì chúng mang ý nghĩa cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên môn.

Hướng dẫn từng bước để đọc một bài báo nghiên cứu 

1. Bắt đầu bằng việc đọc phần Giới thiệu (introduction), không phải Tóm tắt (abstract).

Tóm tắt là đoạn văn dày kín chữ ở đầu bài báo. Đối với độc giả không phải nhà khoa học, đây thường là phần duy nhất họ đọc khi cố gắng xây dựng lập luận khoa học. Tuy nhiên, phần này nên được đọc sau cùng vì chúng chứa bản tóm tắt ngắn gọn của toàn bộ bài báo, điều này có thể bị ảnh hưởng bởi cách giải thích có phần chủ quan của tác giả. 

2. Xác định Câu hỏi lớn (Big question)

Không phải “Bài báo này viết về gì”, mà là “Bài báo này đang cố gắng giải quyết vấn đề gì?”

Điều này giúp tập trung vào lý do tại sao nghiên cứu được thực hiện. Cần lưu ý các bằng chứng cho thấy nghiên cứu có động cơ riêng (agenda-motivated research).

3. Tóm tắt Nền tảng nghiên cứu (background) trong năm câu hoặc ít hơn.

Đây là một số câu hỏi hướng dẫn:

– Nghiên cứu nào đã được thực hiện trước đây để trả lời cho Câu hỏi lớn?

– Hạn chế của những nghiên cứu đó là gì?

– Theo các tác giả, điều gì cần được tiếp tục nghiên cứu?

4. Xác định Câu hỏi cụ thể (Specific Question(s))

Cụ thể là các tác giả đang cố gắng trả lời điều gì trong nghiên cứu? Có thể có nhiều câu hỏi hoặc chỉ một câu hỏi. Nếu đó là nghiên cứu kiểm tra giả thuyết không (null hypothesis), cần xác định chúng.

5. Xác định Phương pháp tiếp cận (approach)

Các tác giả sẽ làm gì để trả lời cho Câu hỏi cụ thể?

6. Đọc phần Phương pháp (methods). Vẽ sơ đồ cho mỗi thí nghiệm, thể hiện chính xác những gì các tác giả đã làm.

Vẽ sơ đồ một cách chi tiết để hoàn toàn hiểu về những gì tác giả đã thực hiện. Bạn không cần hiểu đầy đủ và chi tiết về phương pháp để lặp lại thí nghiệm, nhưng cần hiểu đủ ở mức có thể giải thích cơ bản về phương pháp cho người khác, trước khi chuyển sang đọc mục Kết quả.

7. Đọc phần Kết quả (Results). 

Viết một hoặc nhiều đoạn để tóm tắt kết quả cho từng thí nghiệm, hình, và bảng. Chưa phân tích ý nghĩa và chỉ đơn thuần viết ra chúng là gì.

Cần chú ý đến các kết quả được tóm tắt dưới dạng số liệu và bảng biểu – dạng thông tin được trình bày phần lớn trong những bài báo tốt. Đôi khi bạn cũng có thể cần vào tệp Thông tin bổ sung trực tuyến (Supplementary Online Information) để xem thêm một số kết quả.

Một số lưu ý:

  • Những từ như “đáng kể” (significant) hoặc “không đáng kể” (non-significant) mang hàm ý về ý nghĩa thống kê chính xác.  
  • Nếu có đồ thị, cần quan sát có thanh sai số (error bars) hay khoảng tin cậy (confidence intervals) hay không vì trong một số nghiên cứu, việc thiếu những thông tin này là dấu hiệu cảnh báo đáng lưu ý.
  • Kích thước mẫu (sample size) cũng rất quan trọng. Nghiên cứu đã được tiến hành trên 10 hay 10.000 người? (Đối với một số mục đích nghiên cứu, cỡ mẫu 10 là đủ, nhưng đối với hầu hết các nghiên cứu thì lớn hơn sẽ tốt hơn.)

8. Kết quả có trả lời cho Câu hỏi cụ thể không? Bạn nghĩ chúng có nghĩa là gì?  

Đừng chuyển sang phần tiếp theo cho đến khi đã suy nghĩ về điều này. Bạn nên cố gắng hình thành cách hiểu riêng trước khi đọc diễn giải của tác giả, dù sau đó có thể quan điểm của bạn sẽ thay đổi theo hướng giải thích của tác giả.

9. Đọc phần Kết luận/ Thảo luận/ Giải thích (Conclusion/ Discussion/ Interpretation).

Tác giả giải thích kết quả như thế nào? Bạn có đồng ý không? Còn cách giải thích nào khác không? Các tác giả có đề cập điểm yếu trong nghiên cứu không? Bạn còn nhận thấy điểm yếu nào khác không? Họ đề xuất bước tiếp theo là gì và bạn có đồng ý với điều đó không?  

10. Bây giờ hãy quay lại phần đầu và đọc Tóm tắt (abstract).

Tóm tắt có khớp với nội dung bài báo và cách hiểu của bạn không?

11. Bước cuối cùng: Những nhà nghiên cứu khác nói gì về bài báo này?

Ai là chuyên gia (được công nhận hoặc tự xưng) trong lĩnh vực này? Họ có nhận xét gì về nghiên cứu mà bạn chưa nghĩ đến không? (Bạn có thể sử dụng Google để tra cứu.)

12. (Tuỳ chọn) Xem qua phần “Tài liệu tham khảo” (Literature cited) để xem các bài báo khác được trích dẫn. Điều này giúp nhận diện các bài báo quan trọng trong một lĩnh vực cụ thể, tìm nguồn ý tưởng hoặc các kỹ thuật hữu ích.

Lược dịch từ LSE

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 2

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh