Những hiểu lầm về câu bị động
#1. Dùng câu bị động là sai ngữ pháp
Câu bị động không phải một hiện tượng ngữ pháp sai. Vấn đề nằm ở cấu trúc câu – không thực sự sáng tỏ và dễ hiểu – nhiều lần khiến người đọc không hiểu được nội dung tác giả muốn truyền đạt.
#2. Chỉ cần xuất hiện “to be” (ở bất cứ dạng nào) thì là câu bị động
Câu bị động yêu cầu nhiều hơn thế ngoài sự xuất hiện của động từ “to be”. Tuy sử dụng “to be” khiến câu của bạn có sức nặng hơn nhưng chỉ đôi khi mà thôi và bản thân sự xuất hiện của nó không tương đương với sự hình thành của một câu bị động.
#3. Trong câu bị động, người ta tránh sử dụng ngôi thứ nhất (“I” hay “we”); nếu đã sử dụng thì là đang viết câu chủ động
Sự thực ngược lại hoàn toàn, bạn có thể dễ dàng viết câu bị động sử dụng ngôi thứ nhất. Ví dụ như: “I was hit by the dodgeball.” (Tôi bị quả bóng ném đập trúng.)
#4. Bạn không bao giờ nên dùng câu bị động
Ngoài những lúc câu bị động khiến nội dung câu kém sáng tỏ thì trong rất nhiều trường hợp, sử dụng câu bị động chấp nhận được, thậm chí là lựa chọn hợp lý.
#5. Tôi có thể sử dụng các công cụ kiểm tra lỗi ngữ pháp để phát hiện câu bị động
Xem lại hiểu lầm #1: Bởi câu bị động không phải lỗi ngữ pháp nên việc sử dụng các công cụ kiểm tra lỗi ngữ pháp để phát hiện câu bị động là không phải lúc nào cũng hiệu quả. Chúng thường chỉ tìm được một lượng nhỏ câu bị động trong bài mà thôi.
Bạn có cảm thấy quen thuộc với những nhận định trên? Nếu câu trả lời là có, bạn không phải là người duy nhất. Và đó là lý do tại sao bài viết này – bàn luận về cách nhận biết câu bị động, khi nào bạn có thể và khi nào cần tránh sử dụng – ra đời.
Lưu ý về sự rõ ràng và ngữ nghĩa khi sử dụng câu bị động
Lý do lớn nhất khiến câu bị động không được khuyến khích trong viết học thuật là bởi người đọc sẽ phải đoán ý của câu. Hãy xem xét ví dụ sau:
When her house was invaded, Penelope had to think of ways to delay her remarriage.
(Khi ngôi nhà của cô bị xâm chiếm, Penelope phải nghĩ cách trì hoãn việc tái hôn)
Giống như nhiều câu bị động, do không được nhắc đến nên người đọc không xác định được chủ thể gây ra hành động – kẻ nào đã xông vào nhà Penelope. Ngược lại, câu chủ động cho ta một góc nhìn sáng tỏ hơn:
After suitors invaded her house, Penelope had to think of ways to delay her remarriage.
(Sau khi người cầu hôn xông vào nhà, Penelop phải nghĩa cách trì hoãn việc tái hôn)
Do vậy, giảng viên/người phản biện/người biên tập – cũng ở dưới vai trò một độc giả muốn hiểu nội dung bạn muốn truyền tải – sẽ ưu ái câu chủ động hơn. Họ muốn biết ai hay cái gì là chủ thể hành động. Để có cái nhìn rõ hơn, hãy thử so sánh 2 ví dụ dưới đây trong trong một nghiên cứu nhân loại học của một ngôi làng ở Lào:
(bị động) A new system of drug control laws was set up. (Bởi ai?)
(Một hệ thống đạo luật kiểm soát ma túy được thiết lập.)
(chủ động) The Lao People’s Revolutionary Party set up a new system of drug control laws.
(Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã thiết lập một hệ thống luật kiểm soát ma túy mới.)
Dưới đây là một ví dụ khác cũng trong nghiên cứu này, cho thấy tính thiếu chính xác khi sử dụng câu bị động:
Gender training was conducted in six villages, thus affecting social relationships.
(Chương trình tập huấn về giới được thực hiện ở 6 làng, dự đoán tác động đến các mối quan hệ xã hội.)
Một vài trang sau, ta có:
Plus, marketing links were being established.
(Thêm vào đó, các mạng lưới bán hàng cũng được xây dựng.)
Trong cả 2 ví dụ trên, người viết không hề đề cập đến chủ thể thực hiện hành động (Ai tổ chức hay đứng ra thực hiện các buổi tập huấn về giới? Ai xây dựng mạng lưới bán hàng?). Việc không biết rõ chủ thể hành động khiến độc giả gặp khó khăn khi đánh giá và nhìn nhận mối quan hệ giữa các tương tác xã hội kể trên – phụ thuộc nhiều vào chủ thể thực hiện hành động.
Tính chính xác và rõ ràng của ví dụ dưới đây – một lần nữa được trích trong nghiên cứu về The Odyssey – có lẽ sẽ được giáo viên yêu cầu thêm:
Although Penelope shares heroic characteristics with her husband, Odysseus, she is not considered a hero.
(Tuy Penelope cũng có tố chất của một người anh hùng giống như vị hôn phu của mình – Odysseus, không ai coi cô là người hùng cả.)
Ai không công nhận Penelope là người hùng? Rất khó để trả lời câu hỏi này, tuy nhiên, nếu đọc phần còn lại của đoạn văn, người đọc sẽ hiểu là tác giả của bài luận này đang đưa ra luận điểm là Penelope không phải người hùng. Người đọc cũng có thể hiểu rằng tác giả đang đề cập tới quan điểm của các nhà phê bình, học giả hay các độc giả hiện đại của The Odyssey. Một số có thể cho rằng ý nghĩa chủ thể ở đây không quan trọng, câu này chỉ đang sử dụng thủ thuật phong cách viết. Tuy vậy, phong cách viết có ảnh hưởng đến cách người đọc hiểu và tiếp nhận nội dung. Một lối viết kỳ lạ, không rõ ràng thường khiến người đọc không đánh giá cao các ý tưởng, mà có lẽ đối với tác giả, đã đủ rõ ràng. Bởi vậy, biết được phản hồi của độc giả sẽ giúp bạn kiểm tra và đánh giá bài viết của mình một cách khách quan hơn. Việc kiểm tra tính rõ ràng của ý tưởng được biểu đạt qua câu bị động là rất quan trọng.
Sử dụng câu bị động để tóm tắt lịch sử hoặc diễn biến câu chuyện: đừng lười nghĩ hay viết!
Qua phần trước, bạn cũng có thể hiểu rằng đối với một số người đọc, câu bị động thể hiện lối tư duy không thấu đáo và lười biếng. Họ cho rằng những người lạm dụng câu bị động thường chưa suy nghĩ thấu đáo, từ đó, tạo ra các lập luận với độ chính xác thấp. Cùng xem ví dụ trích từ nghiên cứu về lịch sử người Mỹ:
The working class was marginalized. African Americans were discriminated against. Women were not treated as equals.
(Tầng lớp lao động bị đẩy sang lề. Những người Mỹ gốc Phi bị phân biệt đối xử. Phụ nữ không được đối xử công bằng.)
Các câu văn trên không những có độ chính xác thấp mà còn không thể hiện được sự liên kết với bối cảnh và nguyên nhân – yếu tố tạo nên một lập luận chính xác và mạch lạc. Độc giả khi đọc câu này sẽ không biết thêm gì về những điều kiện bối cảnh đã gây ra tình trạng đàn áp những nhóm người đó. Do đó, họ sẽ đặt ra những thắc mắc về những thông tin này.
Việc đảm bảo câu chủ đề chính xác và rõ ràng là tối quan trọng. Bởi vậy, hãy thận trọng khi sử dụng câu bị động làm câu chủ đề đoạn.
Ở đoạn bạn bàn luận về công trình của các tác giả khác – như các sử gia hay nhà văn – bạn cũng có thể tăng độ tin cậy cho bài viết bằng cách không phụ thuộc quá nhiều vào câu bị động khi tóm tắt diễn biến hoặc luận điểm của họ. Thay vì viết:
It is argued that…
(Mọi người cho rằng…)
Hay Tom and Huck are portrayed as…
(Tom và Huck được khắc họa như…)
Hay And then the link between X and Y is made, showing that…
(Sau đó, kết nối giữa X và Y được hình thành, cho thấy…
bạn có thể “kết nối” trực tiếp với các tác giả như trong các câu dưới đây:
Anderson argues that…
(Anderson cho rằng…)
Twain portrays Tom and Huck as…
(Twain khắc họa Tom và Huck như là…)
Ishiguro draws a link between X and Y to show that…
(Ishiguro tạo một kết nối giữa X và Y để chứng minh…)
Tránh sử dụng câu bị động trong các trường hợp kể trên giúp bạn thể hiện được hiểu biết sâu sắc hơn về tài liệu hay công trình đang bàn luận.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.