Nghiên cứu sinh: 81 kiếp nạn và chiến lược vượt qua

Lưu ý: Độc giả nên đọc bài “81 kiếp nạn của nghiên cứu sinh” trước. Tuy nhiên, nếu không muốn, bạn vẫn có thể đọc ngay bài này mà không gặp vấn đề gì.

Bài viết này cũng không dành cho nghiên cứu sinh có trình độ xuất sắc trở lên vì… người viết bài này là người thường, chưa và không bao giờ xuất sắc nên không hiểu được suy nghĩ của người xuất sắc. Nội dung dưới đây, tuy nhiên, lại đặc biệt phù hợp với các nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp, cầm bằng đúng hạn.

Ảnh: Overcome via Behance | CC BY-NC 4.0

Chiến lược 1: Nghiên cứu vừa đủ tốt

Hãy nghiên cứu thật kỹ xem trường/khoa/viện/giáo viên hướng dẫn của bạn kỳ vọng như thế nào về một luận án tiến sỹ. Có những yêu cầu được viết ra thành văn bản, ví dụ như để tốt nghiệp thì phải có 02 bài báo Scopus/01 bài ISI/01 bài đăng ở hội thảo chuyên ngành. Một số kỳ vọng khác, có thể là ngầm định, ví dụ, nhà trường quy định là phải có 02 bài nhưng riêng ở Khoa này, hoặc với giáo viên hướng dẫn cụ thể này thì họ lại muốn 03 bài; hoặc cũng là 02 bài nhưng 02 bài Q2 trở lên cơ. Hoặc riêng trong giai đoạn này, các nghiên cứu sử dụng dữ liệu thứ cấp sẽ được đánh giá cao chứ không phải sơ cấp. Để biết được các yêu cầu này, hãy trao đổi với giảng viên trong khoa, chuyên viên phòng đào tạo, và nhất là giảng viên hướng dẫn để hiểu rõ hơn bản chất vấn đề, lý do tại sao những yêu cầu như vậy được đưa ra.

Một việc nên làm nữa là hãy thử nghiên cứu kỹ 1 vài ca vừa bảo vệ thành công ở trường/khoa/viện của bạn: đọc luận án của họ, xem quá trình học của họ như thế nào, và nếu có thể hãy nói chuyện với họ.

Sau khi đã nắm rõ các yêu cầu, cả chính thức và ngầm định, hãy lên kế hoạch từng bước, từng bước để đạt được từng mục tiêu. Trong quá trình làm, đừng nhìn ngang nhìn ngửa, đừng thay đổi mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu là bài 01 Scopus (vì trường và giáo yêu cầu thế) thì đừng cố làm bài SCIE/SSCI. Cứ chắc chắn được 01 bài Scopus đã rồi hãy tính tiếp. Vậy nên, khi hoàn thành bản thảo đừng vì thấy bài viết tốt mà “tham” gửi đến báo SSCI.

Chiến lược 2: Thiết lập mối quan hệ win-win với giảng viên hướng dẫn

Làm nghiên cứu sinh, mong muốn đầu tiên của mình là tốt nghiệp, là học được kiến thức mới, là phát triển sự nghiệp… Sau khi giáo đã đồng ý nhận làm giảng viên hướng dẫn của mình rồi thì họ phải có trách nhiệm (trước nhà trường/khoa/viện) về việc đó. Quy chế đào tạo tiến sĩ cũng đã ghi rất rõ nghĩa vụ của giáo, nên chúng ta không cần quá băn khoăn. Nhưng ở chiều ngược lại, ta cũng cần quan tâm xem giáo muốn gì, cần gì ở mình. Giáo cũng là người và người nào cũng có kế hoạch, mong muốn riêng của họ. Ví dụ, có giáo cần bạn có mặt ở lab với giáo 3 ngày/tuần; có giáo lại cần bạn trợ giảng để giáo có thời gian làm việc khác, có giáo lại cần thêm bài báo để được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn (GS, PGS…). Tựu chung lại, hãy trao đổi kỹ để hiểu rõ với giáo thế nào là win và cũng nói rõ với giáo biết, với mình win là gì. Mối quan hệ dựa trên cơ sở win-win thì sẽ không có lý do gì không có happy ending.

Chiến lược 2 phẩy: Nhường giáo win trước cũng được, không sao cả

Cái này gắn liền với 2, đáng ra có thể viết gộp trong 2 nhưng vì nó khá đặc biệt, nên tách ra làm 2 phẩy. Win-win đã rõ rồi, chúng ta đã thông rồi, nhưng đôi khi 2 win nó không đến cùng 1 lúc, khi đó bạn và giáo sẽ phải lựa chọn xem ai win trước. Trong trường hợp này, hãy “nhường” giáo, để giáo win trước, không sao cả. Ví dụ, luận án tiến sĩ của bạn còn ngổn ngang, nhưng giáo có 1 project khác sắp hết hạn nhưng… cũng đang còn… ngổn ngang. Ok, hãy chủ động hỏi giáo: em giúp gì được giáo, em làm cùng nhé? Em dạy hộ giáo một vài lớp nhé? Khi việc chính của giáo ổn rồi, giáo sẽ tự khắc biết để “trả nợ” bạn, giúp bạn hoàn thành việc của bạn. Còn khi việc của giáo còn chưa ra gì, giáo có muốn giúp mình cũng chịu. Thân ốc còn chưa lo nổi mình ốc thì lo được cho ai?? Rõ ràng win – win là lâu dài, nhưng trong ngắn hạn win – lose cũng được, không sao đâu. Lose 1 bước để win nhiều bước.

Chiến lược 3: Hợp tác với nghiên cứu sinh khác hoặc với postdoc, giảng viên trẻ

Nếu trong lab/team của giáo có sẵn những người như nêu ở trên thì hãy hợp tác luôn với họ vì như vậy là tiện nhất. Nếu không có, hãy tìm 2-3 cộng sự như vậy, rồi cũng thiết lập mối quan hệ win – win tương tự như với giáo ở trên. Nên tìm người có năng lực khác mình. Ví dụ mình viết giỏi thì tìm người chạy dữ liệu giỏi; mình chạy dữ liệu giỏi thì tìm người có khả năng thu thập data, xin funding… Hãy nhớ, thực ra đây (chứ không phải là giáo) có khi mới là những người sẽ làm việc lâu dài với bạn trong tương lai, sau khi đã học xong tiến sĩ. Những mỗi quan hệ được xây dựng từ khi còn trẻ, chưa có vị trí, chưa có thành tích… thường rất bền lâu.

Chiến lược 4: Đừng cầu toàn

Không luận án hay nghiên cứu nào là hoàn hảo cả. Thế nên đừng buồn nếu nghiên cứu của mình còn điểm này, điểm kia chưa được như ý. Không phải tự nhiên trong cấu trúc luận án hay bài báo, phần cuối cùng luôn dành cho mục “Hạn chế của nghiên cứu”. Trong KHXH, nói chung người ta sẽ đánh giá nghiên cứu của bạn qua 3 khía cạnh: (i) Lý thuyết; (ii) Phương pháp; (iii) Dữ liệu. Nếu nghiên cứu của bạn có phương pháp không có gì mới (kiểu SEM trong nghiên cứu marketing, hồi quy đơn giản trong nghiên cứu policy; phỏng vấn sâu trong nghiên cứu giáo dục) thì cũng không sao. Cố gắng 2, thậm chí 1 trong 2 khía cạnh còn lại ok là được. Ví dụ cũng là đề tài nghiên cứu về hài lòng/động lực của giáo viên (chủ đề cũ mèm), data của bạn lấy được từ giáo viên dân tộc miền núi chẳng hạn từ Việt Nam thì bạn vẫn có cơ hội đăng bài ở các báo Top của SSCI chứ đừng chỉ nói là Q1 Scopus.

Chiến lược 5: Điểm mới/Đóng góp của nghiên cứu chủ yếu là có tính chất “cải thiện từng chút một”

Các nghiên cứu sinh thường mong nghiên cứu mình có tính chất đột phá (breakthrough), nhưng như đã nói ở trên, đó là việc của nhóm outstanding. Phần lớn các nghiên cứu sinh chỉ đưa ra các điểm mới theo kiểu “cải thiện từng chút một” (incremental). Thế nào là incremental. Tức là cái khác, cái mới trong nghiên cứu của bạn chỉ cần có 1 số điểm khác tý tị tỳ ti so với nghiên cứu trước đó là ok. Tý tị tỳ ti ở đây thậm chí sẽ là những điểm mà người đời (ngoài ngành) khi nghe qua có thể sẽ thốt lên: Ôi, có thế mà cũng phải nghiên cứu; tôi chả nghiên cứu cũng biết. Chả sao cả. Kệ họ. Trong nghiên cứu, người ta sẽ quan tâm đến chiều sâu hơn chiều rộng; quan tâm đến độ chắc chắn của từng kết quả nhỏ còn hơn là kết quả nghe có vẻ hoành tráng nhưng thiếu tin cậy, thiếu chắc chắn. Ví dụ: có một mối quan hệ giữa A và B; khi làm tổng quan tài liệu có 2 nhóm kết quả (i) Nhóm X cho rằng A có tác động đến B theo chiều dương; (ii) Nhóm Y cho rằng A không có tác động đến B. Bạn thử kiểm tra lại mối quan hệ đó với 1 sample mới (phương pháp cũ cũng được, mới thì càng hay) và chỉ ra rằng: (1) nghiên cứu của bạn giống X; (2) Nghiên cứu của bạn giống Y; hoặc thậm chí (3) nghiên cứu của bạn chả giống X, chả giống Y (kiểu như A tác động đến B theo chiều âm). Cả 3 kết quả, kết quả nào cũng được, kết quả nào cũng tốt, cũng ý nghĩa cả.

Chiến lược 6: Đúng hạn là quan trọng nhất của các loại quan trọng

Bạn muốn tốt nghiệp đúng hạn (ví dụ 3 hay 4 năm) thì hãy cố gắng trong mọi deadline (deadline gặp giáo hàng tuần/tháng; deadline bảo vệ đề cương, cơ sở …), đừng bỏ lỡ bất kỳ deadline nào. Trong quản trị của Nhật, có 1 mô hình quản trị chất lượng tên là QCD trong đó Q = Quality; C = Cost và D = Delivery. Ở đây Delivery được hiểu là thời gian sản phẩm/dịch vụ được đưa tới khách đúng hạn. Có lần tôi hỏi 1 chuyên gia JICA, tại sao không ghép D là 1 phần của Q. Chuyên gia bảo, vì với người Nhật chúng tôi, thời gian quan trọng đến mức nó cần được đứng tách riêng thành 1 khía cạnh độc lập tương đương toàn bộ thuộc tính chất lượng của sản phẩm/dịch vu (Q) và Chi phí (Cost). Vì vậy, hãy cố gắng đừng bao giờ miss bất kỳ Deadline nào với Giáo/Khoa/Viện/Trường. Khi áp dụng 6, cũng cần nhớ đến 4 (đừng cầu toàn) thì sẽ thấy dễ thở. Ví dụ tuần sau là đến deadline rồi trong khi mới làm được 50%. Khi đó đừng cố làm đến 100% và xin gia hạn mà chỉ cần cố đúng hạn và nộp sản phẩm có mức độ hoàn thiện 80% (theo góc nhìn của mình là được). Đằng nào thì khi được góp ý, bài của bạn cũng sẽ bị thầy/hội đồng đánh te tua thôi mà, nên 100% chứ 120% thì cũng bị cho “ăn hành” thôi!

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh