Nhận thức về một bài báo không đáng tin cậy thường ở mức thấp, nhưng việc áp dụng một số giải pháp công nghệ dễ sử dụng có thể giúp các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản và phản biện làm rõ vấn đề.
Việc rút bỏ (retraction) các bài báo gia tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua và nhảy vọt lên con số kỷ lục là gần 14.000 vào năm 2023, so với con số này trước năm 2009 là chưa tới 1.000 bài mỗi năm.
Việc rút bỏ các bài báo nghiên cứu có vấn đề là việc quan trọng nhằm đảm bảo liêm chính khoa học. Không phải tất cả các trường hợp rút bỏ đều xuất phát từ hành vi thiếu trung thực mà đôi khi có thể đến từ một số lỗi sai, chẳng hạn như khi một nhóm nghiên cứu nhận ra rằng không thể tái lập kết quả nghiên cứu trước đó.
Nhưng bất kể lỗi sai trong một bài báo đã xuất bản được tìm thấy theo cách nào, điều quan trọng là đảm bảo kết quả đó không được lan truyền trong các tài liệu khoa học. Không ai muốn lập luận dựa trên những tiền đề sai lầm. Cũng giống như việc nhiều người không chấp nhận một phương pháp điều trị y tế được củng cố bởi các thử nghiệm lâm sàng thiếu vững chắc, cộng đồng khoa học không muốn các nhà nghiên cứu, công chúng và một lực lượng ngày càng lớn mạnh – trí tuệ nhân tạo (AI) dựa vào dữ liệu hoặc kết luận sai lệch từ các bài báo bị rút bỏ.
Một vấn đề thường bị bỏ qua là những gì xảy ra với các bài báo trích dẫn nghiên cứu đã bị rút bỏ. Ví dụ, vào tháng Sáu, một bài báo được đăng trên tạp chí Nature đã bị gỡ bỏ bởi lo ngại về độ tin cậy của dữ liệu hiển thị – sau 22 năm từ khi xuất bản, tích lũy gần 5.000 trích dẫn. Tất nhiên, việc trích dẫn một bài báo bị rút bỏ không đồng nghĩa với việc nghiên cứu đó cũng không còn tin cậy, bởi có nhiều lý do để bài báo gốc nằm trong danh mục tài liệu tham khảo như cung cấp ngữ cảnh, giới thiệu công trình có liên quan hoặc giải thích quy trình thí nghiệm. Nhưng một số nghiên cứu trích dẫn bài báo gốc đó thật sự không còn đủ tính tin cậy. Ít nhất, các nhà nghiên cứu nên xem xét liệu có bài báo nào bị rút bỏ trong số tài liệu họ đã trích dẫn không. Điều này giúp đánh giá những tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với công trình của chính họ và có cảnh báo một cách rõ ràng về việc tiếp tục trích dẫn bài báo bị rút lại đó trong tương lai. Tuy nhiên, hiện không có một quy trình hệ thống nào được đưa ra để các nhà xuất bản cảnh báo học giả đã trích dẫn một bài báo bị rút bỏ, trong khi đây là điều cần thiết.
Ngoài việc rút bỏ, ta cũng cần xây dựng một hệ thống quy mô lớn nhằm ngăn chặn lan truyền lỗi sai trong các tài liệu khoa học. Các công cụ đã có sẵn – bây giờ, thứ cần phải thay đổi là cách chúng ta thực hiện.
Thay đổi hiện trạng
Công bố và trích dẫn là thước đo quan trọng trong học thuật. Tuy nhiên, có thể rất khó khăn để phân biệt được các bài báo hoặc trích dẫn đáng ngờ với những bài báo có giá trị. Cùng với đó, thực tế là các quy trình biên tập, phản biện và xuất bản phụ thuộc phần nhiều vào sự tin tưởng, dẫn đến tình trạng sai lệch.
Các chỉ số hiệu suất của một nhà nghiên cứu – bao gồm số bài báo được xuất bản, lượng trích dẫn tích lũy và báo cáo phản biện đã nộp – giúp nhà nghiên cứu xây dựng danh tiếng và mức độ nhận diện. Kết quả là họ có được lời mời tham dự hội thảo với tư cách diễn giả, phản biện bản thảo, biên tập số đặc biệt và tham gia vào ban biên tập của các tạp chí. Đây chính là lợi thế cho nhà nghiên cứu khi xin việc hoặc thăng chức, đóng vai trò then chốt trong việc thu hút tài trợ cũng như có nhiều nghiên cứu trích dẫn công trình của họ hơn – tất cả đều góp phần tạo dựng một sự nghiệp học thuật nổi bật của nhà nghiên cứu. Các cơ sở học thuật nhìn chung có xu hướng sẵn lòng tiếp nhận những nhà khoa học có nhiều công bố, được trích dẫn nhiều và thu hút được nguồn tài trợ.
Các doanh nghiệp vô đạo đức, được biết đến với tên gọi “nhà máy giấy”, đã xuất hiện và tận dụng hệ thống này. Họ bịa ra các bản thảo, thao túng hoặc ăn cắp dữ liệu, bán những bản thảo giả mạo, quyền tác giả và trích dẫn, cũng như thiết kế một quy trình phản biện như thật.
Các nhà xuất bản có uy tín cũng trở thành đồng lõa, khi họ xuất bản bài báo của các nhà nghiên cứu tiêu biểu – một số người trong đó có thể đã xây dựng mức độ nhận diện thông qua các hoạt động đáng ngờ, không trung thực – và thường xuyên sử dụng những cá nhân đó làm người phản biện và biên tập viên. Ngành xuất bản được hưởng lợi từ lượng lớn các bài báo, bao gồm cả những bài báo không hợp lý về mặt khoa học.
Công cụ để thay đổi
Các nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, tổ chức và nhà tài trợ đều phải hành động để duy trì tính liêm chính của tài liệu khoa học.
Khi phát hiện một bài báo đáng ngờ hoặc có vấn đề, các nhà khoa học có thể báo cáo bằng cách liên hệ với nhóm biên tập của tạp chí đăng bài báo đó. Tuy nhiên, nêu vấn đề như thế nào và trình bày với ai là một trở ngại không nhỏ. Mặt khác, quá trình này thường không ẩn danh và còn tùy thuộc vào quyền lực trong “cuộc chơi xuất bản”, do đó mà một số nhà nghiên cứu không muốn hoặc không thể tham gia vào thảo luận về những vấn đề này.
Bên cạnh đó, các tạp chí nổi tiếng là chậm chạp. Quá trình xử lý đòi hỏi nhân viên tạp chí phải làm trung gian cho một cuộc thảo luận giữa tất cả các bên – mà tác giả của bài báo bị chỉ trích thường chỉ miễn cưỡng tham gia, đôi khi liên quan đến dữ liệu bổ sung và người phản biện hậu xuất bản. Hầu hết các cuộc điều tra có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm trước khi công bố kết quả.
Có những cách khác để đặt vấn đề với một nghiên cứu đã xuất bản, như để lại bình luận trên diễn đàn PubPeer. Nhưng các nhà xuất bản thường không giám sát những cuộc thảo luận này, tác giả của bài báo bị chỉ trích cũng không có nghĩa vụ phải trả lời. Thông thường, các bình luận hậu xuất bản, bao gồm cả từ các nhà nghiên cứu tiêu biểu trong lĩnh vực, đưa ra các vấn đề quan trọng tiềm ẩn nhưng không được các tác giả và tạp chí xuất bản thừa nhận.
Vào tháng 2 năm 2021, một Công cụ sàng lọc bài báo có vấn đề (Problematic Paper Screener – PPS) đã được cho ra mắt. Ban đầu, phần mềm này gắn cờ các đoạn văn bản được tạo ngẫu nhiên trong các bài báo đã xuất bản. Giờ nó có thể theo dõi một loạt các vấn đề để cảnh báo cộng đồng khoa học về các lỗi sai tiềm ẩn.
Một trong số đó là khả năng quét văn bản và tìm kiếm những cụm từ vô nghĩa (tortured phrases) xuất hiện ngày một nhiều trong tài liệu khoa học, ví dụ như counterfeit consciousness – ý thức giả – thực chất chỉ trí tuệ nhân tạo (AI). Những cụm từ đó cần được người đọc phát hiện, bổ sung làm chỉ dấu để công cụ quét trên 130 triệu tài liệu khoa học được lập chỉ mục bởi nền tảng dữ liệu Dimensions. Sau đó, người đọc kiểm tra lại các trường hợp dương tính giả – tức là bị đánh dấu là vô nghĩa nhưng thực chất có ý nghĩa.
Ngoài kiểm tra mức độ có vấn đề của bài báo, PPS cũng được phát triển để theo dõi các bài báo đã bị rút bỏ (dựa trên nhãn do nhà xuất bản dán) cũng như các nghiên cứu trích dẫn những bài báo đó. Công cụ dựa trên cơ sở dữ liệu từ các nhà xuất bản riêng lẻ, Crossref và PubMed để theo dõi các trường hợp bị rút bỏ, hủy hoặc xóa.
Phòng ngừa và giải quyết
Chỉ với một vài bước đơn giản và sử dụng các công cụ dễ tiếp cận đã có thể giúp tăng cường đáng kể độ tin cậy của các tài liệu khoa học. Một trong những điều cơ bản mà các tác giả nên kiểm tra xem nghiên cứu mình định sử dụng đã từng bị chỉ trích hoặc rút lại sau khi công bố hay chưa trước khi đưa vào danh mục tài liệu tham khảo.
PubPeer sở hữu hai tiện ích mở rộng rất thuận lợi cho quá trình kiểm tra này. Một plugin tự động gắn cờ bất kỳ bài báo nào đã nhận được nhận xét trên PubPeer, bao gồm các chỉnh sửa và quyết định rút bỏ, khi người đọc lướt qua các trang web tạp chí. Plugin khác hoạt động trong trình quản lý tài liệu Zotero để xác định các bài viết tương tự trong thư viện kỹ thuật số của người dùng. Đối với các tệp PDF đã tải xuống, độc giả có thể nhấp vào nút Crossmark để kiểm tra trạng thái của bài báo trên trang web của nhà xuất bản. Ngoài PubPeer, có một số công cụ khác cũng có thể giúp kiểm tra liệu danh mục tài liệu tham khảo có chứa bài báo bị gắn cờ đỏ nào không, như RetractoBot hay Feet of Clay Detector (một công cụ của PPS).
Khoa học cũng sẽ hưởng lợi nếu có nhiều người đọc tích cực kiểm tra sau công bố và báo cáo mối quan ngại trên PubPeer hoặc cho các nhà xuất bản. Ngược lại, tác giả của các bài báo bị phê bình nên tham gia thảo luận một cách thiện chí với đồng nghiệp hoặc tạp chí liên quan, và cùng nhau tìm hướng giải quyết nhanh chóng.
Người đọc – đặc biệt là người phản biện – nên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như các cụm từ vô nghĩa và khả năng văn bản được tạo bằng AI. Các cụm từ đáng ngờ có thể được kiểm tra bằng Tortured Phrases Detector của PPS. Các tạp chí cũng nên liên hệ với người phản biện của các bài báo bị rút lại vì lý do kỹ thuật – để họ nắm bắt được thông tin cũng như rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong tương lai.
Vai trò quan trọng nhất để thực hiện các thay đổi có tác động đến quy trình xuất bản chính là các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản nên thường xuyên kiểm tra các bản thảo đã gửi thông qua các công cụ kiểm tra đạo văn, chỉnh sửa hình ảnh, cụm từ vô nghĩa, tài liệu tham khảo đã bị rút hoặc đáng ngờ, các trích dẫn “ảo” do AI tạo ra và các “vườn trích dẫn” (citation plantations – tập trung nhiều trích dẫn có lợi cho một số cá nhân)
Ngoài các biện pháp phòng ngừa, các nhà xuất bản nên đẩy mạnh và mở rộng quy mô điều tra, sửa chữa và rút bài. Nhà xuất bản nên chịu trách nhiệm rõ ràng với các bài báo mình đã xuất bản, thực hiện kiểm tra thường xuyên để đảm bảo các bài rút lại không bị bỏ sót cũng như được thông báo đầy đủ.
Để giúp các công cụ độc lập như Feet of Clay Detector thu thập dữ liệu về tình trạng hiện tại của các bài báo trong tạp chí của mình, tất cả các nhà xuất bản nên công khai siêu dữ liệu (metadata) tài liệu tham khảo trong toàn bộ danh mục.
Nhà xuất bản cũng nên đánh dấu một cách rõ ràng các bài báo bị rút, như được khuyến nghị trong hướng dẫn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE). Hầu hết các nhà xuất bản chỉnh sửa tệp PDF để thêm watermark “Retracted”; tuy nhiên, các bản sao được tải về trước khi bài bị rút sẽ không có cảnh báo này. Các “Tuyên bố quan ngại” từ phía nhà xuất bản nên được áp dụng rộng rãi hơn. Những ghi chú này giúp cảnh báo người đọc rằng độ tin cậy của bài báo đang bị nghi vấn.
Khi một nghiên cứu bị rút, nhà xuất bản nên cân nhắc đến phản ứng dây chuyền, thậm chí là “rút bài dây chuyền”. Điều này nghĩa là tất cả các bài trích dẫn nghiên cứu đó nên được xem xét lại, và nếu kết luận của chúng dựa vào kết quả đã bị rút, thì chúng nên được sửa chữa hoặc rút bỏ phù hợp.
Nhìn chung, để tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bước này, các nhà xuất bản cần cập nhật quy trình và phân bổ thêm nguồn lực cho đội ngũ biên tập và đảm bảo tính liêm chính học thuật.
Yêu cầu tất cả các bên chịu trách nhiệm
Cuối cùng, một khía cạnh khác có thể hạn chế sự lan truyền lỗi sai trong tài liệu là trách nhiệm giải trình. Hiện tại, có rất ít hậu quả cho việc không sửa chữa hoặc rút lại bài báo sai, và rất ít phần thưởng khi gắn cờ sai sót trong khi việc này đòi hỏi sự nỗ lực tốn thời gian. Các trường đại học và các nhà tài trợ nên ưu tiên khoa học chất lượng và đáng tin cậy hơn là những chỉ số gián tiếp như số lượng bài báo hay chỉ số tác động của tạp chí. Việc đóng góp vào việc sửa chữa tài liệu khoa học nên được đánh giá tích cực hơn, có thể xem như một hình thức phục vụ cộng đồng.
Khi ngày càng có nhiều bài bị rút, các nhà xuất bản có thể cân nhắc chuyển khoản phí xử lý bài viết (APC) đã thu từ các bài bị rút sang sang tổ chức từ thiện. Ví dụ, Nhà xuất bản IOP, thuộc sở hữu của Viện Vật lý ở London, một trong những nhà xuất bản đầu tiên rút lại các bài báo trên cơ sở các cụm từ vô nghĩa, đã quyên góp doanh thu từ các bài báo rút lại cho Research4Life, một tổ chức cung cấp quyền truy cập tài liệu học thuật cho các cơ sở tại các nước thu nhập thấp và trung bình.
Nỗ lực kết hợp giữa phòng ngừa và khắc phục từ tất cả các bên liên quan là chìa khóa để duy trì độ tin cậy của tài liệu khoa học – một cam kết quan trọng đối với khoa học và niềm tin của công chúng.
Lược dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.