Cơ quan trực thuộc không nên là yêu cầu bắt buộc trong nghiên cứu

Trong bài viết này, Helen Kara và Petra Boynton làm rõ những trở ngại gặp phải khi làm việc với trường đại học; rào cản mà nhà nghiên cứu độc lập gặp phải trong tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu; giải thích những điều cần thay đổi và lý do; cách thức để những thay đổi này diễn ra.

Tại Vương quốc Anh (UK), nếu bạn là nhà nghiên cứu làm việc không trực thuộc một tổ chức nghiên cứu nhất định, bạn sẽ không đủ điều kiện xin nguồn tài trợ nghiên cứu từ chính phủ, ở đây là UKRI. Cơ quan này liên tục nói “không”’ với các nhà nghiên cứu độc lập, mặc dù tổ chức có khẳng định về sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập. Dù mục tiêu của tổ chức từng tuyên bố nhằm: “phát triển hệ thống nghiên cứu và đổi mới đẳng cấp thế giới, bởi người dân, vì người dân”, họ vẫn nói “không” với các đơn xin từ nhà nghiên cứu độc lập đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, năng lực và mạng lưới.

Thông qua hoạt động trong nhiều không gian học thuật khác nhau, nhiều người trong số những nhà thực hành này có thể có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn đáng kể so với các đồng nghiệp trong học viện chỉ làm việc trong môi trường đại học.

Ví dụ, bà Petra từng là Giảng viên cao cấp tại một trường đại học thuộc nhóm Russell (Russell Group University) trước khi nghỉ việc do bộ phận của bà bị giải thể. Điều mà các trường đại học vẫn còn thiếu hỗ trợ, đó là sự kết hợp giữa sở thích và trách nhiệm chăm sóc gia đình đã dẫn bà tới làm việc với tư cách tư vấn viên cho các trường đại học, tổ chức từ thiện và ngành công nghiệp.

Bà Helen chưa bao giờ được tuyển dụng hoặc có ý định làm việc trong giới hàn lâm. Bà từng là nhà nghiên cứu độc lập từ năm 1999 và học giả độc lập từ năm 2011. Bà hợp tác với các trường đại học trên khắp thế giới từ năm 2005, xuất bản rộng rãi về đạo đức nghiên cứu (research ethics) và phương pháp nghiên cứu (research methods), và tổ chức Hội nghị Quốc tế về Phương pháp Nghiên cứu Sáng tạo (International Creative Research Methods Conference).

Mặc dù con đường nghiên cứu độc lập này mang lại nhiều thành quả, nhưng việc thiếu tính liên kết với một tổ chức trực thuộc tạo ra những rào cản đáng kể. Gần đây, bà Helen được giáo sư (tạm gọi là Jim) từ bên ngoài Vương quốc Anh mời nộp đơn xin quỹ nghiên cứu (fellowship) tại tổ chức của ông. Quỹ này nhằm mở rộng các phương pháp sáng tạo trong nghiên cứu tại trường đại học của ông Jim. Ông Jim tiếp cận bà Helen thông qua công trình của bà trong phương pháp nghiên cứu sáng tạo và ông nghĩ rằng bà sẽ là ứng viên lý tưởng. Bà Helen muốn nộp đơn, nhưng từ kinh nghiệm trước đây bà biết cần phải kiểm tra kỹ điều khoản. Đúng như bà dự đoán, chỉ có các nhà nghiên cứu trực thuộc các trường đại học mới đủ điều kiện.

Chúng tôi có thể trích dẫn nhiều ví dụ khác, nhưng đa số là những cuộc trò chuyện một chiều. Chúng tôi thường xuyên nhận những lời từ chối và không nhận được bất kỳ phản hồi nào. Dường như người thường xuyên bị phân loại là “phi hàn lâm” không xứng đáng nhận bất kỳ phản hồi nào, chỉ vì họ không làm việc cho một trường đại học.

“Những nhà đổi mới, nhà vận động, nhà tiên phong và người thích rủi ro, những người có thể thay đổi hệ thống và công việc của họ không phải lúc nào cũng làm việc như những học giả toàn thời gian.”

Nhà tài trợ nghiên cứu và nhiều trường đại học chỉ nói “có” khi hợp tác với những người làm việc trong các cơ sở khác. Điều này giúp tổ chức bảo toàn quyền lực của mình, nhưng ngược lại gây bất lợi cho các chuyên gia trình độ cao. Ngoài ra, điều này có thể gây bất lợi cho các tổ chức, như trong trường hợp của ông Jim, họ không thể tuyển dụng những người giỏi nhất. Những nhà đổi mới, nhà vận động, nhà tiên phong và người thích rủi ro, những người có thể thay đổi hệ thống và công việc của họ không phải lúc nào cũng làm việc như những học giả toàn thời gian.

Không chỉ người có kinh nghiệm và kỹ năng học thuật mới bị cấm chia sẻ  kiến thức của họ với tổ chức nghiên cứu. Những người có kinh nghiệm rộng rãi trong nghiên cứu với bên thứ ba, chính quyền địa phương và ngành công nghiệp dường như không thể tham gia. Các học giả từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, bao gồm cả các nhà nghiên cứu bản địa, cũng phải đối mặt với hệ thống bất bình đẳng ngăn cản họ tham gia.

“Các trường đại học trên danh nghĩa là tổ chức mở (open institutions), nhưng đối với nhiều người, họ lại khép kín.”

Những tổ chức như trường đại học nắm giữ quyền lực chính trị, nhưng họ không phải lúc nào cũng coi trọng nó. Các trường đại học trên danh nghĩa là tổ chức mở (open institutions), nhưng đối với nhiều người, chúng lại khép kín. Trong bản báo cáo gần đây của HEPI về nhận thức của công chúng đối với trường đại học cho thấy, mặc dù tầm quan trọng của các tổ chức được công nhận, chỉ 18% mẫu khảo sát trong đó thực sự đã đến một trường đại học trong năm qua. Việc thay đổi thói quen cố hữu đồng thời loại trừ sự đóng góp từ bên ngoài rất khó khăn, nhưng chúng ta có thể hy vọng về sự thay đổi sẽ đến.

Vẫn có những trường đại học tạo cơ hội cho người bên ngoài giới hàn lâm, nhưng phụ thuộc vào mối quan hệ tốt của họ với ai đó trong trường. Khi họ rời đi, trường đại học sẽ không còn cho đi những cơ hội như vậy nữa. Điều này sau cùng đặt áp lực lên những nhân viên, cán bộ trường khiến họ quanh quẩn bên trong những rào cản hệ thống từ cơ sở, thứ tiêu hao lượng lớn thời gian và năng lượng.

Chúng ta có những dấu hiệu thay đổi. Năm 2015, bà Helen là nhà nghiên cứu độc lập đầu tiên được phong tặng là Hội viên của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (Fellow of the Academy of Social Sciences) cho đóng góp của bà. Bà Petra tư vấn chuyên sâu cho các trường đại học và tổ chức từ thiện trong và ngoài Vương quốc Anh về phương pháp cải thiện giảng dạy nghiên cứu (research teaching), chăm sóc mục vụ (pastoral care), và giám sát (supervision).

“Cũng có một số tổ chức nghiên cứu chào đón nhà nghiên cứu độc lập.” Trung tâm Quốc gia về Phương pháp Nghiên cứu (The National Centre for Research Methods) là một ví dụ sáng về sự hòa nhập bao gồm tất cả mọi người. Theo chúng tôi biết, tổ chức tiếp tục hỗ trợ nhà nghiên cứu độc lập và nhà nghiên cứu bị xã hội “loại trừ” trong ít nhất mười năm qua.

Thông qua chương trình tài trợ nhỏ, Viện Hàn lâm Anh Quốc (The British Academy) đã cung cấp một số khoản tài trợ (tối đa £10,000 trong vòng 2 năm) trong đó nhà nghiên cứu độc lập có thể nộp đơn. Một số khoản tài trợ từ Quỹ Wellcome (the Wellcome Trust) cũng đang mở cho các dự án cộng đồng và sáng tạo. Ủy ban Châu Âu (The European Commission) và Chính phủ Anh (UK Government), các Cơ quan Công cộng (Public Bodies), các tổ chức từ thiện và các tổ chức phi chính phủ (charities and NGOs ) cũng chào đón đóng góp từ các nhà nghiên cứu độc lập bên ngoài có kỹ năng cao và được công nhận.

Nghiên cứu diễn ra ở nhiều nơi ngoài trường đại học, và văn hóa trong đó hầu hết là kết nối tạo nên mạng lưới rộng rãi. Cách tiếp cận thu hẹp của tất cả các hội đồng nghiên cứu và một số trường đại học dẫn đến cách làm một chiều, làm mất cơ hội cho sự cộng tác tập thể và trao đổi kiến thức mà đáng lẽ nên là điều cốt lõi của bất kỳ trường đại học có cam kết nào.

Dịch từ: LSE

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 2 / 5. Số đánh giá: 4

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh