Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay (18/5/2024) nhấn mạnh vai trò của bảo tàng và các bộ sưu tập trong việc tạo ra tri thức mới. Theo chuyên gia Kylie Message, các bảo tàng đại học có tiềm năng đặc biệt trong lĩnh vực này, nhưng điều kiện tiên quyết là phải nâng cao khả năng tìm kiếm, quản lý và truy cập các bộ sưu tập của họ

Các bộ sưu tập tư liệu, hiện vật lịch sử của các trường đại học là những kho tàng lưu giữ tri thức nhân loại qua hàng nghìn năm, đại diện cho sự phát triển của các phương pháp quản lý thông tin qua nhiều thế hệ. Chúng là nguồn dữ liệu quý giá cho nghiên cứu đa ngành và giúp tái hiện quá trình, giá trị và bối cảnh lịch sử của những nghiên cứu được tiến hành tại cơ sở. Hơn thế, các bộ sưu tập này đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn di sản văn hóa, khoa học và xã hội cho các thế hệ tương lai.
Các bộ sưu tập của trường đại học là một phần quan trọng trong di sản chung được tôn vinh trong Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay. Chúng có vai trò đặc biệt trong việc khám phá kiến thức mới, nhất là các bộ sưu tập được hình thành từ quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, tiềm năng to lớn của các bộ sưu tập này trong việc hỗ trợ nghiên cứu vẫn chưa được khai thác tối đa do những hạn chế về khả năng tìm kiếm, quản lý và tiếp cận.
Tận dụng sức mạnh của những câu chuyện
Để khắc phục khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận các bộ sưu tập của trường đại học, Katrina Grant (Digital Humanities), Claire Sheridan (ANU Collections) và tôi (Kylie Message) đã lập nên một podcast mang tên “The Timber Detective Agency”. Thay vì điều tra các vụ án bí ẩn như những podcast trinh thám thông thường, chúng tôi sử dụng lối kể chuyện hấp dẫn để giới thiệu hơn 50 bộ sưu tập quý giá của Đại học Quốc gia Australia (Australian National University – ANU). Ý tưởng này nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là những người yêu thích lịch sử và thể loại podcast trinh thám.
Ngoài mục tiêu quảng bá các bộ sưu tập của ANU, chúng tôi còn muốn khẳng định vai trò quan trọng của các bộ sưu tập của các trường đại học trong nghiên cứu. Ý tưởng này được thúc đẩy bởi những tranh luận gần đây về giá trị của đại học trong mắt công chúng cũng như kết quả nghiên cứu về đào tạo nhân lực đa ngành cho lĩnh vực quản lý thông tin-thư viện.
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá từ xylarium – một kho lưu trữ gỗ ít người biết đến của ANU. Nơi đây đã đóng góp vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, từ quốc phòng, an ninh sinh học đến quản lý cháy rừng của người dân bản địa. Chúng tôi nhận ra rằng để truyền tải khái niệm trừu tượng về “cơ sở hạ tầng nghiên cứu”, việc sử dụng những khối gỗ thô sơ – nguyên liệu trực tiếp cho các nghiên cứu – hiệu quả hơn nhiều so với trưng bày những hiện vật đẹp mắt trong tủ kính. Một trong những sự tình cờ thú vị khi tiến hành tập này là vị chuyên gia lâm học mà chúng tôi phỏng vấn còn được biết đến với biệt danh “thám tử gỗ”.
Chúng tôi muốn tạo ra một trải nghiệm tương tác, nơi người nghe không chỉ thụ động tiếp nhận kiến thức mà còn trở thành những cộng sự cùng khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong các bộ sưu tập. Đồng thời, chúng tôi mong muốn minh bạch hóa hoạt động của đại học, vì vậy mỗi tập podcast đều liên quan đến ba nhiệm vụ cốt lõi của trường đại học: nghiên cứu, giảng dạy và kết nối với cộng đồng.
Tập đầu tiên minh họa tiềm năng của nghiên cứu liên ngành và đổi mới dựa trên một bộ sưu tập gỗ. Tập thứ hai giới thiệu bộ sưu tập nội thất giữa thế kỷ của ANU như một nguồn tài liệu quý giá về lịch sử của trường đại học. Tập cuối cùng nhấn mạnh giá trị của các bộ sưu tập trong việc kết nối với cộng đồng và tạo ra tác động xã hội. Thông qua việc sáng tác nhạc mới cho một cây đàn piano cổ, tập này thể hiện cách các bộ sưu tập đại học có thể tôn vinh di sản văn hóa bản địa và mở rộng định nghĩa về nghiên cứu.
Tôi rất hứng thú khi biết chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm nay (IMD 2024) là thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng bền vững, công nghiệp hóa toàn diện và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bảo tàng, sưu tập và nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thức rõ những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt trong việc hiện thực hóa mục tiêu này, thậm chí có ý kiến cho rằng đó là điều bất khả thi.
Thách thức trong việc hiện thực hóa các bộ sưu tập như cơ sở hạ tầng nghiên cứu
Các thách thức về cơ sở hạ tầng với các bộ sưu tập đại học là về mặt xã hội, tài chính, và gắn liền với di sản hệ thống của việc thu thập và lập tài liệu thuộc địa. Sự suy giảm kiến thức về các bộ sưu tập này đang được đẩy nhanh bởi sự ra đi của những người nắm giữ kiến thức và trưởng lão của các cộng đồng bản địa, cũng như việc nghỉ hưu của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên gia kỹ thuật, những người đã dành cả sự nghiệp làm việc với những tài liệu này.
Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với các bộ sưu tập đại học đang tìm cách phát triển các khuôn khổ đạo đức trong việc điều chỉnh quản lý kiến thức trong bối cảnh nghiên cứu và giáo dục của họ, đặc biệt liên quan đến quản trị dữ liệu về người bản địa. Nó có những hậu quả lớn hơn đối với các cộng đồng người bản địa muốn hợp tác với các trường đại học để xây dựng các hệ thống lập mục lục phù hợp về văn hóa, cũng như mô hình hóa các quy trình hồi hương thúc đẩy dự án phản ánh lịch sử chân thật của quốc gia.
Thực tế, sự thiếu sót mang tính hệ thống này đến từ việc thiếu đi sự tương tác giữa các bộ sưu tập hiện có, ngay cả trong cùng một tổ chức. Vấn đề này không chỉ của riêng các trường đại học, nhưng nó lại nghiêm trọng hơn thảy vì các bộ sưu tập của họ được phân tán trên nhiều ngành học hơn so với các bảo tàng lịch sử xã hội, lịch sử tự nhiên hoặc dân tộc học điển hình. Ngay cả khi một trường đại học có hệ thống quản lý bộ sưu tập tập trung, nhưng nó cũng không nhất thiết kết nối với hệ thống thư viện hoặc các công cụ quản lý lưu trữ của cơ sở. Có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như nền tảng kỹ thuật số của Yale liên kết các bộ sưu tập và cho phép người dùng truy cập trực tuyến miễn phí để tìm kiếm hơn 17 triệu danh mục, nhưng chi phí tài chính liên quan đến việc thiết lập và duy trì cơ sở hạ tầng này là quá cao đối với nhiều bộ sưu tập đại học khác.
Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?
Để ngăn chặn sự suy giảm kiến thức về các bộ sưu tập, các tổ chức cần đầu tư vào những phương thức mới để xây dựng mối quan hệ, chia sẻ thông tin và phát triển hệ thống kỹ thuật thu thập dữ liệu. Mặc dù các trường đại học khá thành thạo trong việc khai thác kiến thức, họ lại còn thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng văn hóa và mô hình quản trị cho các nghiên cứu mang lại lợi ích chung với cộng đồng bên ngoài.
Sự tập trung của IMD2024 vào việc nhấn mạnh vai trò quan trọng của các bộ sưu tập như cơ sở hạ tầng nghiên cứu cho toàn xã hội quốc tế hy vọng sẽ thu hút sự chú ý đến nguồn lực cần thiết cho việc tạo ra và quản lý kiến thức này một cách cấp bách.
Dịch từ LSE
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.