Cuộc khủng hoảng tái tạo là gì?

Ảnh: Crise dos Estagiários – Vc S/A via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Cuộc khủng hoảng tái tạo là một vấn đề ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Bài viết này sẽ bàn luận và cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề phức tạp này.

Tổng quan

Cuộc khủng hoảng tái tạo (replication crisis), còn được biết đến với tên gọi “khủng hoảng khả lặp” (reproducibility crisis) hay “khủng hoảng nhân rộng (replicability crisis), là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến phương pháp nghiên cứu khoa học. Theo thời gian, nhiều người đã nhận ra rằng rất khó hoặc gần như không thể để tái tạo một cách chính xác kết quả của một số các công trình nghiên cứu khoa học. Tính khả lặp của dữ liệu thực nghiệm là yếu tố quan trọng đối với phương pháp khoa học, vì vậy việc gặp phải khó khăn trong quá trình tái lặp kết quả của một nghiên cứu hoặc lý thuyết sẽ làm suy giảm mức độ uy tín của nó.

Do đó, kiến thức khoa học có thể bị mất đi giá trị. Quá trình bình duyệt là một phần quan trọng của nghiên cứu khoa học, và nếu dữ liệu không thể được tái tạo, thì nó không thể được xác nhận. Cuộc khủng hoảng này đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực y học và khoa học xã hội. Đã có nhiều nỗ lực đáng kể được thực hiện trong những lĩnh vực này để xem xét lại các kết quả cổ điển, xác nhận tính khả thi của chúng và đánh giá lý do nếu chúng được coi là không đáng tin cậy. Có bằng chứng mạnh mẽ từ dữ liệu khảo sát cho thấy cuộc khủng hoảng còn ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong khoa học tự nhiên.

Nhận thức về vấn đề này ngày càng được gia tăng, dẫn đến sự hình thành của thuật ngữ dành riêng cho nó vào đầu những năm 2010. Việc xác định vấn đề, xem xét nguyên nhân và xây dựng biện pháp khắc phục đã dẫn đến ngành khoa học mới được gọi là siêu khoa học(metascience), sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm để xem xét thực hành nghiên cứu thực nghiệm.

Nghiên cứu thực nghiệm bao gồm cả  thu thập và phân tích dữ liệu Do đó, có hai loại xem xét liên quan đến khả năng tái tạo. Khả năng tái lặp (reproducibility) là sự xác nhận về cách phân tích và diễn giải dữ liệu. Việc lặp lại một thí nghiệm hoặc nghiên cứu để có dữ liệu độc lập mới xác nhận kết quả của nghiên cứu gốc xem xét khả năng nhân rộng (replication).

Nguyên nhân

Có một số nguyên nhân gây ra hiện tượng nghiên cứu có tính khả lặp thấp. Một nguyên nhân quan trọng là thiên kiến xuất bản (publication bias), khi các nghiên cứu có thể bị sai lệch về mặt thống kê do áp lực đưa ra các kết quả có ý nghĩa, do vậy bỏ qua các kết quả chính xác. Những nguyên nhân khác bao gồm các phương pháp phân tích dữ liệu đáng ngờ như tự do nghiên cứu của nghiên cứu viên, lôi kéo dữ liệu (data dredging) và HARKing (trình bày một giả thuyết hậu nghiệm trong phần giới thiệu báo cáo nghiên cứu như thể nó là một giả thuyết tiên nghiệm). Hay cũng có thể do không tuân theo các nguyên tắc nghiên cứu nghiêm ngặt, trong bối cảnh số lượng công bố và dữ liệu xuất bản mới gia tăng chóng mặt, khiến nhà nghiên cứu rơi vào tình trạng xuất bản hoặc lụi tàn (publish or perish).

Quy mô

Tạp chí Nature đã làm nổi bật quy mô của vấn đề vào năm 2016 thông qua một cuộc thăm dò ý kiến ​​với 1.500 nhà khoa học. 70% người tham gia báo cáo rằng họ đã không thể tái tạo được kết quả của ít nhất một nghiên cứu của đồng nghiệp. 87% nhà hóa học, 69% nhà vật lý và kỹ sư, 77% nhà sinh học, 64% nhà môi trường và khoa học trái đất, 67% nghiên cứu y học và 62% những người trả lời khác cũng công nhận vấn đề này. 50% thậm chí không thể tái tạo một trong những thí nghiệm của chính họ.

Bên cạnh đó, một số người tham gia báo cáo rằng biên tập viên và bình duyệt viên đã khuyên họ hạn chế việc so sánh với các nghiên cứu gốc khi họ báo cáo về sự thất bại trong tái tạo. Đôi khi vấn đề được tạo ra một cách có chủ ý – trong số những người tham gia nghiên cứu năm 2009, có 2% thừa nhận họ đã làm giả kết quả nghiên cứu ít nhất một lần, và 14% nói họ biết ai đó đã làm vậy. Theo một nghiên cứu, hành vi này xuất hiện còn thường xuyên hơn trong nghiên cứu y học.

Một nghiên cứu năm 2021 phát hiện rằng các bài báo có kết quả có thể tái tạo thường được trích dẫn ít hơn so với các bài báo có kết quả không thể tái tạo trong các tạp chí hàng đầu. Tác giả của nghiên cứu này cho biết một trong những lý do cho điều này là nhóm đánh giá có thể đối mặt với sự đánh đổi giữa duy trì các tiêu chuẩn khoa học nghiêm ngặt và sự hấp dẫn của bài báo. Ngoài ra, tác giả cũng cho biết một số bài báo có mục đích tạo sự hứng thú, bởi họ chịu áp lực phải nhận được kinh phí và thu hút sự chú ý từ truyền thông.

Tâm lý học: Lĩnh vực nằm ở trung tâm tranh cãi 

Tâm lý học có một vấn đề riêng khi nói đến khả năng tái tạo dữ liệu và kết quả nghiên cứu. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp (meta-analysis) năm 2018 trên 200 bài báo kết luận rằng trung bình trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học tồn tại tạp nham các nghiên cứu có độ tin cậy thống kê thấp. Vấn đề này đặc biệt nổi cộm trong mảng tâm lý học xã hội, nhưng các lĩnh vực nghiên cứu giáo dục, tâm lý lâm sàng và tâm lý phát triển cũng gặp vấn đề với khả năng tái tạo.

Một nghiên cứu được công bố trên Nature Human Behavior không thể tái tạo được 13 trong 21 bài báo về khoa học hành vi và khoa học xã hội được xuất bản trên Science và Nature, tức hai tạp chí hàng đầu. Trong một nghiên cứu khác, 186 nhà nghiên cứu từ 60 phòng thí nghiệm không thể tái tạo được 14 trong số 28 kết quả mặc dù có kích thước mẫu lớn. Một cách lý giải là sự phổ biến của các thực hành nghiên cứu đáng ngờ trong lĩnh vực tâm lý, bao gồm báo cáo chọn lọc, xuất bản một phần dữ liệu, tạo dựng câu chuyện sau khi có dữ liệu (poc-hoc storytelling) và dừng tùy ý (optional stopping).

Trong một nghiên cứu trên 2.000 nhà tâm lý, phần lớn đã thừa nhận thực hiện từng ít nhất sử dụng một kỹ thuật/thực hành nghiên cứu không đáng tin cậy. Để nhận biết giải pháp trong lĩnh vực này là một điều khó thực hiện, nhưng sự hợp tác quy mô lớn giữa các nhà nghiên cứu để làm cho dữ liệu của họ có thể được tiếp cập một cách miễn phí đang trở nên phổ biến hơn.

Y học

Các kết quả không thể tái lặp trong lĩnh vực y học có thể có hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã  phát hiện ra rằng 10-20% các nghiên cứu y học được công bố trong khoảng từ năm 1977 đến 1990 mắc sai lầm. Năm 2012, Begley và Ellis phát hiện ra rằng trong số 53 nghiên cứu ung thư tiền lâm sàng, chỉ có 11% kết quả có thể được tái lặp thành công.

Một cuộc khảo sát của Nature phát hiện ra rằng hơn 70% người tham gia không thể tái tạo kết quả của ít nhất một nghiên cứu khác. Hơn một nửa không thể sao chép ít nhất một trong những thí nghiệm của họ. John Ioannidis của Đại học Stanford đã kêu gọi sự cải cách rộng rãi, với một giải pháp là xây dựng một mô hình y tế tập trung hơn vào bệnh nhân, thay vì thực tế ưa chuộng nhu cầu của bác sĩ, nhà tài trợ và nhà nghiên cứu như hiện tại.

Tương lai

Để nghiên cứu có giá trị, kết quả và dữ liệu phải có khả năng tái tạo, và hiện nay, đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực khoa học. Không có giải pháp dễ dàng cho khủng hoảng tái tạo, nhưng những nhà nghiên cứu, tạp chí, biên tập viên học thuật và các nhóm ủng hộ có thể đóng vai trò trong việc đảm bảo rằng các tiêu chuẩn mạnh mẽ được tuân thủ trong nghiên cứu khoa học. Với sự tập trung ngày càng tăng vào cuộc khủng hoảng tái tạo, có thể có một hướng đi mà sẽ cải thiện tính hợp lệ và chất lượng của nghiên cứu một cách đáng kể.

Lược dịch từ Reginald Davey (2022). What is the Replication Crisis? News-Medical

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4.5 / 5. Số đánh giá: 2

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh