Tính đa dạng là một đặc điểm quan trọng của bất kỳ hệ sinh thái lành mạnh nào, bao gồm cả xuất bản học thuật. Sự đa dạng trong các dịch vụ và nền tảng, cơ chế tài trợ và các biện pháp đánh giá sẽ cho phép hệ thống xuất bản học thuật điều phối được sự đa dạng của quy trình công bố, ngôn ngữ, kết quả xuất bản và chủ đề nghiên cứu, từ đó, hỗ trợ nhu cầu và tính đa nguyên tri thức của các cộng đồng nghiên cứu khác nhau.
Thuật ngữ “bibliodiversity”, tạm dịch sang tiếng Việt là đa dạng thư mục, được cho là được đề ra bởi một nhóm các nhà xuất bản ở Chile vào cuối những năm 1990. Tương tự như thuật ngữ đa dạng sinh học (biodiversity), đa dạng thư mục học đề cập tới nhu cầu có phong phú xuất bản phẩm cho người đọc trong một môi trường nhất định. Trong xuất bản học thuật, phong trào đa dạng thư mục đặc biệt tập trung vào chỉ trích văn hóa độc quyền của các tạp chí thương mại tiếng Anh, hướng tới nâng cao vị thế các công bố học thuật địa phương viết bằng ngôn ngữ bản địa, trao quyền cho các nhà xuất bản và học giả ở các quốc gia khác – đặc biệt là các quốc gia phía Nam.
Đa dạng thư mục đã suy giảm đều đặn trong nhiều thập kỷ. Học giả người Ấn Độ Vanada Shiva, khi nhận xét về bối cảnh nghiên cứu sinh học và nông nghiệp, đã đưa ra một biểu thức mà có thể áp dụng với bối cảnh nghiên cứu của phần lớn các lĩnh vực khoa học khác bây giờ: một nền khoa học “độc canh tâm trí” (monoculture of the mind). Đó là một nền khoa học mà ở đó các nền tảng và định dạng xuất bản thuộc sở hữu của một số ít nhà xuất bản đa quốc gia, những nhóm quan tâm nhiều đến việc tối đa hóa lợi nhuận hơn là sức khỏe của hệ thống. Tuy nhiên, một hệ thống truyền thông học thuật đa dạng là điều cần thiết để giải quyết những thách thức phức tạp mà chúng ta phải đối mặt.
Rào cản khiến suy yếu đa dạng thư mục
Rào cản thứ nhất dẫn tới tình trạng đa dạng thư mục suy yếu là sự thống trị của tiếng Anh trong ngôn ngữ học thuật. Các học giả ở nhiều quốc gia bị áp lực phải xuất bản “quốc tế” (tức tạp chí tiếng Anh). Xuất bản bằng ngôn ngữ địa phương trên các tạp chí cấp quốc gia thường nhanh chóng bị đánh giá là kém chất lượng. Mặc dù việc công bố trên các nền tảng tiếng Anh vẫn vô cùng quan trọng bởi nó đẩy nhanh quá trình phổ biến các ý tưởng địa phương tới mọi nơi trên toàn cầu, chúng ta cần phải cẩn trọng trước những đánh giá sai lệch về hệ thống xuất bản cấp quốc gia.
Rào cản thứ hai là tình trạng tập trung của dịch vụ và cơ sở vật chất, với một số ít công ty nắm trong tay số lượng lớn các tạp chị và nhà xuất bản. Khi phần lớn tri thức vẫn chỉ nằm trong tay của số ít, xuất bản học thuật dường như bị định hướng bị thị trường nhiều hơn là bởi tri thức. Ước tính rằng 5 NXB lớn nhất nắm giữ tới 50% thị trường và trên 70% lĩnh vực.
Sự hạn chế của các chỉ số đánh giá hiệu suất nghiên cứu dựa trên trích dẫn cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì tịnh trạng kém đa dạng thư mục. Sự phụ thuộc vào các chỉ số trích dẫn khiến các tạp chí và nhà xuất bản hướng quy mô nội dung tạp chí vào một số các chủ đề nghiên cứu “xu hướng” để dễ tăng lượng trích dẫn hơn. Các nhà nghiên cứu cũng có áp lực xuất bản trên các tạp chí quốc tế, và nghiên cứu về các chủ đề “xu hướng” như vậy để có hồ sơ trích dẫn “đẹp”, thứ mà ảnh hưởng lớn tới lộ trình thăng tiến của họ.
Truy cập mở, phong trào hướng tới mở rộng khả năng truy cập tài liệu học thuật tới tất cả mọi người, vốn đi kèm những hứa hẹn về một thế giới khoa học công bằng hơn. Thực tế, giới học giả thế giới cảnh báo rằng phong trào này lại đang nới rộng một số khoảng cách khác. Sức ép của các sáng kiến tập hợp các quỹ lớn nhất như Plan S buộc các trường đại học phải ưu tiên hợp tác với các nhà xuất bản lớn – nơi dễ dàng chuyển mô hình sang xuất bản mở hơn so với các nhà xuất bản nhỏ bởi có sẵn nguồn lực lớn.
Các tạp chí mở thường yêu cầu nộp phí APC cao như một cách bù vào chi phí vận hàng, làm cản trở việc xuất bản của các học giả độc lập, đến từ các nước đang phát triển, hoặc không làm việc trong các lĩnh vực có nhiều quỹ tài trợ. Nghiên cứu của Ma, Buggle và O’Neill (2023) cho thấy gần trong các bài báo được đăng trên các tạp chí trong danh mục Directionary of Open Access Journal, chỉ hơn 1% trong số đó được đứng tên bởi các tác giả đến từ các quốc gia thu nhập thấp.
Tại sao đa dạng thư mục lại quan trọng
Duy trì đa dạng thư mục là đặc biệt quan trọng đối với các chuyên ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nghiên cứu trong các lĩnh vực này có bốn đặc điểm đòi hỏi đa dạng sinh học để giao tiếp hiệu quả:
Nó thường đa mô hình, nghĩa là cùng một chủ đề nghiên cứu có thể được nghiên cứu từ các quan điểm khác nhau và với các phương pháp khác nhau. Nó có thể được phân tích từ các nguyên tắc của một trường phái tư tưởng cụ thể và tất nhiên, nó có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về bối cảnh và văn hóa.
Nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thường đòi hỏi sự gần gũi với địa phương cao (locally relevant) vì nó phải xử lý các vấn đề liên quan đến bối cảnh địa lý, xã hội hoặc văn hóa. Theo nghĩa này, nghiên cứu được thực hiện có sứ mệnh rõ ràng là góp phần giải quyết các vấn đề, từ đó tạo ra tác động xã hội.
Nó nên được truyền đạt bằng ngôn ngữ địa phương để tiếp cận độc giả tự nhiên và đóng góp vào tác động dự kiến của nghiên cứu.
Nó thường nhắm đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, không chỉ các nhà khoa học mà cả những bên có thể hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu như các nhà hoạt động xã hội, doanh nghiệp xã hội, người làm chính sách và thậm chí là độc giả đại chúng.
Chú ý tới việc nâng cao đa dạng thư mục đồng nghĩa với việc đầu tư và quan tâm hơn tới các nhà xuất bản và tạp chí ở cấp độ quốc gia. Các nhà xuất bản ở cấp độ quốc gia, thường là quy mô nhỏ và trung bình hoặc các nhà xuất bản trực thuộc các trường đại học, chính là nơi nuôi dưỡng những ấn phẩm học thuật cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của tính đa dạng trong nghiên cứu, bảo tồn ngôn ngữ quốc gia trong giao tiếp học thuật, và thúc đẩy các tác động xã hội của tri thức mới.
Cần lưu ý rằng các lời kêu gọi duy trì đa dạng học thuật không nhằm hạ thấp các tạp chí quốc tế hay các chỉ số trích dẫn đã tồn tại từ lâu và khó để loại bỏ hoàn toàn. Nó chỉ cảnh báo về việc lạm dụng nó trong đánh giá hiệu suất nghiên cứu của cá nhân hay cơ quan nghiên cứu ở các nước đang phát triển, và ủng hộ việc phát triển thêm các quy trình đánh giá hay cấp tài trợ mà có xem xét các kết quả đa dạng ngôn ngữ và chủ đề.
Tài liệu tham khảo
Giménez Toledo, E., Kulczycki, E., Pölönen, J., & Sivertsen, G. (2019). Bibliodiversity-what it is and why it is essential to creating situated knowledge. Impact of Social Sciences Blog.
Ma, L., Buggle, J., & O’Neill, M. (2023). Open access at a crossroads: library publishing and bibliodiversity. Insights, 36, 1-8.
Shearer, K., Chan, L., Kuchma, I., & Mounier, P. (2020). Fostering Bibliodiversity in Scholarly Communications: A Call for Action!.
Đăng lại từ Tạp chí Giáo dục
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.