Trong hơn hai thập kỷ qua, danh sách Các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất (Highly Cited Researchers – HCR) đã giúp vinh danh các đóng góp khoa học có ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng đằng sau báo cáo ra mắt hàng năm này là một câu chuyện đang thay đổi, bao gồm các phương pháp luận không ngừng phát triển, sự thay đổi quyền sở hữu và tình trạng lạm dụng ngày càng tăng. Lauranne Chaignon đã theo dõi sự biến đổi của danh sách này từ một công cụ nghiên cứu thành một tiêu chuẩn mang tính rủi ro cao, đặt ra những câu hỏi về vai trò tương lai của nó trong đánh giá học thuật.
Trong suốt 20 năm, tháng 11 luôn đánh dấu một sự kiện thu hút sự chú ý đáng kể từ cộng đồng khoa học đó là việc công bố Danh sách Các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất (HCR). Danh sách này xác định các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất trong thập kỷ qua trên 22 lĩnh vực chính, ở quy mô toàn cầu, dựa trên các công bố và lượng trích dẫn của họ. Mỗi năm, danh sách này có từ 6.000 đến 7.000 nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu gần đây của Lauranne Chaignon, nhà trắc lượng thư mục học ở Đại học PSL (Pháp) đã xem xét lại sự phát triển của danh sách này. Nghiên cứu cho thấy, theo thời gian, danh sách này đã biến đổi đáng kể. Nó đã thay đổi cả về nhà sản xuất, cách thức tạo ra và cách sử dụng. Ban đầu được hình thành như một công cụ mô tả, giám sát, danh sách này dần dần trở thành đối tượng bị thao túng, và cần phải đặt ra câu hỏi về sự phù hợp của việc sử dụng nó trong các đánh giá hoặc bảng xếp hạng.
Một lược sử về Danh sách các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất
Lịch sử của danh sách HCR ban đầu gắn liền với lịch sử của Viện Thông tin Khoa học (ISI). Được Eugene Garfield thành lập vào năm 1960, viện này đứng sau việc tạo ra các chỉ số trích dẫn đầu tiên và từ đó là sự ra đời của cơ sở dữ liệu thư mục Web of Science.
Ngay từ những năm 1980, Garfield đã công bố nhiều công trình trong đó ông tìm cách xác định “1.000 nhà khoa học đương đại được trích dẫn nhiều nhất từ năm 1965 đến năm 1978”. 20 năm sau, nhóm của ông ra mắt cổng Highlycited.com, được coi là danh sách HCR đầu tiên, với mục tiêu là tiếp tục các nỗ lực của ông. Viện vẫn phụ trách việc sản xuất danh sách này, mặc dù đã được JPT Publishing mua lại vào năm 1988 và sau đó là Thomson Corporation vào năm 1992.
Năm 2008, Thomson hợp nhất với Reuters. ISI được sáp nhập vào bộ phận “Kinh doanh Sở hữu Trí tuệ & Khoa học” của Thomson Reuters. Cùng lúc đó, cổng HighlyCited.com bị đóng cửa. Dữ liệu không còn được cập nhật, và danh sách bị lưu trữ và bỏ quên cho đến khi nó xuất hiện trở lại vào cuối năm 2012, với một phương pháp luận hoàn toàn mới.
Cuối cùng, vào năm 2016, bộ phận này trở thành một phần của Clarivate Analytics, một công ty đã quyết định tái thành lập Viện Thông tin Khoa học vào năm 2018. Ngày nay, danh sách này tiếp tục được xuất bản, và phương pháp luận của nó tiếp tục phát triển.
Những thay đổi lớn về phương pháp luận
Trong suốt lịch sử của mình, danh sách HCR đã trải qua một số thay đổi về phương pháp luận. Những thay đổi này bao gồm khung thời gian của các ấn phẩm và trích dẫn liên quan, số lượng tác giả được chọn, cũng như cách tính các bài báo được trích dẫn nhiều, cách tính lượng công bố từ các nhóm nghiên cứu lớn và cách quản lý các hồ sơ liên ngành. Những thay đổi này được thực hiện phần nào sau khi tiếp nhận phản hồi từ cộng đồng khoa học.
Nhưng có hai thay đổi lớn đã làm thay đổi sâu sắc danh sách này. Khi cổng HighlyCited.com được tạo ra vào năm 2001, nó ở dưới dạng một cơ sở dữ liệu: danh sách được bổ sung dần dần và thường xuyên với các tên và lĩnh vực mới, bổ sung vào dữ liệu có sẵn mà không thay thế. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu cung cấp dữ liệu tiểu sử (nghiên cứu, vị trí đã đảm nhiệm, giải thưởng đã nhận) và dữ liệu thư mục phong phú cho mỗi nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, khi danh sách xuất hiện trở lại vào cuối năm 2012, nó đã áp dụng một cách tiếp cận khác: danh sách chỉ cung cấp tên, lĩnh vực nghiên cứu và cơ quan liên kết của các nhà nghiên cứu, và điều thú vị là giờ đây nó được xuất bản hàng năm, biến nó thành một sự kiện.
Từ năm 2021 trở đi, một phần bổ sung được gọi là đánh giá “định tính” đi kèm với phương pháp định lượng. Điều này liên quan đến việc kiểm tra kỹ lưỡng các hoạt động xuất bản của các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều được chọn trước để đảm bảo rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn quy tắc về quyền tác giả và công nhận. Bằng cách này, danh sách quan tâm đến cả năng suất của các nhà nghiên cứu, việc họ sử dụng tự trích dẫn và mạng lưới trích dẫn của họ. Phân tích nhằm mục đích xác định và loại trừ các nhà nghiên cứu có tác động bị thổi phồng hoặc tạo ra một cách giả tạo, dựa trên các hành vi được cho là hành vi sai phạm trong khoa học, chẳng hạn như việc sử dụng tự trích dẫn không cân xứng hoặc mua trích dẫn từ các “xưởng sản xuất bài báo” (papermills). Cách tiếp cận phương pháp luận mới này liên quan trực tiếp đến những thay đổi trong cách sử dụng danh sách.
Những thay đổi trong cách sử dụng
Khi danh sách được đề xuất dưới dạng cơ sở dữ liệu vào đầu những năm 2000, nó trước hết là một công cụ giám sát. Nó được trình diện như một phương tiện để xác định các hợp tác tiềm năng, tìm hiểu về công việc của các nhà khoa học xuất sắc và cập nhật những phát triển hoặc khám phá lớn trong các lĩnh vực khác nhau. Vào thời điểm đó, trang web mới ở giai đoạn đầu, và công cụ là miễn phí và dễ dàng truy cập, đại diện cho một kho thông tin mà chỉ Viện Thông tin Khoa học mới có thể cung cấp, nhờ vào chỉ mục trích dẫn của nó.
Danh sách này nhanh chóng trở thành một công cụ mang nhiều chức năng hơn là một công cụ giám sát, được sử dụng trong các phân tích thư mục khác nhau, ở cả cấp độ nhà nghiên cứu và tổ chức. Từ năm 2003, nó đã được Bảng xếp hạng Đại học Thượng Hải sử dụng như một tiêu chí tính điểm cho các trường đại học, với số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều chiếm 20% điểm số của một tổ chức. Danh sách này đã trở thành một chỉ số về sự xuất sắc trong khoa học, điều này chắc chắn đã thay đổi vai trò của nó: đối với một số cá nhân/tổ chức, việc có mặt trong danh sách trở thành một mục tiêu lớn.
Giống như nhiều công cụ khác trước đó – chẳng hạn như chỉ số tác động tạp chí ban đầu được thiết kế bởi và dành cho các thủ thư – một khi danh sách trở thành mục tiêu, một số hành vi gian lận bắt đầu, đặc biệt là để gia tăng lượng trích dẫn. Các hành vi thao túng đã quá rõ ràng và quy mô lớn đến mức, vào năm 2024, hơn 2000 nhà nghiên cứu đã bị xóa khỏi danh sách HCR vốn chỉ gồm khoảng 6600 cái tên.
Những thay đổi như vậy đã làm suy yếu chính nguyên tắc của danh sách này: bằng cách dựa vào các trích dẫn, các nhà sản xuất danh sách đã cố gắng làm nổi bật những nhà nghiên cứu đã được chính cộng đồng khoa học công nhận. Nhưng hệ thống này mất đi ý nghĩa khi các trích dẫn bị thao túng thay vì được tạo ra thông qua những đóng góp nghiên cứu có giá trị.