Nhìn bìa cuốn sách mới của TS. Phạm Hiệp, tôi mừng mừng tủi tủi mà ngẫm rằng, rốt cuộc cũng có người chịu đưa cụm từ “kiếp nạn” gắn với danh xưng “nghiên cứu sinh” ra văn đàn chính thống, được xuất bản đàng hoàng chứ không còn dừng lại ở dăm ba chuyện phiếm trên mạng xã hội ngõ hầu thu nhặt đôi ba biểu tượng cảm xúc của tha nhân.

Là một người hoạt động trong ngành giáo dục nhưng thường ưa lối đứng nép bên hông để quan sát cách hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học, vận hành thay vì ham thích việc “xông pha” trên nhiều phương tiện truyền thông như tác giả Phạm Hiệp, tôi luôn cảm thấy người học ở Việt Nam bấy lâu nay vẫn nhìn học vị tiến sĩ như kết quả của một quá trình “cứ đi ắt tới”, thay vì là một chuyến đi nhiều sóng gió, khúc quanh, hố sập – một hành trình tôi nghĩ như nó cần phải vậy, giống như Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San từng viết: “Nhân bất phong sương vị lão tài” (tạm dịch: Người không trải qua sương gió sao thành tài). Câu thơ trong bài Quá Hải Vân quan, trích từ tập Mai Nham thi thảo này được ai đó viết tặng ông ngoại tôi, một nhà nghiên cứu lịch sử, trên bức tranh chữ khổ lớn; và suốt thời ấu thơ, tôi thường nhìn bức tranh chữ cao quá đầu người cạnh bàn làm việc của ông với sự tò mò (do không hiểu chữ Hán) pha lẫn ngơ ngác (dù đã được ông ngoại giải nghĩa) và nghĩ bụng việc dễ sao không chọn, cớ gì phải học cách trưởng thành từ nỗi đau như vậy.
Chỉ đến khi bước chân ra nước ngoài du học lần đầu theo chương trình trao đổi sinh viên thời đại học, được tiếp xúc với những người anh, người chị vật lộn với luận án trong bốn mùa của thành Berlin, tôi mới hiểu rằng chuyện “sinh đẻ” mà “chẳng ra người này” (luận án tiến sĩ) cần lắm những đọa đày, mà cũng cần lắm những lối ra để cái “tôi” học thuật của mỗi người lại rạng thêm chút ít.
Cách đây không lâu, TS. Phạm Hiệp chia sẻ bức ảnh bầu trời u ám tại Đài Loan (Trung Quốc), nơi anh làm nghiên cứu sinh, để nhắc nhớ bản thân về kỷ niệm của những tháng ngày chán nản, không lối thoát, nhiều khi phải lấy rượu để vỗ giấc ngủ. Nó làm tôi nhớ đến những người chị ở Berlin năm đó một mình mang con sang chăm nhưng tối tối vẫn cặm cụi tra cứu sách vở bằng thứ tiếng họ còn chưa quá tỏ tường hay người anh lỡ để virus ăn mất ổ cứng chứa luận án mà chưa kịp có bản lưu khiến tóc trở nên bạc chỉ sau một đêm. Nó cũng làm tôi nhớ đến những tháng ngày chính mình đi vào vòng quay nghiên cứu sinh đó và chứng kiến người bạn thân cùng ghi danh vào trường bị trầm cảm đến mức bỏ luận án dù đã hoàn thành ba phần tư, hay người chị khác khoa hối hả về nước thăm con để rồi mảnh vật liệu đang thí nghiệm bị đồng nghiệp nhờ cậy quên kiểm tra, khiến cho công sức đôi năm bỗng chốc đổ sông đổ bể. Ấy là còn chưa muốn đề cập chi tiết đến những tháng ngày gần cuối hành trình làm nghiên cứu sinh của mình, tôi được người em thân thiết học cùng khoa báo về từ bên kia đại dương rằng nơi em ấy đang làm nghiên cứu sinh lại có người vừa tự kết liễu cuộc đời, vẫn tại chỗ trước kia cũng đã có người bỏ cuộc chơi theo cách tăm tối đó.
Tôi đã kể lại những điều có phần u ám ở trên trong nhiều bài giảng của mình ở các lớp mà tôi có dịp tham gia giảng dạy, không phải với ý định hù dọa, cũng chẳng kỳ vọng mình ở vai vế cảnh tỉnh ai, mà trước nhất như một sự tìm kiếm chia sẻ với những cá nhân trót đa mang hai từ “nghiên cứu”. Các trường đại học ở Việt Nam thường tự hào với những con số về số lượng nghiên cứu sinh hằng năm, số lượng công bố quốc tế, số lượng ký kết hợp tác với những “tai to mặt lớn” của học giới, xếp hạng khu vực và thế giới, thế nhưng ít khi thấy những thống kê số lượng nghiên cứu sinh bỏ dở hằng năm, số lượng công bố bị yêu cầu thu hồi, hay những tai nạn không mong muốn đến từ cuộc sống học thuật. Là một người học và làm về truyền thông, tôi hoàn toàn hiểu rằng chẳng hay ho gì khi phải đề cập những số liệu như vậy. Và những gì truyền thông không đưa tin thì quảng đại quần chúng lại thường ru lòng rằng nó không tồn tại. Trong khi, tôi biết chắc rằng, nhiều nghiên cứu sinh dù ở trong nước hay sang “bển”, đều từng trải qua tâm thế bấp bênh. Có lẽ, đó là lý do cuốn sách mỏng này vào cuộc.
Đã quen cầm và đọc sách dày, cuốn sách của TS. Phạm Hiệp, có phần giống sách Hạt giống tâm hồn, cho tôi ấn tượng về sự hợp thời – thời của hấp thụ thông tin ngắn gọn, ăn liền. Tôi đọc được ở trong 163 trang sách sự chân thành của tác giả, một người chuyển từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội, sự mãn nguyện của một người học trường tìm đỏ mắt không thấy rank đâu (TS. Phạm Hiệp tốt nghiệp từ một trường không có thứ hạng cao) nhưng đã tiếp sức cho nhiều người đi sau tự tin sải bước vào những thánh đường học thuật. Tôi đọc được trong các lời khuyên, chiến lược, hướng dẫn, đôi khi cả là chiến thuật, những trải nghiệm của “người trong cuộc mới biết người trong kẹt”, và đôi khi một vài lối tư duy khoáng đạt mới khiến sự “kẹt cứng” đó có thể giãn ra vừa đủ lách một thân người. Có nhiều điểm tôi đồng tình, ví dụ bài Làm sao không có bài báo khoa học vẫn xin được học bổng? hoặc Tâm thế của nghiên cứu sinh: hãy xem như người mắc bệnh nan y đi gặp tiến sĩ. Và cũng có đôi ba điểm tôi nghĩ có lẽ nghiên cứu sinh cần tự mình trải qua “nỗi đau”, tự dò tìm đường thì mới thấy hết sự gượng dậy trân quý biết bao. Không có “Google Map”, cứ vít ga mà đi thì có thể sai đường, lạc đường, nhưng cũng có thể biết đâu nhờ vậy lại thấy đời chưa chắc đã cần đi học nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, xét đa số những người theo đuổi con đường học thuật bậc cao đều cần đi theo một lộ trình mong muốn, thì việc bỏ ra vài tiếng để đọc cuốn sách của TS Phạm Hiệp, để tự thấy mình trong chưa đến 200 trang sách, là điều lợi lạc.
Trong Tây Du Ký, để trở thành Chiên Đàn Công Đức Phật, Kim Thiền Tử không đơn giản là thác xuống thành Đường Tam Tạng rồi chờ lúc trời ráo “book một chuyến Grab” tới thẳng Lôi Âm Tự để được nhận phong. Con người sớm mồ côi cha đó phải xuất gia từ sớm, sau nữa phải bôn ba 14 năm trên Yêu Quái Đại Đạo, có ngày ngồi trên long mã, có ngày nằm trong lu nước chờ tắm rửa để yêu quái xem làm món gì, có ngày vào động Bàn Tơ xin cơm chay không thành, cũng có ngày phải lo mắng nhiếc đồ đệ hở ra là giết người. Ấy thế mà trong suốt năm tập Tây Du Ký (bản in năm 1988 của NXB Văn học ấy), tôi đã thấy thế là nhàn lắm rồi, còn chưa phải suốt ngày chạy rông như Đấu Chiến Thắng Phật, Tịnh Đàn Sứ Giả, Kim Thân La Hán hay Bát Bộ Thiên Long – danh hiệu của Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Mã sau khi đã vượt qua 81 kiếp nạn.
Tôi không mong người đọc cuốn sách này sẽ nhàn, tôi chỉ mong họ định tâm khi gấp sách lại. Và đăng ký làm nghiên cứu sinh.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.