
Dự án 2025 là một bản kế hoạch dài hơn 900 trang được phát hành vào tháng 4, 2023 bởi Quỹ Heritage, một tổ chức nghiên cứu cánh hữu có trụ sở tại Washington DC. Đây là một hướng dẫn chính sách đầy tham vọng cho những ai muốn chứng kiến một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump. Dự án này vạch ra các chiến lược nhằm hạn chế các sáng kiến đa dạng, bình đẳng, và hoà nhập (DEI); cắt nguồn tài trợ cho nghiên cứu về khí hậu và tái cấu trúc các cơ quan chính phủ liên bang. Tuy nhiên, sau khi dự án được đề xuất, Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử năm 2024 rằng ông không hề biết về sự tồn tại của nó.
Dù phủ nhận mối liên hệ với Dự án 2025, nhưng thực tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump lại thực hiện nhiều chính sách được đề xuất trong dự án này. Hành động của Trump không chỉ phản ánh những chiến lược đã được vạch ra mà còn có phần quyết liệt hơn nhiều so với những gì Dự án 2025 yêu cầu.
Sự tương đồng giữa chính sách của Trump và Dự án 2025
Tờ Wall Street Journal đã chỉ ra rằng Tổng thống Donald Trump cùng với chính quyền của ông đã bám sát theo 922 trang của kế hoạch của Dự án 2025. Điều này thể hiện thông qua việc ban hành các sắc lệnh hành pháp nhằm cắt giảm tài trợ cho các sáng kiến khí hậu và nhắm tới các chương trình thúc đẩy đa dạng. Một số đề xuất đã được triển khai có thể kể đến như:
Hạn chế các chương trình thúc đẩy đa dạng
Vào ngày 20 tháng 1, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt “các chương trình DEI”. Ngay sau đó, các cơ quan như Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) – một trong những nhà tài trợ chính cho khoa học cơ bản – đã phải tạm dừng và rà soát các khoản tài trợ để đảm bảo không vi phạm lệnh của Tổng thống. Viện Y tế Quốc gia Mỹ – nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho nghiên cứu y sinh – cũng đã phải chấm dứt các khoản viện trợ liên quan đến đa dạng. Các văn phòng DEI tại nhiều cơ quan cũng đã bị đóng cửa.
Cắt giảm tài trợ cho khoa học khí hậu và năng lượng xanh
Cũng giống như nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng đã khởi động quá trình rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Đây là một thỏa thuận được các quốc gia ký kết nhằm cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, ông cũng đã ký một lệnh hành pháp khác nhắm vào các quy định về năng lượng. Tiếp nối các động thái này, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cũng đã đưa ra kế hoạch bãi bỏ hàng chục quy định về nguyên liệu hóa thạch, một bước đi được cho là sẽ giúp chống lại ô nhiễm.
Cắt giảm tài trợ cho các trường đại học
Ngày 7 tháng 2, Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã thông báo cắt giảm 15% chi phí gián tiếp cho các trường đại học liên quan đến điện và thiết bị bảo trì. Quyết định này được đưa ra theo yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump, song lại không có sự chấp thuận của Quốc hội. Mục đích của việc cắt giảm này là nhằm giúp tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ trong ngân sách trao cho các trường đại học. Tuy nhiên, một thẩm phán liên bang đã cho tạm dừng chính sách này.
Giảm quy mô chính phủ
Các biện pháp cắt giảm nhân sự đã và đang được tiến hành ở nhiều cơ quan. Tại Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách Mỹ (OMB), giám đốc và là một trong những tác giả của Dự án 2025, Russell Vought, đã ra lệnh giảm biên chế hàng loạt. NASA cũng đã đóng cửa văn phòng, bao gồm cả văn phòng của Giám đốc nghiên cứu, và sa thải hơn 20 nhân viên. Các cơ quan khác đang trong quá trình chuẩn bị kế hoạch: ví dụ, các báo cáo cho thấy Viện Y tế Quốc gia Mỹ có thể sẽ cắt giảm 1,200 nhân viên – tức là khoảng 6% số nhân viên hiện tại.
Các chính sách có thể được triển khai trong tương lai
Dự án 2025 bao gồm hàng trăm khuyến nghị chính sách hiện vẫn chưa được triển khai. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump có thể sẽ thực hiện những khuyến nghị này. Dưới đây là một số chính sách đáng chú ý:
Nghiên cứu mô phôi thai
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền của ông Donald Trump đã ban hành lệnh cấm sử dụng mô thai trong nghiên cứu. Tuy nhiên, lệnh này sau đó đã bị chính quyền của Tổng thống Jo Biden dỡ bỏ. Mô phôi thai được các nhà nghiên cứu sử dụng với nhiều mục đích, từ thử nghiệm vắc-xin đến phát hiện bệnh. Tuy nhiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai cho đến nay, ông Trump vẫn chưa ban hành thêm sắc lệnh nào liên quan đến vấn đề này.
An ninh quốc gia và nhập cư
Vào năm 2017, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã ban bố một số chương trình chống nhập cư, chẳng hạn như lệnh “Cấm Hồi giáo”. Lệnh này đã ngăn chặn công dân, bao gồm cả sinh viên, đến từ bảy quốc gia Hồi giáo được nhập cảnh vào Mỹ. Cũng trong thời gian này, chính quyền Trump cũng đã triển khai Sáng kiến Trung Quốc với mục đích bảo vệ nước Mỹ khỏi các hoạt động gián điệp khoa học. Hậu quả của sáng kiến này chính là việc bắt giữ hàng loạt các nhà khoa học gốc Hoa. Những chính sách này, bao gồm cả Sáng kiến Trung Quốc sau đó đã bị chính quyền Tổng thống Joe Biden bãi bỏ trong bối cảnh làn sóng phản đối phân biệt chủng tộc dâng cao.
Kể từ khi đắc cử Tổng thống lần thứ hai cho đến nay, ông Trump đã ký một số lệnh hành pháp. Đáng chú ý, trong đó có bao gồm một lệnh yêu cầu “kiểm tra kỹ lưỡng” đối với thị thực, nhưng ông vẫn chưa trực tiếp đi theo những khuyến nghị của dự án. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã bày tỏ mong muốn tái khởi động Sáng kiến Trung Quốc. Thậm chí một nghị sĩ đã đề xuất dự luật cấm sinh viên Trung Quốc đến Mỹ.
Một số những tác động của Dự án 2025
Dự án 2025 không chỉ có những tác động đối với những lĩnh vực được đề cập mà những tác động này còn được mở rộng trên phạm vi lớn hơn. Hàng loạt chính sách như cắt giảm tài trợ cho khoa học khí hậu, nghiên cứu y sinh, và chi phí gián tiếp cho các trường đại học đang khiến các tổ chức nghiên cứu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình nghiên cứu và đào tạo khoa học cơ bản ở Mỹ. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) hoặc những nghiên cứu về môi trường và năng lượng xanh không chỉ tác động đến nội bộ các tổ chức khoa học mà còn khiến nhiều nhóm nhà khoa học mất đi cơ hội phát triển và hỗ trợ.
Chính sách “kiểm tra thị thực kỹ lưỡng” và khả năng khởi động lại Sáng kiến Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về phân biệt đối xử và giới hạn hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Điều này cũng khiến cho các nhà khoa học và sinh viên quốc tế nếu muốn đến Mỹ làm việc và học tập có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản và bất ổn hơn.
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.