Ghi lại đời sống xã hội của một người bằng cách kết hợp phương pháp lấy mẫu kinh nghiệm và đánh giá mạng lưới xã hội cá nhân 

Nhóm tác giả Marie Stadel, Laura F. Bringmann, Gert Stulp, Timon Elmer, Stijn Verdonck, Merijn Mestdagh và Marijtje A. J. van Duijn đã có nghiên cứu về đề tài Capturing the Social Life of a Person by Integrating Experience-Sampling Methodology and Personal-Social-Network Assessments. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advances in Methods and Practices in Psychological Science. Đây là tạp chí được SSCI chỉ mục và thuộc nhóm tạp chí Q1 Scopus.

Ảnh: Oprah Winfrey Network via Behance | CC BY-NC 4.0

Bối cảnh xã hội, bao gồm mọi khía cạnh trong tương tác và mối quan hệ giữa các cá nhân, có tác động đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống con người và là một yếu tố quan trọng cần nắm bắt khi muốn hiểu một loạt các kết quả tâm lý của một người. Bối cảnh xã hội nhất thời của một người bao gồm hai cấp độ kết nối thay đổi theo thời gian khác nhau: tương tác xã hội tức thời (trao đổi bằng lời giữa hai hoặc nhiều người trong cuộc sống hàng ngày) và các mối quan hệ xã hội ổn định hơn nhưng vẫn thay đổi (các kết nối tồn tại giữa những người có tương tác định kỳ được những người tham gia coi là có ý nghĩa cá nhân). 

Ở cấp độ tương tác xã hội, phương pháp lấy mẫu kinh nghiệm (experience-sampling methodology – ESM) có thể giúp người tham gia báo cáo về tần suất, chất lượng, đối tượng tương tác cũng như tâm trạng của họ trong khoảng thời gian ngắn, có thể là nhiều lần một ngày. Trong khi đó, việc đánh giá mạng lưới xã hội cá nhân (personal-social-network – PSN) cung cấp dữ liệu về các mối quan hệ xã hội của một người – cấp độ kết nối thứ hai – bằng cách yêu cầu người tham gia lập bản đồ và trả lời câu hỏi về những người trong môi trường xã hội của họ. Các mạng lưới như vậy có thể được đánh giá nhiều lần trong khoảng thời gian vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Như vậy, việc tích hợp hai phương pháp ESM và PSN cho phép nghiên cứu các cấp độ khác nhau của bối cảnh xã hội, chẳng hạn như cách các tương tác xã hội hàng ngày góp phần vào việc hình thành hoặc thay đổi các mối quan hệ, hay cách các tương tác, mối quan hệ và cấu trúc mạng lưới xã hội liên quan đến các đặc điểm cá nhân.

Từ quan điểm này, nhóm tác giả đã phát triển một phần mềm nhằm thu thập dữ liệu ESM và PSN bằng cách kết hợp ứng dụng lấy mẫu trải nghiệm (experience-sampling) m-Path và giao diện đồ họa khảo sát mạng lưới với cái tôi ở trung tâm (Graphical Ego-Centered Network Survey Interface – GENSI). Để kiểm tra tính khả thi của việc kết hợp ESM và PSN, các tác giả đã thiết kế một nghiên cứu với sự tham gia của 23 sinh viên từ một trường đại học tại Hà Lan, sử dụng điện thoại khả dụng với phần mềm của nhóm nghiên cứu và chia họ thành hai nhóm với quy trình khác nhau: một nhóm bắt đầu bằng đánh giá PSN (PSN→ESM→PSN) và nhóm còn lại bắt đầu bằng giai đoạn ESM (ESM→PSN). Yếu tố về tính linh hoạt trong quá trình đánh giá được các tác giả xem xét, với hai kiểu đánh giá là phụ thuộc vào tín hiệu nhắc nhở (signal-contingent) và phụ thuộc vào sự kiện (event-contingent). Sau khi đánh giá PSN trực tuyến, người tham gia thực hiện đánh giá PSN thông qua một cuộc phỏng vấn trực tiếp 1-1 nhằm kiểm tra chất lượng dữ liệu, làm rõ những điểm khác biệt giữa mạng lưới trực tuyến và mạng lưới phỏng vấn. Bên cạnh kết quả về ESM và PSN, nhóm nghiên cứu cũng tóm tắt các phản hồi về trải nghiệm của người tham gia nghiên cứu. 

Kết quả cho thấy, với bộ dữ liệu ESM, mức độ tuân thủ theo lịch trình đánh giá nhìn chung là cao, trung bình một người tham gia báo cáo 75 tương tác xã hội. Khi phân chia tương tác theo chế độ báo cáo, với nhóm PSN→ESM→PSN báo cáo thường xuyên hơn thông qua nhắc nhở phụ thuộc tín hiệu, trong khi nhóm ESM→PSN báo cáo phụ thuộc sự kiện. Nhóm PSN→ESM→PSN cũng cho thấy nhiều đối tác tương tác độc đáo hơn. Với dữ liệu PSN, nhóm PSN→ESM→PSN báo cáo số lượng trung bình các thành viên trong mạng lưới xã hội nhiều hơn nhóm còn lại. Mặt khác, khi so sánh với dữ liệu PSN thu được qua phỏng vấn, mạng lưới post-PSN (PSN được đánh giá trực tuyến sau bước ESM) có số lượng thành viên nhiều hơn, nguyên nhân rõ ràng nhất có thể đến từ việc hầu hết những các tên mở rộng post-PSN được bổ sung dựa trên các tương tác xã hội ở bước ESM. Điều này cho thấy hoạt động đánh giá post-PSN giúp người tham gia mở rộng phạm vi, nắm bắt nhiều mối quan hệ xã hội xa hơn trong các tương tác xã hội. Về trải nghiệm của người tham gia, nhìn chung, họ coi việc hoàn thành ESM và PSN là tích cực, giúp họ hiểu sâu hơn về cuộc sống xã hội của mình và thích thú với việc báo cáo; tuy nhiên, các đánh giá ESM phần nào cản trở cuộc sống hàng ngày của những người tham gia, chủ yếu ở nhóm PSN→ESM→PSN.

Bên cạnh việc ủng hộ tích hợp ESM và PSN để nghiên cứu các cấp độ khác nhau trong bối cảnh xã hội hàng ngày của cá nhân, nhóm tác giả cũng chỉ ra nhiều ứng dụng khác nhau của việc kết hợp ESM và PSN trong nghiên cứu và thực hành, ví dụ như là một công cụ lâm sàng hỗ trợ đánh giá, điều trị cá nhân hóa hiệu quả. Với phần mềm được trình bày và các cân nhắc về thiết kế, công trình được hy vọng sẽ khuyến khích các nghiên cứu trong tương lai khám phá và phát triển phương pháp luận này.

Chi tiết nghiên cứu:

Stadel, M., Bringmann, L. F., Stulp, G., Elmer, T., Verdonck, S., Mestdagh, M., & van Duijn, M. A. J. (2024). Capturing the social life of a person by integrating experience-sampling methodology and personal-social-network assessments. Advances in Methods and Practices in Psychological Science, 7(2).

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh