Một nghiên cứu học thuật nên có mục tiêu đóng góp vào diễn ngôn khoa học. Chú ý tới việc bài báo của bạn được trích dẫn là để hiểu về việc ai đang xây dựng diễn ngôn học thuật dựa trên công trình của bạn. Bên cạnh đó, việc gia tăng trích dẫn cũng giúp bạn chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ xin việc, thăng chức, xin tài trợ.
Làm sao để gia tăng cơ hội được trích dẫn
Bạn có thể cải thiện cơ hội được trích dẫn bằng việc chú ý tới 3 chữ C sau: năng lực/chất lượng (competence), hợp tác (collaboration), và truyền thông (communication).
Đầu tiên, tầm ảnh hưởng của một công trình cần được bắt đầu bởi chất lượng – competence. Tiếp theo, hợp tác – collaboration thường dẫn tới số lượng trích dẫn nhiều hơn, điều này do việc một bài báo có nhiều tác giả sẽ nhận được sự chú ý từ các mạng lưới quan hệ của các tác giả đó.
Nhưng quan trọng nhất là: truyền thông – communicate
Cuối cùng, truyền thông – communicate – là khía cạnh quan trọng nhất giúp nghiên cứu của bạn được chú ý tới và trích dẫn. Dưới đây là một số cách thức để tăng độ nhận diện cho bài báo của bạn:
– Thiết lập một trang web cá nhân. Việc có một trang web riêng giúp bạn có thể đăng tải tất cả các bài preprint và có một nơi liệt kê danh sách các công bố khoa học của bạn. Việc có độ nhận diện trực tuyến cao sẽ giúp nghiên cứu của bạn dễ dàng được tìm thấy hơn nếu như có ai đó tìm kiếm các từ khóa liên quan trên Google.
– Nếu như việc thiết lập một trang web riêng nghe có phần vất vả, một phương án khác giúp gia tăng mức độ hiện diện trực tuyến là khiến cho các nghiên cứu của bạn được liệt kê trong các kho lưu trữ trực tuyến có sẵn. Một số kho lưu trữ trực tuyến phổ biến alf SSRN, arXiv, Academia.edu, ResearchGate. Bạn không cần phải sử dụng tất cả các trang web này, tuy vậy với những trang web bạn lựa chọn sử dụng, hãy nhớ luôn cập nhật thường xuyên. Đừng khiến mọi người nghĩ rằng bạn đã không có hoạt động khoa học nào gần đây chỉ bởi vì bạn không cập nhật các hồ sơ đó.
– Có một hồ sơ Google Scholar Citation. Việc này đặc biệt cần thiết nếu như bạn có một cái tên phổ biến. Có một hồ sơ Google Scholar riêng giúp cho mọi người có thể dễ dàng tìm được danh sách các bài công bố của bạn mà không bị lẫn với những nhà khoa học có tên tương đồng- Tham dự các buổi hội thảo, trình bày các nghiên cứu của bạn và trao đổi với các nhà khoa học khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ tổ chức, việc này giúp bạn có thể cơ hội giới thiệu về bản thân và gây ấn tượng với những nhà nghiên cứu thâm niên hơn.
– Tích cực hoạt động trên các trang mạng xã hội. Twitter là một gợi ý phổ biến đối với các nhà nghiên cứu. Sử dụng các trang mạng xã hội cũng có thể giúp bạn gia tăng mạng lưới hợp tác trực tuyến, một gợi ý hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh đang cản trở các cơ hội gặp gỡ trực tiếp như các hội thảo.
– Thử viết blog về các nghiên cứu của bạn. Trình bày lại các ý tưởng nghiên cứu dưới dạng thức dễ tiếp cận hơn cho nhóm khán giả đại chúng là một công việc rất thú vị. Việc này chắc chắn sẽ khiến nhiều người có thể hiểu về nghiên cứu của bạn hơn so với việc chỉ chia sẻ bài báo khoa học tràn ngập ngôn ngữ học thuật khó hiểu.
– Cuối cùng, hãy sử dụng cách thức truyền thông “lạc hậu” nhất: gửi email. Đừng ngại chia sẻ các nghiên cứu của bạn qua email cho các đồng nghiệp. Thông thường, các nhà khoa học khác sẽ rất coi trọng việc này, bởi họ cũng vốn không thể nào liên tục cập nhật các nghiên cứu mới của các đồng nghiệp. Lưu ý rằng đừng vô tình spam hòm thư email của họ.
Lược dịch từ Harzing
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.