Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững – Khái niệm và cách tiếp cận

Bất kể chúng ta đang phải đối mặt với loại vấn đề nào, quá trình giải quyết nó đều cần đến việc “học”: thông qua thử và sai lặp đi lặp lại, tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới, và xây dựng kiến thức mới để giải quyết vấn đề. Chính vì thế, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), được tất cả các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, đã bao gồm một mục tiêu cụ thể về Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững (SDG 4.7). Mục tiêu này kêu gọi đảm bảo rằng mọi người đều có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững trên nhiều cấp độ.

Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững (ESD – Education for Sustainable Development) là một quá trình học tập suốt đời, trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi để có được kiến thức, kỹ năng, và thái độ cần thiết để nhận thức, giải thích, và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và vấn đề bất bình đẳng, phân biệt đối xử.

Nói cách khác, ESD là một nền giáo dục nuôi dưỡng những người tạo ra một xã hội bền vững.

Có nhiều cách khác nhau để thực hiện ESD. Một số cách tiếp cận phổ biến bao gồm:

– Lồng ghép ESD vào chương trình giảng dạy của tất cả các cấp giáo dục, từ mầm non đến giáo dục đại học.

– Đào tạo về ESD cho giáo viên và các nhà giáo dục khác.

– Tạo tài liệu và tài nguyên học tập ESD.

– Hỗ trợ các sáng kiến ESD trong môi trường học tập không chính quy và không chính quy.

Các phương pháp này nhằm đảm bảo triết lý “học tập suốt đời” được nêu lên trong định nghĩa của ESD, khi chương trình ở mọi cấp học đều được lồng ghép các nội dung phát triển bền vững, và có thể được học ở các khóa học trong và ngoài chính quy.

Ảnh: Adobe / Education Exchange via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Tuy nhiên, việc triển khai ESD cũng gặp không ít những khó khăn khi thiếu các nguồn lực đào tạo đội ngũ giáo viên có thể triển khai ESD. Cách tiếp cận của ESD đòi hỏi nhiều phương pháp sáng tạo, nhấn mạnh thực hành và sự chủ động của người học. Vì thế, phương pháp giáo dục truyền thống đã trở thành lực cản để lồng ghép ESD một cách có ý nghĩa vào chương trình học. Bên cạnh đó, các vấn đề toàn cầu cũng như phát triển bền vững bản thân nó cũng có những mặt phức tạp, gây khó khăn cho người học trong việc học tập và ứng dụng kiến thức phát triển bền vững, gây ra những hậu quả khó lường nếu kiến thức được truyền tải không chính xác.

Tuy vậy, một điều quan trọng khác cần nhớ rằng: mọi người đều có thể là một nhà lãnh đạo trong việc tạo ra một xã hội bền vững. Khi nhiều người nghe từ “giáo dục” trong Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững”, họ nghĩ đến các trường học, giáo viên, học sinh, lớp học và chương trình giảng dạy, giáo trình cụ thể. Tuy nhiên, như đã đề cập, ESD không phải một chương trình giáo dục, mà là một phong trào, một nền giáo dục năng động để phát triển bền vững. Về bản chất, ESD nhấn mạnh sự kết nối giữa các hình thức học tập trong cuộc sống hàng ngày và tập trung vào sự thay đổi hành động của mỗi người đối với mục tiêu phát triển bền vững.

ESD thực sự có ý nghĩa khi mọi người từ mọi công việc, thế hệ, nền văn hóa khác nhau tìm cách áp dụng tư duy phát triển bền vững vào công việc và cuộc sống hàng ngày, chia sẻ kiến thức về các vấn đề toàn cầu với đồng nghiệp, bạn bè và cộng đồng của mình, và cuối cùng là thực hiện những hành động từng chút một. Qua đó, mỗi cá nhân đều có thể là một nhà lãnh đạo trong việc tạo ra một xã hội bền vững.

Đăng lại từ Tạp chí giáo dục

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh