Hướng dẫn dùng Wikipedia như một công cụ giao tiếp nghiên cứu

Instagram, Tik Tok, Twitter: ngày nay, những nhà nghiên cứu có thể chọn một trong số những nền tảng số đa dạng trên mạng để có thể chia sẻ kết của quả nghiên cứu của mình với những độc giả bên ngoài cộng đồng học thuật. Một số biến mất nhanh như cách nó xuất hiện, và một số thu hút được những độc giả đang tìm kiếm những thông tin khoa học. Bài viết này là một lời kêu gọi các nhà nghiên cứu hãy cân nhắc đến một trong những nền tảng kỹ thuật số quan trọng nhất và cũng là nền tảng thường bị quên lãng nhất khi nhắc đến giao tiếp khoa học (science communication): Wikipedia. 

Ảnh: Michael George Haddad via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

Khi xếp hạng các website được truy cập nhiều nhất, Wikipedia luôn ở vị trí số 1 trong nhiều năm, nó đã trở thành bách khoa toàn thư phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, khi xem xét các phương pháp đưa giao tiếp khoa học lên nền tảng số, rất nhiều học giả coi Wikipedia là một trang web hồ sơ đơn thuần như bao trang mạng khác và đề cao trang web riêng của viện/đại học của mình hơn hẳn. Họ đang bỏ qua một điểm quan trọng: lợi ích to lớn nhưng đang bị đánh giá thấp của Wikipedia chính là Wikipedia cho phép các nhà nghiên cứu có thể phổ biến kết quả nghiên cứu và giao tiếp chuyên môn ngay chính nơi mà mọi người đều nghĩ đến khi tìm kiếm gì đó: trong những bài báo Wikipedia. Bằng cách này, Wikipedia cung cấp một trong những cách trực tiếp và hiệu quả nhất để chia sẻ kiến thức và để thúc đẩy phổ biến kết quả nghiên cứu nhằm gây tác động đến xã hội. Tham gia vào một cộng đồng tác giả sôi động trên Wikipedia không chỉ gây tác động một chiều mà còn ngược lại mở rộng tầm nhìn và truyền cảm hứng cho các nghiên cứu tương lai của các nhà nghiên cứu.

Cộng đồng Wikipedia, qua thời gian, đã phát triển một hệ thống hướng dẫn để bảo vệ bách khoa thư này khỏi những kẻ phá hoại và tự quảng cáo. Trong bài này chúng tôi sẽ đề xuất cho các học giả một số hướng dẫn để có thể bắt đầu edit (chỉnh sửa). Trong hướng dẫn từng bước sau đây, chúng tôi tóm tắt kinh nghiệm của mình đồng thời xây dựng một trang trợ giúp của Wikipedia dành riêng cho các nhà nghiên cứu.

Tạo một tài khoản: không bắt buộc nhưng nên có

Dù cho không cần phải có một tài khoản để edit, nhưng có một tài khoản sẽ cung cấp nhiều công cụ giúp việc chỉnh sửa, viết bài trở nên dễ dàng hơn, riêng tư hơn và tiện lợi hơn. Hơn thế, bạn còn có thể nhận được những thông báo khi có ai đó đang đóng góp vào bài viết của mình thông qua một bảng theo dõi cá nhân. 

Tuy nhiên chúng ta lại gặp một câu hỏi quan trọng tiếp theo: ta có nên đóng góp bằng tên thật hay dưới một bút danh? Một số cho rằng việc sử dụng tên thật sẽ tốt hơn vì thông tin ta viết sẽ được đảm bảo bằng tên tuổi và chuyên môn của chính chúng ta. Điều này lại gặp phải một trong những tranh cãi vẫn đang tiếp diễn về vai trò của giới chuyên môn và các editor chuyên nghiệp trên Wikipedia: Có nên có editor chuyên nghiệp trên Wikipedia? Và bằng cách nào để định nghĩa và xác minh các chuyên gia này? Wikipedia từ trước đến giờ là một dự án chống chủ nghĩa tinh hoa theo nhiều nguyên tắc của nó (bao gồm cả kinh phí), chức danh Tiến sĩ, mà nhiều Wikipedians sở hữu, không đủ để khiến họ được coi là một biên tập viên đáng tin cậy (hơn ai khác). Thay vào đó, yếu tố quyết định độ chính xác của bài báo là việc tác giả đưa ra thông tin một cách xây dựng và đồng thời đảm bảo nguồn tài liệu chính xác và thích hợp hay không.

Chọn một bài báo để đóng góp

Bước tiếp theo để chỉnh sửa chính là chọn một phiên bản ngôn ngữ của Wikipedia. Thay vì tạo một bài báo mới toanh hay cố gắng tham gia vào một bài báo khái quát toàn diện, đóng góp vào một mục mở rộng trong bài báo sẽ khiến đóng góp của bạn dễ dàng truy cập hơn và có ích hơn cho cộng đồng.

Có rất nhiều lý do để bạn thực hiện chỉnh sửa bằng một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, chúng tôi khuyên bạn hãy bắt đầu bằng ngôn ngữ mà bạn thoải mái. Hơn nữa, khi bạn mắc kẹt trong việc suy nghĩ xem mình sẽ thêm điều gì, hãy dịch từ các bài báo tương tự trong tiếng Anh, vốn cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các editor trên Wikipedia.

Tham gia vào một bài báo: kiểm tra khu vực “hậu trường”

Sau khi đọc qua bài viết Wikipedia, chúng ta sẽ có được một số ý tưởng để chỉnh sửa bài báo ấy. Tuy nhiên trước khi bắt đầu, chúng ta cần phải lướt qua những trang thảo luận có liên quan đến bài báo ấy trên Wikipedia. Những trang thảo luận này như là bộ xương sống cho mọi bài báo trên bách khoa thư online này. Có rất nhiều thông tin được đưa ra và được thảo luận bởi các Wikipedian, trang thảo luận này là nơi mọi thứ được tranh luận và đi đến thống nhất. Từ đây, sự đồng thuận được phản ánh trong trang bài viết. 

Việc quét qua các cuộc tranh luận cho phép chúng ta tránh bắt đầu một cuộc thảo luận vốn đang diễn ra và được gợi ý về các chỉnh sửa tiềm năng. Không chỉ thế, nó có thể mở rộng chân trời và kiến ​​thức của chúng ta về chủ đề này bằng cách nhìn ra các lập luận bất ngờ từ các quan điểm khác nhau. Do đó, ai dám nói rằng những trang thảo luận đó có thể không phải là mảnh đất màu mỡ và nguồn cảm hứng cho các dự án nghiên cứu trong tương lai của bạn?

Bắt đầu viết: một số quy tắc cơ bản

Về mặt kỹ thuật, nền tảng này cho phép chúng ta làm việc với các bài báo khá dễ dàng. Nhưng thật sự những thông tin cần phải được trình bày như thế nào để phù hợp với phong cách Wikipedia? Trong trường hợp tệ nhất, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bài báo bị ảnh hưởng bởi những editor thiếu kinh nghiệm?

Tin tốt là sẽ có một hệ thống bình duyệt nhằm ngăn việc người mới làm tổn hại đến bài viết. Trước khi bất kỳ chỉnh sửa nào được tạo ra bởi các Wikipedian được “xuất bản” (công khai trước công chúng), các editor nhiều kinh nghiệm sẽ xem xét các sửa đổi đó trước trong nội bộ. Hơn nữa, chức năng “xem lịch sử chỉnh sửa” cho phép tác giả và editor dò lại bất kỳ sự thay đổi nào của bài báo. Điều này có nghĩa là bất cứ thứ gì đều có thể rút lại.

Thật không may, không có câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi đầu tiên của chúng ta: làm thế nào để chỉnh sửa bài viết trên Wikipedia. Bạn có thể cực kỳ quen thuộc với phong cách và cấu trúc với các bài Wikipedia vì bạn đã từng đọc rất nhiều. Hơn nữa, bạn sẽ nhận ra rằng chúng rất giống với cách viết học thuật trong việc giữ một giọng văn trung lập và ngắn gọn. Sự khác biệt nằm ở việc viết bài trên Wikipedia ưu tiên khả năng truy cập và “tiêu hóa” của mọi người hơn là đưa ra những khái niệm khoa học chuẩn xác và các tranh luận.

Tuy nhiên, ta nên hiểu rõ hơn cấu trúc bài viết Wikipedia bằng cách đọc qua các quy tắc, hướng dẫn cơ bản nhất về edit trong Wikipedia, đặc biệt là trang trợ giúp của Wikipedia về chỉnh sửa dành cho các nhà nghiên cứu. Ơ mức độ thấp hơn, ta cũng cần đọc qua Hướng dẫn về Văn phong và hướng dẫn trích dẫn. Dựa trên những nguồn đó, chúng tôi đã chuẩn bị một danh sách ngắn các quy tắc hữu ích nhất cho các bạn:

  • Thông tin đưa ra phải là thông tin có thể kiểm chứng được. Điều này có nghĩa là phải có đầy đủ các trích dẫn từ các nguồn đáng tin cậy. Không giống như trong nhiều nghiên cứu học thuật, theo nguyên tắc chung của Wikipedia, mọi thứ (hoặc ít nhất là mọi đoạn văn) nên được củng cố bằng một nguồn nào đó. May mắn thay, Wikipedia không quá khắt khe về định dạng trích dẫn như tạp chí khoa học. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần chèn DOI và thậm chí còn có chức năng kéo và thả cho các nguồn từ Zotero. Hơn nữa, “thông tin có thể kiểm chứng” còn ngụ ý rằng các “đồng nghiệp” của ta (với hiểu biết khoa học nhất định) sẽ có thể đánh giá liệu thông tin ta thêm vào có phù hợp với các nguồn ta trích dẫn hay không. 
  • Thông tin đưa ra phải đáng chú ý hoặc đủ quan trọng. Tiêu chí này có thể được chứng minh bằng cách cho thấy thông tin ta thêm vào xuất hiện trong nhiều công bố độc lập.
  • Các bài viết phải “dễ nuốt” nhất có thể mà không trở nên thiếu chính xác.  Nguyên tắc này rất dễ tuân thủ nếu ta đã quen với cấu trúc của các bài viết trong Wikipedia: các bài báo bắt đầu khá đơn giản và tổng quát, các phần có nhiều khái niệm phức tạp hơn sẽ nằm trong các phần nâng cao của bài viết.
  • Đừng chỉ “quảng cáo” bản thân mình quá mức. Các trích dẫn của bản thân nên đi chung với các nguồn khác từ cộng đồng học thuật. Ngoài ra, nếu bạn ở đây để đáp ứng tình yêu những người hâm mộ mình bằng cách tạo hoặc tự thêm thông tin một bài viết trên Wikipedia về bản thân bạn: hãy cẩn thận! Để có một bài báo của riêng bạn cần phải hiểu biết về những hạn chế và những hướng dẫn nghiêm ngặt cho các bài báo về người sống. Nói chung, chúng tôi khuyên bạn nên để việc này cho người khác.

Nếu bạn vẫn cảm thấy lạc lõng, cộng đồng Wikipedia sẽ hào phóng cung cấp nhiều sự trợ giúp, cơ hội đào tạo và trao đổi như cộng đồng Wikipedia Teahouse, “một nơi thân thiện, nơi bạn có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào”, người chịu trách nhiệm giám sát biên tập Wikipedia, các buổi gặp mặt trên Wikipedia địa phương và các trang thảo luận.

Ổn định bài báo

Sau khi cảm thấy đủ an toàn, hãy bắt tay ngay vào việc thực hiện một vài chỉnh sửa trong bài viết. Các việc mà bạn có thể tham khảo là:

  • Cung cấp một nguồn bổ sung
  • Sửa một số liệu nào đó không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại
  • Cung cấp giải thích thêm cho một khái niệm đang cần được giải thích (sẽ được ký hiệu riêng trong bài báo)
  • Thêm một đoạn đề mục mới với thông tin hoàn toàn mới với bối cảnh hiện tại
  • Cân bằng đánh giá hiện có về cuộc tranh luận hiện tại. Ví dụ, bạn thấy một bài báo chỉ đưa ra thông tin xấu đã dẫn đến một đánh giá cuối cùng khá tiêu cực về vụ việc mặc dù cuộc tranh luận về sự việc vẫn đang diễn ra. Bạn hãy cố gắng cân bằng việc đánh giá một chiều như vậy bằng cách cung cấp thêm thông tin về những luận điểm của bên còn lại.

Như đã đề cập trước đó, là một Wikipedian mới, sẽ không có chỉnh sửa nào của bạn trực tiếp được “xuất bản”, chúng cần được xem và xem xét nội bộ bởi người dùng đã chỉnh sửa trước đó. Một vài ngày trôi qua bạn sẽ nhận được thông báo trên trang web cho biết chỉnh sửa của các bạn đã được chấp nhận (có thể sẽ có một số thay đổi nhỏ) và được công nhận là các chỉnh sửa hữu ích. Chào thế giới! Những chỉnh sửa đó bây giờ có thể được nhìn thấy bởi bất kỳ ai truy cập bài viết .

Sai lầm sẽ xảy ra và sai lầm sẽ được sửa chữa.

Bạn có thể sẽ mắc phải một số sai lầm, mặc dù đã cố gắng hết sức để đọc qua tất cả các hướng dẫn. May mắn thay, Wikipedia là một cộng đồng sôi động, điều này sẽ giúp ngăn ngừa những thiệt hại lâu dài cho bài báo.

Ví dụ: trong khi chúng tôi chỉnh sửa một bài báo, một tiện ích mở rộng của trình duyệt đã làm hỏng nhiều liên kết trong bài viết. Chúng tôi không có ý định làm điều này, cũng như không biết về hành vi phá hoại của mình. Vài ngày sau, một người dùng, người đã sửa chữa nó khá thẳng thừng và có chút tức giận khi chỉ ra sai sót của chúng tôi trong phần bình luận về lịch sử phiên bản của trang bằng nhận xét: “Cái quái gì vậy?” Phản ứng này là có thể hiểu được, nhưng đồng thời, đây là một cuộc gặp gỡ đầu tiên đáng sợ của chúng tôi, và có thể sẽ là của bạn, với cộng đồng. Cảm ơn người dùng ấy đã sửa nó. 

Một lúc sau, một người dùng khác đã viết một vài lời nhắn dài và thân thiện hơn cho chúng tôi trên trang cá nhân của chúng tôi, giải thích sai lầm của chúng tôi đồng thời chỉ ra rằng đó không phải là một vấn đề lớn. Sự việc này đã gợi được một cuộc thảo luận trong một diễn đàn kỹ thuật trên Wikipedia và chúng tôi đã tìm ra gốc rễ của vấn đề: plug-in trình duyệt Citavi của chúng tôi.

Kết luận

Nếu bạn đã đọc đến đây, không gì có thể ngăn cản bạn bắt đầu lần chỉnh sửa đầu tiên của mình! Sau bước chân qua ngưỡng cửa, việc chỉnh sửa sẽ dần trở nên dễ dàng, thú vị hơn và khiến bạn tràn đầy cảm hứng khi được thảo luận kiến ​​thức (khoa học) hàng ngày. Có rất nhiều tiềm năng để truyền đạt nghiên cứu từ bạn và cộng đồng học thuật của bạn trên Wikipedia. Và với những thành công liên tục của bách khoa toàn thư này – dù cho có rất nhiều lời chỉ trích ban đầu và hiện tại – chúng tôi hứa rằng nó sẽ không biến mất nhanh chóng như hầu hết các nền tảng kỹ thuật số khác mà sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho sự phổ cập kiến ​​thức của chúng ta đến công chúng.

Dịch từ LSE Impact Blog

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh