Quốc tế hóa giáo dục đại học vẽ nên một bức tranh lý tưởng về việc cung cấp cho sinh viên trải nghiệm toàn cầu, nhấn mạnh sự hợp tác trong nghiên cứu và tăng cường mối quan hệ giữa các trường đại học trên toàn thế giới. Hẳn nhiên, trong “ngành công nghiệp quốc tế hóa” ngày càng phức tạp và rộng khắp hiện đáng giá hàng tỷ đô la và thu hút hơn sáu triệu sinh viên trên toàn thế giới này, vẫn có những cá nhân và tổ chức tâm huyết và đang cống hiến vì những giá trị tốt nhất của sự hợp tác và giáo dục toàn cầu. Nhưng không thể phủ nhận có một số xu hướng vô cùng đáng quan ngại
Quốc tế hóa toàn diện không phải là ưu tiên
Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là quốc gia tiếp nhận lượng sinh viên quốc tế lớn nhất, quốc gia này chưa từng có cam kết ở mức quốc gia mạnh mẽ vào về quốc tế hóa giáo dục đại học, cũng như không có chiến lược nào ở cấp chính phủ liên bang hoặc tiểu bang. Thậm chí, gần đây đã xảy ra hai diễn biến cho thấy xu hướng “phi quốc tế hóa” đáng lo ngại.
Đại học Harvard, nơi đã chủ trì LASPAU – một tổ chức phi lợi nhuận độc lập với mục tiêu cải thiện giáo dục đại học ở Mỹ Latinh- trong hơn 50 năm, đang cắt giảm hoạt động này.
Kể từ khi thành lập, LASPAU đã tài trợ hơn 18.000 suất học bổng sau đại học cho học viên tới du học tại Hoa Kỳ, cung cấp chương trình phát triển chuyên môn cho hơn 5.000 nhà lãnh đạo học thuật và hợp tác với hơn 1.000 tổ chức trên khắp Châu Mỹ Latinh. Nếu không có sự hỗ trợ để có thể phát triển thành một thực thể hoàn toàn độc lập, LASPAU sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối năm nay.
Cũng trong khoảng thời gian này, Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (ACE), một tổ chức chuyên môn quốc gia dành cho những người đứng đầu các trường đại học Hoa Kỳ và là cơ quan điều phối chính cho giáo dục đại học Hoa Kỳ, có khả năng sẽ đóng cửa Phòng thí nghiệm Quốc tế hóa sau hai thập kỷ. Kể từ năm 2003, phòng thí nghiệm đã cung cấp nhiều hướng dẫn có giá trị về quốc tế hóa toàn diện tại hơn 200 cơ sở ở Hoa Kỳ cũng như gần đây là cả tại các trường đại học Mỹ Latinh, cùng với mạng lưới hỗ trợ chuyên gia, nghiên cứu và lãnh đạo.
Hai tác giả Philip G. Altbach và Hans de Wi đã đã chỉ ra những xu hướng tương tự trong một bài báo năm 1995 trên tạp chí International Higher Education, trong đó chỉ ra những mối đe dọa đối với chương trình Fulbright vào thời điểm đó. Cho tới hiện tại, Fulbright vẫn duy trì hoạt động.
Lập luận của hai tác giả lúc đó và vẫn giữ nguyên như trong bài báo hiện tại là, do không có chiến lược hoặc cam kết quốc tế hóa, Hoa Kỳ đã phó mặc chính sách và thực tiễn quốc tế hóa giáo dục thay đổi theo chính trị. Trong khi đó, chính trị Hoa Kỳ vốn thất thường và thường có xu hướng hướng tới chủ nghĩa bản địa, an ninh tri thức và chủ nghĩa dân túy chống ngoại quốc. Như trong những năm Trump nắm quyền, thế giới đã chứng kiến các chính sách không thể đoán trước liên quan đến thị thực, hợp tác nghiên cứu và những lĩnh vực tương tự tương tự.
Hoạt động giáo dục đại học quốc tế của Hoa Kỳ ngày càng được thúc đẩy bởi lợi ích thương mại – thu nhập từ học phí của sinh viên quốc tế và các thu nhập liên quan – chứ không phải trực tiếp bởi lợi ích lâu dài của quốc gia và thể chế.
Tất nhiên, Hoa Kỳ không đơn độc. Các quốc gia như Úc, Canada và Vương quốc Anh đang có những chính sách quốc gia ngày càng tập trung vào khía cạnh thương mại của hoạt động quốc tế.
Thương mại hóa quá mức quốc tế hóa giáo dục đại học
Các vấn đề do thương mại hóa tràn lan gây ra có thể được thấy rõ thông qua một số diễn biến gần đây.
Theo PIE News, một số trường đại học Úc đã ngừng tuyển sinh người học đến từ các bang Punjab và Haryana của Ấn Độ vì một số lượng lớn bị từ chối cấp thị thực sau khi các đại lý tuyển dụng ở Ấn Độ nộp hồ sơ giả cho các ứng viên vào các trường đại học Úc. Bắc Ấn Độ nổi tiếng với các đại lý tham nhũng và là tâm điểm của nhiều báo cáo về gian lận trong tuyển sinh.
Bộ Giáo dục Hoa Kỳ gần đây đã ban hành một số hạn chế liên quan đến việc cung cấp dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài không được kiểm soát, có khả năng bao gồm cả các đại lý tuyển sinh, đã khiến các tổ chức giáo dục đại học Hoa Kỳ lo lắng rằng họ có thể mất một khoản thu nhập.
Một chương trình truyền hình Canada gần đây đã tiết lộ việc sinh viên từ Ấn Độ bị các đại lý lừa đảo và các trường đại học vì lợi nhuận ở Canada lợi dụng như thế nào.
Và nghiên cứu của tổ chức American Common Application cho thấy các ứng viên quốc tế đến từ các quốc gia có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đều xuất thân từ các gia đình ưu tú và giàu có hơn ứng viên địa phương và có đủ khả năng chi trả học phí ở Mỹ. Ứng viên từ các quốc gia có thu nhập thấp hơn, chẳng hạn như Nepal và Pakistan, chỉ có thể trúng tuyển với sự hỗ trợ tài chính đáng kể, thường không dành cho sinh viên quốc tế.
Tạo doanh thu vẫn là ưu tiên hàng đầu
Các nhà lãnh đạo giáo dục đại học ở các nước sở tại chính dường như đang phớt lờ những thách thức này và tiếp tục coi quốc tế hóa chủ yếu là để tuyển dụng sinh viên quốc tế và tạo doanh thu.
Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản lý quốc tế Nous Group và nhà cung cấp giáo dục toàn cầu Navitas, đã tiết lộ khá rõ rằng các quản trị viên cấp cao được khảo sát nhận thấy rằng “quốc tế hóa đồng nghĩa với tuyển dụng sinh viên quốc tế”.
Trong số các nhà lãnh đạo trường đại học ở Úc, Canada và Vương quốc Anh được khảo sát, hơn 90% đồng ý rằng quốc tế hóa là ưu tiên hàng đầu của trường họ, tuy nhiên họ coi tuyển dụng sinh viên quốc tế là lĩnh vực trọng tâm quan trọng nhất “do vai trò then chốt của nó trong việc tạo ra doanh thu” .
Theo báo cáo, gần như tất cả người được hỏi (96%) đánh giá tuyển dụng sinh viên quốc tế là rất hoặc cực kỳ quan trọng đối với chiến lược quốc tế hóa của họ và tin rằng cạnh tranh tuyển dụng sinh viên quốc tế trong ba năm tới sẽ tăng lên so với mức trước đại dịch.
Nói cách khác, họ không nhận thức về nguy cơ phụ thuộc quá mức vào phí quốc tế đối với ngân sách của các tổ chức giáo dục đại học, mà các hậu quả của nó đã hiện hình rõ ràng trong thời kỳ đại dịch. Họ dường như cũng không lo ngại về căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu hoặc bối cảnh kinh tế, nhân khẩu học và giáo dục đầy thách thức ở quốc gia của các ứng viên quốc tế.
Họ cũng có vẻ không quan tâm đến các vấn đề đạo đức và trải nghiệm tiêu cực do ký hợp đồng với các đại lý tuyển dụng. Báo cáo cũng nhận định rằng: “Các đại lý tiếp tục là mối quan hệ chiến lược cốt lõi đối với nhiều trường đại học đang tìm cách tăng lượng tuyển sinh quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường mới và đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng”.
Động lực quốc tế hóa có vấn đề
Quan điểm cho rằng quốc tế hóa chủ yếu là một quá trình tạo ra doanh thu thông qua tuyển dụng sinh viên quốc tế dường như cũng chiếm ưu thế tại Diễn đàn Giáo dục Đại học Quốc tế gần đây của hiệp hội Universities UK và Universities UK International.
Adam Habib, giám đốc người Nam Phi của Trường Nghiên cứu Đông Phương và Châu Phi, Đại học London, là người duy nhất khẳng định rằng đây là vấn đề về mặt đạo đức và thương mại.
Kế hoạch của Na Uy nhắm đến áp dụng mức học phí đầy đủ cho sinh viên quốc tế và kế hoạch của Đan Mạch nhằm tập trung tuyển dụng sinh viên quốc tế vào các lĩnh vực thiếu lao động địa phương là hai minh họa cho xu hướng nhìn nhận quốc tế hóa dưới góc độ tư lợi.
Thực chất, đó chỉ là một cách bóc lột các quốc gia đang phát triển.
Đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy “ngành công nghiệp giáo dục đại học” đang sa đà vào các thực hành đáng ngờ hoặc rõ ràng là mang tính lợi dụng, do phải đối mặt với lượng tuyển sinh trong nước giảm hoặc áp lực tăng thu nhập. Trong bối cảnh các chiến lược quốc tế hóa toàn diện và mang tính cộng tác bị hạn chế (như nguy cơ đóng cửa LASPAU ở Harvard), xu hướng quốc tế hóa sẽ tiếp tục bị thống trị bởi thực hành tuyển sinh nhằm mục đích tạo doanh thu từ giới thượng lưu, bỏ qua những hậu quả có vấn đề và đạo đức của chính sách đó.
Lược dịch từ University World News
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.