Nghiên cứu tái lập, tức là các nghiên cứu kiểm định lại kết quả của những nghiên cứu đi trước, thường khiến các học giả mất nhiều thời gian và công sức để tìm ra. Việc tìm nhà tài trợ, tạp chí để đăng bài, hay đơn giản là tìm lại các nghiên cứu tái lập khi chúng được công bố, đều gặp nhiều khó khăn vì thường chúng không được liên kết trực tiếp với các nghiên cứu gốc.
Một cơ sở dữ liệu được mô tả trong một bài preprint được đăng vào tháng 4, nhằm giải quyết vấn đề này bằng cách lưu trữ các nghiên cứu tái lập trong lĩnh vực khoa học xã hội. Dự án được ra mắt như một phần của sáng kiến Framework for Open and Reproducible Research Training (FORRT), giúp các nhà nghiên cứu hiểu và áp dụng các nguyên tắc khoa học mở và tính tái lập trong nghiên cứu của mình.
Tại sao lại tạo ra cơ sở dữ liệu này?
Nhóm điều hành mong muốn các nghiên cứu tái lập có thể được chấp nhận công bố một cách khách quan. Trong quá khứ, việc công bố một bài báo tái lập thường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi kết quả của nghiên cứu không đưa ra được một thông tin mới hoàn toàn.
Crowdsourced còn giúp theo học giả trên toàn thế giới có một công cụ tìm kiếm riêng trỏ đến các công trình nghiên cứu tái lập. Nếu bạn đang muốn tái lập một nghiên cứu và muốn (1) đọc các bài báo tái lập khác để tham khảo cách họ triển khai nội dung và (2) kiểm tra liệu ý tưởng tái lập của mình đã bị tái lập trước hay không, cơ sở dữ liệu này dành cho bạn.
Dự án bắt đầu với tâm lý học, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tái lập, và đã mở rộng sang các nghiên cứu trong lĩnh vực phán đoán và ra quyết định (judgement and decision-making), tiếp thị, y học. Nhóm điều hành đang tìm hiểu các lĩnh vực khác để hiểu cách các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tái lập và ý nghĩa của tái lập trong bối cảnh đó.
Ai có thể mong muốn sử dụng cơ sở dữ liệu này?
Tác giả của một giáo trình về tâm lý học xã hội nói rằng ông ấy không thể dễ dàng sàng lọc 50 trang tài liệu tham khảo của mình để tìm kiếm các nghiên cứu tái lập. Hiện tại, ông ấy có thể nhập tài liệu tham khảo vào cơ sở dữ liệu này và kiểm tra những nghiên cứu đã được tái lập.
Cơ sở dữ liệu cũng có thể được sử dụng để xác định hiệu quả của một số quy trình nhất định bằng cách theo dõi lịch sử tái lập của các nghiên cứu. Ví dụ, ngày nay, các học giả được yêu cầu đăng ký trước các nghiên cứu của họ – công bố thiết kế nghiên cứu, giả thuyết và kế hoạch phân tích trước khi tiến hành nghiên cứu – và công khai dữ liệu của họ trực tuyến miễn phí. Dựa trên kinh nghiệm, nhóm điều hành muốn xem xét liệu các can thiệp như thế này có ảnh hưởng đến khả năng tái lập của một nghiên cứu hay không.
Cơ sở dữ liệu được cập nhật như thế nào?
Hiện tại, đây là một bảng tính trực tuyến được tạo ra bằng cách thêm thủ công các phát hiện gốc, các nghiên cứu tái lập và kết quả của chúng. Cho đến nay, cơ sở dữ liệu có hơn 3.300 mục được nhập vào – là các kết quả tái lập – trong số chưa đầy 1.100 nghiên cứu ban đầu. Thường có nhiều phát hiện trong một nghiên cứu; một nghiên cứu tái lập có thể tái lập bốn phát hiện khác nhau, tạo thành bốn mục nhập.
Có hàng trăm tình nguyện viên đang thu thập các bản tái lập và ghi lại các nghiên cứu trên bảng tính. Bạn có thể chỉ cần nhập một nghiên cứu để có thể tìm thấy nó, hoặc bao gồm cả nghiên cứu gốc và các kết quả tái lập.
Nhóm điều hành đang liên hệ với các nhóm thực hiện nhiều nghiên cứu tái lập cũng như kêu gọi mọi người thêm các nghiên cứu của họ. Đây là một nỗ lực huy động cộng đồng, mà phần lớn trong số đó dựa trên Dự án tái lập và đảo ngược FORRT (FORRT replications and reverses project), cũng dựa trên nguồn lực cộng đồng. Dự án này nhằm mục đích đối chiếu các bản tái lập và ‘hiệu ứng đảo ngược’ trong khoa học xã hội, khi các nỗ lực tái lập có kết quả ngược lại so với bản gốc.
Quy trình này có được tự động hóa không?
Nhóm điều hành đang tìm cách tự động hóa quy trình này. Chẳng hạn, họ đang làm việc trên một mẫu bản thảo có thể đọc bằng máy, trong đó mọi người có thể nhập bản thảo của họ và tự động đọc vào cơ sở dữ liệu.
Dự án có thể tự động nhận dạng DOI và kiểm tra chéo chúng với tất cả các nghiên cứu gốc trong cơ sở dữ liệu xem có trùng khớp không. Nhóm điều hành đang nỗ lực biến cơ sở dữ liệu thành một công cụ tìm kiếm, nhưng hiện tại điều này vượt quá khả năng và nguồn lực của họ.
Cơ sở dữ liệu này có cung cấp bất kỳ dữ liệu nào về các bản tái lập lưu trữ không?
Trong trang web dự án, có một công cụ theo dõi quá trình tái lập, nơi bạn có thể xem tỷ lệ phần trăm các nghiên cứu có thể tái lập được những phát hiện ban đầu và những nghiên cứu không làm được như vậy.
Tại phiên bản cơ sở dữ liệu mà nhóm nghiên cứu sẽ ra mắt trong những tháng tới, người dùng có thể chọn tiêu chí để đánh giá liệu một nghiên cứu có thành công trong việc tái lập các phát hiện ban đầu hay không. Hiện tại, tất cả đều dựa trên độ lớn của hệ số ảnh hưởng – thước đo mối quan hệ giữa hai biến – đối với cả nghiên cứu ban đầu và các nghiên cứu tái tạp, nhưng có nhiều tiêu chí và số liệu khác về thành công của việc tái lập vẫn đang được xem xét.
Nhóm điều hành cũng có kế hoạch ra mắt một tạp chí bình duyệt, truy cập mở tại FORRT để xuất bản các nghiên cứu tái lập từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lược dịch từ Nature
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.