Một ngày “xấu trời”, bạn mở máy tính ra và nhận được một bức thư nặc danh gửi cho bạn và CC cho nhiều đồng nghiệp trong trường, trong khoa tố cáo bạn mắc một vi phạm liêm chính học thuật liên quan đến một nghiên cứu nào đó của bạn trong quá khứ.
Tình huống khác còn “xấu trời hơn”, tên bạn trở thành một ví dụ về chuyện vi phạm liêm chính học thuật của một bài viết trên báo phổ thông, blog hay mạng xã hội. Tất nhiên, chẳng ai muốn mình rơi vào tình huống “éo le” này, nhưng nhỡ không may tình huống này vẫn cứ xảy ra với bạn thì sao? Khi đó bạn sẽ phải làm gì để bảo vệ bản thân cũng như những người liên quan? Thật khó để viết ra một hướng dẫn chi tiết, tường tận bởi thường những sự việc kiểu như thế này sẽ rất phức tạp, liên đới đến nhiều bên. Mặc dù vậy, trong bài viết ngắn dưới đây, tôi vẫn cố gắng đề xuất một số nguyên tắc chung nhất khuyến nghị bạn xử lý vấn đề đau đầu này.

Sai thì phải nhận, không sai thì nhất định không nhận
Nếu lời tố cáo về bạn là đúng theo quy định thì chắc chắn bạn phải nhận. Không nên trốn tránh, lấp liếm. Bạn cần dũng cảm đối diện với chính mình. Sai ở đâu thì nhận ở đó. Cho dù bạn không nhận lỗi, những người đọc nội dung tố cáo về bạn, nhất là người có trình độ, vẫn có cách đánh giá riêng của họ. Trong trường hợp này, nếu nội dung tố cáo đúng, có bằng chứng rõ ràng mà bạn không nhận thì là bạn đã mắc phải lỗi “sai chồng sai”. Điều này còn dở hơn là sai và nhận ngay.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét lỗi sai đó là cố tình hay vô ý, và giải thích rõ trong nội dung nhận sai. Nếu bạn chưa chắc chắn, hãy nhờ những người có trình độ và hiểu biết hơn bạn tư vấn, để họ xác định trúng và đúng lỗi sai của bạn một cách khách quan nhất.
Ở chiều ngược lại, nếu nội dung tố cáo là sai, sai một phần hoặc có những chỗ mập mờ dễ gây hiểu lầm, bạn hãy nhất định không nhận, hãy chỉ ra những chỗ sai, những chỗ mập mờ trong nội dung tố cáo, và hãy đưa ra các minh chứng để bảo vệ bản thân.
Hãy báo cáo/thông báo càng sớm càng tốt đến những bên liên quan về sự việc
Những bên liên quan ở đây có thể là đơn vị quản lý bạn (khoa, viện, trường), đơn vị cấp ngân sách cho bạn làm nghiên cứu (quỹ, nhà tài trợ …), các đồng tác giả của bạn… Hãy cố gắng là người đầu tiên thông tin về sự việc cho họ, hoặc nếu họ đã biết rồi thì bạn hãy chủ động báo cáo/thông tin cho họ càng sớm càng tốt. Bạn vẫn có thể báo cáo/thông tin với họ khi bạn chưa có được phương án đầy đủ xử lý sự việc; nhưng ít nhất bạn cần báo cáo/thông tin với họ những gì bạn biết, bạn có trong tay. Báo cáo/thông tin ở đây có thể được thể hiện ở dạng email, điện thoại trực tiếp hay tin nhắn, không cần câu nệ hình thức. Lúc này bạn cần tốc độ. Làm vậy, bạn sẽ có được sự tin tưởng, đồng hành và thông cảm của họ trong quá trình xử lý vấn đề, lại tránh được các thông tin sai lệch, tam sao thất bản mà họ có thể nghe được từ người khác. Suy cho cùng, chính những cơ quan, tổ chức, cá nhân này mới là các bên liên quan bạn phải giải trình, phải chịu trách nhiệm nhất về công việc của mình chứ không phải người tố cáo bạn. Cả thế giới có thể không ủng hộ bạn, nhưng những cơ quan/tổ chức/cá nhân này vẫn ủng hộ bạn là được.
Không bao giờ “đá sân khách”
Đây là cách ví von giống trong đá bóng. Khi đá bóng, bạn không những phải đương đầu với đối thủ mà còn gặp muôn vàn khó khăn: sân bãi không quen, trọng tài thiên vị, cổ động viên của đối thủ đông hơn… Quay lại trường hợp bạn bị tố cáo vi phạm liêm chính khoa học, “sân khách” có thể là trang nhà Facebook của tài khoản tố cáo bạn, group Facebook nơi người ta tố cáo bạn hoặc tờ báo đăng tin về bạn. Lúc này, bạn tuyệt đối không lên Facebook/group Facebook đó để trả lời, không trả lời báo chí đưa tin về bạn. Bạn chỉ đá “sân nhà” , bao gồm Facebook cá nhân của bạn, blog của bạn hoặc nếu đây là sự việc liên quan đến tổ chức mà bạn làm quản lý, lãnh đạo thì có thể dùng chính website của tổ chức đó làm nơi để đưa ra thông cáo, trả lời về nội dung tố cáo. Sau đó, nếu có nhà báo muốn phỏng vấn, bạn thì hãy gửi thông tin phần trả lời cho họ và không giải thích gì thêm. Họ muốn đăng lại nội dung thông cáo, trả lời thì đó là quyền của họ nhưng bạn có quyền yêu cầu họ phải đăng nguyên văn. Với việc đảm bảo nguyên tắc này, bạn sẽ không bị sa đà, mất thời gian vào những tranh luận vô ích hoặc bị thất thế khi phải thi đấu ở “sân khách”. Chỉ khi được “đá trên sân nhà”, bạn mới có toàn quyền quyết định về “lối đá” và “cách đá” của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tuyên bố ngay về việc không được phép tùy tiện sử dụng hình ảnh của bạn để đưa lên báo hoặc mạng xã hội (kể cả với những hình ảnh đã công khai của bạn trước đó). Rất có thể, người tố cáo bạn chỉ muốn làm cho hình ảnh của bạn gắn liền với lỗi liêm chính học thuật được lan truyền càng rộng càng tốt. Nhưng hình ảnh của bạn là quyền của bạn, không ai được phép sử dụng bừa bãi mà không có sự đồng ý của bạn.
Đừng cầu thắng-thua, hãy cầu bảo vệ nguyên tắc, bảo vệ liêm chính khoa học
Nội dung thông cáo, trả lời cần ngắn gọn, súc tích, không lan man, đi vào từng điểm một để người đọc nắm bắt được ngay thông tin. Và sẽ là sai lầm khi nội dung thông cáo, trả lời sa đà quá nhiều vào việc: cố gắng chứng minh mình đúng, cố gắng chứng minh người tố cáo mình sai hoặc tệ hơn nữa là tố cáo ngược lại họ hay cố gắng chứng minh mình là “người tốt”, họ là “kẻ xấu”. Nên nhớ ở bối cảnh này, họ mới là bên có trách nhiệm chứng minh mình sai nên trong các nội dung tố cáo của họ, dù chỉ có một chi tiết đánh không đúng, bằng chứng không thuyết phục là họ sẽ mất lòng tin của những người đọc trung lập. Còn từ phía mình, đôi khi bạn chỉ cần chỉ ra một trong các cáo buộc sai của họ về mình là đủ. Hơn thế nữa, một chiến lược khôn ngoan trong bối cảnh này, là hãy nhân việc mình bị tố cáo vi phạm liêm chính để bảo vệ liêm chính khoa học, bảo vệ nguyên tắc học thuật và bảo vệ cộng đồng khoa học. Tức là, họ tố ta vi phạm liêm chính thì hãy cho xã hội thấy thực ra ta mới là người đang bảo vệ liêm chính. Ví dụ, ngoài việc chỉ ra chỗ sai trong nội dung họ tố cáo, tiện thể hãy phân tích luôn cho cộng đồng thấy, trong trường hợp này, ta đã làm đúng như thế nào, và như thế nào mới là đúng. Hãy nhân cơ hội này, phổ biến tri thức cho cộng đồng về liêm chính học thuật. Nói tóm lại, thay vì sa đà vào chuyện cá nhân, hãy nói về chuyện chung của toàn cộng đồng học thuật, không cầu thắng – thua thì tự nhiên bạn sẽ được việc của mình.
Đừng quá bận tâm nếu sau tất cả, vẫn có người không tin bạn
Sau khi bạn đã hành động tất cả những gì cần hành động, vẫn có những người không tin bạn, coi bạn là vi phạm liêm chính khoa học như lời tố cáo thì bạn cũng đừng quá buồn. Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Và khi họ không có khả năng hiểu hoặc cố tình không hiểu thì bạn cũng chỉ còn cách là … kệ họ thôi. Hãy nên nhớ, với mỗi 100 người, sẽ luôn có khoảng 20 người đương nhiên “ghét” bạn, dù bạn có tốt đẹp như thế nào, sẽ luôn có khoảng 20 người đương nhiên “yêu” bạn, dù bạn có thể sai lầm; và còn lại là khoảng 60 người không yêu – không ghét bạn. Việc của bạn là hãy đối xử tốt với những người yêu bạn; thể hiện sao cho những người không yêu – không ghét bạn là bạn không sai. Còn với những người ghét bạn thì đó là vấn đề của họ, không phải của bạn.
Bài viết trên được trích từ cuốn sách Để vượt qua 81 kiếp nạn của nghiên cứu sinh, do TIMES BOOKS và NXB Dân Trí ấn hành tháng 3/2025.Tác giả Phạm Hiệp cho biết, hầu như không có nghiên cứu sinh nào, trong suốt quá trình làm luận án, không từng trải qua ít nhất một giai đoạn bị stress hay khủng hoảng tâm lý. Do đặc thù công việc đào tạo và huấn luyện kỹ năng nghiên cứu, anh có dịp làm việc với rất nhiều nghiên cứu sinh trong những năm qua. Đôi khi, anh buộc phải vào cuộc “chữa lành” cho học viên trước khi đào tạo và huấn luyện họ. Do đó, từ năm 2018, anh bắt đầu viết một số bài chia sẻ kinh nghiệm làm nghiên cứu sinh đăng trên trang cá nhân hoặc báo phổ thông. Cuối cùng, những bài viết được tập hợp lại, biên tập, bổ sung những nội dung còn thiếu để trở thành một cuốn sách “chữa lành cho nghiên cứu sinh”, tập trung vào khía cạnh chiến lược, chiến thuật, tâm thế, tâm lý, kỹ xảo, các “thực hành tốt” (good practice) mà các nhà nghiên cứu trẻ cần nắm vững để vượt qua các “kiếp nạn”. |
Đăng lại từ Khoa học Phát triển
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 5 / 5. Số đánh giá: 1
Chưa có đánh giá.