Lời khuyên dành cho các nhà nghiên cứu lần đầu làm Reviewer

Phản biện đồng nghiệp (peer-review) là một thực hành vô cùng quan trọng trong xuất bản học thuật. Mục tiêu của phản biện đồng nghiệp là để đảm bảo sự chính xác và cải thiện chất lượng của bản thảo thông qua những nhận xét có tính xây dựng. Đây là một công việc tốn sức và không được trả phí. Tuy vậy, nó là thứ giúp duy trì sự chuẩn xác của khoa học. Đóng góp của bạn dưới tư cách là một người phản biện đồng nghiệp sẽ mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng học thuật.

Mặc dù đây là một quy trình quan trọng, còn có ít các đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng này. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số lưu ý quan trọng cho các nhà nghiên cứu đang trong giai đoạn bắt đầu tham gia vào quy trình này.

Ảnh: Andreea Moise via Behance | CC BY-NC-ND 4.0

1. Trách nhiệm của người phản biện

  • Cung cấp một biên bản nhận xét về giá trị khoa học của bản thảo với một tác phong không định kiến và đúng thời hạn;
  • Tránh các nhận xét và chỉ trích có tính cá nhân
  • Duy trì tính bảo mật của quy trình phản biện
  • Chỉ ra các lo ngại về đạo đức (chẳng hạn như thiếu sự đồng thuận từ khách thể, hoặc đạo vă)
  • Nhận xét về tính chính xác, nguyên bản của nghiên cứu, mức độ phù hợp với độc giả bản thảo hướng tới cũng như tính xúc tích và chính xác của câu từ

2. Nhận xét bản thảo

Đánh giá chất lượng của một bản thảo nghiên cứu không phải là một việc dễ dàng. Bạn cần phải giữ thái độ khách quan, có chuyên môn trong vấn đề được bản thảo đề cập và chú ý tới những lỗi sai trong bản thảo. 

Để chuẩn bị, bạn có thể đọc lại các nhận xét phản biện bạn từng nhận được để tham khảo cách viết và những lỗi bạn đã từng được chỉ ra. Tiếp theo, cần đọc kỹ hướng dẫn của tạp chí cho phản biện viên để nắm được các tiêu chí riêng biệt của tạp chí.

Bước 1: Đọc lướt bản thảo

Khi bắt đầu đánh giá bản thảo, hãy đọc nhanh một lần để nắm được các ý chính và cấu trúc toàn diện của bản thảo. Một số điểm cần lưu ý lại khi đọc lướt là:

  • Câu hỏi nghiên cứu này quan trọng tới mức nào?
  • Đây có phải nghiên cứu nguyên bản (original research) hay không?
  • Nghiên cứu này có thuộc lĩnh vực nghiên cứu và đối tượng độc giả của tạp chí hay không?
  • Chủ đề này đã được nghiên cứu trước đây chưa?
  • Nghiên cứu này có đóng góp điểm gì mới và có ý nghĩa cho kho tàng kiến thức hay không?
  • Cấu trúc và phong cách viết có rõ ràng hay không? Có giúp người đọc dễ nắm bắt các ý chính hay không?
  • Có lo ngại đạo đức nào đã được chỉ ra hay không?

Sau khi đã đọc lướt và trả lời được các câu hỏi trên, hãy viết lại một tóm tắt ngắn gọn về các ý chính của nghiên cứu. Ở giai đoạn này, kết luận từ chối bản thảo có thể được đưa ra luôn nếu như bạn nhận thấy có lỗi nghiêm trọng ở phương pháp nghiên cứu hoặc bản thảo không phù hợp với tạp chí. 

Bước 2: Đọc kỹ từng phần

Ở bước này, hãy quay trở lại đọc kỹ từng phần và xem xét rằng liệu mỗi phần đã có đủ các thông tin cần thiết hay chưa. Dưới đây là một số câu hỏi hướng dẫn:

  • Phần tóm tắt (abstract) đã nêu được những ý chính của nghiên cứu hay chưa?
  • Phần mở đầu (introduction) đã cung cấp được một bối cảnh đầy đủ về chủ đề nghiên cứu hay chưa?
  • Thiết kế nghiên cứu đã đủ chặt chẽ chưa?
  • Phần phương pháp có được mô tả chi tiết đủ để có thể tái lặp (replicate) hay không?
  • Nghiên cứu có sử dụng các phân tích thống kê phù hợp?
  • Các kết quả có được báo cáo đầy đủ và hợp lý hay chưa?
  • Các diễn giải của tác giả về kết quả có đủ sức thuyết phục và được dữ liệu ủng hộ hay không?
  • Các dữ liệu được trình bày trong các bảng và hình vẽ có dễ hiểu hay không và có tương ứng với phần viết hay không?
  • Các tài liệu nghiên cứu quan trọng và cập nhật về chủ đề có được trích dẫn hay không?

Hãy viết lại lưu ý đối với mỗi phần sau khi bạn đọc xong. Bên cạnh đó, hãy đánh dấu từng lỗi là minor hay major. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi viết bản nhận xét cuối cùng.

Bước 3: Viết biên bản phản biện

Hãy bắt đầu biên bản với một tóm tắt ngắn gọn về nhận xét chung của bạn cho bản thảo. Phần tổng kết mà bạn viết sau bước đọc lướt sẽ là tư liệu để hỗ trợ bạn viết phần này. Hãy nêu ra ấn tượng tổng quát của bạn về nghiên cứu, nó có đóng góp gì cho kho tàng kiến thức của lĩnh vực này hay không, nó có phù hợp với tạp chí và đối tượng độc giả tạp chí hướng tới hay không.

Tiếp đó, hãy đưa ra nhận xét về từng khía cạnh riêng biệt. Một gợi ý là bạn có thể nhóm các nhận xét của mình thành hai nhóm là minor và major. Đối với các lỗi bạn cho là major, với mỗi nhận xét về nội dung của từng phần cũng như về cấu trúc và cách tổ chức nội dung, hãy cung cấp ví dụ/bằng chứng để củng cố cho luận điểm của bạn. Một số lưu ý:

  • Viết chung các lỗi minor ở một phần. Các lỗi minor thường là đặt tên bảng sai, lỗi ngữ pháp hay lỗi định dạng câu chữ.
  • Không nên đưa ra các nhận xét khắt khe quá mức. Hãy nghĩ về việc nếu bạn là tác giả và nhận được những nhận xét như vậy.
  • Trong trường hợp phải đưa ra các chỉ trích, hãy làm vậy với thái độ khích lệ và đưa ra các gợi ý để tác ỉa có thể nhận diện và cải thiện vấn đề. 
  • Tạo một danh sách các nhận xét dành riêng để gửi cho ban biên tập.
  • Nếu bạn nghi ngờ có đạo văn, ngụy tạo dữ liệu hay bất kỳ vấn đề vi phạm đạo đức nào khác, hãy báo cáo với ban biên tập.
  • Cuối cùng, đưa ra kết luận rằng bản thảo này phù hợp để đăng, đăng kèm chỉnh sửa hay không phù hợp để đăng trên tạp chí, đi kèm với lý do chung cho quyết định này.

Lược dịch từ editage insights

--- Bài viết này có hữu ích không? ---

Nhấn sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0

Chưa có đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

Tin Hot

Tin đang nổi

Theo dõi

Tin ảnh