Doanh thu khổng lồ của ngành công nghiệp xuất bản khoa học
Reed-Elsevier, một gã khổng lồ xuất bản đa quốc gia với doanh thu hàng năm vượt qua 6 tỷ bảng Anh, là một trong số ít nhà xuất bản đã thành công trong việc chuyển đổi sang Internet. Một báo cáo gần đây của công ty dự đoán rằng năm 2022 tới đây sẽ ghi nhận nhiều tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, rất nhiều người có lý do để tin rằng dự đoán đó – cũng như dự đoán của mọi nhà phân tích tài chính lớn khác – là sai lầm. Thậm chí có người còn cho rằng công ty thống trị trong một trong những ngành sinh lợi nhất trên thế giới này sẽ sụp đổ.
Cốt lõi hoạt động của Elsevier là các tạp chí khoa học, các ấn phẩm hàng tuần hoặc hàng tháng, ở đó các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ tới đồng nghiệp của mình và tới công chúng. Mặc dù hướng tới đối tượng độc giả hẹp, xuất bản khoa học là một mảng kinh doanh lớn đáng kể với tổng doanh thu toàn cầu hơn 19 tỷ bảng Anh. Dù quy mô của ngành nằm ở đâu đó giữa công nghiệp âm nhạc và điện ảnh, nhưng xuất bản khoa học mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều. Năm 2010, mảng xuất bản khoa học của Elsevier báo cáo lợi nhuận 724 triệu bảng Anh trên doanh thu chỉ hơn 2 tỷ bảng Anh. Đó là tỷ suất lợi nhuận 36% – cao hơn so với Apple, Google hoặc Amazon đã công bố trong năm đó.
Thỏa thuận tồi với các nhà khoa học
Nhưng mô hình kinh doanh của Elsevier có vẻ khó hiểu. Để kiếm tiền, một nhà xuất bản truyền thống – ví dụ như một tạp chí – phải trang trải vô số chi phí: họ trả tiền cho các nhà báo để có bài viết; họ thuê các biên tập viên để giao, định hình và kiểm tra các bài báo; và họ phải trả tiền để phân phối sản phẩm cho những người đặt định kỳ và người bán lẻ. Tất cả những thứ này đều rất tốn kém và ngay cả các tạp chí thành công cũng thường kiếm được lợi nhuận chỉ khoảng 12-15%.
Cách kiếm tiền từ một bài báo khoa học cũng tương tự, ngoại trừ việc các nhà xuất bản khoa học bằng nhiều cách đã tránh được phần lớn chi phí họ phải bỏ ra. Các nhà khoa học viết bài dưới sự định hướng của chính mình – phần lớn được tài trợ bởi chính phủ – sau đó cung cấp miễn phí bài báo đó cho các nhà xuất bản; nhà xuất bản trả tiền cho thành viên ban biên tập, những người đánh giá liệu tác phẩm có đáng xuất bản hay không và kiểm tra ngữ pháp của nó, nhưng phần lớn gánh nặng biên tập – việc kiểm tra tính hợp lệ về mặt khoa học và đánh giá các thí nghiệm qua một quy trình được gọi là bình duyệt – được thực hiện bởi các nhà khoa học làm việc với tinh thần tình nguyện là chủ yếu. Sau đó, các nhà xuất bản bán sản phẩm lại cho các thư viện trường đại học và các tổ chức do chính phủ tài trợ để các nhà khoa học khác đọc – những người đóng vai trò tạo ra các bài viết khoa học ngay từ đầu.
Những người không thuộc giới học thuật luôn tỏ ra không tin nổi khi được nghe về cách các nhà xuất bản lớn này vận hành. Một báo cáo của Deutsche Bank năm 2005 gọi nó là một hệ thống “trả tiền ba lần” “kỳ lạ”, trong đó “nhà nước tài trợ cho hầu hết các nghiên cứu, trả lương cho hầu hết những người kiểm tra chất lượng nghiên cứu, và sau đó mua hầu hết các sản phẩm đã xuất bản.”
Các nhà khoa học nhận thức rõ rằng họ dường như đang phải chịu một thỏa thuận tồi. Adrian Sutton, một nhà vật lý tại Đại học Imperial, nói với tôi rằng tất cả các nhà khoa học “đều là nô lệ cho các nhà xuất bản. Làm gì có ngành công nghiệp nào nhận nguyên liệu thô từ khách hàng của mình, khiến chính những khách hàng đó thực hiện việc kiểm tra chất lượng của những nguyên liệu đó, và sau đó bán lại chính nguyên liệu đó cho khách hàng với một mức giá quá cao?”
Một đại diện của RELX Group, tên chính thức của Elsevier từ năm 2015, nói với tôi rằng họ và các nhà xuất bản khác “phục vụ cộng đồng nghiên cứu bằng cách làm những việc những nhà nghiên cứu cần làm mà bản thân họ không thể hoặc không tự làm và tính phí với một giá hợp lý cho dịch vụ đó.”
Những ảnh hưởng
Nhiều nhà khoa học cũng tin rằng ngành công nghiệp xuất bản gây ảnh hưởng quá nhiều đến những gì các nhà khoa học chọn để nghiên cứu, điều này cuối cùng sẽ có hại cho chính nền khoa học. Các tạp chí trao giải cho những kết quả mới và ngoạn mục – xét cho cùng, họ mong muốn có thêm lợi ích khi có thêm nhiều người đăng ký ấn phẩm của họ – và các nhà khoa học, biết chính xác loại công trình nào được chấp thuận xuất bản, sẽ sắp xếp sao cho các bài nộp của họ tương ứng với các tiêu chí ngầm đó, điều này tạo ra một lượng bài báo ổn định. Nhìn thoáng qua thì cơ chế này có vẻ tốt, tuy nhiên nó cũng đồng nghĩa rằng các nhà khoa học sẽ không có cái nhìn tổng thể về lĩnh vực nghiên cứu của họ. Các nhà nghiên cứu có thể vô tình khám phá ra những ngõ cụt mà các nhà khoa học đồng nghiệp của họ đã phải đối mặt chỉ vì thông tin về những thất bại trước đó chưa bao giờ được đưa vào các trang của các ấn phẩm khoa học liên quan. Một nghiên cứu năm 2013, báo cáo rằng kết quả một nửa số thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ không bao giờ được xuất bản trong một tạp chí nào.
Làn sóng phản đối
Các nhà phê bình tin rằng sắp có làn sóng chống lại ngành công nghiệp mà Elsevier đang dẫn đầu. Ngày càng có nhiều thư viện nghiên cứu, nơi mua tạp chí cho các trường đại học, tuyên bố rằng ngân sách của họ đã cạn kiệt do giá cả tăng liên tục hàng chục năm qua và đe dọa sẽ hủy gói đăng ký trị giá hàng triệu bảng của họ trừ khi Elsevier giảm giá. Các tổ chức nhà nước như NIH của Mỹ và Quỹ tài trợ Nghiên cứu Đức (DFG) gần đây đã cam kết cung cấp nghiên cứu của họ thông qua các tạp chí trực tuyến miễn phí. Những người phản đối tin rằng các chính phủ có thể can thiệp và đảm bảo rằng tất cả các nghiên cứu được tài trợ từ các nguồn chính sách sẽ được cung cấp miễn phí cho bất kỳ ai. Elsevier và các nhà xuất bản khác sẽ rơi vào thế kìm cặp, với khách hàng của họ phản đối từ một bên và quy định của chính phủ trực chờ họ ở bên còn lại.
Dù cho có nhiều phản đối và dư luận đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Elsevier trong năm 2011, một năm sau đó, hầu hết các thư viện đều lùi bước và tái cam kết với các hợp đồng của Elsevier, các chính phủ phần lớn cũng đã thất bại trong việc thúc đẩy một mô hình thay thế để phổ biến nghiên cứu. Trong năm 2012 và 2013, Elsevier đã công bố tỷ suất lợi nhuận hơn 40%.
Thật khó để tin rằng những gì về cơ bản là một hoạt động độc quyền vì lợi nhuận trong một doanh nghiệp được chính phủ tài trợ và được quản lý chặt chẽ lại có thể tránh được sự sụp đổ lâu như vậy. Nhưng ngành công nghiệp xuất bản đã ăn sâu vào khoa học trong nhiều thập kỷ qua. Ngày nay, mọi nhà khoa học đều biết rằng sự nghiệp của họ phụ thuộc vào việc công bố, và thành công nghề nghiệp đặc biệt được xác định bằng việc đưa công trình của mình vào các tạp chí uy tín nhất. Việc nghiên cứu một cách chậm chạp, gần như không định hướng vốn được một số nhà khoa học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 theo đuổi không còn là một lựa chọn nghề nghiệp khả thi trong bối cảnh hiện tại. Nếu làm việc trong hệ thống khoa học ngày nay, cha đẻ của giải trình tự gen, Fred Sanger, người xuất bản rất ít trong hai thập kỷ giữa giải Nobel 1958 và 1980, có lẽ đã thất nghiệp.
Lịch sử của vấn đề
Ngay cả các nhà khoa học đang đấu tranh cho cải cách thường không nhận thức được gốc rễ của hệ thống: làm cách nào, trong những năm phát triển bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ hai, mà các doanh nhân đã tạo dựng được vận may bằng cách lấy việc xuất bản từ tay các nhà khoa học và mở rộng kinh doanh trên một phạm vi không tưởng. Và không ai biến hóa và tài tình hơn Robert Maxwell, người đã biến các tạp chí khoa học thành một cỗ máy kiếm tiền ngoạn mục góp phần thúc đẩy địa vị của ông trong xã hội Anh. Maxwell sẽ tiếp tục được xem là một một nghị sĩ, một nam tước đã thách thức Rupert Murdoch, và là một trong những nhân vật khét tiếng nhất của nước Anh. Nhưng tầm quan trọng thực sự của ông ấy lớn hơn nhiều so với hầu hết chúng ta nhận ra. Thoáng qua thì có vẻ không khó tin, nhưng hiếm ai trong thế kỷ trước đã làm được nhiều việc hơn Maxwell trong việc định hình cách thức tiến hành khoa học ngày nay.
Những năm 1940, trong bối cảnh các nhà xuất bản của Anh quốc hoạt động kém hiệu quả và gần như không có lợi nhuận, chính phủ đã nhờ tới bàn tay của Maxwell – người khi đó đã có một doanh nghiệp làm ăn thuận lợi trong mảng giúp Springer chuyển các bài báo khoa học tới Anh quốc. Với phong thái sỗ sàng cùng khao khát lợi nhuận mạnh mẽ, Maxwell đã làm thay đổi cả giới xuất bản học thuật bằng những chiến lược không tưởng. Chẳng hạn, ông tới tham dự những buổi hội thảo khoa học – vốn là hoạt động buồn tẻ – để săn lùng các nhà khoa học và mời họ về làm biên tập viên cho các tạp chí của mình. Ông mở thêm ngày càng nhiều tạp chí mới – mà trước mỗi hiệp hội khoa học thường chỉ xuất bản một đầu tạp chí – và cực kỳ ưa thích danh hiệu “International journal of…”. Năm 1957, khi Liên Xô phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào vũ trụ, các nhà khoa học phương Tây đã tranh nhau bắt kịp nghiên cứu vũ trụ của Nga, và rất ngạc nhiên khi biết rằng Maxwell đã đàm phán một thỏa thuận bằng tiếng Anh độc quyền để xuất bản các tạp chí khoa học của Viện Khoa học Nga từ cả thập kỷ trước.
Năm 1955, người cộng sự của Maxwell nói với nhà vật lý đoạt giải Nobel, Nevill Mott, rằng các tạp chí là “những chú cừu non” yêu quý, và Maxwell là Vua David trong Kinh thánh, người sẽ mổ thịt và bán chúng để kiếm lợi nhuận. Maxwell nhận ra rằng việc hợp tác và đưa tác phẩm của các nhà khoa học được nhìn thấy trên trường quốc tế đang trở thành một hình thức uy tín mới đối với các nhà nghiên cứu, và trong nhiều trường hợp, Maxwell đã lũng đoạn thị trường trước khi bất kỳ ai khác nhận ra rằng nó tồn tại.
Bài báo khoa học về cơ bản đã trở thành cách duy nhất để khoa học xuất hiện một cách có hệ thống trên thế giới. Một ý tưởng hay, một cuộc trò chuyện hoặc một lời phản hồi dù cho đến từ một người thông minh nhất trên thế giới sẽ không được công nhận gì trừ khi người ấy có thể xuất bản phát hiện của mình. Chính vì vậy, nếu có ai đó có thể kiểm soát quyền truy cập vào các tài liệu khoa học, đồng nghĩa với việc, bằng tất cả các động cơ và mục đích, họ đang kiểm soát khoa học. Trong một bức thư năm 1988, John Coales từ Đại học Cambridge lưu ý rằng rất nhiều bạn bè của anh ấy “coi [Maxwell] là nhân vật phản diện vĩ đại nhất nhưng chưa thành công”. Đến cuối những năm 1960, xuất bản thương mại được coi là hiển nhiên, các nhà xuất bản trở thành một đối tác cần thiết trong sự tiến bộ của khoa học. Mối quan tâm của các nhà khoa học về việc khẳng định bản quyền của họ bị lấn át bởi sự thuận tiện của giao dịch với các nhà xuất bản, sự lấp lánh mà nó mang lại cho công việc của họ đã khiến các nhà khoa học hài lòng với con sói mà họ đã cho vào cửa.
Việc nhà khoa học xuất bản ở đâu kể từ đó trở nên vô cùng quan trọng. Các biên tập viên thông qua việc từ chối rất nhiều bài báo và lôi kéo các nhà khoa học lớn đăng bài trên tạp chí của mình đã tạo ra một thứ như là “danh tiếng” của tạp chí mình. Các nhà xuất bản cũng đã sử dụng một tiêu chí gọi là “hệ số tác động”, một phép tính sơ bộ về tần suất các bài báo trong một tạp chí được trích dẫn trong các bài báo khác. Đối với các nhà xuất bản, tiêu chí đó đã trở thành một cách để xếp hạng và quảng bá phạm vi tiếp cận khoa học của các sản phẩm của họ. Các tạp chí có hình thức hiện đại, tập trung vào các phát hiện khoa học lớn, đã đứng đầu bảng xếp hạng mới này và các nhà khoa học nếu xuất bản trên các tạp chí “có tác động cao” sẽ nhận được các phần thưởng và dành được quỹ tài trợ.
Chiến thắng của các nhà xuất bản
Và vì vậy khoa học trở thành một sự hợp tác kỳ lạ giữa các nhà khoa học và các biên tập viên tạp chí, với những khám phá trước truyền cảm hứng với những khám phá sau. Ngày nay, khi được lựa chọn các dự án, một nhà khoa học hầu như luôn từ chối cả công việc thông thường là xác nhận hoặc bác bỏ các nghiên cứu trong quá khứ, thay vào đó họ cố gắng với tới những đỉnh cao đầy rủi ro khác trong nhiều thập kỷ, với tâm niệm rằng họ có thể có một đề tài phổ biến với các biên tập viên và cho phép họ xuất bản thường xuyên. Nhà sinh vật học đoạt giải Nobel Sydney Brenner cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2014 , gọi hệ thống này là “mục nát”.
Các nhà khoa học thỉnh thoảng đặt câu hỏi về tính công bằng của hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận này trong khi họ đang cung cấp miễn phí tác phẩm của mình, nhưng chính các thủ thư trường đại học mới là người đầu tiên nhận ra cái bẫy trên thị trường mà Maxwell đã tạo ra. Các thủ thư đã sử dụng quỹ của trường đại học để thay mặt các nhà khoa học mua các tạp chí. Maxwell đã nhận thức rõ về điều này khi thực hiện các chiến lược của mình. Ông nói với ấn phẩm Global Business trong một cuộc phỏng vấn năm 1988: “Các nhà khoa học không quan tâm đến giá cả như các chuyên gia khác, chủ yếu là vì họ không tiêu tiền của mình. Và vì không có cách nào để hoán đổi một tạp chí này cho một tạp chí khác rẻ hơn”. Các thủ thư bị bao vây bởi một loạt công ty độc quyền nhỏ bé. Hiện đã có hơn một triệu bài báo khoa học được xuất bản mỗi năm,và họ phải mua tất cả chúng với bất kỳ giá nào mà nhà xuất bản muốn.
Ở góc độ kinh doanh, đó là một chiến thắng toàn diện đối với Maxwell. Các thư viện là một thị trường bị giam cầm, và các tạp chí đã nghiễm nhiên tự đặt mình vào vị trí những người bảo vệ uy tín khoa học – có nghĩa là các nhà khoa học không thể bỏ chúng một cách một cách dễ dàng dù cho có một phương pháp chia sẻ kết quả mới ra đời. Năm 1985, mặc dù nguồn tài trợ khoa học bị sụt giảm nhiều nhưng Pergamon, một nhà xuất bản lớn bấy giờ, đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận lên đến 47%.
Cuộc thương thảo vĩ đại
Với việc mua danh mục 400 tạp chí của Pergamon, Elsevier hiện đã kiểm soát hơn 1.000 tạp chí khoa học, trở thành nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới cho đến nay. Đến năm 1994, ba năm sau khi mua lại Pergamon, Elsevier đã tăng giá của các tạp chí lên 50%. Các trường đại học phàn nàn rằng ngân sách của họ đã gánh chịu những áp lực khổng lồ – tờ Publishers Weekly có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết các thủ thư đề cập đến “tận thế” trong ngành của họ – và lần đầu tiên họ bắt đầu hủy đăng ký các tạp chí ít phổ biến hơn.
Vào thời điểm đó, hành vi tăng giá của Elsevier dường như là tự hủy. Nó đã khiến khách hàng của mình tức giận ngay trong thời đại Internet xuất hiện và cung cấp cho họ một giải pháp thay thế miễn phí. Một bài báo của Forbes năm 1995 đã mô tả các nhà khoa học bắt đầu chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình qua các trang web và đặt câu hỏi liệu Elsevier có phải là “Nạn nhân đầu tiên của Internet” hay không. Nhưng, như mọi khi, các nhà xuất bản hiểu rõ thị trường hơn các học giả.
Năm 1998, Elsevier đưa ra kế hoạch cho thời đại internet, sau này được gọi là “The Big Deal – Thỏa thuận Lớn”. Nó cung cấp quyền truy cập điện tử vào hàng trăm tạp chí cùng một lúc: một trường đại học sẽ trả một khoản phí cố định mỗi năm và bất kỳ sinh viên nào hoặc giáo sư có thể tải xuống bất kỳ tạp chí nào họ muốn thông qua trang web của Elsevier. Các trường đại học đã lập tức đăng ký hàng loạt.
Những người dự đoán sự sụp đổ của Elsevier đã giả định rằng các nhà khoa học chia sẻ thành quả của họ trực tuyến miễn phí sẽ có thể vượt qua Elsevier bằng cách thay thế chúng từng chút một. Để đáp lại, Elsevier đã tạo ra một bước chuyển mình hợp nhất hàng nghìn công ty độc quyền nhỏ bé của Maxwell thành một công ty lớn đến mức Elsevier trở thành một nguồn tài nguyên cơ bản – chẳng hạn như nước hay điện – mà các trường đại học không thể tồn tại nếu không có nó. Trả tiền, và bóng đèn khoa học vẫn sáng, nhưng nếu từ chối, một phần tư tài liệu khoa học sẽ bị tắt. Cách này đã tập trung quyền lực to lớn vào tay các nhà xuất bản lớn nhất, và lợi nhuận của Elsevier bắt đầu tăng mạnh, đưa họ đạt được con số hàng tỷ vào những năm 2010. Vào năm 2015, một bài báo của Financial Times đã khẳng định việc kinh doanh của Elsevier “không thể bị tiêu diệt bởi internet”.
Câu trả lời của Elsevier
Elsevier cho biết mục tiêu chính của họ là tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu khác. Một đại diện của Elsevier lưu ý rằng công ty đã nhận được 1,5 triệu bài báo gửi vào năm ngoái và xuất bản 420.000 bài; 14 triệu nhà khoa học ủy thác cho Elsevier công bố kết quả của họ và 800.000 nhà khoa học quyên góp thời gian để giúp họ chỉnh sửa và phản biện. “Chúng tôi giúp các nhà nghiên cứu năng suất và hiệu quả hơn,” Alicia Wise, phó chủ tịch cấp cao của mạng chiến lược toàn cầu, nói với tôi. “Và đó là một lợi ích to lớn cho các tổ chức nghiên cứu và cho các nhà tài trợ nghiên cứu như chính phủ.”
Về câu hỏi tại sao nhiều nhà khoa học lại chỉ trích các nhà xuất bản tạp chí đến vậy, Tom Reller, phó chủ tịch phụ trách quan hệ doanh nghiệp tại Elsevier, cho biết: “Chúng tôi không nhìn vào những phản đối của họ. Chúng tôi xem xét các con số [chứng minh việc các nhà khoa học tin tưởng vào kết quả của họ cho Elsevier] và điều đó cho thấy chúng tôi đang làm rất tốt”. Khi được hỏi về những lời chỉ trích đối với mô hình kinh doanh của Elsevier, Reller cho biết trong một email rằng những lời chỉ trích này đã bỏ qua “tất cả những điều mà các nhà xuất bản làm để gia tăng giá trị, ngoài và thậm chí hơn những đóng góp mà nguồn tài trợ của khu vực công mang lại”. Đó, ông nói, là những gì họ đã tính phí.
Quyền truy cập mở và Sci-hub: những ý tưởng có thể chấm dứt hệ thống hiện tại
Kể từ đầu những năm 2000, các nhà khoa học đã ủng hộ một giải pháp thay thế cho xuất bản được gọi là “truy cập mở”. Điều này giải quyết những khó khăn trong việc cân bằng các yêu cầu khoa học và thương mại bằng cách các nhà khoa học trả trước một khoản phí để làm chi phí biên tập. Sau đó bài báo sẽ được đảm bảo rằng có thể truy cập vĩnh viễn miễn phí cho bất kỳ ai. Nhưng bất chấp sự hậu thuẫn của một số cơ quan tài trợ lớn nhất trên thế giới, bao gồm Quỹ Gates và Quỹ Wellcome Trust, chỉ có khoảng một phần tư bài báo khoa học được cung cấp miễn phí theo cách này.
Ý tưởng rằng nghiên cứu khoa học nên được cung cấp tự do cho bất kỳ ai là một mối đe dọa chấm dứt hệ thống hiện tại – vốn dựa vào khả năng hạn chế quyền truy cập vào tài liệu khoa học của các nhà xuất bản để duy trì lợi nhuận khổng lồ của nó. Trong những năm gần đây, sự phản đối triệt để nhất đối với hiện trạng này đã tập hợp lại xung quanh một trang web gây tranh cãi có tên là Sci-Hub – một loại trang web lậu dành cho khoa học, cho phép bất kỳ ai tải xuống miễn phí các bài báo khoa học. Người tạo ra nó, Alexandra Elbakyan, người Kazakhstan, đang ở ẩn, đối mặt với cáo buộc hack và vi phạm bản quyền ở Mỹ.
Elbakyan là một người kiên định một cách không tưởng. “Khoa học nên thuộc về các nhà khoa học chứ không phải các nhà xuất bản,” cô ấy nói với tôi trong một email. Trong một lá thư gửi tới tòa án, bà đã trích dẫn Điều 27 của Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới của Liên hợp quốc, khẳng định quyền “được chia sẻ trong tiến bộ khoa học và những lợi ích của nó”.
Dù số phận của Sci-Hub ra sao, có vẻ như sự thất vọng với hệ thống hiện tại đang ngày càng lớn. Nhưng lịch sử cho thấy việc chống lại các nhà xuất bản khoa học là một bước đi mạo hiểm. Rốt cuộc, trở lại năm 1988, Maxwell dự đoán rằng trong tương lai sẽ chỉ còn lại một số công ty xuất bản vô cùng hùng mạnh và họ sẽ tập trung kinh doanh trong thời đại điện tử mà không cần chi phí in ấn, dẫn đến gần như “lợi nhuận thuần túy”. Điều đó nghe rất giống thế giới chúng ta đang sống hiện nay.
Lược dịch từ
Stephen Buranyi. Is the staggeringly profitable business of scientific publishing bad for science?. The Guardian
--- Bài viết này có hữu ích không? ---
Nhấn sao để đánh giá!
Đánh giá trung bình 0 / 5. Số đánh giá: 0
Chưa có đánh giá.